Khi cả nhà đang ăn cơm
trưa, nó bước vào. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi: lóm thóm, khép nép, và
trông rất dơ dáy. Lông nó màu xám, khô khốc. Là con mèo, một con mèo hoang,
lang thang, vô chủ. Nó ngước lên nhìn tôi, ánh mắt như van lơn. Có lẽ nó đói
lắm rồi. Tôi gắp một cộng rau cải luộc thả xuống, cách xa chỗ tôi ngồi một tý,
vì sợ nó đói rồi cấn ẩu thì phải tiêm ngừa dại, khổ lắm, vừa tốn tiền vừa nóng
người, ảnh hưởng sức khỏe. Nó cuối mặt xuống ăn ngay, còn cái đuôi thì ngoắc
qua ngoắc lại. Rồi nó lại ngước lên nhìn tôi kêu “meo, meo, meo”. Tôi lại cho
nó ăn. Tôi bắt đầu quan sát thật kỹ con vật lần đầu tiên đến gần tôi, và được
tôi cho ăn. Khi đã qua cái đói, nó ngước mắt nhìn tôi và bước chầm chậm lại
gần. Dường như nó cũng dè dặt, bởi có lẽ nó cũng từng dính đòn của con người
nếu đến gần. Khi người nó chạm vào bàn chân tôi nhè nhẹ, tôi mới thấy sự cẩn
thận và lo lắng của tôi vừa rồi là vô ích. Rồi cái đầu nó đưa qua đưa lại cạ
vào ống quyển tôi như bày tỏ sự biết ơn. Tôi cảm nhận được điều ấy và cái cảm
giác thú vị khang khác đang đến với tôi thật bất ngờ. Khi đến giờ nghỉ trưa của
cả nhà, tôi tìm một chiếc áo cũ lót ở một góc nhà để cho nó nằm. Nhưng không,
nó chọn phần dưới cái giường xếp của tôi đang nằm nhảy lên, mặc dù trước đó nó
chần chừ, lưỡng lự. Chuyện dơ sạch, hay tắm rửa cho nó lúc bây giờ không còn
quan trọng nữa, mà trước mắt tôi là hình ảnh của sự khao khát được che chở,
được yêu thương, được bình yên. Nếu không có tôi liệu giờ này nó sẽ đến đâu, và
lúc nào sẽ gục ngã vì không có miếng nào bỏ bụng. Hay là nó sẽ may mắn kiếm
được một miếng thịt thừa mứa nào đó do con người quăng ra, và vĩnh viễn là con
mèo hoang. Nó nhắm nghiền đôi mắt, thả thẳng bốn chân, thở đều. Có lẽ đây là
giây phút hiếm hoi của đời nó. Có thể nó sinh ra và lớn lên từ một nhà hoang
nào đó. Theo quy luật tự nhiên, nó trở thành mèo hoang, không thể khác. Nhìn nó
nằm như một đứa bé mới sinh, rất dễ thương, bỗng nhiên tôi nảy ra ý định nuôi
nó cho vui nhà vui cửa. Thế là tôi lên kế hoạch sau khi tắm rửa nó cho sạch sẽ,
tôi sẽ mua một vòng cổ bằng da thật đẹp, sẽ sắm riêng cho nó hai cái tô đặc
chủng để ăn, uống, và tôi hình dung chỗ nào cho nó ngủ là hợp lý nhất…
Hằng ngày đến giờ ăn, nó
hay đến bên tôi, vì tôi thường cho nó ăn, cho nó nằm và ngủ trên giường xếp.
Thời gian còn lại nó hay quấn quýt bên tôi. Khi có việc tôi phải đi đâu đó, lúc
về, nó mừng ra mặt. Tối đến nó tìm cách ngủ bên tôi. Được khoảng một thời gian
sau, trông nó mập và đẹp hẳn ra. Lông mướt rượt. Đôi mắt lúc nào cũng long
lanh. Không còn thấy lũ chuột xuất hiện nữa. Gián, thằn lằn không thể thoát với
nó. Lúc mới đến nó còn ăn rau, mì tôm, chả cá, sau này thì chỉ ăn nem, thịt bò,
thịt heo, tôm, đặc biệt là cá kho ngọt…Mà phải ăn đồ mới, chứ đồ cũ hay đồ
trong tủ lạnh thì chê thẳng tay, chỉ ngửi chứ không thèm đụng vô một chút.
Chuyện này thì nó không khác với con người lắm, như ông bà ta thường nói, được
voi, đòi tiên mà. Nhưng không sao, tự nhiên tôi thấy mến nó, mến tới độ mà
trong nhà ai chọc ghẹo làm nó phải kêu lên một chút là tôi phản ứng ngay.
Tôi nói với cả nhà, đã nuôi nó thì phải yêu thương, chăm sóc nó chu đáo, đừng
làm nó đau. Rồi, một buổi chiều, tôi sang nhà bên kia đường để mua cá hộp
về cho nó ăn, nó chạy theo nhưng tôi không hề hay biết. Một tiếng kêu thảm
thiết vang lên. Tôi quay lại. Trời ơi! Con mèo yêu quý của tôi đang quằn quại,
máu trong miệng trào ra. Tôi nhào xuống ôm nó lên, nó hét lên một tiếng, cặp
mắt đứng tròng. Chiếc xe honda phóng nhanh giữa đường cái đã cán lên mình nó,
cướp đi sự sống của con vật mà tôi yêu thương nhất. Tôi khóc. Tôi ngồi
xuống mé đường như không tin điều đã xảy ra là một sự thật. Và trên tay tôi vẫn
còn nắm tờ hai chục ngàn để mua cá hộp cho nó ăn…
- Em ơi, con mèo…- Tôi ôm con mèo, chạy về nhà,
kêu trong nước mắt.
- Anh lại mớ ngủ rồi. Con mèo nào?- Hiền, vợ tôi
bật đèn, hỏi.
Lúc bây giờ tôi mới biết
mình đã mơ một giấc mơ thật dài. Và, tôi kể cho Hiền nghe. Hiền cười ngặt
nghẽo.
- Bộ chuyện vui lắm sao mà em cười dữ vậy?
- Không phải là vui hay buồn, mà em không thể tin
anh lại có được giấc mơ như thế. – Hiền vẫn cứ nhìn tôi cười.
- Sao em lại nói chuyện tin hay không tin ở đây?
Chuyện của chiêm bao mà! – Tôi nhìn Hiền, tỏ vẻ khó chịu: - Thế em có ý gì vậy?
Hiền nắm tay tôi, đôi
mắt thoáng xa xăm:
-
Mới mà nhanh thật, phải không anh? Nhớ ngày nào…
À, thì ra Hiền muốn nói
xưa nay tôi vốn ghét loài vật, từ ngày con chó nhà ngoại của Hiền như muốn ăn
tươi nuốt sống tôi. Lúc này tôi mới thực sự tỉnh ngủ, và tôi nhận ra sự ý nhị trong nụ
cười của Hiền. Tôi kéo tấm rèm, ngoài trời vẫn còn tối. Đã gần bốn mươi năm
trôi qua. Đó là cái đêm sáng trăng tôi hẹn gặp Hiền chỗ cây ổi phía sau vườn
nhà ngọai Hiền ở trên quê. Cái cổng ngõ làm theo kiểu nhà xưa đã được cài then
nên tôi nhảy qua hàng rào chè phía sau thì bị con chó nhào tới. Rất may là có
Hiền, nếu không thì nó đã cắn tôi rồi. Và, kể từ đó tôi không ưa chẳng những
chó mà còn ghét lây đến cả loài vật. Bao nhiêu năm chung sống với nhau, Hiền
không lạ gì tôi về điều ấy. Thêm nữa, bốn người cả nhà tôi đều phải tiêm ngừa
dại vì bị chó cắn. Vậy mà khi đến nhà ai, người chủ cứ bảo rằng, chó nhà này nó
hiền và khôn lắm, không cắn đâu. Thế nhưng tôi lại lo sợ vì có khôn có hiền thì
cũng là loài vật mà! Nhà ba tôi có nuôi một con chó, cứ mỗi lần tôi về thăm
nhà, nó cứ gầm gừ, gầm gừ, tôi làm cho nó một cây, thế là nó biến khỏi nhà cho
đến khi không còn tôi ở đó. Ba tôi nói ngay, cứ mỗi lần tôi về thì con chó của
nhà phải tìm chỗ tránh, không khéo sẽ bị đòn. Tôi có ông bác họ, mỗi lần gặp, ông hay nói, nhà
cách nhau không đầy hai cây số nhưng mấy năm rồi không thấy thằng cháu đến
chơi, tôi chỉ cười nói lảng sang chuyện khác. Thực ra là tôi chỉ ngại mấy con
chó nhà ông thôi. Có một lần, tôi đến để thăm ông nhưng chỉ mới vừa đến cổng
thì ba con trong đường luồn nhảy ra, mỗi con cao đến thắt lưng, tôi hoảng quá,
cỡi xe đi luôn. Một hôm, nhà ông có đám giỗ, nhân lúc đông người, tôi hơi vững
tâm, nên mới đến. Ông là người có chức sắc ở địa phương nên khách rất đông. Tuy
bận bịu nhưng ông vẫn quan tâm đến tôi. Bởi trong đám cháu thì chỉ có tôi mới
hiểu nhiều về ông, và thường trao đổi với ông nhiều vấn đề trong đời sống xã
hội. Khi mọi việc đã xong xuôi, ông bảo tôi ở lại để nhờ tí việc. Thực ra, ông
chỉ muốn nói chuyện với tôi thôi.
- Cháu
ghét hay sợ loài vật? - Ông hỏi sau khi đã pha một bình trà mới và ngồi đối
diện với tôi.
- Dạ,
cả hai.
- Theo bác thì “cứu vật, vật trả ơn; cứu
người, người trả oán”, như ông bà ta từng nói. Chuyện xưa của ta có “Con quạ ăn
khế trả vàng”, chuyện ngụ ngôn của nước ngoài có “Kiến và chim bồ câu”, chẳng phải không đúng
sao?
Tôi im lặng vì điều đó
không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng riêng nhà tôi nếu bị chó cắn một lần nữa
thì phải chích ngừa lần thứ hai. Mà như vậy thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Có
người còn nói, hai lần thuốc vào nóng quá có thể hóa điên chứ chẳng chơi. Mà thói
đời, đã ghét chó thì ghét luôn cả mèo.
-
Nè anh, mèo hai ký hay mèo bốn mươi lăm ký mà anh tơ tưởng, thẩn
thờ lâu vậy?
Tôi nằm quay lại, ấn một
ngón tay vào trán Hiền, cười:
-
Mèo bốn mươi lăm ký có đây rồi, anh còn phải tơ tưởng ở đâu nữa.
Dù sao, anh cũng cảm ơn giấc mơ vừa rồi đã đem đến cho anh cái cảm giác mới lạ
trong nhận thức của mình.
-
Ý anh là thế nào?
-
Anh đang nghĩ về chuyện con mèo. Anh đã hiểu vì sao người ta lại
yêu thương nó. Qua đó, anh thấy bao năm qua anh có nhận thức và cách đối xử
thật không công bằng với loài vật hằng ngày thường gần gũi với con người.
Trời gần sáng. Chiếc loa
công cộng ở đầu xóm của đài truyền thanh
thị trấn vang lên những câu hát của vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn.
Một sự ngẫu nhiên kỳ lạ. Trong tôi như nghe
tiếng vó ngựa phi khẩn cấp ngày đêm vượt suối băng đèo đưa Đô đốc Nguyễn
Văn Tuyết về Phú Xuân kịp thời báo cho Quang Trung Nguyễn Huệ, là hai mươi chín
vạn quân Thanh đã tràn qua biên ải, và quân ta đã rút quân về Tam Điệp. Con
ngựa ấy không có tên nhưng nó mãi mãi là con chiến mã bất tử trong lịch sử
chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Và cũng từ sự ngẫu nhiên của buổi sáng này đã
giúp tôi tìm ra được câu trả lời về một
câu hỏi của ông bác họ mà tôi còn mắc nợ hôm trước: “Theo cháu thì loài vật có
đáng sợ hơn loài người?”. Là một câu hỏi đa tầng đa nghĩa, và cần có sự điều
tra về chuyên ngành xã hội học, nhưng tôi nghĩ ở một góc nào đó của cuộc sống,
con vật không những không đáng sợ mà còn là một thực thể đáng yêu bởi sự hy
sinh của nó như là một nét đẹp bản năng phục vụ hết mực cho con người.
N.H.D
Truyện ngắn hay!
Trả lờiXóaChào Mây,
XóaMình cảm ơn sự quan tâm của Mây. Lan man cho vui vậy mà! Thân mến!