Đám cưới con trai lớn của tôi mới hơn
hai tháng mà tôi đau đầu muốn nổ não vì phải phân xử, giải hòa giữa vợ chồng
nó ba lần. Mà nào có phải tụi nó bị ép duyên hay là mới quen nhau năm
ba bữa gì rồi cưới vội! Tụi nó quen nhau bốn năm rồi. Từ hồi con nhỏ mới học
lớp mười một, dẫn về nhà tôi, cái mặt thì non choẹt mà bộ điệu thì phải nói
là sành điệu ăn chơi. Bây giờ con nhỏ đã
học xong Cao đẳng, đang chờ xin việc. Vậy là trong bốn năm đó, nó ra vào lên
xuống, ăn ở nhà tôi như nhà nó. Đến mức chị chồng nó, tức là con gái tôi – đã
lấy chồng, có hai đứa con – mỗi lần về nhà, không biết đồ vật gì để ở đâu thì
hỏi con “em dâu tương lai”. Trong suốt
bốn năm yêu nhau đó, tôi cũng đã chứng
kiến không ít lần tụi nó giận nhau, đập lộn nhau rồi lại hề hề làm hòa. Nói thật, có lẽ trên đời
này chỉ có tôi là một. Bởi tôi đã nhiều lần xúi con bé bỏ thằng con trai tôi,
với lí do rất rõ ràng “Cô là mẹ nó, mà cô không thấy nó có cái mặt nào tốt hết,
vậy con yêu nó chi cho khổ. Bỏ quách đi, rồi kiếm đứa khác mà lấy.” Tôi chân
tình khuyên, nó không nghe, tưởng tôi nói dỗi hay sao, và rồi tụi nó cứ xáp
tới. Con gái tôi biết tính thằng em
trai là ngang ngược, với lại nó cũng
muốn vun quén cho em, nên trách tôi rằng sao cứ bàn ra, bộ không muốn thằng nhỏ
có vợ hay sao. Khi con trai tôi về hối mẹ đi cưới, tôi đi xem thầy bói – mặc dù
thực bụng tôi chả tin mấy - Và quả thực,
thầy nào cũng phán nghe lạnh xương sống “Cưới con nhỏ đó về thì gia đình bà chỉ
có tán gia bại sản” hoặc “Cưới con đó về thì hoặc là nó chết, hoặc là bà chết,
chứ thằng con bà mạng nó lớn lắm, nó không sao. Tui khuyên bà đừng cưới thì
hơn.” Tôi về thuật lại lời thầy bói,
thằng con tôi nạt ngang, bảo mẹ toàn đi nghe chuyện mê tín. Tôi nghĩ, mình cũng
đã đủ đời, nếu quả có phải chết, cũng chả hối. Chỉ tội là tội con nhỏ, mẹ nó có
mình nó, rủi vì cưới con mình mà nó bị sao, thì tội quá. Nhưng đâu có cản được,
khi tụi nó đã quyết. Ừ, thì tụi nó đã muốn, tôi cũng cắn răng tổ chức, dù trong
bụng không vui. Tôi nghiệm ra thời buổi này “Con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”
mới đúng.
Lần đám cưới này, tôi rất hạn chế khách
mời. Bởi tôi đã tổ chức cưới xin cho con đến lần thứ ba. Mà nhìn chung quanh
mình, từ cơ quan đến hàng xóm, nhà ai cũng chỉ từ một đến hai con, mời họ đi
đám cưới con mình hoài, ngại quá. Ban đầu tôi còn định không mời anh em đồng
nghiệp trong đơn vị nữa kia, mà bọn nó biết, la ó quá xá, trách móc đủ điều. Vậy
là phải mời, mà bụng cũng rất chi là ngại. Tiệc cưới rất đông, toàn là khách
của đàng gái và bạn bè của hai đứa nó.
Bạn bè tôi, sau này hay tin, trách ơi là trách, nhưng tôi cũng đành chịu, bởi
“ma chê cưới trách” mà.
Thằng con tôi, tuy là trai lớn, nhưng
lại cưới sau thằng em út. Bởi nó lận đận chuyện học hành, mãi đến năm nay, ba
mươi tuổi mới xong đại học. Không phải
nó dốt, nó cực thông minh, mà nó ăn chơi, lêu lổng nên tính từ khi thi
vào đến khi tốt nghiệp, nó phải học đại học mười năm! Số là nó học Đại học Bách
khoa thành phố Hồ Chí Minh, được ba năm, chơi nhiều hơn học, nên điểm thì lẹt đẹt mà tiền mẹ
gửi vào thì không bao nhiêu cho đủ. Nó đi làm thêm, bưng bê cho quán, đem hàng
cho thực khách gọi theo điện thoại, bị ngã xe máy. Hồi đó, chưa có quy định
phải đội mũ bảo hiểm, nên nó bị chấn
thương sọ não, nứt sọ, nằm viện cả
tháng. Tôi bảo nó nghỉ Bách khoa, về nhà thuốc men, khi nào khỏe lại thì thi vào trường nào nhẹ nhàng hơn, học ở Quy
Nhơn, gần nhà đỡ tốn kém và tách bớt lũ bạn ăn chơi trong thành phố. Nó về nhà,
trong bốn năm liền, chỉ toàn chơi, ăn nhậu, tiêu không biết bao nhiêu tiền của
mẹ, dù mẹ chỉ là một cô giáo cấp hai, quanh năm cắm mặt với giáo án. Rồi đến
khi mòn mỏi, chịu không thấu, tôi ra tối
hậu thư cho nó “Bệnh tình đã bớt rồi thì hoặc là mày phải đi học lại, hoặc đi làm, công nhân hay xe ôm gì cũng
được, tự nuôi thân. Tao sắp nghỉ hưu, không nuôi mày nổi nữa, nói cụ thể là tao
chỉ nuôi mày ăn học, không thể nuôi mày ăn chơi được! Nếu mày chịu học, thì từ
nay đến khi tao nghỉ hưu, mày tốt nghiệp tự nuôi thân được”. Nghe nói vậy, nó
bảo tôi là để nó đi học lại. Và năm đó, nó tự ôn, nó bảo tiền đi ôn thi, mẹ cho
con tiêu, con tự học. Nó đậu thật, đậu Đại học Quy Nhơn, Khoa Tài chính ngân
hàng. Vì nó rất thông minh. Ngày còn bé, nó vốn là niềm tự hào của trường, của
gia đình, liên tục là học sinh giỏi, ba
lần thi Quốc gia về môn Toán (Hồi đó còn tổ chức thi Quốc gia cả cấp một và cấp
hai).
Nó vào đại học, lần này học tại Quy
Nhơn, tôi cũng đỡ phải hàng tháng gửi
tiền. Nhưng thay vì tu chí học hành, nó
còn ăn chơi tợn hơn. Bao nhiêu phen tôi phải vay mượn tiền để chuộc xe máy hoặc
là mua xe khác. Nó cầm, bán xe liên tục. Tôi làm như điên, ngoài giờ dạy ở trường, tôi chạy
khắp thành phố dạy kèm, dạy gia sư… mà luôn luôn túng quẩn. Bạn bè đồng nghiệp
nói đùa kiểu chơi chữ “ Bà già mà còn dại trai, nuôi trai trẻ” Thì đúng thế thật.
Con trai, sức dài vai rộng mà báo mẹ đến chừng ấy, chả phải mẹ dại trai, nuôi
trai trẻ là gì.
Rồi bốn năm cũng trôi qua. Nó tốt nghiệp
Đại học. Xin được việc làm cho nó xong, làm ở một ngân hàng tại thành phố Quy
Nhơn, tôi nghĩ chuyện lo vợ cho nó. Dĩ
nhiên là nó yêu cầu, chứ tôi cũng đâu có ưng. Bạn bè chúc mừng tôi, tưởng rằng
từ nay tôi có người gánh vác bớt, cụ thể là đỡ mỏi miệng với nó, vì đã có vợ nó
quản. Nhiều người trong trường cứ khen tôi mãi, vì ba tụi nhỏ chết mấy chục năm
rồi hồi bọn nó chỉ là lũ trứng gà, trứng vịt. Mà tôi ở vậy nuôi con cho đến bây
giờ. Thực lòng tôi tự cho rằng mình xứng đáng với lời khen ấy. Một tay chèo
chống, tảo tần nuôi con, bây giờ ba đứa
đều cũng đã học hành tử tế, có công việc ổn định, thành gia thất hết, cháu nội cháu ngoại tôi đã có
đủ, không tự hào sao được.
Trở lại chuyện hậu đám cưới. Nói không
ngoa chút nào, tui nó cưới mới chưa đầy ba tháng, trừ thời gian ngay sau ngày
cưới thằng con tôi phải đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh mất hai tuần, thì còn đâu khoảng
bảy tuần. Nghĩa là tụi nó chỉ sống với nhau chừng ấy ngày, mà đập lộn ba lần.
Và lần nào con dâu cũng bỏ về nhà mẹ nó. Mà lần sau thì về lâu hơn lần trước,
cứ như là cấp số nhân. Cụ thể, lần đập
lộn thứ nhất, nó bỏ về hai ngày. Lần đó tôi ủng hộ con dâu, vì tôi phản đối
việc con tôi đánh vợ. Thời buổi này, chứ có phải thời phong kiến, chế độ nam
quyền đâu mà bạo hành vợ con theo kiểu “Chồng chúa vợ tôi”. Ông con tôi biết
sai, xuống năn nỉ, ỉ ôi, rồi cũng dẫn được vợ về. Rồi lại đập tiếp. Lần này con
dâu bỏ về một tuần. Nó đi không cho tôi biết, tự gói ghém đồ đạc, lặng lẽ đi.
Thằng chồng về, lồng lộn, rồi xuống quậy dưới nhà vợ. Bức xúc, con bé phải đi ở
nhà trọ. Cả tuần không thấy nó về, tôi nhắn bà sui, gọi nó lên, phân giải. Rồi
nó cũng về. Chưa được hai ngày, tụi nó lại cãi nhau, đập nhau. Tôi can gián
không được. Nghĩ thương con dâu ghê gớm. Tôi nói hoài với con gái mình là nhà
con dâu vô phước nên mới gặp thằng chồng hung hăng, vũ phu như thằng con mình.
Mà có lí do gì đâu. Con dâu còn nhỏ, thua chồng nó chín tuổi, còn ham chơi, lại
hát hay, máu văn nghệ. Nên ông con tôi suốt ngày cứ ghen bóng ghen gió, kiểm
tra giờ giấc của vợ. Thậm chí, con nhỏ được nhà trường cử đi thi “Tiếng hát
Sinh viên” toàn tỉnh, mà thằng chồng cũng không chịu cho đi. Con nhỏ cãi lời,
cứ đi, đạt giải, nhưng về bị chồng đập. Và lần thứ ba, nó đi luôn năm tuần.
Trong suốt thời gian đó, nó trốn chứ cũng không dám về nhà mẹ nó, vì thằng
chồng trực ở đó. Nó ám ảnh tới mức mất vía. Bà sui khóc lên khóc xuống. Tôi gọi
điện hỏi thăm, bà bảo mất con, vì nó đâu có về nhà.
Thằng con tôi đi tìm vợ khắp nơi. Nó cầu
cứu tôi, nhờ tôi gọi điện kêu vợ nó về. Tôi không . Cho nó biết lễ độ. Tôi cũng
bực con dâu. Nó giận chồng, chứ mẹ chồng thương yêu nó, sao nó đi mà không một
lời, rồi hơn tháng qua, nó cũng chẳng gọi điện về hỏi han. Ông con tôi xuống
nước hoài không được, bèn chuyển qua phương án khác. Ổng mời bà mẹ vợ lên, viết
giấy li dị, kí trước mặt hai bà mẹ - không có vợ nó – Bà mẹ vợ khóc quá trời,
nghĩ thương con, mà cũng không thể thay nó giải quyết chuyện gì. Đúng là chiêu
đó của thằng con tôi có kết quả. Sau bữa nó viết giấy mấy hôm, nó làm bộ, chứ
đâu có nộp tòa, thì vợ nó nhắn tin, xin lỗi tôi. Sau đó, con nhỏ gọi điện xin
được trở về. Tôi mừng lắm. Nhưng lần này phải dằn mặt cả hai đứa. Tôi yêu cầu
mẹ nó phải dẫn nó lên, hứa hẹn thế nào tôi mới cho về. Trước mặt hai bà mẹ, hai
đứa xin lỗi, hứa hẹn và muốn có cơ hội lần nữa. Dĩ nhiên, tôi rất mừng. Bà sui
cũng vui đến phát khóc. Hai mẹ đều muốn con hạnh phúc, nên còn mong muốn gì hơn
thấy tụi nó làm hòa với nhau.
Con gái tôi nghe tin cũng cười rỡ ràng
trong điện thoại. Nó bảo phải tranh thủ xuống chúc mừng “Mợ ba”. Tôi chưa báo
tin cho thằng út. Nó đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Có lẽ vài bữa phải
báo cho con dâu út, để nó cho chồng nó biết.
Đêm đêm, tôi vẫn cầu nguyện cho lũ con
tôi, tất cả từ con gái, con trai, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại được an
lành, hạnh phúc. Đặc biệt, với ông con “ngựa chứng” của tôi, tôi đã tốn không
biết bao nhiêu lời cầu nguyện. Dẫu có phải đánh đổi thứ gì, tôi cũng chỉ mong
được thấy nó sống tốt hơn. Tâm nguyện này, tôi không mong mỏi gì hơn.
T.T.H
Hoa ơi, bạn là một người mẹ tuyệt vời! Ông con "ngựa chứng" sẽ sớm nhận ra thôi. Mình tin như vậy! Chúc bạn vui, khỏe!
Trả lờiXóaMột bài viết hay, xúc động. Một người phụ nữ đáng được kính trọng. Cảm ơn HQN, cảm ơn tác giả Tạ Thị Hoa đã cho tôi hiểu thêm thế nào là sự thiêng liêng của tình mẹ dành cho đứa con của mình!
Trả lờiXóaChào Minh Triều. Mình vốn là dân ngoại đạo với mấy cái vụ viết lách văn chương. Là bạn học cũ với Hữu Duyên, bữa rồi anh ấy gọi điện hỏi thăm, rồi rủ rê quá. Mình cũng thử tập tành lăng nhăng ghi lại mấy chuyện đang bức xúc. Thấy bạn ưu ái, dành cho những lời động viên, mình cảm ơn nhiều. Mong rằng sẽ còn dịp chia sẻ với bạn. Chúc bạn vui, khỏe.
XóaMột câu chuyện rất đời thường nhưng toát lên hình ảnh người mẹ chẳng hề bình thường tí nào: Tạ Thị Hoa!
Trả lờiXóaCảm ơn bài viết đã cho người đọc nhận ra tình thương con của người mẹ chẳng phải chỉ là "cho tiền" mà còn có cả sự thông hiểu, thuyết phục, cứng rắn... để đứa con nên người!
Hoa vẫn khỏe luôn chứ!?
Ứ, bộ Ngô Cư hổng thấy tui quá khỏe trong lần họp mặt vừa rồi sao.
XóaCảm ơn bạn cũ, mình đã đọc và thấm thía với nhiều bài thơ của Cư lắm đấy.Công nhận là chàng thơ quá nhiều tình cảm, mộng mơ, dù tóc mai đốm bạc, hí hí. Hẹn gặp lần sau nghen.