HQN: Anh Trần Duy Đức vừa gửi đến
chúng tôi bài viết về chi bộ Hồng Lĩnh, được
thành lập trên quê hương An Nhơn – Bình Định, cách đây 76 năm (20/10/1936 – 20/10/2012).
Với tình cảm của người con quê hương An Nhơn, anh Trần Duy Đức đã ghi
lại sự hình thành cũng như quá trình hoạt động của chi bộ Hồng Lĩnh trên mảnh
đất anh sinh ra, lớn lên, chiến đấu và trưởng thành. Hương Quê Nhà xin ghi nhận và mạn phép chuyển
đến các bạn để được chia sẻ.
Huyện ủy An Nhơn(*) tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập chi bộ Hồng Lĩnh (ảnh trên)
Ảnh cụ Huỳnh Đăng Thơ được trưng bày trong Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum
Những năm nửa đầu thập kỷ 30 của thế kỷ
20, một số tổ chức Đảng Cộng sản ra đời sớm như chi bộ Nhà Đèn, Trường Quốc học
(Quy Nhơn), Cửu Lợi (Hoài Nhơn), Vạn Đức (Hoài Ân) lãnh đạo phong trào cách
mạng trong tỉnh lần lượt bị địch khủng bố trắng tàn khốc, gây cho phong trào
cách mạng trong tỉnh gặp khó khăn tổn thất. Từ năm 1930- 1935, chế độ thực dân,
phong kiến càng ra sức bóc lột nhân dân lao động, họa phát xít và nguy cơ chiến
tranh ngày càng đè nặng lên nhân dân thuộc địa.
Vượt
qua khó khăn, thử thách, những năm 1934-1936, nhiều chiến sĩ cộng sản từ các
nhà lao mãn hạn tù đã về lại địa phương. Trong đó, ở An nhơn có đồng chí Huỳnh
Đăng Thơ, nguyên Bí thư chi bộ đặc biệt ở nhà tù Kon Tum bị địch bắt đày vào
nhà lao Buôn Mê Thuột từ cuối năm 1930 đến 1934 địch đưa về quản thúc tại quê
nhà là làng Đại An, thời ấy thuộc tổng Mỹ Đức, nay là xã Nhơn Mỹ. Với kinh
nghiệm hoạt động trong lao tù nhiều năm, lại biết nghề làm thuốc chữa bệnh giúp
người nghèo và giao du rộng, nên ông đã nhanh chóng tập hợp, giác ngộ và lựa
chọn một số thanh niên tiến bộ ở Đại An, Đại Bình (Nhơn Mỹ) và các làng lân cận
như An Vinh, Thủ Thiện (Bình Khê) để phát triển đảng viên, trong đó hai người
em ruột của mình là Huỳnh Đăng Chi và Huỳnh Đăng Bảng. Cùng thời gian này,
Huỳnh Đăng Thơ còn liên lạc với số đảng viên cũ ở La Hai (Phú Yên) là bạn tù
trước đây của ông để phối hợp hoạt động và bắt liên lạc với cấp trên.
Từ
giữa năm 1936, Mặt trận nhân dân ở Pháp do Đảng Cộng sản làm nòng cốt giành
thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp (lúc ấy
gọi là Chính phủ Bình dân) cầm quyền, có một số chính sách tương đối tiến bộ
đối với các nước thuộc địa. Ở trong nước thì Trung ương Đảng chủ trương tập hợp mọi tầng lớp nhân nhân tán
thành cải cách dân chủ và tiến bộ xã hội vào Mặt trận nhân dân phản đế Đông
Dương, đến tháng 3/1938 đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhằm tập trung
mũi nhọn đấu tranh vào bọn phản động thuộc địa, đòi cơm áo và hòa bình. Và,
phong trào đấu tranh được mở đầu bằng cuộc vận động tổ chức Đông Dương đại hội
rầm rộ khắp nơi.
Từ
yêu cầu bức xúc của phong trào cách mạng ở địa phương thời kỳ Mặt trận Dân chủ
và điều kiện đã chín muồi cho sự ra đời tổ chức Đảng tại An Nhơn, ngày
20/10/1939, tại Hòn Chùa- Đại An, một chi bộ Đảng được ra đời, lấy tên là chi
bộ Hồng Lĩnh- núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh để tưởng nhớ cao trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh
những năm 1930-1931 (nay là thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Lúc đầu chi bộ có
7 đảng viên, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ là người sáng lập nhưng vì tuổi cao và bị
địch theo dõi nên làm nhiệm vụ cố vấn, thầy giáo Triết, tức là đồng chí Nguyễn
Mân được bầu làm Bí thư chi bộ đầu tiên. Địa bàn hoạt động của chi bộ Hồng Lĩnh
mở rộng cả huyện An Nhơn, huyện Bình Khê và nam huyện Phù Cát. Như vậy là phạm
vi ảnh hưởng của chi bộ lan rộng ra các huyện phía nam tỉnh Bình Định.
Đến
giữa năm 1937, cơ sở Đảng đã mở ra nhiều làng của ở Bình Khê, đông An Nhơn và
phía nam Phù Cát như Mỹ Thuận, Bến Đức, An Chánh, An Vinh, Lai Nghi (Bình Khê),
Cảnh Hàng (An Nhơn), Cát Nhơn (Phù Cát) và hình thành ba tổ Đảng: Đại An, Đại
Bình, Bình Khê. Vừa đẩy mạnh phát triển đảng trong thanh niên, học sinh và nông
dân tiến bộ, chi bộ vừa nhanh chóng bắt liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ. Tháng
4/1937, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ thay mặt chi bộ Hồng Lĩnh tham gia cuộc họp cán
bộ các tỉnh miền Trung tại Huế. Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (tập 1,
1930-1945) ghi nhận: Trong cuộc họp này, Xứ ủy lâm thời Trung kỳ đẵ chính thức
công nhận, giao chi bộ Hồng Lĩnh trách
nhiệm khôi phục và xây dựng hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng toàn
tỉnh Bình Định. Bỡi theo Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương lúc ấy quy định: “Tỉnh nào, huyện nào, tổng nào chỉ có một
chi bộ thì cơ quan thượng cấp có thể cho Ban cán sự chi bộ ấy lấy danh nghĩa
lâm thời tỉnh, huyện hay tổng ủy để phụ trách phát triển công tác khắp trong
tỉnh, huyện, tổng ây”. Xứ ủy còn giao chi bộ Hồng Lĩnh phối hợp với Đảng bộ
Quảng Ngãi, Phú Yên khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập Ban
Cán sự liên tỉnh Trung kỳ (Quảng Ngãi, Bình, Phú Yên).
Cuối
năm 1937, chi bộ Hồng Lĩnh đã phát triển lên 35 đảng viên, thành lập thêm các
tổ Đảng ở Cảnh Hàng, An Thái, nam Phù Cát và số đảng viên ở Bình Khê được tách
ra thành lập một chi bộ mới. Tuy nhiên, hai chi bộ ở An Nhơn và Bình Khê vẫn
sinh hoạt, học tập và hoạt động chung. Cùng thời gian trên, nhằm đáp ứng yêu
cầu mới của phong trào, Tỉnh ủy lâm thời Bình Định được thành lập, do đồng chí
Nguyễn Văn, là đảng viên chi bộ Hồng Lĩnh, nguyên Bí thư chi bộ Bình Khê làm Bí
thư Tỉnh ủy Lâm thời.
Trước
đòi hỏi của phong trào quần chúng, tại Đại An, chi bộ Hồng Lĩnh đã họp bàn và
đề ra những công việc cấp bách: Trong đó, đặt mạnh việc phát triển lực lượng
cách mạng trong các nhà máy, công xưởng ở An Thái, Quy Nhơn...mở rộng hơn nữa địa bàn hoạt động đến thị xã Quy
Nhơn; mở đại lý sách báo công khai của Đảng và lập các nhóm đọc sách báo tiến
bộ từ làng Đại An và lan ra ở nhiều nơi; chọn người đề cử vào Ban cán sự Đảng
bộ liên tỉnh.
Từ
đó, phong trào đấu tranh của công nhân, thợ thủ công, nông dân, tiểu thương,
tiểu chủ phát triển mạnh ở nhiểu nơi, kể cả thanh niên học sinh và trí thức yêu
nước. Nổi lên là cuộc đình công của hơn 500 thợ dệt xưởng Thái Phát ở An Thái,
lôi chuốn công nhân 4 hảng dệt khác tham gia đấu tranh đòi chủ hảng tăng lương,
giảm giờ làm, không được vô cớ sa thải công nhân...Và, nhiều cuộc đấu tranh của
nông dân chống địa chủ, cường hào bao chiếm ruộng đất công trong các đợt quân
cấp công điền, đòi chia ruộng đất theo kiểu mới; tiểu thương ở các chợ đấu
tranh giảm sưu sưu thuế,v.v...
Tuy
nhiên, từ cuối năm 1937, phong trào cách mạng ở Bình Định cũng như trong cả
nước lại phải đứng trước thử thách mới, Chính phủ Pháp thay Đảng cầm quyền và
ngày càng đi vào con đường phát xít hóa. Thực dân Pháp mượn cớ phòng thủ chống
Nhật, thực hiện các thủ đoạn đàn áp, khủng bố phong trào của Mặt trận Dân chủ
Đông Dương. Tại tỉnh ta, nhà cầm quyền trấn áp phong trào lập Ái hữu trong công
nhân, khủng bố các cuộc đấu tranh chống tăng thuế, cải cách dân chủ, bóp nghẹt
những đòi hỏi về dân sinh, dân chủ,v.v...Đến cuối năm 1939, trước sự khủng bố
của thực dân, phong kiến, nhiều tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng tiến bộ bị
vỡ, Đảng chủ trương chuyển hướng hoạt động để bảo tồn lực lượng. Đồng chí Huỳnh
Đăng Thơ chuyển vùng ra Hoài Ân hoạt động, dưới hình thức lập trại ươm tơ, làm
thuốc chữa bệnh, đồng chí đã bí mật xây dựng lực lượng cách mạng trong thanh
niên tiến bộ và bắt liên lạc với cấp trên, chuẩn bị thực lực tiến tới khởi
nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám-1945. Huỳnh Đăng Thơ là Chủ
tịch ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời đầu tiên và cũng là Bí thư đầu tiên của
Đảng bộ huyện Hoài Ân sau khi chính quyền về tay nhân dân. Ở An Nhơn và nhiều
nơi khác, cuối năm 1944 các đảng viên cũ của chi bộ Hồng Lĩnh và các tổ chức
Đảng trong tỉnh lần lượt ra khỏi nhà tù thực dân và về địa phương, tìm cách
liên lạc với cấp trên, tập hợp lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, góp phần quan
trọng vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám lịch sử.
Phong
trào cách mạng những năm 1936-1939 ở Bình Định là một bộ phận của cao trào vận
động Dân chủ Đông Dương. Trong đó, vai trò của chi bộ Hồng Lĩnh đã góp phần
quan trọng, như Lịch sử Đảng bộ tỉnh đã khẳng định: “Sự ra đời và có những hoạt động phong phú của Đảng bộ Hồng Lĩnh là một
đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng Bình Định trong những năm
1936-1939”. Từ những đóng quan trọng trong giai đoạn lịch sử của cuộc vận
động Dân chủ, mà Đảng ta đã tập hợp được lực lượng đông đảo quần chúng yêu
nước. Qua đó giác ngộ, thử thách, phát triển thành thực lực lượng cách mạng
mạnh mẽ để quê hương An Nhơn, Bình Định cùng cả nước làm nên cuộc cách mạng mùa
Thu lịch sử năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước công-
nông đầu tiên ở Đông Nam Á, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang đến ngày
hôm nay./.
Ngày
17 tháng 10 năm 2012
T.D.Đ
(*)Theo Nghị quyết của Chính phủ, An Nhơn chính thức thành thị xã từ ngày 28.11.2011
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét