Năm đang ngồi đọc sách thì có tiếng gõ cửa nhẹ, thong thả.
- Cửa không cài then, xin mời vào.
- Thưa thầy, em là con của bà chủ nhà này. Em…– Một cô gái bước vào.
Năm lúng túng:
- Xin lỗi…
- Em tên là Hạ.
Năm kéo ghế mời Hạ ngồi.
- Thế Hạ đến có việc gì? Hay là bà chủ …
- Hổng có việc gì cả. Em đến thăm nhà của mình mà!- Hạ vừa nói vừa nhìn Năm, mỉm cười.
Biết cô bé muốn chọc mình nên Năm cũng cười.
- Thế tiểu thư có điều chi chỉ giáo cho kẻ tha hương này?
- Em muốn nhờ anh một chuyện.
- Xin tiểu thư cứ nói.
- Con trai miền Trung cố chấp như vậy sao? Em chỉ đùa tí mà từ hồi nãy đến giờ anh cứ gọi em là tiểu thư hoài. – Hạ vừa nói vừa nhìn Năm một cách chăm chú và thân thiện.
Năm cười, một nụ cười hồn nhiên vốn có của đồng đất quê anh.
- Hạ uống nước đi, cho anh xin lỗi nhé! – Năm vừa nói vừa cầm ly nước đưa cho Hạ.
- Em chỉ nói vui vậy thôi. Anh chở giúp em vào trung tâm thành phố mua sách nhé.
Lúc này Năm mới nhìn kỹ Hạ. Tóc cắt ngắn theo kiểu nửa con trai. Khuôn mặt xinh xắn. Đôi mắt tròn, đen láy, trông rất duyên.
- Trông anh kìa, bộ em khó coi lắm sao? - Hạ nói khẽ.
Là một cô gái vốn thông minh, Hạ biết Năm đang lúng túng. Cô nhanh chóng chuyển sang một đề tài khác:
- Cây đàn guitar của anh thật đẹp. Chắc anh đàn hay lắm
- Anh chỉ mới tập, lúc rảnh khảy một vài nốt cho vui.
Hạ nhìn Năm, một cái nhìn dò xét, pha chút lém lỉnh:
- Nếu chở em đi vào thành phố, liệu có cô nào gây khó dễ cho anh không?
Năm trả miếng ngay:
- Vậy mà anh cứ lo có anh chàng nào đó đón đường hỏi thăm sức khỏe thì anh không biết đường mà chạy.
Biết gặp chàng trai không vừa nên Hạ nói cho qua chuyện:
- Xấu như em thì có ai ngó tới làm gì. Anh khéo vẽ chuyện.
Năm như đang chạm vào bức tranh lạ, đầy cuốn hút. Và bất chợt, Năm như đang rơi vào một trạng thái không có điểm tựa. Cái cảm giác ấy chưa từng có đối với Năm, dù hằng ngày anh luôn tiếp xúc với các cô giáo dạy cùng trường mà nhan sắc không hiếm các chàng trai phải “trồng cây si” trước cổng trường. Năm không đánh lừa cảm giác của mình, bởi nó đến rất tự nhiên như nắng mưa, nóng lạnh của trời đất. Nhưng với Năm, đó là điều khác lạ. Hơn nữa đây là lần đầu tiên anh tiếp xúc với Hạ. Người ta bảo, con gái Sài Gòn đối với lĩnh vực tình cảm thì thường “phát tín hiệu” trước so với con trai. Mà đã yêu ai thì hết mực chân thành…Chẳng lẽ Năm đã nhận được tín hiệu ấy sao? Không, không thể thế được! Năm nghĩ, Hạ là một cô gái đẹp mà lại là con của một gia đình thuộc vào loại khá của đất Sài Gòn này, sẽ không hiếm những chàng trai đeo đuổi, tán tỉnh. Năm tự nói với chính mình, vẫn biết ở lĩnh vực tình cảm thì con tim luôn có lý lẽ riêng của nó, nhưng để tán tỉnh Hạ, đối với Năm - đó là điều ảo tưởng.
- Không lẽ anh đổi ý rồi sao?
Năm giật mình, cười gượng, và nói khỏa lấp:
- Anh đang nghĩ, có ai đó chụp một tấm hình khi anh đang chở em đi mua sách thì hay biết chừng nào.
- Anh khéo tưởng tượng. Ai mà rỗi công đi làm thế! Mà để làm gì vậy?- Hạ nhìn Năm như muốn dò xét một điều gì đó.
- Thì mai mốt anh về quê khoe với bạn bè là anh có một người…
Nghe đến đây, Hạ giãy nảy:
- Thế thì em không chịu đâu.
- Anh chỉ đùa tí thôi mà! Bây giờ chúng ta đi mua sách vậy.
Năm vừa nói vừa lại dắt chiếc xe honda dame ra cổng.
Trời nắng nhẹ. Như mọi ngày, Sài Gòn lúc nào cũng rộn ràng, nhộn nhịp. Cái cảm giác thích thú được chở người con gái trên đường phố như đang len vào trong Năm. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Năm được như vậy, bởi khi còn đi học, anh sống khép kín, ít quan hệ với bạn bè. Trên đường mua sách về, như để níu kéo thời gian bên Hạ, Năm đề nghị ghé lại chơi ở Thảo cầm viên. Ở đây vì cây cối nhiều nên phần nào cũng mát và dễ chịu hơn. Khi đang sánh bước bên nhau, Hạ gợi chuyện:
- Anh thấy ở đây như thế nào?
- Đẹp và phong phú. Anh rất thích. Không biết bao giờ quê anh có được như vậy.
- Nếu anh muốn, chủ nhật tới, em sẽ cho anh thấy vườn cây ăn trái rất đa dạng, thơ mộng và hữu tình của miệt vườn Lái Thiêu.
- Thế thì còn gì bằng. Hai đứa thống nhất như vậy em nhé!
- Dạ.
Người ta bảo, hoa hồng thì có gai – nhưng giờ phút này Năm không thấy điều ấy. Anh chỉ thấy ở Hạ sự mềm mại, dịu dàng và hiền thục. Những con vật quý hiếm, đẹp của các châu lục được đem về nuôi dưỡng ở đây không thu hút anh nữa, mà giờ anh chỉ thích đi bên Hạ dưới những tán cây loang từng hạt nhỏ li ti của nắng. Năm nhớ, hồi ở quê những buổi trưa nắng, sau khi thả lưới, anh hay chèo chiếc sõng câu vào núp dưới bóng các lùm tre, cột dây neo vào một gốc cây nào đó nằm đọc sách vừa thú vị vừa mát. Các cô gái mót củi bên sông thấy vậy thường hay hát hò ghẹo anh: Hỡi anh thả lưới trên sông/ Ai thương ai nhớ ai trông anh kìa! …
Đó là những cô gái quê, có người là bạn học của anh hồi lớp vỡ lòng ở trường làng, vốn mến anh - cái anh chàng siêng học, lại biết chăm lo phụ giúp gia đình.
- Đúng là thầy giáo dạy văn có khác. Chỗ nào cũng làm thơ, cũng mộng mơ được. Ông mặt trời đã đứng bóng, chúng ta về, kẻo muộn.
Như kẻ ăn vụng bị bắt quả tang, Năm gượng gạo:
- Ừ, mình về!
Rồi không hiểu sao lúc ấy Năm lại nắm lấy tay Hạ một cách rất tự nhiên, đung đưa như hai người bạn thân thiết từ lâu, giống như đôi chim đang tung tăng vờn lượn trong vườn hoa vậy. Hạ lúng túng vì bất ngờ, nửa thì muốn gỡ tay Năm ra, nửa thì muốn để im như thế. Cái cảm giác rất lạ đang len dần trong cô. Mà anh chàng này cũng làm sao ấy, mới nói chuyện với nhau lần đầu lại dám nắm tay người ta nữa chứ. Thôi, có chết ai nào, mà cũng vui vui, hay hay. Cứ coi như không biết vậy. Đến khi Hạ nghe Năm nói nhỏ bên tai:
- Cho anh xin lỗi nghen Hạ. Anh không để ý, anh cứ tưởng như mấy đứa ngoài quê của anh.
- May cho anh là gặp con gái Sài Gòn gốc, chứ nếu không thì…- Hạ cười rất tươi.
Sài Gòn gốc. Đúng rồi! Người ta bảo con gái Sài Gòn rất tự nhiên, chân thành, trong tình yêu thì nồng nàn, say đắm và chung thủy, đặc biệt là không phân biệt giàu nghèo.
Như đã hẹn, sáng chủ nhật, Năm đưa Hạ về Lái Thiêu. Cảm giác đầu tiên của Năm là một không khí trong lành mang hơi nước của con sông từ Sài Gòn chảy xuống. Cây lá, hoa trái lao xao như mời gọi. Từng lối đi của miệt vườn mấp mé con nước dọc bờ sông. Sự bình yên, êm ả cùng nét quyến rũ của hương thơm hòa quyện với các loại trái cây: chôm chôm, mít Tố nữ, sa-pô-chê, sầu riêng, măng cụt…một nét riêng của một vùng quê miền Đông Nam bộ, làm cho khách đến thăm như chạm vào được một không gian thơ mộng, hữu tình. Lần đầu tiên đến đây, choáng ngợp với một vùng sinh thái tuyệt diệu được thiên nhiên ưu đãi, Năm như bị cuốn hút vì sự lãng mạn của không gian, sự đa dạng về hương thơm cây trái đan xen trong gió thoảng. Đôi chân của Năm như không muốn bỏ sót một góc nào của miệt vườn này. Thấy vậy nên Hạ nói vui:
- Anh Năm ơi, chắc anh quên Sài Gòn không muốn về rồi.
Biết Hạ chọc nên Năm cũng đưa đẩy:
- Em đang ở đây, anh về Sài Gòn làm gì?
Hạ đang mân mê chùm hoa của cây sầu riêng mà cô đang đứng gần. Nét mặt của Hạ ửng hồng:
- Em nghe người ta nói, con trai miền Trung thật thà, chất phác, mà anh lại đang xạo với em đó nghen!
- Không đâu. Có thể em không để ý điều này, trong cái đùa của con trai có cái thật, rất thật. Dù cây trái và miệt vườn ở đây có quyến rũ đến mức nào đi chăng nữa thì làm sao bằng…
- Đó, đó, anh lại chuẩn bị…xạo nữa đấy nghen! Em không nghe anh nói nữa đâu. – Hạ cắt ngang lời của Năm, vừa nói vừa bỏ chạy.
Năm cười và ngã người vào chiếc ghế cạnh cây sầu riêng, mắt vẫn nhìn theo dáng Hạ đến khi cô mất hút trong vườn cây. Và bỗng nhiên trong giây phút ấy, Năm đã nhận ra tín hiệu tình cảm của Hạ. Anh vội rời khỏi ghế, bước vào khu vườn ấy, như sợ tuột mất thời khắc quý hiếm để bày tỏ điều trái tim anh muốn nói. Thật bất ngờ, trên thảm cỏ vừa đủ lối đi cho một người, Hạ nằm, gối đầu vào túi trái cây, hai tay đưa về phía sau ôm lấy cây sa-bô-chê, một mảng tóc rối xòa trên mặt, nụ cười đọng trên đôi môi, ánh mắt lấp lánh cùng với bộ cánh rực rỡ… như một nàng công chúa trong rừng sâu, hoang dại và quyến rũ. Hạ như một thỏi nam châm hút lấy Năm. Người Năm nóng ran, anh như bị thôi miên và trôi dần về phía Hạ. Hạ nghiêng người, Năm lọt thỏm vào vòng tay của Hạ. Hai con người như dính chặt vào nhau, thở dồn dập, say sưa tận hưởng những giây phút mê đắm mà Tạo hóa ban tặng cho con người. Rồi, không gian như im lặng, cỏ cây hoa lá như bất động. Bởi có lẽ tất cả đều chiêm ngưỡng sự tuyệt diệu từng cung bậc đang dâng lên đỉnh điểm tình yêu trong từng giây từng phút của đôi bạn trẻ. Cả hai đã tan hòa vào nhau, dâng hiến cho nhau những hương vị ngọt ngào của tình yêu…
Từ chủ nhật hôm ấy, Năm không còn cái cảm giác trống vắng, cô đơn như khi mới đặt chân đến thành phố ồn ào và náo nhiệt này. Năm đã bắt đầu có những giấc mơ về Hạ, đã thấy nhớ Hạ, một nỗi nhớ của thằng đàn ông đang yêu và được yêu. Chính điều đó đã đem đến cho Năm sự phấn khích và tác động rất lớn đến những tiết dạy trên lớp. Nghệ thuật tu từ, đặc biệt là nghệ thuật ẩn dụ trong những câu ca dao về nỗi nhớ, về tình yêu đôi lứa được Năm phân tích, bình giảng trên lớp như là tình yêu, là nỗi nhớ của chính anh dành cho Hạ. Những tiết dạy ấy, Năm như con chim bay lượn, vút cao trên từng con chữ… Và cũng từ cái hôm ở Lái Thiêu về, căn phòng trọ của Năm bắt đầu ngày nào cũng có một cành hoa hồng được cắm trong lọ hoa do Hạ đem sang đặt trên bàn anh thường ngồi soạn bài, chấm bài. Tình yêu của Hạ và Năm ngày càng sâu nặng theo thời gian. Năm nói cho Hạ biết là anh đã gửi thư về nhà thưa với ba mẹ về chuyện của hai đứa. Mẹ anh đã đi coi thầy, bảo rằng tuổi của hai đứa tháng tám sang năm làm lễ cưới là tốt nhất. Và tết này ba mẹ anh sẽ vào thăm nhà và thưa chuyện với gia đình Hạ về việc cưới xin.
Với Năm, đây là thời gian anh cảm nhận được hạnh phúc đang đến rất gần, cùng với bao dự định ước mơ cho tổ chim bé nhỏ thân thương của anh và Hạ. Thế nhưng vào một buổi chiều tháng mười, mưa nặng hạt, bầu trời Sài Gòn như tối sầm lại, Năm nhận được bức điện khẩn của mẹ: “Ba mất, con về gấp”. Sau những phút choáng váng, bàng hoàng, Năm xếp vội vài bộ đồ cho vào xách, ra ngã tư Hàng Xanh đón xe đò về quê, chỉ ghi vài dòng vào tờ giấy học trò cài trên cánh cửa nhờ Hạ đến trường xin phép giúp anh tạm nghỉ một thời gian, và anh cho Hạ biết là sẽ trở lại sau khi xong việc riêng của gia đình.
Năm là đứa con duy nhất của một gia đình làm nghề chài lưới quanh năm sống với chiếc sõng câu trên sông Trường Định, con sông chảy ngang qua cái xóm nghèo của gia đình Năm. Hồi còn học phổ thông, nhất là mấy năm cấp hai, ngoài thời gian đi học, anh thường theo ba thả lưới, cắm câu, bỏ ống trúm…được bao nhiêu chạy ra chợ bán, mua gạo mua mắm. Tuy quỹ thời gian cho việc học không nhiều so với bạn bè, nhưng vốn thông minh và học giỏi, Năm đã đậu tú tài toàn phần hạng Bình(*) và trúng tuyển vào ban Việt Hán - Đại học sư phạm Sàì Gòn. Ra trường Năm được bổ nhiệm về dạy tại một trường trung học trong thành phố. Ở quê học hành đạt kết quả như Năm - trong phạm vi cả tỉnh, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ít ai biết rằng, về chuyện học hành, Năm chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự giáo dục của ông Bá, ba của Năm. Ông thường bảo Năm: “Nhà mình mấy đời sông nước, vất vả, nghèo khó, từ lớn chí bé một chữ bẻ đôi cũng không có. Ông ngoại con không chê ba nghèo, nhưng chỉ nói rằng, mẹ con sẽ khổ suốt đời vì ưng phải cái anh chồng không có nửa chữ lận lưng. Ông ngoại con nói phải, ba không dám trách, nhưng ba chỉ muốn con ráng học để cháu nội ba không như con bây giờ. Đó là ao ước lớn nhất của đời ba”. Ngày Năm đậu tú tài bán phần, toàn phần và trúng tuyển vào Đại học sư phạm Sài Gòn, ông Bá ôm Năm khóc như một đứa trẻ, những giọt nước mắt sung sướng, vinh dự và tự hào. Những lần ấy mẹ của Năm thường bước ra vườn rau, nhìn con sông trước nhà với dòng nước mềm mại trong xanh bằng ánh mắt tràn đầy hạnh phúc. Bà không thể nào quên được cái ngày mới cưới nhau, điều đầu tiên ông Bá nói với bà, là sau này dù khổ đến mức nào cũng phải cho con học đến nơi đến chốn. Bao năm chung sống với nhau, bà càng thấm thía nỗi khát khao cháy bỏng của chồng mình về chuyện học hành của con cái. Ngày Năm tốt nghiệp ra trường nhận nhiệm sở là ngày ông Bá nói nói cười cười như đứa trẻ. Như vậy là dòng họ ông đã có người học hành và thành đạt. Là đứa con hiếu thảo, hằng tháng Năm đều gửi tiền về gia đình với niềm mong ước ba má mình sẽ giảm đi những đêm lạnh lẽo dầm mình dưới nước để kiếm từng con cá con tôm như ngày nào nuôi anh ăn học. Ông Bá chỉ cười và bảo vợ: “Tiền của con gửi về, bà hãy cất riêng. Mai mốt nó cưới vợ thì đưa cho nó làm vốn.” Bởi điều ông cần đối với Năm không phải là tiền mà là cái khác – cái mà dòng họ ông bao đời không có được. Và với ông, việc kiếm sống trên sông nước đã thành cái nghiệp, thành máu thịt không thể đổi thay. Hơn nữa ông chưa thấy sức khỏe của mình có biểu hiện giảm sút. Nhưng, sự đời có ai biết trước được điều gì? Cái câu nói truyền miệng “sinh nghề tử nghiệp” của ông cha ta lại đến với ông Bá như là số phận khi ông chưa đến tuổi năm mươi, đó là một cơn lũ lớn lúc nửa đêm, bất thần ập đến, nên cuốn trôi chiếc sõng câu và dìm ông vào dòng nước xoáy.
Trước sự mất mát quá lớn, nhất là khi nhìn dáng mẹ thẫn thờ hết ra bờ sông lại vào ngồi trước bàn thờ, Năm bần thần trước một quyết định, là tiếp tục vào lại Sài Gòn dạy hoặc xin thuyên chuyển về quê? Nếu vào Sài Gòn thì tương lai của Năm sẽ rộng mở hơn, nghề nghiệp có điều kiện phát triển hơn, học lên cao học sẽ thuận lợi hơn, và sẽ gần Hạ, sẽ có những ngày chủ nhật đẹp và thơ mộng bên Hạ…Nhưng, cuộc sống của mẹ Năm sẽ ra sao? Ai lo cho bà bữa cơm bữa cháo, khi tối lửa tắt đèn? Ai sẽ an ủi bà khi mùa cá ăn nước lên, khi những ngọn đèn ngọn đuốc sáng cả mặt sông mà không có chiếc sõng câu quen thuộc của ông Bá?...
- Năm à, con đang nghĩ gì vậy?
- Con đang…
Năm quay lại, chỉ sau mấy ngày mà bà Bá trông già hẳn đi, đôi mắt thâm quầng. Bà ngồi xuống bên Năm một cách chậm chạp. Hai mẹ con cùng đưa mắt nhìn dòng sông quen thuộc trước nhà. Rồi bà Bá kể cho Năm nghe chuyện ngày xưa của bà và ông Bá. Hồi ấy bà thường hay đi cuốc cỏ bắp, cỏ đỗ bên sông, dỡ theo cơm trưa nên đi từ sáng đến chạng vạng mới về. Có một bữa người chống đò nghỉ sớm, bà quá giang chiếc sõng câu của ông Bá. Lâu rồi thành quen, dù có đò, bà vẫn muốn về bằng chiếc sõng câu của ông Bá. Những bữa như vậy, ông Bá thương gửi cho bà khi thì một xâu cá luối, lúc thì một con cá chép mục hay một con cá tràu(**).... Bà từ chối nhưng ông bảo rằng, của sông nước chớ có mua của ai đâu mà ngại. Hơn nữa ông nói, có nhiều nhõi gì đâu! Thế là bà phải nhận. Về sau, bà phát hiện ra mình thấy buồn và nhớ nếu một ngày không gặp ông Bá. Bà kiếm cớ mót củi, thăm đậu thăm bắp để được gặp ông, ngồi trên sõng câu cùng ông. Ít nhất có ba người trong làng theo đuổi bà, nhưng bà chọn ông Bá vì bà yêu ông Bá. Ông Bá nghèo, không được học hành, nhưng thật thà, chất phác và chịu khó. Nhiều người trong làng chê bà có mắt như mù, có người còn nói bóng gió: “Tiếc cho hoa lài mà đi cắm bãi cứt trâu”- mỗi khi gặp bà. Nhưng bà đã đúng, vì sau bao năm chung sống với nhau, ông Bá luôn hết mực yêu thương vợ. Bà đã có những ngày tháng thật hạnh phúc! Bà nói, ông Bá là người đàn ông đẹp nhất của đời bà.
Khi nghe mẹ kể đến đây, Năm càng hiểu, ông Bá mất không chỉ là nỗi đau quá lớn của riêng anh, mà còn là cơn sốc quá sức chịu đựng của người phụ nữ sinh ra anh, nuôi anh bằng những giọt sữa ngọt ngào được kết tinh từ con cá con cua trên sông nước Trường Định. Điều đó cũng đặt ra cho Năm cái trách nhiệm của đứa con đối với người mẹ yêu quý của mình trong lúc này.
Như hiểu được những suy tư của Năm, bà Bá nói:
- Bây giờ thì mẹ biết con đang nghĩ gì. Vì sợ mẹ đơn chiếc không ai bên cạnh, nên con muốn xin chuyển về quê dạy, phải không?
Không phải Năm vô tình, nhưng làm sao anh hiểu được nỗi lòng của bà Bá, nỗi lòng của một người mẹ chịu thương chịu khó, tận tụy suốt đời vì chồng con. Hạnh phúc của bà là được ngồi trên chiếc sõng câu xuôi ngược trên dòng sông cùng ông Bá dù trời mưa dầm hay nắng gắt, hoặc những đêm lạnh lẽo đến thấu xương khi mùa đông về…Và hạnh phúc của bà còn là sự lớn lên từng ngày cũng như sự học hành tấn tới và có một vị trí được tôn vinh trong xã hội của Năm. Sao bà lại không muốn Năm xin chuyển về dạy ở quê cho gần mẹ gần con? Muốn lắm chứ, muốn đến cháy lòng! Nhưng bà phải nuốt nước mắt vào trong, vì bà hiểu rằng, không thể cột và kéo trì đôi cánh của con chim đang bay trên bầu trời rộng mở. Mà có người mẹ nào lại không muốn con mình hạnh phúc và nên danh nên phận với cuộc đời này? Nếu bà khóc trong lúc này thì đó là những giọt nước mắt của sự ích kỷ đáng thương và tội nghiệp của người mẹ. Năm sẽ về bên bà, sẽ cách xa Hạ, người con gái Sài Gòn mà có lần Năm đã tâm sự cùng mẹ. Làm sao bà lại không hiểu cái nỗi nhớ đến da diết của hai con người đang yêu phải cách xa nhau sáu, bảy trăm cây số! Nỗi nhớ ấy đã từng đến với bà dù nhà bà chỉ cách nhà ông Bá một con sông. Vì thế nên bà Bá đã nhận ra một điều, là Năm có tiếp tục việc dạy học tại Sài Gòn hoặc xin chuyển về quê hay không đều tùy thuộc vào bà rất nhiều.
Hôm trước khi đưa Năm ra bến xe để vào Sài Gòn, bà Bá căn dặn:
- Con nhỏ chắc đang mong con vào lắm đấy. Cho mẹ gửi lời thăm nó. Còn hai chục cái bánh Ít mẹ đã gói kỹ là mẹ gửi riêng cho nó ăn lấy thảo, con không được đụng vào đó nghen.
- Như vậy mẹ thiên vị người dưng rồi. – Năm cười.
Bà Bá nghiêm săc mặt:
- Theo mẹ biết thì không có dòng sông nào chảy ngược đâu con. Và hồi ba con còn sống, ổng hay nói là, dòng sông, con cá, con cua ở quê chỉ nuôi con ăn học. Không nhất thiết ở gần mẹ mới là hiếu thảo. Điều quan trọng nhất, vẫn là ở tấm lòng. Con không phải phân bua, mẹ hiểu con trai của mẹ mà! Có một chuyện mẹ nhắc con, đừng làm gì cho con bé đó buồn. Phải biết nắm giữ hạnh phúc trong tình yêu, đừng để sau này phải hối tiếc.
- Ồ, hôm nay con thấy mẹ như một nhà hiền triết vậy.
- Không như con nghĩ đâu. Ba con không biết chữ, nhưng ổng làm được điều đó.
Nghe điều bà Bá vừa nói, Năm chợt nhớ hồi học đại học, trong tiết học về văn học bình dân, vị giáo sư đã kể câu chuyện một lần ông đi về nông thôn để thâm nhập thực tế làm tiểu luận cao học. Ông đã tận mắt chứng kiến những người phụ nữ đang cấy lúa trên trên hai thửa ruộng gần kề hò đối đáp với nhau. Phần lớn trong số họ không biết chữ, không rành cộng trừ nhân chia, nhưng sự ứng khẩu của họ trong từng câu hò suốt gần hai tiếng đồng hồ là đáng kính nể, không thua kém những vần thơ của những người có chữ nghĩa, được gọi là trí thức. Và Năm biết, những điều mà mẹ vừa trao đổi, anh cảm nhận không khác nào một đề văn khó, để làm được, ngoài những kiến thức trong sách vở, còn phải có sự đúc kết từ trải nghiệm trong cuộc sống thực tế.
Trở lại Sài Gòn lần này, Năm sẽ có những ngày chủ nhật rong chơi êm đềm bên Hạ, sẽ có những đêm nơi phòng trọ Năm đàn cho Hạ hát với những khoảnh khắc dịu ngọt, nồng nàn và lãng mạn của tình yêu đầu đời vừa chớm nụ…Nhưng, ở quê nhà, bà Bá chỉ một mình một bóng bên dòng sông quê. Đầu của Năm như căng cứng. Và ngay lúc ấy, tiếng nói ấm áp của bà Bá lại vang lên bên cạnh:
- Sao con cứ nghĩ phải nhất nhất là về gần với mẹ? Sau khi mãn tang của ba, một ngày nào đó con lập gia đình, mẹ sẽ vào ở với vợ chồng con, chẳng hay hơn sao? Và từ đây đến đó, mẹ muốn được riêng với dòng sông của ba con và mẹ, vì dù sao ổng cũng vừa mới mất.
- Ôi, mẹ ơi, con cảm ơn mẹ, mẹ của con! – Năm nói trong nghẹn ngào.
Ngoài kia, dòng nước của con sông Trường Định vẫn đang miệt mài chảy về với biển cả mênh mông./.
N.H.D
(*) Trước năm 1975, kết quả đậu tú tài được xếp theo thứ hạng từ thấp đến cao: Thứ, Bình Thứ, Bình, Ưu, Ưu Ban khen (tối ưu).
(**) Cá lóc
Cái rụt rè đầu tiên của một thiếu nữ thiệt dễ thương, dẫn dắt câu chuyện giàu tính nhân văn !Chúc mừng "văn nhà" quê mình!
Trả lờiXóaChào chị Phụng,
Trả lờiXóaCảm ơn chị đã ghé thăm và động viên! Chúc sức khỏe, và đi chơi ngày càng nhiều! Thân mến!
Người mẹ trong truyện này đã cho ta nhận ra rằng con người không thể sống hạnh phúc khi không có “chữ tình”. Mẹ của Năm đã biết cách sống, Bà đã dạy cho Năm biết cách sống vì ngưòi khác như vậy sẽ mang lại hạnh phúc cho nhau.
Trả lờiXóaCám ơn anh NHD đã cho đọc truyện ngắn với "chữ tình" thật sâu sắc giữa lúc mà đạo đức con người trong xã hội ngày nay gần như bị xuống cấp ......
Chào Kim Đức,
Trả lờiXóaSự đồng cảm của bạn làm mình rất vui. Vâng, chữ tình vượt lên trên tất cả. Và Năm như là một sản phẩm từ một khuôn mẫu rất có tình của ba mẹ mình. TCS đã từng viết: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" kia mà! Huống chi ta là con người, phải không bạn? Khát khao về điều đó có lẽ không chỉ riêng ai!
Kim Đức ơi, hãy gửi cho mình một vái sáng tác của bạn đi, để giao lưu cùng bè bạn vậy mà! Chúc bạn vui, khỏe! Thân mến!
"Chữ Tình" sâu sắc lắm , anh ơi!
Trả lờiXóaChào Mây,
XóaNgàn đời vẫn thế một chữ Tình! Thân mến!
Tôi cũng đồng ý với bạn Kim Đức. Bà mẹ trong truyện thật tuyệt vời. Đó là sự hi sinh muôn đời của người phụ nữ VN. Có điều, tôi hơi bất ngờ trước sự dễ dãi, có phần dạn dĩ, buông thả của cô bạn gái tên Hạ. Có lẽ tôi cổ hủ chăng ?
Trả lờiXóaChào Hoa,
XóaMình rất vui vì Hoa ghé thăm và chia sẻ với bài viết của mình cũng như của HQN. Nếu có thời gian, Hoa viết và gửi cho mình vài sáng tác nhé! Thân mến!
Anh Duyên ơi, anh có bài viết nào giới thiệu về nhà văn Quy Nhơn - Bình Định Lê Đình Danh, tác giả "Tây Sơn bi hùng truyện" và "Nẻo về Vạn Kiếp" không ? Nếu có, xin gửi cho Hoa nghen. Cảm ơn bạn cũ !
Trả lờiXóaCó một người bạn mới gửi cho mình một câu chuyện hay, mình chuyển tiếp cho trang HQN, được không ?
Chào Hoa,
XóaMình đã chuyển đường link bài viết về Lê Đình Danh vào hộp thư của Hoa rồi. Hãy chuyển cho HQN chuyện của người bạn nhé! Rất cảm ơn Hoa! Nhiều người như vậy thì quá hay, Hoa à! HQN là trang viết của thân hữu yêu thơ văn, và qua đó chúng ta sẽ có nhiều bạn bè để giải bày, chia sẻ những buồn vui.
Chúc bạn công tác chuyên môn tốt, và có nhiều niềm vui trong cuộc sống! Thân mến!
Cảm ơn anh Duyên đã gửi đường link về Lê Đình Danh. Mình có điều thú vị là 1 học trò của mình là con của nhà văn ấy. Mình muốn bài học về CT Địa Phương được phong phú.
Trả lờiXóaHôm nay, Hoa sẽ gửi anh Duyên mấy câu chuyện cực ngắn của tác giả Nguyễn Thị Hậu (người bạn sưu tầm được, gửi mình). Và 1 tản văn, nếu anh Duyên thấy đăng được thì post lên nhé. Chào thân ái.