(Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tiểu thuyết của Trương Văn Dân, Công ty văn hóa Phương
Nam - Nxb Hội Nhà văn, 2011)
BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA đến với tôi qua nhiều
chặng nhiêu khê, từ bản in thử bị thất lạc tại nhà một người bạn, đến bản in
thật đưọc chuyển từ Việt Nam sang nhà em gái tôi rồi qua nhà má tôi để cuối cùng sau gần một tháng mới
tới tận tay tôi vào đầu tháng 5.2012.
Tôi
đã đọc văn phong của Dân từ hơn mười năm nay, đã quen với lối viết giản dị “đọc
là hiểu liền” của cậu và trong những cái hiểu liền đó tôi hiểu luôn cả nỗi băn khoăn, bức xúc cậu muốn nói về những
nghịch lý của cuộc đời. Những nghịch lý mà tốt-xấu, hay-dỡ, thiện–ác như nghịch
đùa đuổi bắt lẫn nhau trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Năm
2007, khi ra mắt “Hành Trang Ngày Trở Lại” (NXB Trẻ), ở
tập tuyển truyện đầu
tay, Dân đem đến cho chúng ta những mảnh đời khốn khổ, nạn nhân của thời đại mà
kỹ thuật, vật chất đang thay thế tâm linh con người và những ám ảnh bởi nỗi đau của hai bờ sinh tử.
Và bây giờ, năm
2011-2012, Dân lại tặng cho độc giả Bàn
Tay Nhỏ Dưới Mưa để mọi người
biết những gì đã trải qua trong tâm hồn cậu sau những năm về với quê hương.
Sách thuộc loại tiểu thuyết dài, kể chuyện nữa đoạn đời còn lại của Gấm - người
phụ nữ đã có hai đời chồng và một đứa con - cùng người tình thứ ba của cô - một
nhà văn, nhà báo goá vợ. Mối tình tưởng như toàn hảo khi cả hai cùng nhìn về
một hướng để đi tiếp đoạn đường còn lại bằng tình yêu chân thật, nhưng ông trời
oái oăm thích trêu chọc con người nên khiến Gấm bị ung thư phổi và chết khi
cuộc tình còn đầy nóng bỏng, đam mê.
Vắn tắt tóm lược thì
chỉ có thế, như phim Love Story của đạo diễn Arthur Hiller trong thập niên 70
của thế kỷ trước, tình yêu và cái chết bởi bịnh hoạn. Nhưng Love Story chỉ cho
ta nước mắt khóc một cuộc tình dang dở chứ không cho ta những suy gẫm về những bung
xung chung quanh cuộc tình. Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa cũng có nước mắt chia lìa
nhưng Dân tinh tế hơn đạo diễn A. Hiller, cậu không chỉ làm ta khóc cho nhân
vật nữ trong chuyện mà còn làm ta băn khoăn suy gẫm về cuộc sống của chính
chúng ta với nhiều chi tiết dính dáng đến nhân – sinh - quan cuộc đời. Đó là cái tham lam lịch lãm
của Dân khi viết chuyện này, tom góp hết những hoài bảo, khát khao của cậu làm
những bung xung để lồng vào một cuộc tình thường. Nói là cuộc tình thường vì
tình huống cốt chuyện ta rất dễ gặp trong phim ảnh, tiểu thuyết và đời thực
chung quanh ta. Nhưng với riêng tôi, những bung xung tưởng chừng như phụ thuộc
lại chính là những điểm sáng làm
người đọc thấm đậm nhiều hơn. Chính vì thế mà Nhật Chiêu đã nói “Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa là một tác phẩm đương
đại pha lẫn tiểu thuyết và tiểu luận, trữ tình văn xuôi và ký sự báo chí”. Duy có điều những đoạn dành cho tiểu luận
hay ký sự báo chí Dân thường xen kẽ khá dài trong chuyện tình của hai nhân vật
chính khiến đôi
lúc câu chuyện dường như bị gián đoạn. Ví dụ từ trang 266 đến trang 279, tất
cả chỉ nói về các vấn đề nhân sinh xã hội, chính trị, kinh tế cơ hồ
không liên quan gì đến Gấm và người yêu của cô… Tuy nhiên đó chỉ là những
khuyết điểm phụ không đáng kể.
Trong
“Hành Trang Ngày Trở Lại” tác giả viết giản dị như kể chuyện, nhưng ở Bàn
Tay Nhỏ Dưới Mưa, Dân cho ta
thấy cậu nhảy một bước khá xa trong cách hành văn, dụng từ. Câu văn ngắn, gọn
hơn. Ví dụ như:
Tôi chợt nhớ
đến Gấm.
Mùi vị của
nàng.
Khuôn mặt của
nàng.
Những năm
tháng của chúng tôi.
(trang 15 BTNDM)
hoặc như :
Một cơn ho chí tử nữa vừa ập đến.
Ngực tôi như
muốn nổ bùng
Và đất trời
yên ắng bỗng chao đảo như sụp đổ.
Nó sẽ vỡ từng
mảng và đổ ụp xuống trần gian.
Tôi còn bao
nhiêu thời gian nữa?
Từ đây đến
“đó” còn bao xa?
Những thời
khắc còn lại mình sẽ làm gì?
……
Bây giờ
không.
Ngày mai
không.
Mãi mãi cũng
không.
(trang 358 BTNDM)
Cách
viết đó gần như một thể loại thơ mới đuơng đại, nửa văn xuôi, nữa văn vần.
Chưa
hết đâu nhé, khoảng cách 4 năm giữa hai quyển sách (Hành
Trang Ngày Trở Lại và Bàn
Tay Nhỏ Dưới Mưa) dường như
cho Dân trưởng thành hơn trong tư tưởng để từ đó cho cậu sự phong phú lúc hành
văn bằng các phương pháp tỷ giảo, ẩn dụ, nhiều dẫn chứng các tài liệu từ
sử học, khoa học, chính trị - xã hội học. Tất cả tạo cho người đọc thấy Dân
không những là một nhà văn mà còn là một học giả đầy kiến thức mọi việc đó đây.
Ngoài ra, phải thật tình mà nói Dân rất khéo léo, hoa mỹ khi diễn tả những đoạn
nhục cảm, cậu gần như tả chân hết tất cả chuyện buồng the của Gấm và người yêu.
“Huỵch tẹt” vậy đó nhưng người đọc dù khó tính đến đâu cũng không nghe đỏ mặt mà cứ thấy như đó là chuyện cơm ăn, nước uống ngoài
đời.
Dân
là người sống nhiều về nội tâm, cứ nhìn các bài viết của cậu từ trước đến nay
thì ai cũng thấy điều đó. Đọc
sau, nhận xét muộn nên tôi sẽ trở thành bản sao chép lại của Nhật Chiêu, Phạm
Xuân Nguyên, Đỗ Hồng Ngọc, Bùi Việt Thắng, … khi đồng ý cùng các vị ấy để nói rằng Bàn
Tay Nhỏ Dưới Mưa mang nặng tư
tưởng Phật giáo với bánh xe luân hồi không ngừng vận chuyển - ... “Vì Gấm sẽ chờ
tôi bên kia thế giới. Để cùng quay lại trần gian. Chúng tôi tin là sẽ tìm lại
được nhau trong kiếp tới để tiếp tục một tình yêu nửa chừng dang dở mà chẳng
bấn gợn chút đau thương nào..Vì chết chỉ là mở đầu của
sự tái sinh nên chúng tôi ước muốn sẽ cùng nhau quay lại cõi trần gian.”…(trang
411) rằng Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa là khúc ca trầm đầy khát vọng sống với thương
yêu lãng mạn và nhục cảm, hãy thử đọc lại trọn vẹn từ trang
392 đến trang 396 để thấy bức tranh tình ái với thân xác và
linh hồn của hai kẻ yêu nhau đuợc Dân miêu tả linh động thế nào.
Giữa
khổ đau và hạnh phúc cũng như giữa sống và chết Dân không những muốn nói với
mọi người về chữ Tâm trong thương yêu mà còn có cả chữ Trí trong xét đoán và chữ Dũng khi an nhiên tự tại đối phó cùng
nghịch cảnh không một chút trách hờn “Bởi
chúng tôi cùng chia sẻ ý tưởng của Hermann Hesse: Dù bị đau đớn quằn quại, tôi
vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại nầy”.(trang 412)
Tuy nhiên, theo tôi Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa có lẽ sẽ hoàn hảo hơn nếu Gấm không quá dễ dãi
trong lần đầu mới quen với người yêu nhà báo. Dân hơi quá nhanh khi cho hai
nhân vật mới quen nhau chưa chi đã vội vã mời đi uống cà phê rồi hẹn gặp nhau hai hôm
nữa. Phụ nữ khó tính, đàng hoàng ai lại quen mau, thân vội như vậy? Có lẽ Dân muốn chúng ta thấy sự hụt hẫng trong hôn nhân đã làm Gấm hơi buông thả
hay chăng?
Và
thêm một điểm nữa làm tôi hơi thắc mắc về quan niệm hôn nhân của Dân trong đoạn
Gấm muốn có một đám cưới đàng hoàng nhưng nhà báo không chịu vì lý do anh chàng
chỉ có một người vợ đã chết chứ không muốn có người vợ thứ hai (nhưng có người tình
thì được). Nếu định nghĩa theo quan niệm người Ý thì Dân hơi machiliste nhiều
lắm rồi đấy (có nghĩa là nam quyền). Khi yêu thật sự người ta không tính toán
tình trước, tình sau, không phân định vợ hay tình, không cần giải thích tờ hôn
thú có lý hay vô lý, là tờ giấy lộn vô nghĩa hay chứng nhận trung thực sự
nghiêm chỉnh của một mối tình. Khi yêu người ta chỉ biết làm vừa lòng người mình
yêu. Thế nhưng ở đây, Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, Dân hơi mâu thuẫn khi cho nhà báo quyết
liệt từ chối một đám cưới đàng hoàng với Gấm dù cô đã van nài tha thiết bằng
nước mắt và cả giận hờn. Cuối cùng thì cô Gấm đầu hàng trước sự cương quyết của
người cô yêu hay nói đúng hơn trước miệng lưỡi giải thích của một nhà văn, nhà
báo và hay nhất là cô còn ăn năn hối hận là suýt tý nữa đã có thể sẽ mất
“chàng”. Nói rõ ra thì chỉ có Gấm mới thực sự yêu còn anh chàng nhà báo
theo tôi chưa hẳn đã hết lòng với Gấm. Có thể vì tôi là phụ nữ nên hơi nhạy cảm
vấn đề nầy trong thời buổi khắp nơi đang tranh đấu cho nữ quyền dù Dân đã
biện chứng “ Khi người phụ nữ thích
làm công việc của đàn ông thì gia đình sẽ tan nát”(Trang 106 ). Thực sự, cô Gấm đâu muốn
chiếm quyền ưu tiên của đàn ông, cô chỉ muốn được tôn trọng mà thôi và theo đa
số quan niệm mọi người thì tờ hôn thú là sự tôn trọng của luật pháp dành cho
phụ nữ trong hôn nhân cũng như không có chứng minh nào rõ rệt nhất của người
nam khi yêu dành cho người nữ ngoài lời tỏ tình xin chính thức đưa nàng về dinh
bằng một đám cưới danh chánh ngôn thuận trước luât pháp và người thân. Tóm lại,
cậu Dân của chúng ta đúng là mẫu đàn ông Việt Nam thuần túy đấy nhé.
Ngoài
chuyện tình của Gấm, người Việt Nam dù trong nước hay ở hải ngoại đọc Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa để thấy phần nào bối cảnh xã hội đất nước
chúng ta sau hơn ba mươi lăm năm thống nhất, chiến tranh bom đạn lùi xa nhưng chiến tranh vật lộn giữa
đạo đức và vật chất, bạc tiền đã khởi đầu từ lâu và đang tiếp diễn không biết
đến bao giờ mới phân thắng bại. Dân đã thay mọi người để nói lên tiếng chuông
cảnh tỉnh trong công án đi tìm lời giải, lối thoát của thân phận con người nơi
cuộc chiến đó. Hy vọng Việt Nam của chúng ta không như Gấm, không gục ngã vì hai cuộc chiến tranh chống
ngoại xâm để phải chết vì bịnh tha hoá xã hội trong thời bình.
TORINO, ITALIA– 24.06.2012
H.N.N
Cám ơn tác giả bài viết đã giới thiệu một quyển sách hay.
Trả lờiXóa