Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
Như thầm nhớ lại câu hát hồi nhỏ cô
thường được nghe bà ngoại hát ru nhiều
lần, có lẽ để nói về các giai đoạn khác nhau trong đời một người đàn bà và đã
đi vào tiềm thức tự bao giờ dù Như chưa đủ hiểu về câu hát ấy. Vì Như là đứa
cháu ngoại đầu tiên của bà nên thường được bà chăm sóc, cưng chiều từng miếng
ăn giấc ngủ mỗi khi được mẹ dắt về thăm ngoại. Gíá như bây giờ ngoại còn sống
thế nào cô cũng hỏi bà tình cảnh của mình
bây giờ là “còn duyên” hay đã “hết duyên” mà sự thể lại ra thế này?
Như quen thân cùng một lúc hai người
con trai- họ là bạn thân của nhau từ những năm cùng học khoa điện tử ở trường
bách khoa, lại trùng tên chỉ khác nhau ở chữ lót: một người dáng dấp hào hoa
tên là Tuấn Minh; người kia thấp hơn một
chút, ngoại hình không có gì đặc biệt ngoại trừ nét mặt thông minh và cương nghị tên là Duy Minh. Dì
Ly của Như và Tuấn Minh vốn là học trò cũ của cô Liên hồi còn học cấp hai ở
quê. Thỉnh thoảng cô Liên có việc phải vào Sài Gòn và thường ở lại chỗ hai dì
cháu Như ở trọ. Có một lần, dì và cô Liên tổ chức nấu mì Quảng và mời cả hai chàng Minh đến dự. Thế là Như
đã quen biết cả hai và cũng bắt chước họ gọi tên nhau bằng chữ lót “Tuấn” hoặc
“Duy” để phân biệt.
Lúc này Như đã là một cô sinh viên năm
thứ hai của trường đại học y dược rồi. Với nước da trắng hồng lại đang tuổi
mười chín đương thì trông cô tươi tắn như đóa hoa vừa chớm nở. Trước đây,
do khát vọng được bước chân vào trường
đại học khiến cô không để bị chi phối bởi những lời ong bướm của một ai mà tập
trung cao độ vào chuyện học hành thi cử, thường tâm sự với mẹ những lá thư hoặc
điện thoại xin “làm quen” của các bạn nam cùng trường hay ở các lớp học thêm mà
ngày nào cũng có thể gặp mặt, chuyện trò. Còn bây giờ, vốn mạnh dạn, tự tin là
thế mà cô không khỏi bỡ ngỡ vì môi
trường mới phức tạp hơn nhiều, nhất là khi mẹ cô tuy ở xa và cả dì Ly ngay bên cạnh luôn nhắc nhở cô những bài học
về thân con gái “khôn ba năm dại một giờ”.
Sau bữa ăn thân mật đó, Duy Minh mời
Tuấn Minh và Như đi cà phê ở một quán gần trung tâm thành phố. Họ chuyện trò
rất vui vẻ về nhiều vấn đề mà giới trẻ đang quan tâm. Vẻ xinh tươi, trẻ trung
và nhất là cách nói chuyện hồn nhiên nhưng không kém thông minh nhanh nhạy của
Như đã thu hút Duy Minh từ đầu đến cuối. Thời gian tiếp theo, điện thoại của
Duy Minh gọi đến Như nhiều lần trong ngày, cứ như là anh đã bị Như hớp hồn rồi vậy.
Lúc đầu, dì Ly còn nói vui: “Tình cảm đó giống như núi lửa đang tuôn trào, hết
rồi là nguội ngay đấy thôi”. Nhưng có lúc gần mười hai giờ khuya vẫn còn gọi
thì dì không còn kiên nhẫn được nữa và yêu cầu Như phải nói những gì cần nói
với Duy Minh:
-
Em đang ở với dì, anh Duy biết đó, mà nhà trọ chỉ có một phòng…
-
Anh xin lỗi, anh không kiềm
lòng được.
-
Từ nay, anh chỉ nên gọi cho em vào những lúc dì em không có ở nhà
-
Vậy hãy cho anh biết lịch đi dạy của dì đi!- Duy Minh khẩn khoản
Nhưng khổ nỗi, Như cũng cần tập trung
cho việc học tập của mình nữa, chứ cứ như thế này thì…Nói sao bây giờ nhỉ? Chả
lẽ khi đang yêu người nam nào cũng thế?
Mà Duy Minh lại rất chăm học và học giỏi, đã được giữ lại trường làm giảng viên
và sang Đức du học nay mai chứ đâu phải lơ mơ.
Cũng may, sau thời gian “núi lửa tuôn trào”, hình như chàng ta đã nhận
ra tình cảm bồng bột, nóng vội của mình nên đã có ý tứ hơn, số lần gọi và nhắn
tin giảm dần nhưng tình cảm ngày càng tha thiết. Như rất cảm động khi Duy Minh
đã cất công đi tìm mua và mượn đầy đủ số sách vở, tài liệu học tập mà cô đang
cần để tặng cô. Đây quả thật là món quà đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, Như mến anh hơn
ở chỗ không hề nói bất cứ một điều gì có thể hạ thấp bạn mình, mặc dù Như biết
lúc này Tuấn Minh đang gặp khó khăn vì nợ môn học phải thi lại. Cô mến phục Duy
Minh như với một con người tốt bụng , hào hiệp, một người anh, người thầy tài
giỏi hiểu nhiều, biết rộng. Vì vậy cô sẵn lòng đi quán cà phê với riêng anh một
cách tự nhiên, vô tư mà không đắn đo suy nghĩ gì.
Nhưng Tuấn Minh thì ngược lại, ít liên
lạc với Như hơn, cũng chưa lần nào mời riêng Như đi cà phê sáng chủ nhật. Anh
có cách riêng để đến với Như. Mỗi một tin
nhắn của anh luôn làm cô xao động và cười tủm tỉm một mình. Khi thì: “Đừng thức
quá khuya sẽ mau già đó, Như à”; lúc thì “Cô bé dược sĩ ơi, có thuốc nào chữa
bệnh ngán học như anh không? Anh thật là tệ, chia bớt một chút siêng học của em
cho anh nhé!”. Không ào ạt mãnh liệt, cũng không hờ hững buông lơi mà vẫn gần
gũi thân tình. Thật ra, Như đã nghe tiếng về anh khi cô còn học trường chuyên ở
quê dù lúc đó anh đã vào đại học. Mẫu người con trai học giỏi, phong độ, lại có
chút khiếu văn nghệ đàn hát như anh có
sức quyến rũ đối với nhiều cô bé mới lớn. Những khi có người thân từ ngoài quê
vào thăm nom nhà cửa, việc học hành của anh em Tuấn Minh là anh gọi Như sang để
tham gia làm bếp và dùng cơm cùng gia đình, cùng họ đi ăn hay thăm thú chỗ này,
chỗ khác. Qua đó, Như đã hiểu vì sao một học sinh lớp chuyên toán, đã từng đạt
giải cao cấp quốc gia môn toán và được chuyển thẳng vô đại học như Tuấn Minh mà
bây giờ ra nông nổi vậy. Nguyện vọng muốn thi vào Đại học sư phạm Toán ở Qui
Nhơn của Minh đã không thành vì ba mẹ cho rằng
trường Đại học Bách khoa Sài gòn danh giá hơn. Vì không muốn trái ý ba
mẹ mà anh đã theo học một ngành không đúng với sở trường và nguyện vọng của
mình.
Tuy nhiên, theo Như hiểu, hậu
quả việc học hành của Tuấn Minh còn do một nguyên nhân khác quan trọng hơn -
qua bạn bè thân thiết của anh kể lại- rằng mối tình sâu đậm với cô bạn từ hồi
còn học cấp ba đã làm anh suy sụp khi cô này rơi vào tay người khác. Dì Ly- vốn
có cá tính mạnh mẽ, đã chỉ trích anh là người yếu đuối và lụy tình. Nhưng với
Như thì khác, nhìn nét cười có vẻ gượng gạo và đôi mắt ẩn chứa một nỗi buồn sâu
kín của anh làm trái tim cô chùng xuống. Anh đã tâm sự với Như mọi chuyện, chia
sẻ những bài thơ bốn câu bảy chữ rất hay mà anh gọi đùa là thơ “Thất tình tứ
tuyệt”. Không biết tự lúc nào, một niềm rung cảm sâu xa có cả lòng trắc ẩn đối
với một người sống nặng tình như anh đã
len vào hồn Như. Cái cảm giác khi được ở bên Tuấn Minh không có được như với
Duy Minh. Cô quan tâm tất cả những gì thuộc về Tuấn Minh và muốn giúp anh vượt
qua nỗi buồn khổ đang giết mòn con người anh từng ngày.
*
Như nhớ lại có lần mẹ cô đã kể
chuyện về ông bà ngoại. Theo mẹ, cuộc hôn nhân của ông bà phải nói là rất thành
công nhưng ông thương chứ không yêu bà. Nói khác đi, suốt đời bà tận tụy hy
sinh vì yêu thương chồng con nhưng giữa hai ông bà thiếu sự tâm đầu ý hợp cần
có của một tình yêu, một phần cũng do bà là người ít học và suy nghĩ đơn giản
nên chưa hiểu được ông. Vì thế mà ông bà hay khắc khẩu, thiếu đi những giây
phút lãng mạn, đằm thắm bên nhau. Tuy vậy ông luôn trân trọng và biết ơn bà, vì
nhờ bà mà ông làm nên sự nghiệp, giúp ông nuôi dạy con cái ăn học nên người. Ở
trường hợp này, cái nghĩa còn nặng hơn cả cái tình
Lúc đó, Như chỉ biết lặng yên để
nghe mẹ giảng giải thêm:
- Theo mẹ nghĩ, tình thương bao hàm
ý nghĩa rộng lớn hơn. Còn tình yêu - đó là sự rung động và hấp dẫn về giới tính,
thường có một chút mù quáng của sự đam mê,
một sự “thiên vị đặc biệt” khiến cho những kẻ yêu nhau chỉ thấy người
mình yêu là nhất trên đời, “yêu nhau trái ấu cũng tròn” là vậy. Tình yêu giống
như bong bóng bọt xà phòng mà hồi nhỏ con hay chơi đó, khi thổi lên cao mà nhìn
thì lung linh đủ sắc màu nhưng chạm vào sẽ vỡ tan ngay, có nghĩa là khi tình
yêu chạm mặt với thực tế khắc nghiệt thì … Nếu không biết nuôi dưỡng thì tình
yêu sẽ chết.
- Vậy những tình yêu đẹp và bất tử
như Roméo và Juliette thì sao hở mẹ?
-
Hiếm lắm, lại được thi vị hóa nên mới thành bất tử.
Và cũng ngay lúc đó, Như đã buột miệng
hỏi thẳng mẹ:
- Vậy ba mẹ có yêu nhau không?
Vừa hỏi xong, cô đã hối vì khơi lại nỗi
đau của mẹ, nhưng có lẽ mẹ đã chai sạn với một nỗi đau kéo dài gần cả cuộc đời
cho một cuộc hôn nhân gắng gượng.
- Có chứ, nhưng chưa kịp hiểu về
nhau đã yêu rồi- yêu theo cảm tính - nên mới ra nông nổi! Một tình yêu sâu sắc,
bền vững đòi hỏi phải có sự chân thành, hiểu biết về nhau và biết tha thứ cho
nhau con ạ. Thật ra yêu và thương hòa với nhau làm một, rất khó tách bạch rõ
ràng một cách máy móc. Trong “yêu” có “thương” thì sẽ bền vững hơn. Tuy nhiên
cũng có những người chỉ thương mà không yêu, vẫn có thể sống gắn bó với nhau
suốt đời.
Càng nghe mẹ giải thích Như càng thấy
khó hiểu, tình cảm con người sao mà rối rắm, phức tạp đến vậy. Cứ như đi vào
một cõi sương mù…
Nhưng cũng nhờ sự phân tích giảng giải
của mẹ hồi ấy mà liên hệ bản thân lúc này đã giúp cho cô dần hiểu ra trong tình
cảm đối với hai chàng Minh, ai là người
cô đã yêu như một người con gái đối với một người con trai và ai là người cô đã
thương mến, quí trọng như một người anh, một người thầy.
*
Hôm nay là ngày sinh nhật của Như. Lớp
học của cô chia làm nhiều tổ, riêng tổ
của Như ai cũng được cả tổ tham dự ngày sinh nhật của mình, thường tổ chức ở
một quán karaoke, có quà tặng do cả tổ chung lo.
Sau khi vui vẻ với các bạn trở về, Như
rất hồi hộp không biết hai chàng Minh của mình sẽ cư xử sao đây? Không biết họ
đã trao đổi với nhau những gì mà Như nhận được lời mời của cả hai cùng mời cô
đến một quán cà phê rất lịch sự để chúc mừng sinh nhật của cô. Họ vẫn cố gắng
xử xự như bạn tốt của nhau và như những người đàn ông thực thụ. Biết đâu cả hai đang ngấm ngầm cạnh tranh ảnh
hưởng đối với Như, và nếu họ là tình địch của nhau thì sao nhỉ? Như lo lắng tự hỏi và cô không
muốn mất ai nếu phải chọn một trong hai người. Về nhà, cô hồi hộp mở quà, Duy
Minh là một bức tranh thêu hoa hồng rất đẹp- một món quà đắt tiền và gởi gắm
vào đó điều muốn nói; còn Tuấn Minh chỉ là những đĩa nhạc mà Như yêu thích. Cô
hơi thất vọng vì đã chờ đợi ở anh nhiều hơn thế, nhưng không phải là một món
quà đắt tiền .
*
Được sự động viên, an ủi của Như và
giúp đỡ tận tình của Duy Minh, Tuấn Minh đã thi lại đạt kết quả mong muốn và
lấy xong tấm bằng tốt nghiệp, thế là bị tụt hậu một năm so với bạn cùng khóa.
Cũng vào lúc này Duy Minh nhận được giấy gọi du học bên Đức. Trước khi đi, anh
nói với Như một câu như là một lời hẹn:
- Khi nào Tuấn nó rời bỏ em, nhất định em
phải cho anh biết nhé.
Trong khi đó, Tuấn Minh cầm mảnh bằng
tốt nghiệp đại học đi xin việc khắp nơi trong thành phố. Một phần do ngành học
của anh lúc này đã bão hòa, một phần do tấm bằng xếp loại trung bình nên chật
vật mãi mà chưa xin được chỗ nào ưng ý. Sau đó, anh đã gởi cho Như một email,
trong đó có câu: “Duy đang có một tương lai rộng mở, rất xứng đáng với Như. Anh
thành thật chúc Duy và em hạnh phúc”.
Như vô cùng bối rối, cả hai người
đã đến với cô một cách chân thành nhưng Tuấn Minh lại e dè vì mặc cảm thua sút.
Anh cần có Như biết chừng nào! Cô phải làm sao cho vẹn cả đôi đường mà vẫn giữ
được tình bạn giữa họ? Cả hai đều thật lòng muốn cô hạnh phúc và đã tự ý rút
lui để nhường nhau hay đó chỉ là “động tác giả” để thử lòng cô và tùy cô quyết
định!
Khi biết chuyện, dì Ly đã khuyên Như
nên chọn Duy Minh sẽ bảo đảm cuộc sống
hạnh phúc trong tương lai, còn mẹ thì khuyên cô hãy làm theo trái tim
mách bảo. Như cần có thêm chút thời gian để hỏi lại chính mình. Yêu thương ai,
chọn ai ? Như chợt nhớ hai câu thơ của
Xuân Diệu: “Họ lạc lối giữa âm u mù mịt/Những người yêu theo dõi dấu chân yêu”.
Phải rồi, những kẻ yêu nhau sẽ luôn “theo dõi” rồi thế nào cũng tìm đến nhau và
sẽ biết phải làm gì . Như tin điều đó và
lại mỉm cười hi vọng khi nghĩ đến câu hát ru của bà ngoại ngày nào: “Còn duyên
kẻ đón người đưa…” .
Tháng 7-2012
N.Đ.T
Một truyện ngắn phân tích khá sâu về tâm lý nhân vật, đặt ra những vấn đề cần suy gẫm trong yêu & thương, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Trả lờiXóaCam on LY lY da doc va ghi cam nhan, thanh that xin loi ban vi su hoi dap cham tre do khong vo duoc trang nha, mong ban thong cam cho nhe. Cam on nhung loi khen tang cua LY LY, hi vong se gap ban thuong xuyen o day
Trả lờiXóa