(Đọc “BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA”, tiểu thuyết của nhà văn TRƯƠNG VĂN
DÂN – Công ty Văn hóa Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, 2011)
HQN: Xin lưu ý với các bạn, sau bài viết nêu trên là đoạn trích trong tiểu
thuyết Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, tựa đề:
NGÔI ĐỀN GIỮA TRỜI CAO
Có
hai tuyến nội dung chạy dọc cuốn tiểu thuyết này, và có thể, tùy theo cái tạng
của từng độc giả, tuyến nào sẽ có tác động mạnh mẽ hơn tới tâm trí họ. Tuyến
thứ nhất, những lo lắng, ám ảnh về sự bất an của nhân loại trước hàng loạt
những nguy cơ đã thấy và sẽ thấy trước cơn lốc hiện đại hóa, toàn cầu hóa.
Tuyến thứ hai, câu chuyện tình vô cùng lãng mạn của Gấm và anh nhà báo.
Theo cảm nhận của
cá nhân độc giả là tôi, có lẽ, người viết còn thiếu chút gì đó để tạo sự nhuần
nhuyễn giữa hai vỉa mạch nội dung này. Nó khiến người đọc phải phân thân, phải
tự tách bạch lý trí và tình cảm khi trải nghiệm từng trang sách. Những trang
cuối của tiểu thuyết, khi người viết tập trung tinh thần và trí lực vào việc
miêu tả cảm xúc và cái chết của cô Gấm, khi anh dường như quên đi mất cái mạch
nội dung thứ nhất thì hình như trang văn có được vẻ thống nhất hơn.
Nhưng theo ý
riêng tôi, rõ ràng, người viết không hề vụng dại trong kỹ thuật viết khi tạo
dựng hai vỉa mạch nội dung tưởng như hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nhau
trong cuốn sách này. Cái anh muốn “đánh động” tới tất cả độc giả chính là cái
vỉa nội dung thứ nhất, nhưng cái anh muốn lắng lại trong lòng người đọc, lại
chính là cái vỉa nội dung thứ hai. Cuộc sống rồi sẽ còn tiếp diễn khôn lường,
nhân loại sẽ, dù muốn hay không, phải trải qua vô vàn những cuộc khủng hoảng và
suy kiệt khác vì lòng tham lam, ích kỷ, nhưng tình yêu vẫn sẽ là điểm tựa duy
nhất và cuối cùng của con người sau tất cả những biến cố, suy vi đó. Người viết
dụng công miêu tả những khoảnh khắc thăng hoa, lãng mạn tới mức không tưởng
trong mối tình thứ ba, và cũng là mối tình cuối cùng của Gấm. Và anh cũng đã
dụng không không ít trong việc khắc họa tới mức “nhìn thấy, sờ thấy” những nguy
cơ khủng khiếp của nhân loại trong từng bước đi hôm nay. Người ta cần phải
thoát ra ngoài để nhìn rõ hơn những thứ ở bên trong một không gian hạn hẹp. Với
Trương Văn Dân, phải chăng, với quãng thời gian hơn 40 năm sống và làm việc tại
Italia, nhưng vẫn không thôi dõi đôi mắt đau đáu yêu thương và trăn trở về Tổ
quốc, đã cho anh con mắt nhìn thật sâu, thật thấm thía về những nguy cơ có thật
đã, đang và sẽ xảy ra trên đất nước mình. Những bãi rác công nghiệp độc hại
đang ngày càng trở nên lộ liễu và bành trướng, nạn ô nhiễm môi trường, thực phẩm
độc hại, những cuộc mua bán hôn nhân trần trụi, trơ tráo giữa người Việt và
người nước ngoài, những cuộc hội nhập, toàn cầu núp danh các mỹ từ để một nhóm
người có cơ hội thao túng từ kinh tế cho đến chính trị của một quốc gia, vùng
lãnh thổ, và thậm chí là cả khu vực rộng lớn hơn thế. Ai dám bảo đó là những
nỗi lo vô cớ? Ai dám bảo đó là chuyện của thiên hạ, là trách nhiệm của những
người có vai vế trong xã hội, trong thế giới? Không, đó là những điều rất nhỏ
đang tác động vào cuộc sống mỗi ngày của chính chúng ta. Là mớ rau có màu xanh
đậm và non mướt tới mức nghi ngờ trong bữa cơm gia đình. Là những xóm, những
làng ung thư đang ngày một trở nên phổ biến trên cả nước. Là những đứa trẻ bị
trưởng thành, dậy thì sớm do uống phải những loại sữa có chứa chất kích thích
tăng trưởng hormone ngay từ thuở sơ sinh, v.v… Đọc những trang văn có phần luận
chiến nhiều hơn miêu tả, giãi bày của Trương Văn Dân, những ai còn có lương tri
và hiểu biết thật khó mà yên được.
Và giữa tất cả
những ám ảnh bất an đó, tình yêu của Gấm như một con suối mát lành cố như muốn
làm dịu đi sự gay gắt, nhức buốt của hiện thực. Mới đọc sách, tôi cứ tưởng
người viết đang trở lại với lối viết tiểu thuyết theo kiểu “ba xu” của những
cuốn sách in chữ to dành cho những bà nội trợ, bán hàng thuê đọc ngày xưa. Ấy
vậy mà càng đọc, càng thú vị và thấm thía với những khoảnh khắc đầy trải nghiệm
sâu sắc của một người vốn đã nhấm nháp khá nhiều cái dư vị chua chát của cuộc
đời. Đọc sách của Trương Văn Dân, thấy anh đọc nhiều văn chương của bạn bè, của
các tác giả lớn trên thế giới, lại cũng thấy anh mê kinh Phật, mê những triết
lý gần gũi với cuộc đời hơn là những mớ lý thuyết suông, nghe thì vô biên mà
thực chất chẳng đem lại chút giải thoát, thanh thản gì cho cuộc đời. Tiêu đề
cuốn sách không hiểu sao gợi một cảm giác thật xót thương. “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, nó phải chăng cũng chính là biểu tượng về
thân phận của con người giữa cuộc đời này. Mỗi thân phận đang trôi đi giữa
dòng đời có lẽ cũng chỉ là một bàn tay nhỏ, chẳng che nổi chính mình, sao có
thể che đỡ nổi cho ai khác giữa cơn mưa dông ập tới. Cơn mưa cuộc đời chẳng
chừa ai cả. Nó trút xuống mỗi số phận, mỗi bàn tay nhỏ, dù bàn tay đó chấp
nhận buông xuôi hay vẫn luôn gắng gượng che chắn trong hy vọng.
Có lẽ, với tình
yêu, tôi đã đọc được nhiều trang sách trước khi đến với “Bàn tay nhỏ dưới mưa”
của Trương Văn Dân. Nhưng với toàn cầu hóa, với hiện đại hóa được đưa vào văn
chương, anh là người đầu tiên khiến tôi cảm nhận được sự gần gũi và sát thực
đến thế của những câu chuyện, những vấn đề mang tầm cỡ nhân loại. Người ta phải
đủ uyên bác tới mức thế nào mới có thể nói một cách giản dị về những điều phức
tạp. Trương Văn Dân đã làm được điều mà tôi cho rằng không hề đơn giản. Người
ta nói đông, nói tây, nhưng những câu chuyện của đời sống hàng ngày, những điều
đe dọa cuộc sống hàng ngày thì không phải ai cũng có khả năng lý giải thuyết
phục. Tôi chỉ tiếc, giá như anh “mềm” hơn nữa trong cách ứng xử với những tư
liệu về thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội, “mềm” hơn trong cách đưa chúng vào
văn chương, tạo ra những bối cảnh, những kết cấu để chúng xuất hiện tự nhiên
hơn thì chắc chắn, tác phẩm của anh sẽ thành công hơn nữa.
Có
lẽ, tôi là một người đọc nhiều lý trí hơn tình cảm nên thực sự bị lôi cuốn vào
mạch nội dung thứ nhất. Và rất chủ quan, tôi đồ rằng, người viết cũng dụng công
vào mảng nội dung này hơn là những trang viết, dù rất công phu, kỹ lưỡng, anh
dành cho cuộc tình của Gấm. Vẫn biết rằng, dù nhân loại có tiến đi đâu đi nữa
thì câu chuyện của văn chương vẫn chỉ loay hoay quanh những vấn đề của tình yêu
và cái chết mà thôi. Nhưng để cảm nhận được sâu sắc giá trị lớn lao và đích
thực của tình yêu, người ta cũng lại phải hiểu thật rõ những nguy cơ, những mối
hại mà đời sống đang làm nảy sinh ra thêm trong tiến trình phát triển này đối với
tình yêu. Chẳng phải chính những nhu cầu hưởng thụ, ham vật chất của thời hiện
đại đang làm con người xa lánh nhau hơn đó sao? Chẳng phải chính những truyền
thông về thái độ, quan điểm sống tôn sùng giá trị vật chất đang đẩy con người
thành những cỗ máy, những rô bốt lãnh cảm, từ lúc mở mắt đi làm cho tới khi
nhắm mắt bước vào giấc ngủ chỉ đau đáu với ý nghĩ làm thế nào kiếm được thật
nhiều tiền đó sao? Trên thực tế, thế giới hiện đại với tất cả những tổng lực
của nó đến từ nhiều phía đang tạo ra một guồng quay khốc liệt với những thang
bậc giá trị được định hình vô lối. Người ta bị ảo tưởng giữa những lời khen,
những tung hô tưởng như rất thực, song thực tế lại là những viên kẹo bọc đường.
Thế giới hiện đại có khả năng kỳ diệu trong việc tạo ra những hệ thống mỹ từ có
thể xoa dịu, đánh tráo khái niệm với những sự thật vốn trần trụi và thô thiển
hơn rất nhiều. Người ta bị “đánh bả” bởi những ngôn từ mỹ lệ như “hội nhập”,
“toàn cầu”, “phát triển bền vững”, “hai bên cùng có lợi”, v.v… Rõ ràng, tất cả
những áp lực kinh hoàng đó đang khiến con người xa rời nhau, xa rời những tình
cảm chân thành, đúng mực, những giá trị sống căn bản, cốt lõi của loài người
vốn tôn thờ qua bao nhiêu thế hệ. Vậy nên tôi vẫn nghĩ, câu chuyện tình của
Gấm, rốt cuộc, chỉ là một cái đòn bẩy để Trương văn Dân nói nhiều hơn về những
nguy cơ của thời đại đối với con người, với tình yêu và những giá trị nhân bản
lớn lao. Gấm chết bởi sao? Chẳng phải chính bởi ung thư, căn bệnh vốn đã trở
thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của toàn thế giới trong khoảng vài thập kỷ trở lại
đây và khoảng mươi năm gần đây với người Việt Nam đó hay sao? Vì sao có ung thư?
Câu trả lời có lẽ chẳng cần nói ra ở đây nữa. Bởi gần như xung quanh cuộc sống
của mỗi người Việt Nam bây giờ, việc tìm ra một người chết vì căn bệnh này
xem ra quá đơn giản. Cái chết trở thành điều bình thường cũng là một ám ảnh quá
đỗi kinh hoàng của thời đại chúng ta đang sống.
Mặc
dù người viết (hoặc nhà xuất bản) đã định danh thể loại cho cuốn sách này là
“tiểu thuyết”, nhưng tôi muốn thêm vào hai chữ “luận đề” vào đó. Bàn tay nhỏ dưới mưa là cuốn tiểu thuyết
trình bày quan điểm của người viết về những nguy cơ ở tầm thế giới nhân loại
đang diễn ra khốc liệt ngày hôm nay. Người viết đã khéo léo tìm một cách nói
rất “trữ tình”, dù đôi lúc anh không thể vịn vào cái áo trữ tình đó khi nội
dung luận bàn về quan điểm trở nên quá “chật chội”. Nhưng theo ý riêng của tôi,
ở một chừng mực nhất định, Trương Văn Dân đã nói được cái điều anh định nói một
cách giản dị nhưng vô cùng thuyết phục. Cuốn sách của anh là một món quà quý
với những độc giả ham chuộng tư tưởng khi đọc văn chương.
Hà Nội ngày 3-9-2012
Dương Kim Thoa
Sau đây xin giới thiệu
cùng các bạn một trích đoạn trong tiểu thuyết Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa từ trang 302
đến trang 327, với tựa đề:
NGÔI ĐỀN GIỮA TRỜI CAO
Đi truyền thuốc về, tôi thấy cửa khép hờ. Bước
vào nhà, nghe từ phòng ăn có nhắc đến tên mình nên tôi dừng lại. Tôi nhận ra tiếng
bác Thuận. Có lẽ bác mới đến và hai người quên khép cửa.
- Bác thấy bệnh tình của
Gấm ra sao?
- Bác rất lo. Bác đã xem hồ sơ bệnh lý của Gấm.
Bác thấy tế bào ung thư của Gấm thuộc loại có nhân, rất khó chữa, vì di căn rất
nhanh.
- Nhưng bác sĩ điều trị nói là sẽ
dùng loại thuốc mới nhất của hoá trị liệu. Phương pháp này tốt chứ?
- Dĩ nhiên là tốt. Bác biết nói điều này cháu sẽ không vui. Nó làm cháu thất
vọng và có thành kiến xấu với người thầy thuốc. Nhưng nghe bác nói đây: Trong
nghề y, người ta quan niệm, nếu nói dối mà có lợi cho một người nào thì nó là một
liều thuốc bổ sung. Đừng bao giờ để người bệnh đầu hàng và luôn giúp họ bám vào
một tia hy vọng dù mỏng manh nhất.
- Bác nói sao? Con chưa hiểu hết ý.
- Khi y học không biết làm gì, họ làm bận rộn người bệnh bằng những phù
phép. Lý do là để tranh thủ thời gian và khỏa lấp sự
lúng túng; nhưng điều kỳ lạ là bệnh nhân lại cảm thấy đỡ hơn. Nói trắng
ra đó là một thứ tự kỷ ám thị, nhờ nó mà khi uống một ly nước từ tay một người
đạo mạo mặc áo blu trắng, hay từ lão thầy pháp mặc áo đỏ khăn đen, cầm bó nhang
vẽ bùa trong không khí, bệnh nhân tưởng được cấp một liều thuốc thánh, nên uống
vào sẽ có một sự hưng phấn mà họ tưởng là hiệu quả.
- Theo ý bác thì...
- Bác muốn nói là có những trò tầm phào, những viên thuốc vô ích, công dụng
chưa rõ ràng hay chưa được chứng minh… nhưng mục đích là làm trí óc bệnh nhân bận
rộn, tạo hy vọng và xoá nỗi sợ.
Điều quan trọng là con bệnh thấy “đỡ” hơn. Kết
quả “tốt” hơn. Giới y khoa gọi đó là hiệu
ứng placebo.
- Nhưng dạo này con thấy sức khoẻ của Gấm đã
khá hơn. Hy vọng thuốc đã bắt đầu công hiệu.
- Tại cái tâm con muốn nhìn thấy thế. Bác nhìn
thấy các tĩnh mạch trên cánh tay của Gấm bị phá nát vì những mũi kim truyền thuốc,
lòng bác đau lắm. Nhưng yếu tố tâm lý rất cần thiết để giúp người bệnh kiên nhẫn
và kéo dài sự sống.
- Trời ơi! Nghĩa là…
- Con hiểu rồi đấy. Nhưng phải tuyệt
đối bình tĩnh và đừng nói cho Gấm biết. Hãy ở gần và an ủi Gấm.
- Vậy bác nghĩ là…
- Nghĩ gì ư? Con không thấy các móng tay của Gấm
bắt đầu xù xì sao ? Con không thấy giọng nó khàn khàn, nhịp thở bình thường nhưng có lúc như bị chèn ép
sao? Trên cánh tay bắt đầu xuất hiện những
vết bầm. Bác sợ là thuốc chỉ gây tác dụng phụ mà chẳng hiệu quả. Hay hiệu quả
không cao. Nếu vậy thì khối u sẽ di căn
lên màng phổi. Rồi lên não. Nó sẽ làm Gấm chóng mặt, xây xẩm, dễ té ngã. Không
phải là bác sĩ chuyên về ung bướu, nhưng kinh nghiệm cho bác biết là tình trạng
của Gấm rất đáng lo.
- Thế bác nghĩ rằng…
- Bác không nghĩ gì cả. Bác không biết được ý muốn của định mệnh. Bác sẽ
không dám nói gì hết. Mà thôi, đủ rồi. Bác đã nói quá nhiều. Đã tán gẫu nhiều hơn những điều cần thiết. Bây giờ, bác
phải đi đây.
Hoảng hồn.Tôi
đi giật lùi và vội bước ra khỏi nhà.
Khi tôi đóng lại cánh cửa sau lưng thì chút tự chủ cuối cùng cũng biến mất. Như một con thú bị thương, sự khiếp
hãi gầm lên trong tôi như một phản ứng cuối cùng trước khi ngã vật. Gần một tháng nay tôi đã phải đến viện ung bướu để
truyền thuốc mỗi tuần ba lần. Tôi đã vật vã và chịu đựng những cơn đau, những
trận nôn nửa. Thốc tháo. Người ta nói giúp tôi khỏi bệnh. Tôi đã chấp nhận sử dụng
loại thuốc tân tiến, phát minh mới nhất của y học. Nhưng tình trạng của
tôi đâu cần đến những thứ đó. Tôi đã chịu
những sự hành hạ không cần thiết.
Tuyệt vọng, tôi cầm chai thuốc trong túi xách ném vào vách tường.
Đà ném quá mạnh làm tôi mất thăng bằng.
Mắt tôi hoa lên, chuệnh choạng bước thêm vài
bước, dang hai tay vịn vào tường mới có thể bước xuống những bậc thang. Đi đâu
bây giờ? Tôi không biết. Nhà thì không thể vào còn nếu chạy loanh quanh ngoài
đường thì tôi biết mình sẽ gục ngã. Đến nằm nhà bạn bè ư? Tôi không thể lê cái
xác vô hồn này đến ăn vạ nhà ai… Suy nghĩ… Cuối cùng tôi lấy xe chạy vào một
nhà trọ, thuê một phòng để nằm tạm vài giờ.
Khi mở được cửa, tôi nằm vật xuống giường như
một tảng đá. Ý thức của tôi lúc đó bị rối loạn và ruột gan chỉ thấy một nỗi
đau, như vừa bị một miếng đòn thâm hiểm mà định mệnh đã giáng trúng. Hy vọng cuối
cùng của tôi đã bị đạp đổ. Tôi nằm úp mặt vào gối. Tôi muốn kiềm chế hơi thở để
bình tĩnh lại. Nhưng những kiến thức về thiền chẳng giúp gì được. Trạng thái
đóng cửa với ngoại cảnh đã thất bại. Thay vào đó, tôi cảm thấy có một sức ép
lên hai bên thái dương. Nhẹ, nhưng sau mỗi đợt co thắt, nó làm tôi tê dại.
Tôi muốn hét lên. Tôi muốn thét gào nỗi sợ với ai đó, hay đập phá mọi thứ xung
quanh.
Áp lực của cõi sống như càng lúc càng đè nặng
lên ngực.
Lúc cơn đau dịu đi, tôi cố gắng
thu hết tàn lực để suy nghĩ. Thế nhưng đầu óc cứ trống không. Có một cái gì đó
lờ mờ làm đầu óc tôi càng lúc càng mụ mị.
Bốn bức tường của căn phòng như lắc lư dịch chuyển. Chúng khép dần như bắt
vít, thu hẹp khoảng không. Không gian dồn ép, vây chặt lấy tôi, khủng khiếp như
bị nhốt trong một chiếc quan tài bằng kính. Xung quanh tôi chỉ có sự yên lặng của
huyệt mộ. “Tôi đã làm gì? Tại sao số phận lại khắc nghiệt với tôi?” Không có trả
lời. Tôi chỉ thấy sự cô đơn của chính bản thân mình trong thế giới này. Tôi cảm
giác mình chỉ còn là một mẫu thể xác đang thoi thóp, cơ thể còn ấm nóng
nhưng không còn một chút sinh lực. Cái chết dữ tợn đang chậm chạp bước đến, các
tế bào rồi sẽ lần lượt chết vì trái chôm chôm mỗi lúc một phình to và cô Gấm sẽ
nằm bất động, ý thức, chờ đến lúc trái tim hoàn toàn ngừng đập.
Tôi nằm vật trên giường, hai hàm răng cắn chặt
vào mép áo để khỏi phải hét lên. Vì cuồng điên và bất lực.
Tâm trí tôi mờ ảo như một đám sương mù. Hai
bên thái dương đau nhức, tôi thiếp đi trong một cơn mơ màng.
Giấc ngủ đã đến. Nhưng có lẽ đó không phải là
giấc ngủ mà là một sự mê mệt, một sự quên lãng hoàn toàn. Từ trước đến nay chưa
bao giờ tiềm thức của tôi lại chìm đắm trong một sự lãng quên đến thế, khó khăn
lắm tôi mới có thể kéo dần tiềm thức trở về với thực tại, từng tí, từng tí một.
Khi tỉnh dậy, tri giác của tôi vẫn không sao xác định được thời gian. Chỉ mơ hồ
hiểu là trời sắp về chiều. Và tiếp theo cảm giác đó là nỗi sợ hãi.
Nó đã bám theo tôi ngay cả trong giấc ngủ.
Sự im lặng trong căn phòng bỗng làm tôi khó
chịu. Tôi ngồi bật dậy mở toang cửa sổ. Những khối tháp bằng ciment án mất tầm
nhìn. Có lúc tôi tưởng như tất cả những cao ốc đang sừng sững mọc lên trong
thành phố này đang ngạo nghễ đè lên ngực mình. Cùng với nó là khói bụi, tường
vách, ban-công, nóc nhà sắt thép đang đổ ụp. Tôi có cảm giác là thân thể mình mỗi
lúc mỗi cứng đờ, và có lúc, trong cơn sợ hãi điên cuồng, tôi muốn khóc rống lên
làm náo động cả cái thế giới này.
Không. Cần phải ra khỏi nơi đây. Phải đi
ngay, đi ngay… nhưng trời đất bao la thế này mà tôi chẳng biết về đâu. Tôi
không còn một chỗ nào để được yên thân. Tuy nhiên tôi hiểu là mình cần phải đi
khỏi đây, cần phải thoát khỏi sự im lặng khủng khiếp này.
Và bất thình lình, tôi ngồi bật
dậy lao ra hành lang.
Sau lưng là cánh cửa mở toang hoác. Và trong
sự ngạc nhiên của nhân viên phòng nghỉ tôi thanh toán tiền phòng trong vội vã,
lấy xe rồi phóng ra ngoài.
Tôi chạy trên đường đờ đẫn như
một kẻ mộng du. Những hình ảnh và khuôn mặt bềnh bồng quanh mình như những bóng
ma. Tôi nhìn mọi người, và có lẽ mọi người cũng nhìn lại tôi, nhưng tôi như
không thấy gì cả. Tôi không ý thức là mình đang nhìn cái gì.
Mình đang chạy đi đâu. Chỉ có tay lái và tay ga không hiểu bằng cách nào cứ cho
xe lao đi, chạy vun vút trên đường phố.
Một mối quan hệ nào đó bình
thường điều khiển trí óc của tôi giờ đây như bị đứt đoạn. Tôi lái xe mà như
không chủ đích, cứ giữ tay lái và chạy,
tiến mãi về phía trước như muốn bỏ lại nỗi sợ ở phía sau lưng. Có lúc tôi đi
bình thường, có lúc tôi như đứng lại, chỉ có con đường nhựa đang chạy dưới chân.
Có lúc mọi vật đứng yên mà cũng có lúc những cột điện chao đảo, lắc qua lắc lại…và
tôi tưởng mình sẽ ngã. Những lúc ấy, theo bản năng tôi cố giữ thăng bằng và chạy
chậm …
Phản xạ
đưa tôi chạy về phía cầu Bình Triệu
nhưng tôi không về nhà mà rẽ xe qua Thanh Đa, về hướng Bình Quới.
Đến một góc khuất tôi dựng xe rồi bước dọc
theo bờ sông. Tôi đi rất lâu và khi đã mệt nhoài tôi vẫn bước tiếp mặc cái mệt
rã rời trong cơ bắp. Đi, đi mãi và cuối cùng tôi tìm được một nơi vắng vẻ và cạnh
đó một bãi cỏ xanh. Mới đầu tôi ngồi nhưng chỉ một lát tôi thả người nằm ngửa
ra bất động, hai cánh tay và đôi chân giang ra thành hình chiếc thập tự trên nền
cỏ xanh mềm; tôi nằm yên và nhắm mắt lại. Sự vĩ đại của cơn
mệt nhọc tự nó đã làm giảm bớt căng thẳng. Nó không cho phép một cảm giác bất kỳ
nào khác ngoài sự dễ chịu khi sự căng thẳng rời dần khỏi các cơ bắp. Tôi hít thở
như lời bác Thuận dạy: “Hít vào sự bình an. Thở ra, thãi những lo âu, sợ hãi hay căng thẳng”.
Nằm yên như thế một đỗi lâu tôi thấy người dễ
chịu. Tôi chuyển thế nằm sấp, chống hai khuỷu tay ra phía trước, hai bàn tay chống
lấy cằm rồi ngắm nghía những đường vân trên những chiếc lá nhỏ nằm trước mặt
mình. Có lúc tôi ngắt một bông hoa dại, làm những sợi cỏ đung đưa, run rẩy.
Nhìn chán, tôi xoay người nằm ngửa, cảm nhận hơi ấm của thảm cỏ dưới lưng mình.
Trên cành cây, những chiếc lá có thứ màu xanh mượt mà khác hẳn những chiếc lá ửng
vàng bám đầy bụi bặm trong thành phố. Các lá cây bất động treo trên nền trời
vàng chanh bóng loáng. Vẻ xanh xao của bầu trời càng làm cho ánh sáng chiều yếu
dần. Tôi ấn mạnh lưng xuống đất và chợt cảm thấy một sự khoan khoái nhè nhẹ
trong các cơ bắp. Nằm một lát tôi chống tay đứng dậy, đi dọc bờ sông, nhìn bóng mây phản chiếu trên mặt nước. Có hai bầu
trời. Một trên cao. Một dưới thấp. Đường chân trời xa tắp, không biết đâu là giới
hạn.
Chiều xuống. Tôi nhìn những mảng lục bình
đang bập bềnh trôi. Nắng đã tắt gần hết, chỉ còn sót lại một mảng nắng trên đọt cây
cao. Lòng tôi tự nhiên chùng xuống. Tôi chưa hiểu tại sao bên một dòng sông…
trong cái thời khắc của buổi chiều tàn lại gây xúc động tâm hồn mình đến thế.
Có lẽ giữa phút giao hòa của ngày và đêm, sự phối hợp của nắng vàng
và bóng tối đang choàng lên tạo vật một sắc màu lung linh huyền bí.
Bầu trời
chiếu sáng mờ mờ, xanh và rộng
như một đại dương phẳng lặng. Bên góc trái còn có một mảnh trăng lưỡi liềm, lơ
lửng như treo giữa mênh mông thăm thẳm.
Gió nhè nhẹ thổi. Trời đang trong bỗng mây trắng
ở đâu chậm chạp kéo về, bay từ hướng
đông nam qua tây bắc. Những tầng mây, mới đầu lẻ tẻ, thưa thớt nhưng chỉ
trong chốc lát chúng kết hợp thành nhiều
khối, rồi đột ngột hiện ra như muôn nghìn đền đài đồ sộ; mỗi khối có kích
thước lớn hơn ức vạn ngôi đền thông thường mà con người xây dựng xưa nay. Nó có
những đỉnh cao như tòa tháp, những mái bằng nhô cao, vạt thấp, những
hình trôn ốc được chạm khắc, đường nét đậm
nhạt uyển chuyển giữa trời… hình ảnh xem giống Angkor Wat, mà còn vĩ
đại hơn Angkor Wat hàng trăm hàng vạn lần.
Nhưng có lẽ tôi không nên gọi nó là Angkor Wat, mà phải gọi
là đại vực, là Grand Canyon vĩ đại và đồ sộ.
Một bức tranh thiên nhiên kỳ tuyệt hiện lên sừng
sững giữa trời cao.
Xung quanh khối tháp bên phải có ánh nắng chiếu
vào, do một khúc xạ và phản chiếu kỳ ảo, ánh sáng biến thành những đường viền màu
trắng, làm những đền đài kia càng thêm sáng chói và rực rỡ.
Màu sắc của
đại vực lộng lẫy và biến hoá vô lường.
Tôi nhìn sững cảnh sắc kỳ lạ đó như kẻ bị
thôi miên.
Thời khắc như dừng lại, và cảnh đền đài đồ sộ
hiện giữa không trung kéo dài đâu chừng
vài phút.
Bởi, sau mốc thời gian đó, một điều kỳ lạ đã
xảy ra.
Gió!
Bầu trời chuyển động. Gió nổi lên. Mỗi lúc mỗi
mạnh. Những khối mây vần vũ, dịch chuyển, đổi ngôi. Có một khối tháp lớn bay qua, che khuất, như va chạm vào ngôi đền làm tường thành ập
xuống. Trên thinh không những vân sóng đồng tâm, tầng tầng lớp lớp loang ra,
lan rộng.
Theo
làn sóng những đền đài, miếu mạo bị chấn động, run rẩy, tự dát mỏng, biến dạng
rồi chìm đi. Mất hút.
Cảnh tự xoá diễn ra chậm chạp. Trịnh trọng và
thần bí như tuân theo một nghi lễ trang nghiêm.
Bất ngờ hiện ra, đột ngột biến mất.
Tất cả những hình tượng đó chợt làm tôi thấy rõ sự sụp đổ; như sự tan vỡ của ảo
tưởng. Và ngộ ra sự trần trụi của phù du.
Mọi phiền muộn, lo toan trong đời đều điên rồ, vô nghĩa.
Rồi cuốn hút trong chấn động của vân sóng, những
lo âu, phiền muộn bỗng chốc tiêu tan; tình yêu, khổ đau, bệnh tật, hạnh phúc, tử sinh chỉ là hư ảo.
Tất cả đều bị xoá mờ.
Trên bầu trời phút chốc chỉ còn một màu mây
xám.
Những tảng mây không còn hình thù gì rõ nét.
Dưới
ánh hoàng hôn, lác đác có vài khối mây riêng lẻ. Có khối vàng vọt nhưng cũng có khối sẫm đậm màu da cam.
Phần lớn đã tự dát mỏng và phân tán như muôn
nghìn lông ngỗng, vắt vẻo giữa trời.
Dòng sông trước mặt vẫn đang chảy nhẹ nhàng
thoải mái trước mắt tôi. Tiếng nước chảy rì rào. Tôi đến sát bờ, soi mình trong
dòng nước. Tôi nhìn thấy khuôn mặt và mái tóc xoả dài phản chiếu trên mặt
gương. Dường như trong mờ mờ nhân ảnh còn có cái gì của quá khứ, của hiện tại
và của tương lai đang quyện vào nhau. Kiếp trước, kiếp sau, đời này tiếp nối.
Khuôn mặt dừng lại vài giây, như nhìn lại tôi, rồi bất chợt một con nước xoáy,
bóng ảnh kia tan biến .
Ngay
lúc ấy, tôi thấy một cơn đau, nhói lên giữa ngực. Nhưng tôi chỉ khẽ đặt một bàn
tay lên ngực mà không sợ hãi. Tôi biết rồi
sẽ có một cơn đau sung sướng, hiệu quả như một nhát dao chí mạng, vết thương vỡ
mủ, ứa ra... sau đó tất cả sẽ chấm dứt. Và cuối cùng máu sẽ phọt ra từ hai trái phổi, phù phù rửa hết những đau
thương và bất hạnh.
Đây đó, mây tản mác thành những mảng đen lấp
loáng, như vết dầu loang trên biển.
Chiều đang xuống nhanh. Mặt trời sắp tắt....
Trương Văn Dân
1. Tác phẩm “BTNDM”_ Tiểu thuyết luận đề của Nhà văn TVD_
Trả lờiXóaĐọc bài viết nhận định của Chị /cô DKT đã rút ra hai luận đề chính xuyên suốt Tác phẩm ,làm tôi rất tâm đắc :
_ Nổi ám ảnh,ray rức của con người trước dòng xoáy “hiện đại hoá”như vết dầu loang trên mặt phẳng trái đất.
_Cái “tình” của con người trước bối cảnh cuộc sống gần như đang quằn quại, hấp hối qua (hai nhân vật Gấm_Anh Nhà báo) trong Tác phẩm
Đó là hai mảng chính nổi bật trong “BTNDM”:
_Một cái dễ nhận”THẤY” bằng mắt và,
_Một cái “THẤY” trừu tượng hơn phải qua chiêm nghiệm, động não quan sát hiện tượng, bản chất sự vật…
Nhưng theo thiển ý cá nhân tôi ,nói chung _Hai nội dung chính này, không hoàn toàn tách bạch, song song riêng rẽ mà “NÓ” được “đan xen” , lúc “ĐẬM” lúc “NHẠT”theo dòng cảm xúc mô xẻ ý tưởng rốt ráo của Tác giả !
_Bằng giọng văn nhẹ nhàng,câu văn ngắn, gọn, từ ngữ không màu mè ,nhưng đầy tính nhạc qua cái nhìn uyên bác liên đới nhiều lĩnh vực cuộc sống của Anh !
_Bằng nghệ thuật độc thoại nội tâm suy xét như những “lát cắt” tâm lý dẫn người đọc tự “tư nghì” xuyên suốt Tác phẩm _đọng lại cái tư duy tan biến, dịch chuyển , cái lẽ vô thường của Tạo hoá ; gẫm suy nhiều về sự sống& cái chết, toát lên cái hồn Đông phương nhuốm đầy triết lý Phật giáo sâu sắc ,dù Anh đã sống hơn 2/3 đời mình ở Ý…
Chính tư duy đó, làm người đọc tự đặt nghi vấn, tự giải quyết trước “cái tình” đang băn khăn,hấp hối của Gấm trong “BTNDM” _ lưu tâm đến lòng “nhân ái” , về tính “nhân bản” , lòng vị tha đang bị xói mòn, xơ cứng trước vật chất hoá đời sống chúng ta hiện nay trong Tác phẩm…
Đọc “BTNDM” cá nhân tôi rất thích và rất mong được đọc những tác phẩm mới khác của Anh TVD !
Và cũng cảm ơn Chị/cô DKT về bài viết trên đã lô gíc , cô đong gần như sắc nét “BTNDM”!