“Nội ơi”…đang lụi cụi trong bếp, bà Chắt giật
mình vì tiếng khóc của đứa cháu. Bỏ mớ rau sang bên, bà toan đứng dậy thì nó đã
chạy vào ôm bà rấm rứt.
- Có chuyện chi rứa? Nói nội nghe?
Nó dụi mặt, nấc lên:
- Thằng Nu, con Mít…Tiếng khóc càng
lúc càng to, không kịp cho nó kể lể. Bà Chắt không hiểu gì, xoa đôi tay nhăn
nheo lên đầu nó:
- Đứa mô hay chọc con, đừng chơi nữa,
nghe hôn.
Bất ngờ nó đẩy bà ra, lủi thủi lui
sau vườn ngồi bệt dưới gốc cây ổi.
- Vô nhà đi con, rửa mặt mũi tí nội
dẫn qua nhà tụi nó.
Đáp lại bà Chắt là sự im lặng, nó
thẫn thờ nhìn vào khoảng không. Lúc bé, nó vẫn khóc khi bị gọi là đứa mồ côi
nhưng chưa khi nào lạ như thế. Quệt vội giọt nước nơi khoé mi khắc đầy vết chân
chim, bà Chắt ngồi sụp xuống.
- Nội à – nó lên tiếng.
- Ừ, nội đây con.
- Mẹ con bệnh sắp chết rồi phải hôn?
Bà Chắt hốt hoảng, ôm nó vào lòng:
- Bậy bạ, ai nói với con? Đừng nghe
tụi trẻ nói linh tinh nghen con.
- Tụi nó nói…ba con bệnh chết, mẹ con
bệnh chết…Nội, con cũng sắp chết phải hôn nội?
-…
- Nội?!
- ...
- Nội ơi, con không muốn chết, không
muốn chết, con muốn ở với nội...con chờ mẹ về...mẹ đã hứa sẽ về với con rồi mà.
Nội ơi!
- Không, con không bệnh, đừng khóc,
mà nội đau, con...
Một thời gian dài, bà đã nén nỗi đau
mất đứa con trai duy nhất và không cho nó biết về cái chết của ba nó nhưng
không hiểu, sao hôm nay tụi trẻ con lại rêu rao như vậy. Từ dạo mẹ nó bỏ đi,
ngày nào, nó cũng khóc. Lớn lên chút, nó lầm lì, ít nói, nó không muốn hay nói
đúng hơn là không dám ra ngoài. Nó sợ nghe hai từ "mồ côi", sợ ai đó
chỉ tay vào mặt nó nghêu ngao những câu vè, sợ thấy cảnh mấy đứa trẻ trạc tuổi
nó ngồi trên yên sau xe đạp, ôm chặt cứng một người đàn ông cao lớn, đèo chúng
đi học. Nó sợ...sợ những điều nó luôn thèm thuồng.
Bóng
chiều vắt kiệt những đọt nắng cuối ngày chảy loang lổ trên nền sân. Tiếng khóc
của nó kéo bà Chắt về với quá khứ, quá khứ mang hình ảnh người phụ nữ trẻ bế
đứa con nhỏ trong tay đứng trước hiên nhà bà vào một chiều chạng vạng cuối thu.
õõõ
- Có ai ở nhà không ạ?
- O hỏi ai, có chuyện chi rứa?
- Dạ, chào...bác, con là Thương, còn
đây là... con trai anh Hậu.
- Hả? O giỡn chi mà lạ rứa? Bà Chắt
ngạc nhiên như thể người phụ nữ và đứa bé từ trên trời rơi xuống nhà bà thật.
Ngẫm giây lát, như nhớ ra điều gì, bà Chắt khoát tay biểu cô gái vào nhà. Căn
nhà ba gian hai chái lọt thỏm giữa cái xóm nghèo, thường ngày yên ắng, nay chộn
rộn hẳn lên. Hai người phụ nữ nhỏ to, còn đứa trẻ, thi thoảng, khóc ré lên.
Tiếng khóc không báo trước, những thay đổi cuộc sống cũng không báo trước, kể
cả việc bà Chắt bất ngờ có dâu, có cháu nội.
õõõ
Từ ngày Hậu – con trai bà Chắt bỏ đi,
bà thôi cằn nhằn, mọi cảm xúc chuyển thành nỗi nhớ. Kể cũng phải, gần bước qua
lục tuần, vẫn chưa có dâu, rể. Nhà một trai, một gái, Hạnh vô duyên hơn 35 tuổi
vẫn chưa chồng. Hậu 33, ngày đi làm, tối mặc xà lỏn đi đánh cờ tướng. Không có
rể đã đành, nói mãi, Hậu cũng chẳng chịu cưới vợ. Mà có phải vì nghèo, xấu gì
cho cam. Hậu có vẻ đẹp phong trần với thân hình vạm vỡ, lại chịu thương chịu
khó, con gái theo đầy ra đấy thế mà Hậu tránh tất. Có vẻ tâm hồn Hậu không được
mạnh mẽ như cái bề ngoài.
Mười chín tuổi, Hậu quen và yêu cô gái xóm
bên, cũng nghèo, ít chữ nhưng xinh xắn, trắng trẻo. Hậu thương lắm, chăm chút,
nuôi dưỡng lắm, đợi mọi thứ ổn định là đánh tiếng bà Chắt qua bỏ trầu. Đùng một
cái, nàng cắt cái rụp, lật đật khăn gói theo chồng qua trời Tây, bỏ lại Hậu đau
đớn ôm bảy năm kỉ niệm với chữ hận sâu hun hút. Mắt bà Chắt cũng sâu theo, tóc
bạc dần vì xót con, thèm cháu.
Bảy năm lại trôi qua, thời gian làm
Hậu già đi nhưng chẳng lấp nổi vết thương trong Hậu. Dạo ấy, mỗi khi bà Chắt
đánh tiếng chuyện vợ con, Hậu lại gắt, "mẹ thích thì mẹ đi mà cưới".
"Con định ở không suốt đời à, mẹ già rồi". Hậu chán nản, cuốn gói vô Sài Gòn, tránh xa
những kỉ niệm vừa ngọt vừa đắng nghét như socola ấy. Bẵng một thời gian, Hậu
điện về, "mẹ khoẻ không?". Bà Chắt lâu mới nghe giọng con, sụt sịt
không thành tiếng, "Mẹ khoẻ, khi mô con về? À, chị Hạnh chuẩn bị lấy
chồng, con…con…". "Mẹ cho con gởi lời chúc mừng chị trước, rồi con
sắp xếp. À, mà mẹ sắp có cháu bế", nói rồi Hậu ngắt điện thoại, bà Chắt
còn nghe văng vẳng bên tai tiếng cụng ly leng keng, tiếng phụ nữ ỏng a ỏng ẹo,
tiếng nhạc chát chúa inh tai. Bà lo lắng, Hậu xưa nay không nhậu nhẹt, bù khú,
sao giờ lại ra nông nổi, chắc nó buồn, nó uống say nên đùa, nó đã có vợ đâu mà
đòi cho bà cháu.
Rục rịch lo chuyện cưới xin cho Hạnh,
bà Chắt bận rộn hẳn. Mai con gái về nhà chồng, trằn trọc mãi không ngủ, bà lại
chong mắt nhìn trời, nghe tiếng thằn lằn tặc lưỡi thay cho số phận mình. Lấy
chồng khi vừa đôi mươi, nghèo rớt mồng tơi, vợ chồng dành dụm mãi mới cất nổi
cái nhà. Hai đứa con lay lắt, học đến lớp bảy, Hạnh bỏ học, xin làm công nhân ở
xưởng sản xuất bao bì, thằng Hậu khá hơn, học đến mười hai nhưng thi đại học
rớt nó nghỉ đi học nghề. Ông Chắt thương vợ con, làm nghề này không đủ sống,
ông kiếm thêm nghề khác. Mùa nắng, ông phụ thợ nề, mùa mưa, ông đi xe thồ, hết
dầm mưa lại sang dãi nắng, hết dãi nắng lại sang dầm mưa. Cứ thế cho đến một
hôm, ông đi làm về sớm, bà Chắt đon đả hỏi: "Răng hôm ni ông về sớm
rứa?", dứt lời, đã thấy ông Chắt gập người xuống, ôm chặt bụng, than trời.
Gặng hỏi mãi ông mới chịu khai, thi thoảng, ông lại đau nhói ở bụng, nhưng sợ
vợ con lo, sợ tốn kém, giấu luôn. Đến lúc không chịu nổi, ông bỏ ngang việc,
cắn răng về tận nhà thì ngã quỵ. Tính tới tính lui, đắn đo, đo đắn, bà quyết
định đưa ông đi bệnh viện trung ương Huế nhập viện. Cầm giấy xét nghiệm trong
tay, bầu trời trước mắt bà Chắt trở nên tối sầm mặc dù lúc ấy mới ba giờ chiều.
Ung thư phổi, giai đoạn cuối. Ông Chắt mất sau đó ít lâu. Bà Chắt thành goá phụ
khi tuổi đời còn rất trẻ, khi căn nhà ba gian hai chái vẫn còn thiếu mấy bộ cửa
đang che tạm bằng carton, khi Hạnh và Hậu vẫn chưa thể cắt nghĩa tại sao mỗi cứ
chiều về, mẹ chúng nó lại ra trước nhà...hướng về phía đầu ngõ, mệt nhoài, tít
tắp.
Hết tang chồng, nhà bà Chắt năng
người lui tới, vài ba người ngỏ ý được cùng bà "lắp nốt mấy bộ cửa còn
lại" cho căn nhà ấm cúng. Bà lắc đầu, đợi hai con khôn lớn. Năm này qua
tháng nọ, tuổi trẻ của bà hao mòn dần, nhoắng một cái, soi gương, đã hai màu
tóc. Sự lo lắng dồn hết qua con Hạnh. Hai lăm tuổi, chưa có mối tình vắt vai,
ba mươi tuổi, trải qua mấy lần mai mối, dạm ngõ, Hạnh vẫn một mình đi về từ nhà
đến xưởng làm và ngược lại. Hạnh thật thà, cũng dễ nhìn nhưng mỗi tội ít nói,
ngồi cả buổi cũng chẳng thốt ra được quá ba câu. Nhiều người kiên nhẫn lắm cũng
hẹn hò Hạnh được dăm lần rồi thôi. Thương Hạnh nhưng họ muốn lấy một người vợ
biết chia sẻ, chứ Hạnh cứ im thin thít thế kia, thì chịu. Thi thoảng nhìn lên
bàn thờ, bà Chắt không kìm được sự đau đớn, thấy có lỗi với ông bà tổ tiên. Ông
Chắt vừa ra đời, mẹ mất, cái tên Chắt có ngay lúc ấy. Nay có mỗi Hậu
là con trai, chẳng chịu cưới vợ thì kiếm đâu ra cháu nội nối dõi tông đường.
"Con ơi là con, mày vì đứa con gái mà để ba mày mang tội, có đáng
không?", có lần buồn quá, bà Chắt đã kêu gào lên như thế. Hậu chơi cờ
tướng về, nghe, lặng lẽ xếp hành lý, thắp nén nhang cho ông Chắt rồi đi ngủ.
Sáng ra, Hậu chỉ kịp nói với bà Chắt, "con đi tìm vợ..." rồi đi luôn,
biền biệt.
Nhà chỉ còn hai mẹ con thui thủi,
Hạnh gần bốn mươi, những tưởng hai người phụ nữ sẽ ở vậy suốt đời, đùng một
cái, Hạnh báo sắp lấy chồng. Bà Chắt vừa mừng vừa lo, ở tuổi này, không biết ai
chịu lấy nó, gia cảnh thế nào? Mặc dù quá lứa lỡ thì nhưng trái tim người mẹ
vẫn mong phần đời sau này của con gái may mắn hơn mình.
Vài ngày sau, nhà trai đến thăm, đợi
khách khứa về hết, bà Chắt kéo Hạnh vô buồng, thở dài, "Con tìm hiểu kỹ
chưa? Dù mình không có nhiều lựa chọn nhưng cũng phải lấy người cho phù hợp,
đời mẹ kém may mắn, chỉ mong con…". Hạnh khóc lóc, thành thật, "anh
ấy đã qua một đời vợ, hai đứa con gái ở với ngoại nhưng con không mong chi hơn,
mẹ cho con toại". Bà Chắt quay mặt vô trong, lấy vạt áo chấm nước mắt,
"ừ, để mẹ nghĩ ".
Mà,
có kịp nghĩ đâu, khó khăn lại lách vào mấy khung cửa ọp ẹp. Phường xã không cho
đăng ký kết hôn, lí do, đàng trai chưa ly dị vợ cũ. Hạnh bỏ ăn bỏ ngủ mấy ngày,
bà Chắt chép miệng, dỗ Hạnh như dỗ con nít, "thôi, để mẹ tìm cho đám khác,
rổ rá cạp lại nhưng cũng phải vừa vặn chút con à". Hạnh lắc đầu, "con
đợi mười mấy năm rồi, nhằm nhò chi". Bà Chắt thở dài rồi nhỏ nhẹ,
"hôm qua vợ cũ thằng Thành dắt hai đứa nhỏ lên đây, lấm lem lấm luốc, nghe
hăng hắc bùn, rơm rạ, cực còn hơn mình, mẹ khó nghĩ. Tình hết nhưng còn cái
nghĩa, tội nghiệp, bây thấy được thì nuôi bớt đứa, cho mẹ nó còn đi lấy
chồng". Hạnh chẳng nói chẳng rằng, ôm chặt bà Chắt, hai mẹ con khóc ngon
lành.
Mọi thứ cũng được dàn xếp, đêm nay nữa thôi là
Hạnh về nhà chồng, sớm hôm có người chia sẻ, còn gì hơn. Ừ, tốt rồi, nhưng còn
bà, cận cái tuổi sáu mươi, vò võ một mình, thằng Hậu biết có về mà lo hương
khói tổ tiên. Sương đêm rơi xuống dày đặc, những con ệnh oạng chạo rạo gọi
nhau, ngôi nhà lọt thỏm cuối xóm, yên ắng quá, nghe rõ cả tiếng…lá rơi
õõõ
Đám cưới Hạnh vắng bóng người em trai
duy nhất. Sáng hôm ấy, thời tiết Huế đẹp vô cùng, những khóm mây xanh trong
trẻo, lơ lửng trên bầu trời như những chiếc ô xinh xắn, những vạt nắng rung
rinh tô điểm cho mớ cúc dại thêm rực rỡ. Cỏ cây đua nhau khoe sắc, cùng nắm tay
tung tăng khắp mọi nẻo đường...Tất cả tấu nên một bản nhạc vui nhộn tiễn đoàn
xe rước cô dâu về nhà chồng. Riêng một bông hoa đã già, nở nụ cười không tròn,
đôi tay nhăn nheo hết đưa lên lại đưa xuống theo từng nhịp rơi của nước mắt. Ừ
thì, người ta vẫn khóc vì vui, vì hạnh phúc đó thôi.
Tháng ba, nàng Bân về, nhiều hàng cây
xao xác, lá rụng đầy. Cố đô chìm trong những cơn mưa triền miên. Mưa tháng ba,
không quá nặng hạt như mưa mùa đông, lạnh tháng ba, không quá tái tê nhưng mưa
tháng ba, lạnh tháng ba, gió tháng ba lại thi nhau lùa qua ô cửa, rúc vào ngóc
ngách nhà bà Chắt. Căn nhà ba gian trở nên rộng thênh rộng thang, đi tới đi lui
mãi vẫn hun hút gió. Bà Chắt càng thấm thía, nhớ chồng, nhớ con, bà khóc nấc
lên, "Hậu ơi, Hậu? Nghe tiếng mẹ gọi không hả con? Về với mẹ đi con,
Hậu".
Hậu không tài nào nghe được vì đang
bận chén tạc chén thù với đám bạn chốn phồn hoa. Đến khi điện thoại reo lên,
Hậu mới ngắt nga ngắt nghẻo tách đám bạn ra hành lang bấm máy. Tiếng người con
gái vang lên, đã nghe Hậu quát bằng cái giọng lai lai, "Đừng có làm phiền
tui, O thích thì cứ về, nói với mẹ tui sao tuỳ O. Không sợ gì cả, mẹ tui hiền
như cục đất sét…". Hậu cúp máy, chưa kịp quay vô đã bị hai cô bé xinh như
mộng, váy ngắn ôm sát khoe cặp mông căn đầy, đôi chân dài trắng nõn níu chặt
hai cánh tay kéo vào rồi đóng sầm cửa. Tiếng giày cao gót và những lời đường
mật bỏ lại khói thuốc nghi ngút cùng vô vàn những mảnh đời nghèo khổ đang mãi
miết với thế giới xô bồ ngoài kia.
Trong hơi men nồng nặc, Hậu quỵnh
quạng bước vào căn phòng trọ. Hơn hai giờ khuya, đèn vẫn sáng trưng, Thương –
người vợ hờ của Hậu, ngồi gục đầu bên góc giường với chiếc chăn mỏng lét, mâm
cơm trên bàn đã nguội ngơ nguội ngắt. Tiếng thở nặng nhọc của Hậu đánh thức
Thương, cô dìu Hậu lên giường, vừa ngã lưng, Hậu đã lè nhè, “tui nói O về Huế
đi, sao còn ở đây?”. “Em đợi anh về, mình cùng về đi anh”. “Không, tui không đi
đâu cả”, Hậu vừa nói vừa quơ cánh tay trong không trung rồi thả mạnh xuống
giường. Thương giật mình, vừa lau mặt cho Hậu vừa nhỏ nhẹ, “em có thể không có
anh, nhưng con chúng mình không thể không có cha anh à. Về đi anh, mình sẽ làm
lại từ đầu, sẽ cùng nhau nuôi nấng con chúng mình khôn lớn”, nói rồi, Thương
bật khóc. Trong tiếng khóc, Thương mơ hồ kể về những bất hạnh mà cô từng trải
qua. Cô kể về tuổi thơ nhọc nhằn, về đứa trẻ mồ côi năm lên chín là cô, kể về
lần đầu tiên bị kinh nguyệt, máu chỗ ấy ra nhiều quá, tưởng sắp chết, khóc vật
vã, kể về những ngày mới vào Nam bươn chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề, gặp đủ
kiểu người, bị chửi đủ thứ tiếng…Cô lấy tay Hậu đặt lên bụng mình, cười mà như
điên dại, cô muốn trở thành một bà mẹ tốt, muốn con mình sẽ có một cuộc
sống…không giống cô. Nhưng còn Hậu, liệu Hậu có nghe những gì cô nói khi đôi
mắt anh đã chìm vào giấc ngủ, khi cuộc sống của anh đã bị cuốn vào vòng xoáy
cuộc đời, khi tâm hồn anh đã lún sâu vào nỗi hận, rằng anh không tin trên đời
này còn có người con gái nào chung thủy. Nhưng Hậu không biết rằng, ai đó không
thể đợi chờ anh là đồng nghĩa với việc họ không còn tình yêu với anh, họ phản
bội anh mà đơn giản, tình yêu không phải là thứ duy nhất có thể nuôi dưỡng tâm
hồn và nuôi sống cuộc đời họ. “Con gái có thì”, tình yêu có thể trọn đời nhưng
sự chờ đợi thì không. Người con gái ngày xưa ấy không cần mâm cao cỗ đầy mới
chịu về làm vợ Hậu, nàng chỉ cần cái danh, cái phận, còn Hậu, cái tôi trong anh
quá lớn và cũng chính vì quá yêu thương người con gái ấy, Hậu đã để tuột mất
nàng.
Khi tình yêu không thành người ta
thường đổ lỗi cho chữ “duyên”, còn Hậu lại đổ lỗi cho sự thiếu chung tình của
một nữa thế giới còn lại. Hậu như con thú bị thương, thích đùa giỡn, cắn xé
những phụ nữ mà Hậu quen. Chán chê với sự nhu mì, hiền lành như Thương, Hậu
chuyển sang cặp với những “đóa hoa hồng đầy gai”. Và đến lúc nhận ra, đâu là
điều Hậu cần, Hậu trở về để làm một người con, người chồng, người cha tốt thì
những cái gai nhọn hoắc ấy đã cắm vào Hậu một nhát sâu quá trời là sâu, đến nỗi
Hậu không thể rút chúng ra mà đành sống chung với nó, chờ chết.
Bụng Thương lớn dần, Hậu ở lại Sài
Gòn, Thương một mình về Huế chờ ngày sinh nở. Mặc bao lời dị nghị, Thương vẫn
hạnh phúc với giọt máu của mình. Một trưa tháng tám, nắng tưng bừng, đứa trẻ ra
đời, khóc giòn giã, Thương cười mà nước mắt rơi, nữa lo cơm áo gạo tiền, nữa lo
hai mẹ con côi cút. Tình mẫu tử đã thôi thúc Thương vượt hơn năm mươi cây số từ
Phú Lộc lên Huế tìm nhà Hậu, để thằng bé có tên, có họ, có tổ tiên.
õõõ
Ôm đứa bé trong tay, bà Chắt nựng má
nó, vuốt tóc, nắn tay, chân nó…, “đôi mắt sáng, cái miệng duyên, giống hệt
thằng Hậu nghen bây. Ôi cái mầm sống của nội, của tổ tiên đây nè”. Cái tên Mầm
ra đời từ lúc đó. Thương đi vào trong, bà hôn hít thằng bé liên tục, miệng cười
liên tục và nước mắt cũng chảy liên tục. Thêm người, nhà vui hẳn, hai người phụ
nữ không máu mủ ruột rà ngày ngày tựa lưng vào nhau, chăm đứa nhỏ, chờ “đứa”
lớn. Nhưng sự có mặt của thằng Mầm không làm bà Chắt nguôi ngoai nỗi nhớ Hậu.
Nghe Thương kể về cuộc sống của Hậu, bà lo lắng không yên. Nhiều đêm, tỉnh
giấc, lọ mọ dậy thắp nén nhang rồi ra trước cửa ngóng về phía chân trời, như
thể đêm hôm trước Hậu điện ra, báo sáng mai con về đến Huế vậy.
Thời gian trôi qua, mai là thôi nôi
thằng Mầm, đêm bà không ngủ, thắt thẻo ra đầu ngõ, nhìn bâng quơ, thấy một
người lững thững xách ba lô từ đằng xa, bà đi như chạy, luýnh quýnh, loạng
quạng, “phải Hậu hôn con? Hậu?”. Đúng là Hậu thật, bà Chắt kéo sát đầu Hậu,
nhìn sâu vào mắt Hậu, xoa đầu Hậu, khóc to như đứa trẻ, rồi ôm chặt cứng Hậu,
như thế nếu ôm nhẹ hơn, Hậu sẽ quay lưng, quày quả xách ba lô ngược vào Sài
Gòn.
Mầm tròn một tuổi, có lẽ đó là ngày
bà Chắt hạnh phúc nhất, trai, gái, dâu, rễ, cháu nội, ngoại đủ cả. Mà hình như
bà quen tủi khổ nên bà không biết cười. Buồn khóc đã đành, đằng này vui, bà
cũng khóc. Hậu tội nghiệp mẹ, an ủi, “Con về rồi, không đi nữa, mẹ vui lên cho
cháu nó hưởng phúc”. Bà Chắt nghe lời con, quệt nước mắt, cười giòn thiệt là
giòn, tươi thiệt là tươi. Nhưng cái sự đời, cười đó, khóc đó, mấy khi. Và cái
sự đời, “quay đầu là bờ”, nhưng khi vào bờ rồi không có nghĩa là rủ sạch “mùi
sương, gió, biển, cát…”. “Hối hận vẫn còn kịp”, nhưng với nhiều người thì
không. Và Hậu là một điển hình.
Mầm lên hai, Hậu đổ bệnh. Hai vợ
chồng dắt díu vào Nam,
xét nghiệm máu, dương tính HIV. Thương ngỡ ngàng, đau đớn cho Hậu, lo sợ cho
mình, xót xa cho con, thương cảm cho mẹ. Hậu nhìn vợ, nước mắt ròng rã, quỳ sụp
dưới chân Thương rồi gục ngay tại chổ. Mùa đông năm ấy Huế ít mưa nhưng lạnh
thấu xương. Bầu trời không có nắng, nhà không có tiếng cười, đâu đó sau vườn,
thi thoảng vẫn vang lên tiếng khóc, ngắt quãng, kéo dài, kéo dài rồi ngắt quãng
theo những cơn ho. Những khóm cúc dại ven thành đã chết tự bao giờ, đường Lương
Ngọc Quyến héo hắt trong những chiều mùa đông, nhà không đủ nương vào nhau, cây
không đủ chắn, gió cứ thổi tốc vào, xoáy vào nỗi đau, sâu hoắm.
Ba năm sau, Hậu mất. Hết tang chồng,
Thương khăn gói ra Bắc, lâu lâu vào Huế, thập thò trong mớ áo quần lùng bùng,
thập thò hôn hít Mầm, thập thò nhét vào tay bà Chắt dăm ba trăm rồi lại thập
thò, quày quả lao đi. Bà Chắt níu lại, “ở đây với mẹ, con”. Thương cười mếu
máo, “ra ngoài đó, nhiều người giống con hơn, đỡ lo, đỡ tủi, con cố làm kiếm
tiền mua thuốc, mẹ thương cháu giùm con, dăm bữa con lại về”. Những lần như
thế, bà không khóc, sợ Mầm hiểu chuyện, cũng may Mầm khỏe mạnh, thông minh. Bà
giữ Mầm như báu vật, như là mầm sống duy nhất của bà.
Mầm lên mười, Thương gởi tiền về
nhiều hơn nhưng dạo ấy không về, xóm nghèo kháo nhau Thương đi bước nữa, chồng
của Thương là ông chủ của cô, cũng bị H, vợ bỏ, gặp Thương, đồng cảnh ngộ, rổ
rá cạp lại nương nhau.
Mầm nhớ mẹ, nhưng sợ nội buồn, không
dám hỏi. Chiều nay, vừa ra đầu ngõ, tụi trẻ con trạc tuổi nhốn nháo, “ê, thằng
mồ côi, thằng si đa, đi chỗ khác chơi”. “Si đa là chi?”. “Si đa là chết, ba mi
si đa, mẹ mi si đa, mi cũng si đa”. “Đứa mô dám nói xấu mẹ tau, tau đánh chết”,
Mầm cự lại. “Không tin thì về hỏi nội mi đi, lêu lêu”, lũ trẻ bỏ chạy.
Bà Chắt giải thích mãi, Mầm mới tin
là nó không chết, dỗ dành mãi, nó mới thôi khóc. Mầm đi ngủ, bà lặng lẽ đến
trước bàn thờ, “ Ông à, ông có thiêng thì phù hộ cho hai bà cháu, tui sẽ đi
khỏi đây. Tui phải giữ gìn cái mầm sống duy nhất của tổ tiên mình. Nay mai, nó
sẽ về.”
Tháng sau, cái xóm nghèo xôn xao khi
một chiếc ô tô láng cóng đậu trước ngõ nhà bà Chắt, đôi vợ chồng lúi cúi đi vào
rồi dăm phút sau lại đi ra. Người phụ nữ ăn vận sang trọng, có nét quen quen,
đau đớn ôm chặt người đàn ông khóc nức nở. Họ không tìm thấy người cần tìm vì
ngôi nhà đã được đổi chủ ít lâu. Trên trời, mây đã tan ra, xanh vời vợi.
H.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét