Huệ dắt xe
ra đến cửa, trước khi đề máy, còn ngoái lại nhìn chồng đang lúi húi với mấy
chục cái lồng chim. Thực ra Hiền, chồng Huệ dậy từ sớm, lúc Huệ mở cửa chạy ra
chợ mua thức ăn để còn về kịp dạy tiết đầu, đã thấy Hiền ra sau súc miệng.
Nhưng cho tới giờ, Huệ cũng vẫn chưa thấy Hiền lên dọn hàng, mà còn say sưa cho
chim ăn, thay nước, bỏ mồi…Đôi lúc bực ghê gớm với lũ chim cò vô tích sự của
Hiền, nhưng đành nuốt trôi cục tức, rồi tự an ủi rằng thôi thế cũng còn hơn là
để chồng oặt oẹo, nằm lên nằm xuống như người nghiện lâu năm. Cảnh Hiền nằm lên
nằm xuống ấy, Huệ quen rồi, nhưng mẹ Huệ, bà Bông, lâu lâu mới từ Quy Nhơn lên
chơi, thì không thể quen nổi. Bà coi thường Hiền, đánh giá anh chẳng khác gì
đứa con nít to xác, có khi còn không biết tự lập bằng hai đứa cháu ngoại, con
của Hiền – Huệ , hai nhỏ Trâm và Diệu, cách nhau hai tuổi. Huệ lầm bầm trước khi rồ ga, sau đó cô dặn
chồng mà cái mặt thì đăm đăm:
-
Anh coi dọn hàng đi nghen, trưa trật rồi đó!
Dạy xong năm
tiết, Huệ tất bật ra nhà xe, dắt được cái con ngựa sắt ra đến ngoài khỏi cái tổ
hợp mấy chục chiếc xe quả là không dễ. Mấy vị ra sau Huệ, thấy cô đang lách
người khổ sở, đến giúp cô đưa xe ra cổng, và không quên những lời chọc ghẹo:
-
Vội thế cô Huệ, sợ anh Hiền khát sữa hả?
-
Ước gì tui cũng có bà xã giỏi giang và chăm chồng như
cô thì hạnh phúc biết bao!
Huệ len lỏi
giữa dòng xe cộ của cả giáo viên và học trò, cố phóng nhanh về còn nấu cơm kẻo
trưa. Chắc ở nhà Hiền cũng đã ghim giùm nồi cơm điện. Bây giờ về, Huệ chỉ phải
nấu thức ăn, mà Huệ thì làm nhanh lắm. Chỉ nhoáng một tị, cả nhà đã có cơm ăn.
Từ xa, Huệ
bỗng thấy tim đập thình thịch khi nhìn thấy đám đông lố nhố ở cửa hàng mình.
Trời ơi, chuyện gì vậy, anh Hiền bị sao hả, hay là cửa hàng bị cướp… Hai đứa nhỏ,
giờ này còn ở trường bán trú nên Huệ không lo lắm, có lo là lo cho ông chồng
trẻ con của cô mà thôi. Cô về đến cửa, vừa kịp bật chân chống xuống, đã thấy
Hiền đứng đó, chung quanh rất đông người, mà hầu hết là đàn ông. May quá, anh
không sao. Ơn trời. Cô hỏi mà giọng còn run:
-
Chuyện gì vậy anh?
Hiền dựa
người vào cái tủ vàng, phân bua với vợ:
- Hồi nãy,
anh mới ra sau chế bình nước sôi, nghe tiếng con Ki nó sủa, chạy lên thì thấy
hai thằng đi xe máy, thằng ngồi sau, hai tay xách hai cái lồng chim anh treo
chỗ này. Không có xe, anh không rượt theo được, tức quá.
Ông Sáu Tây,
nhà bên kia đường, tiếp lời:
- Tui thấy
hai thằng nó lạng qua lạng lại rất lâu trước nhà cô chú. Tui để ý thử tụi này
tính chuyện gì. Bữa giờ báo đài đưa tin là có nhiều vụ cướp tiệm vàng táo bạo
quá, nên tui cũng cảnh giác. Ai ngờ không phải tụi nó cướp vàng mà là nó xách
chim của chú Hiền. Tui cũng chỉ kịp ú ớ, kêu bà con, nhưng không ai kịp chạy
theo.
Anh Tư Ren
tiếp lời:
- Thấy nó
chạy xe về phía bên kia sông, chắc tụi nó ở xã bên, mình không biết đâu mà tìm,
coi như mất rồi đó.
Như muốn
trút cơn tức cho hả, Hiền đá con Ki một cái thật đau, con chó kêu “ẳng”, lò cò
chạy trốn ra sau, trong lúc tiếng chửi của ông chủ vọng lại:
- Đồ chó ăn
hại, giữ nhà kiểu gì mà để trộm vô xách lồng chim của tao. Trưa nay cho mày đói
cho biết lễ độ nghen con.
Đám đông
thấy Huệ về, vả lại cũng hết chuyện để coi, để góp lời, nên bắt đầu tản dần.
Thấy vợ không nói gì từ nãy, Hiền giả lảng, đi ra sau tủ vàng, làm bộ lau lau
chùi chùi mấy hột bụi bám trên gờ tủ, dò
ý vợ. Huệ thấy bộ điệu chồng, tức cười, rồi nhớ lại sự lo lắng của mình lúc
thấy đông người, nỗi bực cũng vơi đi.
Hiền đúng
với tên cha mẹ đặt, hiền sao mà hiền. Hiền quá hóa đần. Đã vậy, lấy nhau bảy
năm nay, Huệ phải chịu đựng cái cảnh cơm đùm gạo nắm cho chồng đi khám chữa
bệnh. Thuốc uống quanh năm. Thực ra, Hiền chẳng mắc bệnh ngặt nghèo nào cả, chỉ
những bệnh xoàng mà ai cũng bị, đó là viêm xoang, là thoái hóa hai đốt sống cổ,
là đau đầu vì thiểu năng tuần hoàn não. Mà căn nguyên tất cả những bệnh ấy,
theo nhận định của bác sĩ, vì Hiền ít hoạt động, chẳng bao giờ chơi thể thao,
nên dễ mắc bệnh. Riêng Huệ, cô hiểu rõ hơn ai hết, Hiền mắc bệnh tưởng nhiều
hơn là bệnh lí từ suy nhược cơ thể. Và
cái điều quan trọng là Hiền bị trầm cảm từ sau cú sốc tâm lí do bà chị gây ra.
Bà chị Tư ấy, hơn Hiền hai chục tuổi. Thì trừ hai người con lớn, đã mất từ bé,
bà giờ là chị cả, còn Hiền thứ mười, áp út. Bà lấy chồng trên miền cao Vĩnh
Thạnh, làm ăn chăm chỉ nên giờ rất khá giả. Hiền là con trai một, sau khi thi
rớt đại học, lên ở nhà chị Tư, học nghề vàng. Khi bắt đầu ra nghề, ông già có
cho mấy lượng làm vốn, bà Tư cũng hùn mấy lượng. Nhờ cái mặt bằng của nhà bà
với cái uy tín làm ăn lâu năm trong nghề thu mua nông sản, nên nhờ trời, tiệm
vàng của chị em Hiền ngày càng khấm khá. Khi con gái lớn của bà đi xuất khẩu
lao động bên Nhật, bà đòi lại số vàng đã hùn. Chị em vẫn ở chung, tình cảm
không vì vậy mà rạn nứt. Con nhỏ đi mấy năm, gửi tiền về nhiều lắm. Thấy tiền,
bà không đắn đo, đem cất cái nhà ba mê, to nhất huyện vùng cao. Nhà mới cất
được một năm, con nhỏ hết hạn hợp đồng, ở ngoài làm chui, bị cảnh sát Nhật bắt
được, trục xuất về nước. Trước khi về, nó gọi điện bảo mẹ chuẩn bị tiền để nó
về lập gia đình, ra làm ăn riêng. Tiền ở đâu mà đưa, tiền hiện diện trong cái
nhà ngất nghểu, hoành tráng đó. Trong lúc đó, Hiền cũng vừa cưới vợ, hai đứa
bàn nhau xin chị Tư ra riêng, thuê nhà để chuyển tiệm vàng về làm ăn. Chính
thời điểm ấy, bà chị kẹt cả hai phía, phần thì con thúc đòi tiền, phần thì em
muốn tách ra. Đã đành trong cái tủ vàng nhỏ xíu kia, không còn vốn của bà,
nhưng bà cũng không cho vợ chồng Hiền tách riêng. Bà đòi chia chác một cách
ngang ngược: tính trừ số vàng ông già cho Hiền hồi mới mở tiệm, thì số dư đâu
khoảng hai chục lượng, bà bảo đó là lãi, chia đôi. Hiền đớ người, bảo vốn chị
đã rút từ bốn năm nay, lãi ở đâu nữa mà chia. Bà lí luận Hiền có bán được cũng
là nhờ uy tín của bà, mặt bằng nhà bà, nên chia như thế là hợp lí. Không muốn
mất lòng chị, Hiền cũng đành chấp nhận trong thua thiệt. Nhưng chuyện đâu phải
dừng ở đó. Vợ chồng Hiền – Huệ về đóng tủ chuẩn bị mở tiệm, thì bà lại lấn bước
nữa. Bà bảo một nửa của chị thì chị lấy, nhưng nửa của cậu Mười mày, cho chị
mượn, vàng của ông già chị sẽ về hỏi, chắc ổng cũng đồng ý để chị mượn tạm thời,
trả cho con bé Vân, đi Nhật về. Cậu mợ Mười thông cảm cho chị, vài năm làm ăn
có, chị hoàn vốn. Hiền – Huệ nghẹn đắng họng. Hai vợ chồng không chịu, vì nếu
thế thì hóa ra họ trắng tay ra khỏi nhà anh chị à. Huệ thì còn có công việc,
làm giáo viên cấp ba. Tuy lương bổng ít ỏi nhưng cũng còn gọi là có. Còn Hiền
thì không có nghề gì, hồi nào đến giờ chỉ biết mua bán, gia công vàng bạc. Mà
tay trắng thì làm sao mở tiệm. Hai vợ chồng hết năn nỉ anh chị, rồi chạy về quê
cầu cứu ông già và mấy bà chị dưới quê. Cả nhà bàng hoàng trước hành động tráo
trở của bà Tư. Tính ông già vốn kĩ, không thể ngồi yên, nên thân chinh lên định
rầy bà Tư, đòi công lí cho Hiền. Nào ngờ tận cùng của sự trở mặt, vợ chồng bà
Tư quay ngoắt cả với cha già, nói hỗn hào, đòi từ luôn ông nếu ông cứ đứng về
phía Hiền – Huệ. Ông già bỏ về ngay, tự thề với lòng coi như không có đứa con
đó. Mấy chị em còn lại cũng thương vợ chồng Hiền, không chịu được sự lừa lọc
của chị Tư nên cả nhà bàn nhau tẩy chay bà. Riêng Hiền - Huệ, các chị lại góp
nhặt, mỗi người vài chỉ, đâu được lượng rưỡi để cậu Mười làm ăn. Lúc ấy, bà
Bông, mẹ vợ Hiền phải đem giấy tờ nhà của bà ở Quy Nhơn đi thế chấp, mượn Ngân
hàng cho vợ chồng Hiền có số vốn mà bắt đầu làm lại. Sau cú sốc kinh khủng ấy,
Hiền ngả bệnh luôn. Tạng người vốn đã cao gầy, bây giờ trông như xác ve. Rồi
Hiền, vốn ít nói, trở nên câm nín hẳn. Bác sĩ nào cũng cho Hiền những toa thuốc
đặc trị, uống vài ngày đầu thấy đỡ, nhưng sau rồi lại đau như cũ. Trong suốt
bốn năm, từ ngày con bé Diệu chào đời, đến nay nó đã đi mẫu giáo lớp Mầm, không
ngày nào Hiền không uống thuốc. Hết thầy này nửa năm không bớt, lại chuyển bác
sĩ khác vài tháng. Cứ thế, Hiền đi từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Chợ Rẫy, rồi
sang bệnh viện Pháp Việt, bệnh viện Đại học Y Dược, nghe ai giới thiệu là tìm
đến. Chữa mãi không bớt, bà Bông bảo con rể :
- Mẹ nghe
người ta nói đi tập chữa bệnh bằng trường sinh học, hay lắm. Mà tập dưới Phù
Cát, ngay gần Suối nước nóng Hội Vân, gần nhà ông già con ngoài đó, hay mày thử
về đó tập ít tuần coi sao.
Hiền về quê,
tập ít hôm, rồi cũng nản, thấy lâu bớt, lại bỏ về. Chuyển qua thuốc bắc, được
cái là họ hàng bên vợ toàn là chủ tiệm thuốc bắc, nên uống toàn thuốc tốt.
Nhưng tính nôn nóng, Hiền lại không kiên trì chờ thấm thuốc, lại bỏ, quay về
uống thuốc Tây. Thời gian ấy, Hiền mệt mỏi suốt, cả ngày dặt dẹo, chỉ muốn ngủ.
Ngay cả trong lúc ngủ, nhìn bộ dạng Hiền cũng thấy rất thảm, rúm ró, nhăn nhó
như bộ xương. Huệ thương chồng, vừa lo giảng dạy, lại công tác Đoàn thanh niên
ở trường, vừa cáng đáng hết việc nhà, nào con cái, cơm nước, đồng thời thay
chồng buôn bán, để Hiền cơm gạo đùm túm đi bệnh viện.
Thời gian ấy
quả là kinh khủng với Huệ. Mới sinh con bé Diệu hai mươi ngày, cô đã phải ra
đứng bán hàng, và chu tất việc nhà. Cơ quan cho nghỉ bảo sản bốn tháng, nhưng
cô đã làm quần quật từ lúc con mới đẻ. Có lẽ con bé được trời nuôi, nên nó dễ
quá. Cứ cho bú xong đặt trên cái võng bé xíu, găng hai bên, kê gối tứ phía, nó
ngủ lăn lóc. Lúc nào dậy thì nằm kêu e e, mẹ chưa vào thì cứ nhìn trần nhà, đập
đập hai tay như múa, chờ đợi. Bà Bông mỗi lần lên thăm con, thương cháu, cứ bảo
vợ chồng Hiền sau này nếu làm ăn khá lên, phải bù sớt nhiều hơn cho con bé
Diệu, vì nó chịu thiệt thòi từ bé.
Huệ có cậu
em trai, tên là Đức đang còn lông bông chưa có việc. Đức chơi chim thạo, trong
nhà lúc nào cũng năm bảy lồng, đủ loại, từ chim chích chòe lửa, chích chòe
than, đến cả chim đội mũ. Mỗi lần xuống nhà mẹ vợ, Hiền thích thú trước các
lồng chim ấy, hỏi han em vợ đủ điều, từ cách cho ăn, cách tắm rửa đến cả các
giai đoạn sinh trưởng của chim. Và sau những lần ấy, vô tình Hiền đã nhiễm niềm
đam mê nuôi chim cảnh của cậu em vợ. Và
Hiền chơi chim, bắt đầu chỉ có vài lồng, giờ thì anh nuôi những ba chục con, đủ
loại, như một vườn chim. Cái nhà thuê, bé bằng mắt mũi, đồ đạc thì linh tinh,
cái tủ vàng ngự hết gian trên, rồi hai bên tường là những dãy tủ, kệ với đủ thứ
sách vở, văn phòng phẩm, hàng lưu niệm. Số lồng chim mấy chục cái của Hiền được
anh tận dụng cả khoảng không gian bên trên, treo lủng lẳng từ ngoài hiên, trong
nhà cho đến dưới bếp. Coi như ai cũng phải đội lồng chim mà đi. Bực hơn cả là
khi chim mổ thức ăn hay rỉa lông, uống nước, tụi nó vung vẩy tung tóe xuống bên
dưới, có khi làm ướt cả tóc tai, mặt mũi khách đang đứng mua hàng. Nhưng bù
lại, kể như từ khi Hiền có niềm đam mê chim cảnh, hầu như anh quên đau, ít rên
rỉ hay dặt dẹo như trước. Anh bận túi bụi với chuyện chăm sóc chim, cho ăn, tắm
rửa, quan sát nó chuyền cành, líu lo, trao đổi với cậu em vợ khi thấy chim thay
lông. Và anh cũng trở nên hoạt bát hẳn. Bây giờ, anh không ru rú trong nhà
tránh mặt mọi người nữa, anh đã có những người bạn cùng sở thích: hội chơi
chim. Sáng sáng, sau khi săn sóc bầy chim, anh tranh thủ dọn vàng ra tủ, nếu có
khách vào thì mua bán, còn rỗi thì lại ngắm chim, tiếp mấy người bạn đến để
cùng chia sẻ niềm đam mê. Bình trà ủ sẵn, khách chơi chim đến ngồi trên bộ ghế
đá trước hiên, say sưa nhìn ngắm dàn
chim đông đúc của Hiền, và anh thấy mình dường như khỏe ra, quên cả đau ốm.
Thỉnh thoảng tuyển được con chim nào đẹp, hót hay anh lại a lô cho chiến hữu
đến để cùng bàn luận. Sợ vợ nhăn nhó, anh chăm việc nhà hơn, để Huệ không có lí
do cự nự. Huệ thấy vậy cũng mừng thầm vì chồng không còn ủ rủ rên rỉ như trước.
Tất nhiên Hiền vẫn uống thuốc, nhưng tần suất đi “thăm”bác sĩ có giảm đi nhiều.
Huệ cho là điều may, âu cũng nên cảm ơn những chú chim mà Huệ vẫn đánh giá là
vô tích sự, chỉ được mỗi tài ồn ào, hót điếc cả tai, rồi phóng uế đầy lồng, hôi
hám.
Một đêm
tháng mười một. Trời mưa từ chiều, con đường chạy qua thị trấn ngập nước. Cơm
nước xong, đang định ngồi soạn giáo án, Huệ chợt nhớ thông báo của Đoàn là ngày
mai hết hạn quyên góp quần áo cũ cho vùng bão lũ. Cô chạy vội xuống thang gác,
chỉ kịp báo cho chồng là cô đi xuống hàng tạp hóa Tám Đen ở đầu cầu, mua cái
thùng cạc tông về gom quần áo cũ, mai nộp cho Đoàn trường. Chiếc xe máy của Huệ
lao vút trong mưa, để lại những vệt nước bắn tung tóe lên hai bên đường. Mười
lăm phút sau, Hiền đang xem ti vi cùng với hai con, thì anh Tư Ren hốt hoảng
chạy sang, hỏi:
-
Chị Huệ đâu anh Hiền?
-
Bả xuống hàng Tám Đen mua thùng cạc tông về gom quần
áo cũ, mai quyên cho vùng bão lũ.
-
Thôi chết, chỉ bị tông xe rồi, tui ở dưới đó mới về,
thấy nằm một đống giữa đường, mà dân dưới đầu cầu kêu là hình như cô Huệ, tui
không dám đứng lại, chạy về kêu anh xuống coi thử.
Hiền không
thở nổi. Có cục gì đè trên ngực anh, mãi một lúc sau, anh mới vùng chạy, quên
mất hai đứa nhỏ từ trong buồng chạy ra, cũng đang dáo dác . Đầu cầu, cách nhà
anh khoảng năm trăm mét, anh chạy bộ xuống dưới cơn mưa, chạy thật nhanh
mà không thấy mệt. Đến nơi, vẹt đám
người đang bu kín, Hiền nhận ra người nằm đó đúng là Huệ. Cô nằm giữa đường, bị
cả hai chiếc xe máy đè chồng lên , cái mũ bảo hiểm vẫn còn trên đầu, nhưng bị
hất ngược ra sau, quai mũ thít chặt cổ Huệ. Hiền đỡ đầu vợ lên, tháo nút mũ,
thấy tay mình đẫm máu. Huệ ngất, mắt nhắm nghiền, cả khuôn mặt, mắt mũi, tai cô
nhòe nhoẹt máu. Người tông lộn với cô là một thanh niên, cũng nằm một đống bên
kia, nhưng ngó bộ vết thương nhẹ hơn. Hiền lạc giọng nhờ bà con cô bác quanh đó
đỡ giùm hai chiếc xe đang đè lên Huệ, rồi anh vác vợ lên, chạy về hướng bệnh
viện, bất kể mưa vẫn trút xối xả. Chạy qua nhà, thấy hai đứa con được hàng xóm
trông giúp, anh tiếp tục chạy, chạy mà chân run muốn quỵ. Khi Huệ đã được bác
sĩ sơ cứu vết thương, anh mới kịp nhớ ra, vội gọi điện thông báo cho mẹ vợ, cho
mấy chị em dưới quê.
Huệ được xe
cấp cứu chở ngay trong đêm xuống bệnh viện tỉnh. Ban đầu bác sĩ trên này bảo là
cô bị bể sọ không cứu được, chở xuống Quy Nhơn mất công, chết giữa đường. Nhưng
bà Bông, mẹ vợ Hiền kiên quyết giục con rể còn nước còn tát, phải đem xuống
bệnh viện tỉnh còn hơn là nằm chờ chết. Bà gọi điện cho mấy bác sĩ quen, nhờ
giúp đỡ. Hiền chạy về nhà, thu xếp tiền nong, gửi gắm nhà cửa và hai đứa nhỏ
cho chòm xóm, rồi theo xe cấp cứu đi cùng vợ. Đêm mưa, đường trơn trợt, lầy
lội, xe không dám chạy nhanh, lòng anh như lửa đốt. Anh cầu nguyện dọc đường,
mong Phật Trời phò hộ cho vợ anh tai qua nạn khỏi, nếu không chắc anh cũng
không sống nổi.
Thực ra, Huệ
không bị chấn thương sọ não, vết thương chủ yếu là ở phần mặt, ở đuôi mắt. Vì
trời mưa, máu chảy ra hòa lẫn nước mưa, nên khi đỡ đầu cô lên, sơ cứu, bác sĩ
bệnh viện huyện ú ớ bảo là cô bị bể sọ, chắc chết. Ở bệnh viện tỉnh, Huệ được
chụp CT, siêu âm, làm mọi xét nghiệm và khâu vết thương ngay trong đêm. Những
ngày Huệ nằm viện, Hiền mới nhận ra Huệ quan trọng dường nào với anh. Dù có
phải thức suốt đêm canh bình máu, bình dịch truyền, rồi ăn ngủ vật vờ trong
viện, Hiền quên béng căn bệnh của mình, chỉ hong hóng nghĩ về bệnh tình và vết
thương của vợ. Ngay sáng hôm sau, người nhà của Hiền từ ngoài quê vào ngay. Rồi
nào là mẹ vợ, em vợ, mấy bà chị, mấy đứa
cháu Hiền thay phiên túc trực chăm sóc cho Huệ. Cô nằm viện nửa tháng, xin xuất
viện sớm để về tiếp tục điều trị trên huyện, lòng không yên vì hai đứa nhỏ
không có ba mẹ không biết ăn ngủ học hành ra sao.
Sau tai nạn
ấy, Huệ phải ra tận Viện Mắt trung ương ngoài Hà Nội để khám. Vết thương như
một kí hiệu hoa thị, nó kéo dài từ đuôi mắt phải, chạy xuống vùng mi trên, vòng
qua thái dương, xuống gò má. Lúc ở bệnh viện về, Huệ nhìn mặt mình trong gương
mà khóc ròng vì đáng sợ quá. Khuôn mặt bị nhíu hẳn về bên phải, cả vùng mắt là
một khối thẹo to tướng. Tại nơi nhô ra của xương gò má, có một chỗ lõm vì xương
bị rạn. Thị lực của cô giảm, mắt phải chỉ còn 2/10. Bác sĩ ở Viện Mắt Hà Nội,
bảo không cần mổ xẻ gì, sau này nó sẽ tự điều tiết, tăng thị lực lên. Trước mắt
là phải cắt cặp kính hỗ trợ thị lực. Nhờ cặp kính có tròng to như của thầy bói,
Huệ che được vết thẹo khổng lồ ở đuôi mắt. Bà Bông xót con, sắp xếp công việc
đi cùng Huệ ra Hà Nội khám mắt, rồi khi về, gọi điện hằng ngày nhắc Huệ nhớ bôi
thuốc chống sẹo để may ra có cải thiện hơn chăng.
Từ ngày Huệ
bị nạn, Hiền đâm ra yếu đuối hơn trước. Hầu như anh không dám xa vợ, trừ khi
phải đi khám bệnh, mua thuốc. Mỗi lần Huệ về nhà mẹ, anh dù được thông báo
trước đó, vẫn cứ hoảng hốt, lo lắng. Anh như đứa trẻ con, sợ bỏ rơi. Huệ biết
tính chồng nên khi có việc đi đâu ở lại đêm, cô đều chuẩn bị thức ăn, mọi thứ làm
sẵn để trong tủ lạnh, rồi dặn dò chồng đủ thứ. Cô gọi điện về nhà liên tục,
nhắc chồng ăn cơm, nhắc uống thuốc, nhắc đi ngủ nhớ xem lại cửa nẻo… Và bà Bông
biết y như rằng nếu Huệ ở trên đó thì có khi cả tuần không thấy Hiền gọi điện,
nhưng nếu cô về Quy Nhơn, thì Hiền gọi điện như réo. Bà vừa buồn cười, vừa bực,
thấy ông con rể sao mà yếu đuối, không thể xa vợ một ngày. Bà bảo Huệ: “ Mày về
bỏ bú thằng Hiền giùm tao cái coi, không lẽ cứ đeo theo vợ suốt đời vậy hả?”
Nói thì nói vậy, nhưng bà cũng mừng vì con mình được chồng yêu, cho dù lúc này
nhan sắc của nó có sa sút, tàn tạ hơn vì hậu quả của vụ tông xe nhớ đời.
T.T.H
Hay quá !!!! Cô nên xuất bản- chẳng mấy chốc là tái bản đâu cô ạ!!!
Trả lờiXóaTheo tôi đây là truyện ngắn đọc được. Bạn nói hơi quá đấy!
Xóa