Nhà văn Phạm Văn Ký - Nhà thơ Phạm Hổ - Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Qua từng giai đoạn lịch sử, không chỉ ở những nơi địa
linh nhân kiệt, đất thành kinh, phố thị,
mà nhiều làng quê đã sản sinh những người con làm rạng danh gia đình, dòng họ,
quê hương và đất nước. Làng Thanh Liêm, bên dòng sông Thạch Yển của nhánh bắc
phái sông Côn hiền hòa, thời xưa thuộc tổng Háo Đức, nay là xã Nhơn An, thị xã
An Nhơn, tỉnh Bình Định cũng là một làng quê như thế. Những thập niên đầu thế
kỷ 20, gia đình ông quan Quản, thuộc tầng lớp trung lưu đã cho ra đời 13 người
con, trong đó có 3 người vang tiếng trên văn đàn Việt Nam và nước ngoài. Đó là
văn sĩ Phạm Văn Ký, nhà thơ Phạm Hổ và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ .
Thời ấy, điều kiện học hành rất khó
khăn, nhưng bộ ba danh sĩ trong gia đình họ Phạm ai cũng học giỏi. Người anh cả
Phạm Văn Ký, sinh ngày 10/7/1910, sớm bộc lộ tư chất thông minh, thuở nhỏ học ở
Quy Nhơn rồi Hà Nội, 20 tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, viết văn cả tiếng Pháp và
tiếng Việt, từng đoạt giải nhất trong kỳ thi thơ viết tiếng Pháp, tổ chức ở các
nước thuộc địa. Khoảng năm 1934- 1935, ông vào Sài Gòn viết báo và làm Chủ bút
báo Impartial một thời gian. Sau đó về Quy Nhơn diễn thuyết các văn đàn văn học
và tiếp tục làm thơ, rồi ra Huế giữ chân Chủ bút tờ báo Gazette de Huế. Khúc rẽ
của đời ông là năm 1938 được học bỗng, sang Paris học tại Đại học văn khoa thuộc Đại học
Sorbonne, đậu cử nhân và cao học văn khoa. Từ sau thế chiến thứ II, ông làm
việc ở Đài phát thanh và truyền hình Pháp, phụ trách chương trình cho khán
thính giả Việt Nam.
Thời gian này ông cộng tác nhiều tạp chí văn học, văn chương Pháp, tác giả một
số kịch phẩm truyền thanh, truyền hình tại Pháp.
Tác phẩm nổi tiếng của Phạm Văn Ký chủ
yếu viết bằng tiếng Pháp, với đề tài Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt
là tiểu thuyết Đánh mất cội nguồn, xuất bản tại Paris-1961, được Hàn lâm viện
văn chương Pháp trao tặng giải thưởng lớn. Giải thưởng này không những là ước
mơ của nhà văn một nước thuộc địa nhập cư ở Pháp, mà còn là niềm khát khao của
nhiều nhà văn chính quốc. Nhiều tác phẩm văn chương tiếp theo của ông đã làm
rạng danh văn sĩ Việt Nam ở nước ngoài, quan trọng hơn là đã giúp công chúng
bạn đọc Pháp, kể cả độc giả trong cộng đồng sử dụng tiếng Pháp hiểu về văn hóa
Á Đông, trong đó có Việt Nam.
Ông mất ngày 27/4/1992, ở Paris, với nỗi buồn cô
đơn, hưởng thọ 82 tuổi. Theo nhà văn Phạm Sông Hồng, con gái nhà thơ Phạm Hổ:
Bác tôi có quá nhiều nỗi buồn, năm 1970, sau 31 năm xa Tổ quốc, ông mới có dịp
đi cùng phái đoàn Việt kiều về thăm Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc. Bác Ký
muốn ở lại Việt Nam, nhưng lúc ấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng- người bạn thân của
ông, thường xuyên liên lạc, quan hệ với gia đình đã khuyên: “Anh ở nước ngoài có lợi hơn ở Việt Nam”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một nhà ngoại giao lão luyện, từng trải, muốn có một “Đại sứ văn hóa” của Việt Nam như Phạm
Văn Ký ở tại Pháp. Từ ấy cho đến khi nước nhà thống nhất, ông không còn có dịp
trở về quê cha đất tổ.
Người em trai kề của nhà văn Phạm Văn
Ký là nhà thơ Phạm Hổ, bút danh Hồ Huy, sinh ngày 28/01/ 1926. Năm 1943, ông đỗ
bằng Thành chung, nhưng không may là mùa hè năm ấy bị tai nạn gãy chân, không
ra Huế kịp để học Ban Tú tài trường Quốc học Huế, đành đi làm thư ký công nhật
cho tòa sứ Quy Nhơn để kiếm tiền nuôi mẹ già, các em ăn học và tự học tiếp thi
Tú tài. Sau Cách mạng mùa Thu 1945, ông bắt đầu đi vào con đường văn học nghệ
thuât, làm thư ký cho Hội văn hóa cứu quốc. Tác phẩm đầu tay ông viết về Bình
dân học vụ Vén màn được đăng ở tạp chí Tiền Phong của Hội văn hóa cứu quốc
Trung ương, tài năng đã hé mở. Sau đó chuyển sang làm báo và được học lớp hội
họa kháng chiến Khu V, tiếp tục sáng tác, vừa làm thơ, viết văn, vừa vẽ. Đầu
năm 1950, với tư cách là nhà văn trẻ, ông được đi dự Hội nghị văn hóa toàn quốc
tại Việt Bắc và được gặp các nhà thơ, nhà văn lớn, họa sĩ nổi tiếng như Tố Hữu,
Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Xuân Khoát... Từ ấy, văn
hóa kháng chiến và văn học cách mạng đã chắp cánh cho Phạm Hổ trên văn đàn Việt
Nam.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hiệp
định Genève được ký kết, nước ta tạm chia hai miền, Phạm Hổ lên đường đi tập
kết ra Bắc. Tháng 1/1955, ông được phân công làm công tác đối ngoại ở Hội nhà
văn Trung ương, hai năm sau được kết nạp hội viên Hội nhà văn Việt Nam khóa đầu
tiên và cũng là một trong những người sáng lập Hội nhà văn. Trải qua nhiều
thăng trầm, từ Hội nhà văn Việt Nam, rồi tham gia thành lập Nhà xuất bản Kim
Đồng, chuyên xuất bản văn hóa phẩm cho trẻ em và gắn bó ở đây hơn ba năm với
chức danh Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi, rồi sang Nhà xuất bản văn học,
về báo Văn nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội nhà văn... chức vụ cuối cùng của
ông là Phó Tổng biên tập Tuần báo văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam.
Quan trọng hơn hết là gần 60 năm sáng
tác, nhà thơ Phạm Hổ đã cho ra đời 25 tập thơ, 35 truyện, 10 kịch bản sân khấu,
hoạt hình dành cho thiếu nhi; 10 tập thơ và 3 tập truyện ngắn dành cho người
lớn. Thể loại nào ông cũng dồn tâm huyết của người cầm bút đối với bạn đọc,
nhiều tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Đặc biệt là
ông dành tình cảm và lòng say mê để viết cho thiếu nhi, nhằm vun đắp cho các em
lòng yêu thương cây cỏ, loài vật đến con người...tin yêu và có trách nhiệm với
cuộc sống. Năm 1996, ông đã hơn 70 tuổi vẫn tâm sự: “Nếu được sống thêm một lần nữa, tôi vẫn chọn nghề cũ: Làm thơ, viết
văn cho các em đọc, vẽ tranh cho các em xem nữa. Tôi thấy lòng yêu mến các em,
lấy những công việc mình làm cho các em làm thước đo lòng mình đối với dân, với
nước...”
Năm 2001, Nhà thơ Phạm Hổ vinh dự được
trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 1). Sức khỏe đã yếu nhưng
khi nhận giải thưởng cao quý ông vô cùng
xúc động, phấn khởi, để sau đó 6 năm, vào ngày 4/5/2007, vừa bước sang tuổi 81,
ông nhắm mắt trên giường bệnh và đi về cõi vĩnh hằng, vẫn mỉm cười với con
cháu, gia đình, thi hữu và đồng nghiệp về sự nghiệp văn chương trên văn đàn của
mình.
Giữa năm 1990, tôi may mắn được lãnh
đạo huyện phân công tiếp nhà thơ Phạm Hổ trong dịp ông vào công tác ở tỉnh và
ghé về thăm quê. Cùng đi có nhà thơ Lê Văn Ngăn, lúc ấy là Phó Chủ tịch Hội văn
học nghệ thuật tỉnh Bình Định. Một ngày được gần gũi, nghe nhà thơ nói chuyện,
cùng nhà thơ đi thăm một số di tích văn hóa, lịch sử, kể cả khi mời dùng cơm
trưa, nhà thơ Phạm Hổ dành nhiều thời gian lắng nghe về tình hình quê nhà trong
kháng chiến cũng như trong xây dựng sau bao nhiêu năm xa cách, nhà thơ rất ít
nói về mình.
Còn người con thứ 11 trong gia đình họ
Phạm, là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, sinh ngày 5/10/1930, có tài liệu ghi ông sinh
1932. Thuở nhỏ học trường làng, Cách
mạng tháng Tám thành công ông tham gia phong trào thanh thiếu niên, từ năm
1947- 1949 vào học và hoạt động văn hóa tại trường Thiếu sinh quân Liên khu V.
Năm 1950 bắt đầu làm công tác tuyên huấn và là phóng viên báo Quân đội nhân
dân. Nhạc phẩm đầu tay của ông là Nắng lên xóm nghèo, gây sự chú ý của
công chúng yêu âm nhạc.
Sau Hiệp định Genève, ông ở lại miền
Nam, năm 1959 học trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, sau đó đi dạy Việt văn và âm
nhạc. Năm 1965-1966 bị chính quyền Sài Gòn bắt giam vì tội tham gia đấu tranh
trong phong trào Phật giáo. Chính thời gian này ông sáng tác nhạc phẩm bất hủ Bông
hồng cài áo, từ ý thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ra tù ông tiếp tục
sáng tác Hoa vẫn nở trên đồng quê hương, Người về thành phố, Những người không
chết... để phổ biến trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên
Sài Gòn. Sau ngày giải phóng ông tiếp tục sáng tác nhạc đỏ như Nhớ
ơn Bác, nhớ ơn Đảng; Thắm đượm duyên quê... Để đến cuối đời, Phạm Thế
Mỹ có những trường ca đầy đặn: Lửa thiêng, Hàn giang dậy sóng, Con đường
trước mắt, Những dòng sông anh em, Tổ khúc sự sống. Ngoài ra, ông còn
viết vũ kịch, nhạc kịch, tiểu ca kịch. Thế rồi, định mệnh cuộc đời của một nhạc
sĩ tài hoa đã khép lại vào ngày 16/01/2009, sau một thời gian lâm bệnh nặng,
chưa qua khỏi ngưỡng 79 tuổi.
Làng quê Thanh Liêm bình dị như bao
làng quê khác, mà trong một gia đình có ba văn sĩ làm rạng rỡ nền văn học nước
nhà từ những thập niên nửa đầu thế kỷ trước, thật là quý hiếm. Khi An Nhơn lên
thị xã, tại phường Bình Định, bên cạnh
chi nhánh Công ty may Nhà Bè, có con đường mang tên nhà văn Phạm Hổ, ai nhìn
cũng nghĩ ngay đến ba anh em mang dòng máu họ Phạm, sinh ra và lớn lên nơi cửa
ngõ của chiến trường Khu Đông năm xưa, ngày nay lại là cửa ngõ của những làng
hoa mai, làng lúa, làng nghề của xã Nhơn An đang vươn lên xây dựng nông thôn mới, tiến tới giàu đẹp, ấm
no, hạnh phúc, văn minh.
T.D.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét