Mấy hôm trước, tôi
vào thành phố chơi, ghé thăm một anh bạn đang là giảng viên một trường đại học.
Vào nhà, vợ chồng bạn đón tiếp khá niềm nỡ. Pha trà mời khách, cùng chồng thăm
hỏi chuyện gia đình tôi, chị vợ nhìn chồng nói, cũng là mời tôi:
- Hai anh ngồi nói
chuyện chơi, em đi chuẩn bị cơm nước, mời anh ở lại ăn cơm tối với gia đình!
Tôi vội nói:
- Thôi, chị ơi! Cơm
nước làm gì! Để rồi hai anh em ra quán nhậu chơi!
- Ở nhà nhậu đi! Em
làm vài thức nhắm cho hai anh uống rượu. Uống rượu có rượu, muốn bia có bia,
toàn thứ xịn không hà! Học trò biếu để đầy kia kìa! Ra quán chi cho tốn tiền!
Chuẩn bị xong đồ nhắm cho các anh, em lên lầu nghỉ! Anh em lâu ngày gặp nhau cứ
tha hồ tâm sự!
Tôi cười cười:
- Chị thông cảm! Tôi
ở quê, lâu lâu vào thành phố, cũng muốn nhìn cuộc sống thành thị chút ít, cho
đỡ nhớ!
Anh bạn tôi nói đỡ:
- Thôi em à! Để hai
anh em đi chơi một chút, cho có không khí thành phố!
Anh chở tôi dạo quanh
một vòng phố xá. Đến đâu anh cũng chỉ ba cái công trình, lâu đài, vườn hoa mới
lạ. Chỗ này ngày xưa là thế, bây giờ là thế. Ông thấy Sài Gòn đẹp, hiện đại hơn
nhiều phải không? Tôi là dân ruộng ở miền Trung xa xôi, nhưng lạ quái gì chuyện
Sài Gòn. Ngày xưa tôi học đại học ở đây, bốn năm trời, một mình một xe honda,
chơi nhiều hơn học, tôi thường phóng xe chạy rông khắp các đường phố, rồi quành
vào những con hẻm, khám phá hết các ngóc ngách của Sài Gòn. Thời gian sau này,
con cái học và ra làm việc ở thành phố này, năm nào tôi không vào chơi vài ba
bận, lấy xe máy của con mà đi thăm lại phố xá với ngõ ngách năm xưa. Tất nhiên
Sài Gòn thay đổi và mở rộng rất nhiều, nhưng những điều anh nói, những chỗ mà
anh chỉ chỏ, tôi đều biết cả. Tuy nhiên, anh nói, tôi vẫn làm ra vẻ ngạc nhiên,
hồ hởi tán thành, cho anh vui. Mà hình như trong câu chuyện của anh, nói hiện
tại là để nhắc lại ngày trước, cái thời mà tôi và anh học hành ở đây với bao kỷ
niệm.
Chiều muộn, anh quành
xe về lại quận 10, đưa tôi vào một quán nhỏ trên đường phố gần nhà anh. Quán
nhỏ, nhưng thức nhắm thì ngon, chắc là chỗ quen, mấy cháu phục vụ quen mặt bạn
tôi, gọi khách là thầy. Tôi bảo anh kêu ít thôi, nhưng anh cũng gọi ba món, một
thùng bia Heineken. Thôi muốn gọi gì thì gọi. Đi với anh bạn này thì yên tâm
rồi. Tôi với anh cùng quê, cùng tuổi, nhưng tôi dạy Trung học ở quê và đã về
hưu ba năm rồi, anh bạn này thì dạy Cao đẳng Sư Phạm, nay lên cấp là Đại học
Sài Gòn. Tất nhiên anh bạn này học sau tôi, khai nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi giờ
lương hưu hơn bốn triệu, còn anh bạn đương chức thu nhập gần ba chục triệu một
tháng, có trả tiền một bữa nhậu đãi bạn nơi quán nhỏ này thì nhằm nhò gì. Có
thắc mắc, thì chắc chắn anh bạn sẽ nói: Chuyện nhỏ như con thỏ, cứ vô tư đi!
Tôi có tật ít nói.
Nhất là khi nhậu thường câm như hến. Nâng ly thì không thua ai, cứ lầm lì mà
uống. Bạn bè phê phán cũng đành chịu, bởi biết nói gì đây! Nói ba cái chuyện
tào lao như các anh khác thì tôi không thích, còn bàn những chuyện cao siêu lúc
này, thì tôi mù tịt. Hình như tôi chịu ảnh hưởng triết lý của Nicos Kazantaki
sao đấy! Như Alexis Zorba: Giờ nào việc ấy! Nhậu thì tập trung nhậu, uống cho
ra trò! Tất nhiên anh nào nói là quyền của họ, miễn uống theo chế độ, mỗi người
mỗi chai (lon) phải hết. Trong nửa giờ đầu, anh và tôi đều ít nói, có mời uống
cũng chỉ nâng ly ra hiệu! Cũng có trao đổi ít câu, nhưng toàn chuyện không đâu,
nói cũng được, không nói cũng được. Cứ thế mỗi người làm hết bốn lon khỏe re!
Khui xong lon thứ
năm, anh bạn tôi bắt đầu nói, nói với tôi nhưng chủ yếu là độc thoại. Giọng anh
thủ thỉ thầm thì khá quyến rủ, cái giọng truyền cảm của ông thầy giáo dạy văn
giảng qua micro trên giảng đường và những cours luyện thi đại học đông
nghẹt học trò. Nhưng lúc này anh kể với tôi những kỷ niệm thời thơ ấu ở quê của
mình. Ngày ấy anh cũng côi cút khổ sở lắm. Ba đi tập kết, mẹ ở nhà lấy chồng
khác, anh ở với ông chú ruột. Học Tiểu học, nhà chú cách trường trên ba cây số,
cứ thế mà ngày hai buổi lội bộ đến trường. Mùa mưa lụt nước nổi mênh mang, cũng
cố lội nước mà đi học. Mẹ có chồng ở phương xa. Nhớ mẹ quá, có lần anh trốn
học, cặp sách mà băng đồng đi thăm mẹ. Có dễ đâu! Một đứa trẻ tám, chín tuổi,
đi bộ hơn chục rưỡi cây số, cứ nhắm hướng nhà mẹ mà băng đồng bươn tới. có lần
gió thổi mũ bay xuống ao, kiếm cành cây khều, quá đà ngã dúi xuống ao sâu, ướt
hết áo quần, may mà bíu được bụi cỏ khá chắc mà lần lên. Lần đó và vài lần nữa,
khi thì đi học mùa mưa, khi thì theo bạn đi tắm ở đập nước, suýt chết đuối. Anh
miên man kể chuyện, có lúc hỏi gợi lại nơi tôi một đoạn đường ở quê. Mắt anh
đỏ, không biết do uống bia đã nhiều, hay đang rưng rưng trong dạ. Sau một đoạn
hồi ức, để tránh xúc động nhiều cho cả tôi và anh, tôi đưa ly mời và cùng anh
vô một ly trọn lỏn!
Thức ăn khá nhiều,
nhưng tôi và bạn cầm đũa thì ít, nâng ly thì nhiều. Cứ thế, qua lon thứ sáu,
thì từ ngoài cửa một cháu bán vé số lết vào. Trời! Một cô gái tuổi đôi mươi,
khuôn mặt xinh xắn, sáng như trăng rằm, cụt cả hai chân, ngồi bệt lết trên tấm
bìa cứng. Anh bạn tôi vẫy cô gái lại và lấy mười tờ vé cùng một số. Trả tiền
xong, hết năm mươi nghìn, anh đưa biếu cô gái bán vé số hai tờ, cho hai cô bé
phục vụ mỗi người hai tờ, anh đưa tôi hai tờ, và còn hai tờ phần anh. Anh bảo,
nếu có phúc trúng số, thì cùng hưởng!
Cô gái vé số lết lại
chỗ tôi ngồi, chìa xấp vé mời mua. Tôi nhìn cháu, hỏi nhỏ:
- Chú không mua vé
số, nhưng chú muốn biếu cháu hai mươi nghìn, cháu có đồng ý nhận không?
Cô gái nhìn thẳng vào
mắt tôi, nụ cười rất tươi, đáp:
- Dạ không!
Tôi ngạc nhiên hỏi
lại:
- Sao anh bạn chú cho
cháu hai tờ vé số thì cháu nhận, còn với chú thì không?
- Chú thấy đó, với
chú ấy, thì là sự sẻ chia cái phúc nếu có, cho mọi người. Còn chú cho cháu tiền
vì lòng thương hại. Cháu bán vé số để kiếm sống, chứ cháu không đi ăn xin! Cháu
không xin chút lòng thương hại của ai cả!
Cô gái cúi mặt, nói
thêm: “Dù sao, cháu cũng cảm ơn chú!” Nói xong, cô lết sang bàn khác, để lại
nơi tôi một nỗi bàng hoàng. Tôi là dân nghèo ở quê, nên cũng chỉ thoáng chút
ngạc nhiên thôi, chứ nếu tôi là một ông chức to giàu sụ nào đó, chắc phải thẹn
đỏ mặt trước nhân cách của cô gái khổ sở này!
Bạn tôi nhìn tôi mỉm
cười thông cảm, đưa ly bảo:
- Chuyện nhỏ, bỏ qua!
Nào, dô một cái!
15.7.12
N.Q.Q
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét