Mặc nưa nuôi sống con người trên
miếng đất này. Nhưng tôi không ưa mặc nưa. Vậy mà nhìn đâu đâu cũng thấy nó.
Không kể những miếng vườn lớn sau nhà, cặp hai bên đường, trừ sân phơi lãnh,
chỗ nào trống là người ta chen mặc nưa vô. Vườn nhà này nối liền vườn nhà
kia, thành ra xứ tôi giống như chìm dưới tán mặc nưa.
Những tán cây phủ đầy mấy
bông hoa vàng nhỏ rí, trái tròn quây xanh dờn đeo sát nhánh. Mùa nhuộm lãnh
chúng bị đốn trụi để tuốt trái. Nhánh, lá chất đầy nhà bếp. Kể cả vỏ trái mặc
nưa sau khi bị giã bể lấy sạch nhựa để nhuộm lãnh cũng được má phơi khô, đổ
đống để nấu cơm thay củi, cháy bền và nhiều than.
Hiệu
khoái mùa trái vì nó lượm cơm mặc nưa dẻo như cơm thốt nốt ăn chơi. Mỗi bữa nấu
cơm tôi dồn ào ào mớ củi mặc nưa vô lò. Tôi muốn đốt rụi tụi nó. Tôi đốt luôn
những nồi cơm mình nấu. Mỗi bữa làm cá, sẵn dao tôi chém giận chém hờn lên cây
mặc nưa cạnh bếp. Dấu thẹo củ chưa ráo mủ tôi đã chém cái mới.
Hồi
xưa, vì những cây lãnh nhuộm mặc nưa mà má tôi phải về với ba để sanh ra
tôi. Vì buôn bán nó mà ba tôi giàu có rồi sanh lòng. Vì nó mà má cực khổ hết
nói nổi. Ông trời giỏi tính chuyện hành xác con người. Mặc nưa già, nhựa kẹo
đen ngay chốc mùa nắng gắt. Người nhuộm lãnh y như trời đày. Bữa nào nắng tốt
nhúng hàng không kịp thở. Bữa mát trời lại ở không. Má tôi nhúng giỏi, một mình
dám nhận mỗi ngày bốn chục cây lãnh. Người khác phải nhúng có đôi, trong một
ngày cũng được chừng đó vải. Sau những cơn tắm mồ hôi giữa nắng, má dường như luôn
có cớ để bẻ roi mặc nưa. Cái lỗi thường nhất vẫn là do tôi hay nấu cơm khét.
Nồi cơm đầy mùi. Má vừa nhai vừa láp
dáp. Đầu tiên là vụ cơm nước, kế đó là gạo, tiền mua gạo, rồi tới những đôi
nước được đổi từ mồ hôi để có các thứ tôi không thể thiếu, kế đó sự có mặt của
bọn tôi. Ba xuất hiện trong đầu má ở cao trào của cơn giận. Má dục đũa
cái cốp, xộc mắt kiếm tôi:
- Cha
con tụi bây thay phiên nhau hành tao chết mới thôi phải không?!
Sau
một cái nghiến răng trèo trẹo, tôi bị trói tay, rút lên xiên thượng. Tôi kinh
hoàng la một tiếng “má ơi”, dù người trói nghiến tôi treo lủng lẳng là má. Roi
mặc nưa bắt đầu bay vùn vụt hai bên tai tôi. Chúng đáp khắp người tôi. Khi bỏ
đi, chúng để lại đó những đường dài rớm máu. Tôi ghét mặc nưa dữ dằn hơn nữa.
Hình như tôi khó chịu nhất là khi nhìn cái dòng nhựa ứ đầy bên trong
trái mặc nưa. Nó phủ lên xứ tôi một màu đen không gì đen hơn nữa. Vậy mà ai
cũng mê nó. Xứ nghèo mà. Xà bông không nhiều, tiền mua vải cũng ít oi. Trong
khi đó lãnh nhuộm mặc nưa mặc hoài không rách. Dơ chỉ cần đem xuống bến vò vò
vài cái, phơi khô là có cái thay cái đổi qua ngày. Nó thành lẽ sống của
xứ này. Mấy cái sân lớn từ đầu làng tới cuối xóm, từ cây số một tới cây số mấy
chục, chỗ nào không nhúng lãnh thì cũng đang trải lãnh ra sân phơi. Chỗ này
lãnh một nước lem nhem, chỗ kia năm sáu nước tối òm. Khi lãnh đã tắm đủ bảy tám
nước mặc nưa trong mình thì nó cũng uống chừng ấy cơn nắng cháy. Để được cái
gì? Những thước lãnh đen thui bóng dờn. Nhìn vải tôi cứ nghĩ bụng, chúng được
dệt bằng tóc, bằng vô số những mái tóc dài đen nhức nhối. Thật ra chúng vốn dĩ
đã được nhuộm bằng màu xanh trên tóc má tôi. Để lại trong má cái dáng già trước
tuổi và một đống bộn bề căm phẫn.
Cũng
may những thứ đó quá nặng nề nên dầu muốn dầu không nó cũng è ạch lặn
xuống, nín khe đâu đó trong lòng. Má sẽ tỉnh lại nhìn những vết roi nổi lằn
trên tay, trên cổ tôi, mặt sa sầm, tìm một góc khuất để khóc. Lúc này tôi sẽ ra
dựa góc mặc nưa bên góc bếp hức từng cơn. Dường như cơn đau lúc bị đánh bắt đầu
trườn mặt ra nằm vắt ngang ngực. Nếu nghe thấy bước chân má sau lưng tôi sẽ vọt
ra lu, vục một bụm nước đầy hất vào mặt để phi tang những giọt nóng đang chảy
ròng. Là tôi không muốn đè chồng lên những thứ sắp rệu rã trong lòng má.
Má căm
ghét từng cái cười câu nói của thiên hạ đang đi về lớp lớp trên miếng đất chôn
khúc ruột ngắn ngủn của ba, của chúng tôi. Nơi không có nhà vệ sinh nhưng khi
mắc, đã trật quần ra rồi vẫn phải kéo lên khi có bóng một con chó lượn qua. Má
có cảm tưởng thói thị phi của nơi này tiêm nhiễm cả con chó. Nhưng má dứt khoát
không đi đâu hết, ở yên đó cận cảnh coi đời. Đời vẫn nhởn nhơ. Ba vẫn đủ sung
sướng để buộc má phải mắng nhiếc thầm trong bụng. Có không ít lần má nghiến
răng nghiền nát từng lời:
-
Ba con Chi! Ông đối đãi với vợ con còn thua con chó!
Đó là khi ba không cho má gánh nước đi qua miếng đất nhà ông mà phải đi
một đường vòng cách đó hơn hai trăm thước. Hoặc khi ba chạy xe ngang mặt má,
phóng phẹt một bãi nước miếng.
-
Tụi mày mới là chó, đối với tụi mày vậy mới vừa.
Lúc
đó tôi không buồn vì chắc là ba giận nói vậy. Dù câu nói đó đã làm má giậm nát
cái giường hai người từng ngủ chung. Nhưng ba thật sự không để mắt tới chúng
tôi.
Sau những chuyến hàng, ba thường mua về thật nhiều những bọc trái cây ngon,
loại nhìn thấy là nhểu nước miếng. Đương nhiên là để tẩm bổ cho dì Dương.
Hiệu dắt thằng Út từ nhà ba về, có lẽ hai đứa đã no nê nước miếng lúc dòm
miệng. Rình lúc mọi người quên, thằng Út lại mò qua bên đó. Khi về nó né mình
bên gốc mặc nưa chỉ đủ che được nửa người, cạp một cùi táo tây nhựa ngả màu nâu
sậm, cát dính từng đốm. Tôi đắng họng móc từ miệng nó ra được hai lát mỏng nhám
cào. Tôi thấy đau hơn những cơn đau khi cùng quẫn má trút vào tôi.
Ba
không phủ nhận những cay nghiệt ba đối với chúng tôi. “Trong mấy đứa tụi bây
biết đứa nào là con tao, đứa nào con thằng Phùng?”
Rõ ràng
không phải ba vô cớ. Những chuyến buôn mặc nưa đường dài buộc
ba phải xa nhà mỗi bận gần nửa tháng. Ngày qua ngày, ba xa lạ dần với má. Một
lần, từ biên giới ba về cùng dì Dương. Lúc đó họ còn là bạn hàng quen qua những
cần xé mặc nưa. Ba nói đưa dì đi Sài Gòn mua hàng nhưng lại đi tuốt ra Vũng Tàu
tắm biển. Má đẻ rớt thằng Út ngoài trại lá. Chú Phùng nhanh chân tới bồng má
lên nhà rồi chạy re đi rước mụ. Ba về, nhìn thằng Út lom lom từ đầu tới chân,
nhếch mép: “Nó chực hờ đón đứa con của nó mà”. Ba lại nhắc tới chai đồi dồi,
mấy con cá Miên đen thui chú gởi má ngày chuẩn bị sanh tôi. Chú Phùng y như
đang trả thù sự phụ rẫy của má bằng những hành động quan tâm dị thường. Những
nghi ngờ ngày càng lớn khi ba mặn nồng với người đàn bà trẻ trung, sôi hực sức
sống gần hai năm mà không có con. Không riêng thằng Út, cả tôi chợt đổi gương
mặt lạ hoắc. Chỉ có Hiệu là dường như còn nét giống ba. Nhưng Hiệu dứt khoát
không chịu về ở với ba. “Ở với má ăn muối cũng ngon…”. Nó bỏ lửng như là đụng
phải cái gì đó không nên nhớ.
Tình
cảm của tôi lờ mờ. Với ba quá cay đắng, với chú Phùng xa hơn bầu trời. Ý nghĩ
này làm tôi không trông mong một sự dòm ngó của ba. Đôi khi nhìn thấy một
đứa trong xóm được ba nó đóng lại cho đôi guốc hay là cột cho cái sào phơi quần
áo, tôi trề hai mép môi trì xuống.
Má
không thoáng như tôi. Má nghĩ mình có quyền kinh tởm ba. Ngày còn đưa thằng Út
trên võng má không ngừng ầu ơ câu “ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ
cho rồi bậu ra”. Ba phè phởn trong khi má lùi lũi chằm từng tấm lá, gánh mướn
từng đôi nước, tới mùa nhuộm lãnh thì bẻ mặc nưa rồi nhúng hàng thuê cho xóm.
Mồ hôi đổ giữa nắng chang chang. Những hồi ức đẫm hờn oán tràn về, má muốn làm
cái gì đó thật ác mới hả dạ. Nhưng má sợ kiếp sau phải xuống mười tám tầng địa
ngục.
Để còn
đủ sức nghinh mặt với kiếp này mà chờ đợi kiếp sau, má nghĩ nhiều cách để nén
nhịn giận dữ. Chẳng hạn chúi mũi vào đống lá chằm như một cái máy. Hay là
cúng lạy. Khi ngồi cúng vái tụng niệm má quên hết muộn phiền nhân thế.
Nhưng không thể ngồi tụng niệm tất cả mọi lúc trong ngày. Khoảng trống đó vừa
đủ quá khứ tràn về…
Chính
tôi cũng không dứt được những gì được chứng kiến từ nhiều năm trước huống chi
má.
Khi đó má sanh thằng Út vừa được tháng ngoài. Ngoại đau nặng. Má dẫn tụi
tôi về chăm sóc ngoại. Cả nhà đang quắn quíu vì cơn hấp hối của ngoại thì má
được người thím bà con ghé tai nói nhỏ một tin “chồng mày rước con Dương về nhà
rồi”. Đám ma đau càng đau hơn. Má không nói gì nhưng một cái khăn tang để quấn
lên đầu thằng Hiệu cũng trật tới vuột lui. Chực hờ đâu đó, người đàn ông đó lại
xuất hiện. Tôi đã biết không ưa chú từ ngày đó. Đáng lý ra chú nên đi biệt khỏi
xứ này. Vì chú mà ba trở mặt quay quắt với má con tôi.
Tôi
hả lòng khi nhìn má thản nhiên cuộn mớ lãnh nhúng vô thùng mặc nưa. Đôi tay má
đen sì, mặt tối sầm, trước khi cẩm tự thấm nắng. Mặc kệ chú với mấy câu
chướng tai chí tình chí nghĩa “Em không sống được ở đây đâu. Em coi kìa, cuộc
đời em sẽ đen tối như màu lãnh em đang nhuộm. Đưa các con theo anh, làm mấy năm
nay anh đã mua được miếng đất đủ mẹ con em sống”. Má lắc đầu “Ông đi đi, tôi có
chồng rồi. Ổng một dạ hai lòng có trời phật chứng giám. Đi theo ông, rủi mấy
đứa nhỏ tưởng tụi nó là con ông thiệt …”
Tôi
hiểu được câu nói này mà sao chú Phùng không hiểu gì hết. Chú ngu si
không chịu nổi. Người gì mà mặt mày mà đen như ma. Nhìn làn môi, đôi mắt tưởng
như chú đã lỡ chân té vô thùng mặc nưa. Nghe nói nắng Cao Miên của những ngày
đi lính làm chú thành như vậy. Bất hạnh là phải rồi.
Gần mười năm trước khi má là cô gái mặn
mòi giỏi giang nhất xóm đã đôi lần hẹn hò với chú bên gốc mặc nưa sau nhà
ngoại. Biên giới loạn, chú Phùng cùng thanh niên trong xóm lên đường nhập ngũ.
Bà ngoại già nhìn đứa con gái vật lộn với từng chén cơm cho cả nhà, ao ước:
“Ngày con lấy chồng, có được đôi ba cây cẩm tự làm vốn đắp đổi thì má mới yên
bụng”. Chú Phùng nói má ráng đợi, giải ngũ chú sẽ ráng làm kiếm tiền. Má nói
chắc tới lúc ngoại chết chú mới dành dụm đủ. Trong khi đó sính lễ của ba quy ra
có thể gần chục cây lãnh Mỹ A thượng hạng.
Chú
Phùng trở về ngay trân ngày cưới má. Chú bần thần buông thõng cây cẩm tự.
Nó đổ dài như một dòng sông đen. Đó là vốn lượm lặt của chú trong mấy năm
xa nhà. Chú lại đi, ai cũng nói chú sẽ đi luôn. Vậy mà người ta thấy chú trở về
thường… Khi ba rước dì Dương về, người ta dự đoán má sẽ đi theo người đàn ông
si tình đó.
Má làm
phá sản mọi dự đoán của thiên hạ. Có như vậy má mới đường hoàng đặt chân lên
bục cao ngất của danh dự. Có thể ngạo nghễ nhổ toẹt vào những tráo trở của ba.
Cùng cực đói khát của bầy con xô má vào cuộc bươi quào. Sự nén nhịn chỉ chờ dịp
bung ra. Không phải là giọt nước tràn ly mà là một đập nước no tràn. Và tôi hay
Hiệu xớ rớ gần đó thì lập tức bị cuốn đi, bầm giập với đá ngầm đá nổi. Má
thương đó rồi giận đó. Vui buồn thất thường sanh đủ bệnh trong mình. Má già mau
lắm.
Nhìn
má, tuổi mười tám nhiều tưởng tượng tôi cũng không hình dung được má từng là cô
gái đẹp. Vài người nói tôi giống má, không son phấn vẫn hồng hào. Tôi lắc
đầu, không tin có cái gì xinh đẹp hiện diện trong kiếp sống má con tôi.
Nhưng
mà hình như có. Chỉ với một mơ ước được ăn những bữa cơm yên lành, tuổi dậy thì
vẫn cứ nâng bổng cái xác con gái của tôi. Cũng có một chàng trai chặn đường đón
ngõ giằng co quang gánh sóng sánh nước trên vai tôi.
- Để
gánh cho… Xắn quần chi mà cao vậy, tụi nó nhìn lom lom kìa.
Tôi
dùng dằng giật ngang gánh nước, đi miết miết về nhà. Nước chỉ còn lưng thùng
nhưng tôi không tiếc, chúi hai con mắt vào đùi. Nhìn gì chỗ đó, có gì lạ sao?
Đồng nói khác lắm, mỗi chuyến đi ghe về nó đều nói thấy tôi lớn hơn nhiều.
Đồng
giúp sửa lại trại lá cho má ngồi chằm không bị mưa nắng tạt. Có khi nó ngồi lại
trại lá nói chuyện với má nhưng mắt nhìn miết hướng nhà tôi. Chỉ có vậy mà ngày
nào tôi cũng nhóng xuống bến coi ghe của Đồng về chưa. Thấy ghe thôi cũng đã
rậm rật cả chiều.
Đồng thấp ịu, miệng
cười thấy được chừng chục cây răng đang xô đẩy nhau. Nhưng với tôi, Đồng là mặt
trời. Một cái nhìn trìu mến của Đồng khiến giấc ngủ tôi oằn oại thổn thức.
Trong những cuộc hẹn hò dưới ghe của Đồng tôi còn nhận được cả vòng tay. Thứ
này làm tôi tan chảy, rạo rực. Đáng lẽ chỉ tới đó được rồi. Đằng này tôi lại ao
ước xa xôi hơn nữa. Anh cưới em nghe Chi… Tôi chờ đợi câu này tưởng như sắp
cháy cả ruột gan.
Thiên hạ thật thiếu kiên nhẫn. Đã không để cho tôi nghe tròn câu nên nghe mà
lại ém đầy tai má một tin kì cục: Má và Đồng dan díu nhau, ngày nào cũng nhỏ to
tự tình ngoài trại lá, sợ bể bạc nên đẩy Đồng qua tôi. Tôi cười khùng khục
trong bụng, muốn nghẹt thở. Đồng tiếp cận má là vì tôi mà. Dù biết thế bà chín
Ốm mẹ của Đồng vẫn sợ Đồng thương tôi, ngang với việc Đồng có gì với má. Bà
tuôn ào những nghi kị bất chấp hậu quả:
- Mua
heo chọn nái. Cô rồi cũng như mẹ của cô, già không bỏ nhỏ không tha, sanh con
ra cũng không biết ba nó là ai.
Má tôi
không còn đủ sức leo lên bộ vạt tre để giẫm đồm độp như hồi bị ba bêu
riếu. Bà cuống cuồng khóa cửa rào, đóng chặt cửa nhà. Khi tôi rón rén mở cửa mò
xuống bến, má trói tôi treo lên…
Tôi ôm
giấc mơ mới mẻ treo tòn ten, dõi mắt hướng cánh én, hướng kẹt cửa. Hy vọng Đồng
có thể biến thành khí len qua các kẽ hở đen hun hút… Hiệu lại là người hùng. Nó
ra tay tháo củi xổ lồng. Má tôi đang thành tâm cho buổi cúng lạy cuối một ngày.
Tôi
biết Đồng đang ngủ giữ ghe, không hay trên bờ người con gái Đồng yêu
thương phải gồng mình hứng trọn giông tố từ hai người mẹ. Tôi đã lao xuống đó,
sà vào cái chỗ lạ lùng chưa từng thấy… Tôi như tan đâu mất, không còn tồn
tại…Tôi chưa kịp tự hỏi có phải Đồng đã cởi từng cái nút trên áo tôi hay chính
tôi đã bứt tung dãy nút thì… ùm! Nước đã trùm lên đầu. Mẹ của Đồng coi tướng
lỏng thỏng mà mạnh kinh hồn, chỉ đẩy một cái tôi đã được dòng sông vuốt ve thay
cho vòng tay người yêu dấu. Tôi đọc được nỗi kinh sợ đến run rẩy trong giọng
nói của bà:
- Mày... mày… đĩ thỏa y ran con gái mẹ
mày!
Ồn ào như hội. Người trong xóm chảy xuống
bến. Khi định thần được, tôi lọi nhọi giữa nước cho tới khi chân chạm đất. Tôi
đứng đó nhìn mọi người đang đổ dồn mắt về phía mình. Lúc má và Hiệu chạy
xuống, tôi gần như muốn lặn tuốt dưới đáy rồi ở luôn đó với hà bá. Nhưng cuối
cùng tôi chỉ cắn môi, nghe mình mẩy cứng như đá. Hiệu vừa lội xuống vừa cởi áo
trùm lên bờ vai trần ròng nước của tôi. Tôi lượng sượng sọt tay vào áo.
- Sao bây giờ chị?
Tôi không trả lời, ngoan ngoãn lần chân
trong nước theo lưng nó.
Tiếng người lào xào ngày càng đầy lên.
- Chết rồi, mặt mũi nào mà sống nữa đây.
- Chết chóc gì. Bất quá hổng ai cưới, ở
vậy sướng thân.
- Thì đó, thằng Đồng không cưới quỷ nó
cưới. Mà bà Chín Ốm nói một rồi thì đừng ai cầu bả nói hai.
- Cũng vừa tội. Con gái con đứa có thân
không giữ, ai giữ cho nổi.
Tôi có cảm giác nước dưới chân tôi là chì. Cuối cùng tôi cũng bước được hẳn lên
bờ. Cũng vừa khi đó người ta nhao lên. Tôi nghe Hiệu kêu “má” thất thanh rồi
lao ngang mặt tôi ào xuống nước. Nó ôm má tôi ghịt ngược. Má hất tay nó, nhào
ra sông. Họ quần nhau. Qua ánh đèn từ mấy nhà bếp cặp sông, khi thì tôi thấy
lưng Hiệu khi thấy lưng má. Tôi bườn về phía họ. Má tôi vùng vẫy mạnh quá. Tôi
và Hiệu ôm cứng mà cứ bị bà hất văng mấy chặp. Khi mấy người trong xóm
lội xuống tiếp thì má đã lã người dịu oặt.
Tỉnh dậy má ngó trân mặt tôi cười
cười hỏi “gì kì vậy?”. Miệng hỏi nhưng mắt lơ lơ. Không ai biết má hỏi gì. Tôi
thèm được má trói tay rút lên xiên nhà, thèm những nhát roi muốn điên lên được.
Nhưng má vẫn lạnh tanh. Tôi thấy quanh mình là nước và lạnh, ọc ạch chạy
khắp người. Dường như cái gì đụng vô tôi kể cả lời nói cũng thành băng rồi rớt
lợt đợt xuống xung quanh. Người tôi rã rời y như đang sắp chảy ra. Má
cũng ít cử động. Ngồi đung đưa đầu nhìn lên mấy chòm mặc nưa cười cười như có
ai ngồi trên đó đang nhướng nháy với má. Thằng Út lân la lại gần má xê người ra
tránh nó như tránh hủi. Nó nắm tay, bà vuột tay nó rồi bỏ đi chỗ khác. Nó lủi
thủi đứng dựa vách nhà se se vạt áo, gầm mặt mếu.
Phải làm cái gì đó nếu không tôi
chết mất. Tôi bắt chước má thắp nhang rồi lạy như trối chết, ra trại ngồi chằm
lá như có người đang rượt từng mũi lẹm trên tay.
Hiệu réo tôi từ trong nhà:
- Má đâu rồi chị Chi ơi?
Tôi xộc vô buồng, lòn theo mấy ngõ quen,
gặp ai cũng hỏi. Hiệu cởi áo định nhảy xuống sông. Thím ba gần nhà cản.
- Bả không có xuống bến. Hồi nãy tao thấy
có người đi ra vườn mặc nưa ngoài hè, dáng in bả, mà… hổng biết chắc không.
Nhìn khắp vườn mặc nưa chỉ thấy những dáng
cây xám lạnh im lìm. Một trái mặc nưa bắn vô lưng tôi. Tôi quay đầu về
hướng đó.
- Ê, ăn hông?
Má tôi đang ngồi trên một trán ba, vói tay
bẻ trái mặc nưa đưa vô miệng cắn bụp. Có trái cắn rồi nhả, có trái nhai
luôn. Miệng bà đen thui, thừ lừ như miệng bình vôi.
- Ăn đi. Có cái ăn, đói khát gì mà sợ mậy.
Mà hơi cay.
Hiệu và tôi như đứng trên lửa nhưng sớ rớ
quanh gốc không biết cách gì để đưa má xuống. Hiệu trèo lên cây. Má tôi
ngưng bẻ trái, sửa thế ngồi rồi đứng lên:
- Coi nè.
Hai tay bà giang ra như đang xiếc. Chúng
tôi chỉ biết ớ ớ cho tới khi má rớt xuống. Má mất thở rên hư hư nhưng không xỉu
cũng không gãy tay.
Chú Phùng về, nhìn má muốn đứt con mắt.
Nét mặt chú như đang chảy xuống. Chú bậm môi hít một hơi run ngực.
- Phải đưa má con đi trị bệnh mới được.
Ba tôi không ý kiến. Lúc chúng tôi táo tác
kiếm má, ba nhìn thấy nhưng ông không thể làm gì khác được. Trách nhiệm của ba
bây giờ là chỗ dì Dương. Tôi vốn không tin có thể trị được bệnh cho má. Nhưng ở
đây nhìn từng cái lá, từng hột bụi bay trong không khí cũng thấy đầy ứ tủi
buồn. Tôi quyết định đưa má đi...
Chú Phùng khuyên tôi đừng sợ, tâm bệnh
phải trị bằng tâm dược. Ngoài thuốc của bác sĩ đưa, ngày ngày chú Phùng nấu lá
dâu tằm cho má uống. Người ta nói cây này trừ tà mát máu, lợi gan. Khi rảnh chú
chải tóc cho má, có khi kê cái ghế bố cho má nằm, chú ngồi một bên kể cho má
nghe mấy truyện tích về những vị Phật, Bồ Tát, những con người đã dám bỏ hết
mọi quyền lợi của mình đi tìm thanh tịnh cho nhân loại... Để có được những
thang tâm dược này chú đã phải lục lạo… Đài báo, sách vở, chương trình nào nói
về bệnh thần kinh chú bỏ hết công chuyện ngồi nghe, ngồi đọc. Người ta nói bị
bệnh này cố chấp lắm, cần phải giúp họ buông bỏ. Chú Phùng đi kiếm kinh Phật về
đọc, nghiền ngẫm rồi giảng cho má nghe. Thoạt đầu má niểng mặt nhìn chú cười
hịt hịt nói "khùng”, có khi má sỉ vô trán chú nói “đồ khùng”. Khi
lên cơn, bức rức trong mình má nắm tóc mình ghịt tơi tả. Chú gở tay má ra, má
chộp tóc chú kéo gặc tới gặc lui, cười sằng sặc. Tóc rụng có chùm. Chú dặn tôi
mấy lúc vậy đừng tới gần má, tóc tôi dài bị xoay vậy đau lắm. Nhưng chú thì
không rời má, nhất là lúc má lên cơn.
Mấy lúc má tỉnh một chút, chú nói:
- Má con Chi. Bà nhớ hồi đó bà hay cúng
lạy niệm Phật lắm phải không? Hãy niệm nữa đi nhưng đừng cầu xin gì hết.
Chú nói má hãy niệm với ý nghĩ đánh
thức tình thương của mình. Đánh thức trí huệ minh mẫn vốn có của con người.
Đánh thức cái tâm A Di Đà ngời sáng trong bà. Những điều chú nói tôi nghĩ khó
mà má hiểu nổi. Nhưng chú tin má hiểu và làm được. Tâm trí má sẽ thanh tịnh hơn
cả hồi má chưa mắc bệnh.
Tôi và Hiệu cũng sớm học được ở chú cách
nuôi bệnh má. Hễ có dịp là chọc cho má cười. Làm mẹ con gần hai mươi năm tôi
mới phát hiện má có cái miệng cười thiệt đẹp. Hèn chi chú Phùng tan nát tâm can
mà cũng không dứt nổi. Mà, chú xứng đáng được nhận nụ cười đó.
Chúng tôi đi một hơi dài. Má không có
ý định trở về dù đã khỏi bệnh. Một phần vì không có lý do để về, một phần vì
bận bịu. Má muốn có nhiều tiền để giúp đỡ những người nghèo bệnh tật đang nằm
chèo queo chỗ mấy bệnh viện. Một bữa đang móc tiền cho một bà cụ nằm viện
không con cái chăm sóc má gặp một gương mặt quen. Bà cũng đang định cho tiền cụ
già khổ sở nọ. Thấy má, người đó nhét nhanh tiền vô tay bà cụ rồi chụp hai tay
má.
- Má con Chi phải không? Mèn ơi, gặp chị
tui mừng...
Bà nói mừng mà tự nhiên bật
khóc. Má tôi vỗ vỗ nhẹ tay bà:
- Chị có sao hông?
- Tui hổng sao. Bữa thấy chị ngã
bệnh, tui ở không yên. Nghĩ cái miệng mình ác chi mà nó ác. Lúc nào cũng như
chất đá đầy bụng. Gặp chị vầy mới thấy nhẹ trong mình.
- Không phải tại chị đâu. Tại tôi. Giận
hờn từ kiếp nào cũng ôm lại một đống, hỏi sao đầu óc không nặng nề rồi sanh
bệnh. May mà cũng qua được.
Những giọt nước mắt của người từng mắng
nhiếc má thậm tệ đã nhắc má nhớ tới một người cũng làm má buồn lòng không ít.
Má hỏi thăm về người đó. Bà Chín Ốm nói ba nhiều tuổi bệnh hoài. Ông buồn bà
Chín Ốm đã quá dữ dằn làm lỡ làng cuộc đời tôi. Nếu má tôi có bề gì, ba chị em
tôi không nơi nương tựa thì ba chết không nhắm mắt được.
Chú Phùng nghe hết chuyện hỏi
- Rồi má con Chi, bà có tính về thăm mọi
người hông.
- Về chi. Còn gì ở đó đâu mà về.
- Bà về đi, cho ba con Chi thấy bà khỏe
ổng yên bụng. Gìa cả hết rồi, cái gì giúp nhau nhẹ lòng thì cứ làm.
Lúc đón xe đưa hai mẹ con tôi đi chú Phùng
hỏi tôi:
- Con
có nôn gặp lại Đồng không?
-
Dạ...
-
Dượng không nghĩ chuyện con với Đồng là tình yêu.
- Dạ,
con cũng nghĩ vậy. May mà bữa đó bà Chín Ốm xuống kịp…
-
Sẽ có người con trai tốt nhất trên đời này yêu thương con.
Tôi
nói nhỏ vô tai chú nhưng lại cố ý để má nghe.
- Y như dượng yêu má phải không? - Má nhíu
chân mày với tôi, ý như rầy nhưng tôi thoáng thấy mắt má áo một màng nước trong
xanh.
Đường về xứ lạ hoắc. Người ta đã đốn
phần lớn vườn mặc nưa hồi trước. Vải vóc nhiều, không ai chuộng thứ vải đen
nhức màu tóc nữa. Mùa nhuộm lãnh về rồi mà hai bên đường không thấy bóng một
thước hàng nào. Tôi bần thần nhìn lại cây mặc nưa dựa góc bếp. Những cái thẹo
chồng chất lên nhau cộng với thời gian nó thành ra có hình thù kỳ dị. Tôi thấy
từng lớp da của nó xưng vồng lên, như sôi cuộn từng cơn đau. Nhưng nó vẫn đứng
vững, rễ cắm sâu vô đất, tán lá xanh um. Tôi vuốt tay lên những vết thẹo, lòng
nghe rưng rưng.
V.D.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét