Đêm mai, thứ 7, ngày 01/12/2012, thị xã
An Nhơn (Bình Định) tổ chức chương trình sinh hoạt tưởng niệm 5 năm ngày mất
của Nhạc sĩ La Hữu Vang. Nhân dịp này, Hương Quê Nhà xin giới thiệu bài viết
của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, đăng trong tập LA HỮU VANG – NHỮNG KHÚC CA CÒN
LẠI, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012.
Hồi
còn là học sinh Cường Để, trong lớp có vài ba người bạn quê các quận lân cận
thường rủ chúng tôi thỉnh thoảng đi xe lam cuối tuần ra ngoại ô chơi. Ở Quy
Nhơn phố thị hơi ngột ngạt, rất thèm không khí thảo dã, mà thị trấn Bình
Định(*) hồi đó đáp ứng niềm hoang sơ ấy, cây cỏ lấn át những con đường đất gập
ghềnh, hơn nữa gia đình bạn tôi lại yêu chữ nghĩa, yêu văn nghệ, nên rất lôi
cuốn bước chân “giang hồ vặt” của đám học trò tập tành viết văn làm báo chúng
tôi. Một sự lôi cuốn nữa là có đứa trong chúng tôi kể rằng đất này thiêng lắm,
ông Mai Xuân Thưởng trên pháp trường ngoại vi thị trấn này, trước khi đầu lìa
khỏi cổ còn ứng tác bài thơ nổi tiếng “Chết
nào có sợ chết như chơi- Chết bởi vì dân chết bởi thời- Chết hiếu chi nài xương
thịt nát- Chết trung bao quản cổ đầu rơi…” mà chúng tôi từng học trong sách
Sử ký hồi tiểu học. Cũng có đứa kể rằng
ông Nguyễn Bá Trác từng là quan lớn ngồi trong thành Bình Định kia ngâm ngợi: “Trượng phu đã không hay hề, xé gan bẻ cột
phù cương thường- Hà tất tiêu dao trong bốn bể, luân lạc tha hương- Trời Nam
ngàn dặm thẳm- Mây nước một màu sương- Học chẳng thành công chẳng lập, trai trẻ
bao lăm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương…”. Thì ra bước chân
lịch sử đã đi qua, không phải còn cái xác, lịch sử đã để lại hồn vía của mình
bằng sự thức tỉnh và niềm hứng khởi trong những ký ức và liên tưởng, người lớn
kẻ nhỏ, lắm nơi nhiều lúc. Phải nói, hồi ấy, phong trào văn nghệ báo chí học
đường mạnh lắm. Giáo sư Hiệu trưởng trường Trung học của chúng tôi lại là một
người nổi tiếng trên văn đàn miền Nam thời ấy- nhà văn Nguyễn Mộng Giác- cho
nên lứa học sinh say mê thơ ca nhạc họa có điều kiện bổ sung kiến thức trong
các cuộc thi thố do nhà trường phát động, sự hiểu biết cũng không đến nỗi phập
phù về các nhân vật Bình Định đương đại, dù họ ở phía bên này hoặc bên kia. Bởi
vậy, chúng tôi thường gọi thị trấn Bình Định bằng nhiều tên khác nhau, tùy hứng
trong các cuộc tụ bạ bạn bè, đại loại bằng tên cảnh vật như Mây Trắng, Hoa Sen,
Bông Gòn, Xe Ngựa, Vông Đồng, Hoàng Thành, Trăng Sao… bằng tên tác phẩm như Hồ
Trường, Điêu Tàn, Bến My Lăng, Những Ngày Xưa Thân Ái… bằng tên con người như
Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Hồ Sĩ Tạo, Chế Lan Viên, Yến Lan, Phạm Văn
Ký, Phạm Hổ, Phạm Thế Mỹ… đủ cả. Rồi cũng có lúc, chúng tôi lại ồ lên, thị trấn
La Hữu Vang, và chợt ôm đàn “Ôi Tổ quốc
ta đã nghe lời réo gọi trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời- Từng giây nghe
quê hương xót xa đầy trong cơn thê lương- Thù quân gieo đau thương bao suối lệ
tràn dâng muôn phương- Tổ quốc ơi ta đã nghe lời sông núi…”.
Sau
giải phóng, công tác trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, tôi có điều kiện tiếp xúc
với những người mình từng kính trọng yêu mến gắn bó với mảnh đất này, trong đó
có nhạc sĩ La Hữu Vang. Ông làm việc ở Nhà Văn hóa huyện và có chân trong Ban
chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghĩa Bình. Với tác phong giản dị, ăn nói
nhỏ nhẹ, tuy không vồn vã nhưng cũng đủ thân tình, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một ấn
tượng đẹp, khi tôi đưa các ca sĩ trong liên hoan ca khúc chính trị về biểu diễn
và liên hệ để ông triển khai. Tuy nhiên, từ buổi ấy cho đến về sau, nhiều lần
được tiếp xúc với ông, tôi cảm nhận rằng chiếc áo công chức luôn luôn quá chật
với con người nghệ sĩ thăng hoa “Ôi Tổ
quốc bao tiếng ca giờ lên đường- Đem máu hồng tô thắm đẹp cuộc đời- Lời xưa
vang đâu đây chí kiêu hùng muôn phương tung bay” của ông cũng như bao nhiêu
nghệ sĩ thứ thiệt. Tinh thần ngùn ngụt vô tư dâng hiến của trai thời loạn đôi
khi gặp những bẽ bàng trong đời sống thời bình, đó là điều không dễ gì nói ra
được ở bối cảnh thời bấy giờ. Giữa hòa bình, gặp La Hữu Vang và những nhạc sĩ
Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn… trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đầy ân
tình và giông bão của cuối thập niên thứ sáu, đầu thập niên thứ bảy trong thế
kỷ hai mươi, tôi cứ còn mãi tâm trạng: “Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca
mãi muôn đời, lời ca yêu mến người. Lời tôi ca trên đồng lúa, lời tôi ca sớm
mai hồng, lời tôi ca con sóng nhỏ dòng sông... Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca
những anh hùng trọn đời yêu núi sông... Và ngàn lời ca quyết đánh tan bao ngục
tù, và ngàn lời ca xóa đớn đau quên hận thù. Người người tìm nhau trong bác ái,
tin yêu đời, chung xây nước Việt đẹp tươi...”. La Hữu Vang giảng dạy âm
nhạc ở các trường trung học trong tỉnh Bình Định đầu những năm sáu mươi, trước
khi ông vào Sài Gòn tham gia phong trào này, một phong trào mà những nhạc phẩm
vang động trong tim đồng bào, có tiếng vọng khắp hành tinh: “Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên, nó đã
được truyền đi từ miệng người nầy đến miệng người khác. Nó nảy nở giữa gọng kềm
siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết. Những
lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp, lặp lại giữa những chiếc xe bọc
thép, rồi vang lên ở góc phố, nơi mà những anh sinh viên bị đuổi bắt. Nó đã
đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ
của “lối sống Mỹ” đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ
sinh ra dưới những trận mưa bom và chưa bao giờ được biết gương mặt của hòa
bình” (Mireille Garnel- Báo Le Monde, Paris 11-2-1972)
Một thời đi qua, hào hùng, thử thách khắc
nghiệt trong biển lửa miền Nam, các sinh viên học sinh đô thị sôi sục, lấy văn chương, âm nhạc là vũ khí thanh cao
và đắc lực để chống văn hóa
đồi trụy, lai căng, cổ vũ tinh thần yêu nước, đòi hòa bình, thống nhất.
Bản thân mỗi người trong họ chính là một nốt nhạc quả cảm vô song trong giàn
đồng ca đấu tranh đô thị qua các cuộc hội thảo, xuống đường, những đêm không
ngủ, các chiến dịch đốt xe Mỹ… Trước khi
Đêm Văn nghệ vì Hòa Bình tổ chức tại trường Đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn
(27.12.1969) để chính thức ra mắt tên gọi HÁT CHO ĐỒNG BÀO TÔI NGHE, đã có liên
tục những đêm bùng nổ: Hội Tết Quang Trung Sài Gòn năm 1967 như một bước chuẩn bị công khai cho cuộc tiến công Tết Mậu
Thân 1968 tổ chức tại Trường Quốc gia Hành chánh gồm 28 trường đại học và trung
học tham gia, đã quy tụ được hàng vạn đồng bào giữa mầu cờ đào của người
anh hùng áo vải Tây Sơn; Đêm nhạc Tôn Thất Lập ở Đại học Dược khoa Sài Gòn
(1967); Đêm thơ nhạc ở Đại học Sư phạm Huế vào tháng 12/67; Đêm Hội thảo của
Sinh viên Sài Gòn ngày 1968... Phong trào Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe đã phát
triển và lan tỏa ra các đô thị khác như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Quy
Nhơn, Đà Lạt, Phan Thiết… Tiếng hát tranh đấu tiếp tục vang lên tại giảng đường
trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (1969); Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Huế (1970),
tại Hội quán Thanh Niên Phan Thiết (1972)… Không khí và giai điệu của các tác
phẩm trong phong trào chẳng những đã thức tỉnh tinh thần yêu nước của đồng bào
Việt Nam mà còn vượt trùng dương, lôi cuốn thanh niên trí thức tiến bộ thế giới
ở các châu lục như Pháp, Tây Đức, Canada, Nhật, Bỉ, Úc, Tân Tây Lan, Thụy Sĩ…
và ngay cả Hoa Kỳ, ủng hộ chính nghĩa.
Nhạc sĩ La Hữu
Vang, con người đã sáng tác ra những nhạc phẩm rừng rực như những bó đuốc của
khát vọng và lương tri, Không ai ngăn nổi lời ca, Tổ
quốc ơi đã ta nghe, Hát cho quê hương... đã cùng bao nhiêu anh em Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Phú
Yên, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Sanh, Trần Xuân
Tiến, Miên Đức Thắng, Nguyễn Tuấn Kiệt, Vũ Đức Sao Biển... không khuất phục qua
dùi cui, lựu đạn, để tiếng hát lời ca vang lên từ các giảng đường, các tụ điểm
âm nhạc, các cuộc xuống đường hồi ấy như: Hát cho dân tôi nghe, Người mẹ Bàn Cờ,
Tự nguyện, Trên dòng sông lịch sử, Dậy mà đi, Thuyền
em đi trong đêm, Chim hòa bình, Tin
tưởng ca, Quê hương ta ngày chiến thắng, Khi
đất nước thanh bình, Ta đã thấy trong đêm nay, Hát
trong tù, Những ngày hội đấu tranh, Từ
sông Hương nhớ tới sông Hồng, Sức mạnh nhân dân, Lời
ca cho người đi giữ quê hương, Hát trên đường tranh đấu, Tình
nghĩa Bắc Nam… Chắc chắn lịch sử không bỏ quên những tâm huyết tuổi
trẻ “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa- Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, dấu chân
cuộc ra quân của giới trí thức trên các lĩnh vực sản sinh một tài sản âm nhạc vô cùng quý giá cả về tư tưởng lẫn chuyên môn nghệ thuật,
tung những hạt mầm của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình bén rễ đâm chồi và
ngùn ngụt xanh tươi trong tấm lòng của đồng bào thống khổ điêu linh dưới bom
súng và khói lửa chiến tranh. “Và một
bước giản dị của một con người dũng cảm giản dị: không tham dự vào dối trá,
không ủng hộ những hành động dối trá! Cứ để nó đến và thậm chí thống trị trong
thế giới - nhưng không thông qua ta! Nhà văn và nghệ sĩ còn có thể làm nhiều
hơn thế: chiến thắng dối trá!
Chính trong cuộc chiến đấu với dối trá, nghệ thuật bao giờ cũng đã và đang
chiến thắng - hiển nhiên, không chối cãi được đối với tất cả! Dối trá có thể
chống được rất nhiều thứ trên thế giới này, nhưng không thể chống được nghệ
thuật. Và khi dối trá bị xua tan - bạo lực sẽ hiện ra trần trụi một cách đáng
ghê tởm - và bạo lực rệu rã sẽ sụp đổ.” Những điều Alekxandr Solzhenitsyn,
giải Nobel văn chương 1970 đã nói, dường
như rất gần với sự thật Việt Nam, trong bối cảnh mà tôi đang đề cập này.
Đó là giai đoạn bừng sáng của La Hữu Vang
và những con người tự nguyện đem trái tim người nghệ sĩ đập mạch đập của tình
cảm đất nước bao la. Và sự cộng hưởng của triệu triệu đồng bào đã nâng cánh cho
tài năng của họ. Mệnh lệnh của trái tim họ là mệnh lệnh của khát vọng tự do,
khát vọng hòa bình, do vậy nanh vuốt của bạo quyền không trở thành nỗi khiếp
nhược mà trái lại, chỉ làm tăng nồng độ kiêu hãnh của cảm xúc bất tuyệt. Cái ý
nghĩa kim cương là than đá dưới áp lực mạnh, hình như sẽ đúng với trường hợp
này. Bây giờ nghe lại những Tổ quốc ơi ta
đã nghe, Không ai ngăn nổi lời ca, Lửa cháy lên rồi, Hát cho quê hương, Những
con đường quê ta đó, Từ thuở Việt Nam (liên khúc), Khúc hát mùa thu (liên
khúc), Lời chim buổi sáng, Đất dậy lời ca, Anh đưa em về thăm quê mẹ, Giữ lấy
trái tim, Mắt đợi mắt chờ, Đừng khóc nghe em, Tiếng hò quê hương, Chào tất cả
tuổi hai mươi, Hát với tôi…của La Hữu Vang, thông điệp của tuổi trẻ trước
vận mệnh đất nước một thời khốc liệt và hào hùng vẫn còn tươi nguyên niềm xúc
động.
Con người hiên ngang trong âm nhạc thời
chiến "Đất nước ta đang còn nghèo, nhân dân ta còn khổ đau trong áp
bức trong xích xiềng, trong khói lửa ngun ngút cháy. Bao xóm làng giờ tan
hoang, bao xác người ngã đầy non. Việt Nam ơi, Việt Nam ơi, đây tiếng hát con
tim đời đời… Dù mưa bom, dù bão tố ta cũng nguyền vì Tổ quốc ra đi. Dù cho quân
thù và loài bán nước, bao ác gian lòng ta vẫn hiên ngang... Đất nước ta sẽ hùng
cường, nhân dân ta sẽ ấm no, khi áp bức, khi xích xiềng, khi ác thù sẽ gục ngã.
Quê hương mình mãi sáng chói, muôn lửa hồng mãi rực tươi. Việt Nam ơi, Việt Nam
ơi, đây tiếng hát con tim đời đời!" lại là con người hết mực khiêm
cung, giản dị trong đời sống thời bình. Ông lặng lẽ làm công việc của một công
chức rồi lặng lẽ hưu trí. Cao hơn hết, ông lặng lẽ sáng tác hàng trăm ca khúc, như là máu thịt
với quê hương đất nước, không đòi hỏi thiệt hơn giữa dòng danh lợi, giữa đố kỵ
và bon chen, giữa chính và tà. Tôi tìm ông sau những cuộc thơ nhạc nơi thị
trấn, trong nhà một người bạn vong niên - Nguyễn Vĩnh Bình- anh em có dịp bên
ly trà chén rượu, để nói với nhau một vài điều. Anh Vĩnh Bình với hình thể mà
chúng tôi thường gọi đùa “râu hùm hàm én” là người vốn rất quen thuộc với phong trào văn nghệ
quần chúng Bình Định những tháng năm sôi động nhất, một người học trò, một láng
giềng chia bùi sẻ ngọt mà ông đặc biệt hết sức yêu quý và tin tưởng. La Hữu
Vang có soạn một nhạc phẩm đề tặng Nguyễn Vĩnh Bình, “Như là mưa bóng mây”: “Đôi khi về nơi phố khuya đèn đêm hiu hắt ta
thèm một vầng trăng sáng- Đôi khi nhìn mây trắng bay rừng im lá cây ta thèm một
cánh chim chiều- Và mãi như là mưa bóng mây bâng khuâng giấc mộng nửa vời để
thấy đêm còn luôn thao thức mong chờ tia nắng bình minh…”. Tôi đặc biệt chú
ý cái phần “ý tại ngôn ngoại” của một nhạc phẩm trang nhã và rất hút hồn, dường
như ngôn từ chấp chới giữa hữu duyên và vô thường, giữa trầm tĩnh và lay động.
Tôi bày tỏ rằng anh em thương quý luôn áy náy rằng với ông, một nhạc sĩ đương
đại hàng đầu của xứ sở này, có địa vị không nhỏ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam,
nhưng (…) Ông cười thật hiền lành, đánh trống lảng qua công việc sáng tác rằng
anh rất coi trọng ca từ, em ạ, có câu có chữ nhiều đêm anh phải suy nghĩ trăn
trở sửa đi sửa lại, lời có hay mới xứng với giai điệu đẹp. Hồi năm 1997, nhân
làm Tạp chí Văn nghệ số Tết, tôi có đưa nhà thơ Lê Văn Ngăn lên nhà ông để khai
thác tư liệu, viết một bài về nhạc sĩ La Hữu Vang. Tôi nghĩ, đây không phải là
một thịnh tình mà đơn giản, cũng như về thơ, dứt khoát phải có nhà thơ Yến Lan,
về âm nhạc mà không có hình ảnh ông trong một tạp chí quê nhà, chắc chắn sẽ
thiếu đi một điều không bù đắp được. Và đương nhiên, trách nhiệm của người làm
báo chưa tròn, sẽ có lỗi với độc giả. Khác với nhiều người, Yến Lan và La Hữu
Vang có vẻ phải lịch sự chịu đựng hơn là niềm hứng khởi khi nhận lời để người
khác tìm cách mài sáng thêm vài bông hoa lên vòng nguyệt quế của đời mình.
Điều tôi bắt gặp ở nhà thơ Yến Lan cũng
như ở nhạc sĩ La Hữu Vang là họ đều xa lạ với những ồn ào, những giải thưởng,
những vinh danh rầm rộ của nhà cầm quyền hay các tổ chức nghề nghiệp, mà lẽ ra
đúng đạo lý, họ phải được nghĩ tới trước tiên. Đúng ra, họ cũng là con người
chứ không phải thánh nhân, ban đầu họ cũng có nghĩ, nhưng sự nhiêu khê của bao
nhiêu thủ tục, cơ chế đã làm lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Và cái họ hơn
người là họ đều bình thản chấp nhận sự thiệt thòi không đáng có và họ rất e dè
khi nhắc đến cái tôi của mình, cho đến lúc “Một
mai ba tấc đất vùi- Trần gian gửi lại nụ cười cho hoa” như nhà thơ Quách
Tấn từng tự trào. Hình như những nghệ sĩ thứ thiệt đều cùng một bản chất như
vậy và và nhờ đó, những hình tượng và tư tưởng nghệ thuật trong tác phẩm của họ
thêm lý do để hồn hậu ngẩng đầu giữa trái tim tri kỷ của độc giả, khán thính
giả đương thời và nhiều thế hệ.
Cuộc đời và tác phẩm của họ là những cuộc đời và tác phẩm mà trước tiên,
đã làm cho tôi và bạn bè tôi tự hào và trân trọng và tôi nghĩ người thị trấn
Bình Định lại càng nồng nã hơn khi nhắc đến họ. Giở lại di sản ông để lại, tôi
khôn nguôi niềm băn khoăn về lộ trình phổ biến và tôn vinh ở xứ sở này. Hôm An
Nhơn mừng đón Quyết định từ huyện thành thị xã (và Bình Định từ thị trấn thành
phường), tôi có bày tỏ nỗi băn khoăn, rằng sao chương trình thơ nhạc chào mừng
mà hơi bị nhạt nhòa, chưa tạo thành ý thức khắc họa chân dung những nhà thơ,
nhạc sĩ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt với mảnh đất này, tạo một ấn tượng đẹp về di
sản tinh thần của cư dân thị xã. Cuộc đời và tác phẩm của họ trở thành biểu
tượng, tên của họ có thể đặt những con đường, cho cả thị trấn (hoặc phường) thì
đầy bản sắc và tự hào trong công chúng. Thử nổi nhạc “Ôi Tổ quốc ta đã nghe lời
réo gọi…” có thể cả quảng trường sẽ hừng hực sôi động ngay.
Sau ngày nhạc sĩ La Hữu Vang mất ít lâu, những anh em
bạn bè thân hữu có làm một đêm nhạc, tàn cuộc kéo về nhà ông, trải chiếu trước
bàn thờ, uống rượu khi ngoài trời mưa rả rích suốt đêm. Chúng tôi ngồi tưởng
vọng một linh hồn mà có khi sự da diết quá, sự ngưỡng mộ quá đáng cũng làm cho
ông áy náy. Với ông, chúng tôi nghĩ, sự chân tình, tấm lòng đối với nhau đã là
quá đủ. Mà cái tình, tấm lòng chân thật của con người đối với nhau, xét đến
cùng, bình thường vậy nhưng đâu dễ kiếm giữa các “thị phần đời sống” đa đoan và
đầu môi chót lưỡi. Bài hát cũ, cảnh sắc cũ, người yêu cũ, thân hữu cũ, đêm ấy
tất cả đều mới lên trong một chữ tình. Nghe một vài bài hát của La Hữu Vang,
tôi chợt nhớ câu nói của Alekxandr Solzhenitsyn “Không phải mức độ giàu có tạo nên hạnh phúc mà đó là sự gần gũi của
trái tim với trái tim và cách chúng ta nhìn thế giới. Cả hai thái độ này đều
nằm trong tầm tay ta... một người hạnh phúc chừng nào anh ta còn chọn để mình
hạnh phúc, và không ai ngăn cản anh ta được.”
Xin cáo lỗi nhạc sĩ La Hữu Vang và anh
linh của những con người và tác phẩm đi cùng năm tháng đã gắn bó với cái thị
trấn nhỏ này, khi tôi và bạn bè tôi đã gọi tên lẫn cùng tên các sự vật Mây
Trắng, Hoa Sen, Bông Gòn, Xe Ngựa, Vông Đồng, Hoàng Thành, Trăng Sao…, những sự
vật trộn trạo tương tác làm nên sự quen thuộc và đặc sắc của một vùng đất. Bên
cạnh những danh sĩ quê nhà, có thể có người không phải chôn nhau cắt rốn nơi
đây, như Chế Lan Viên, như La Hữu Vang… nhưng có hề chi, nghệ sĩ vốn không dựng
sự ngăn cách cục bộ nào, và niềm lan tỏa của tác phẩm họ là vô bờ bến. Họ có
thể không nghĩ đến ân sủng cho bản thân họ, nhưng những người có trách nhiệm có
những hình thức tôn vinh họ, mảnh đất này sẽ dày lên bao ân nghĩa và ghi những
dấu ấn độc đáo với cả nước. Một người bạn tôi nói vui, An Nhơn từ huyện lên thị
xã mừng thì là mừng, cũng đúng thôi, nhưng đừng quên trong lịch sử, mảnh đất
này từng hai lần kinh đô và một lần tỉnh lỵ rồi. Mà tính chất của một kinh đô
trong truyền thống, là hội tụ là kết tinh, chứ không hề đơn giản. Trong tâm
tưởng, tôi vẫn thấy La Hữu Vang “thơ ngây
riêng một nụ cười và chút hương nồng trong ánh mắt suốt đời ta mang theo”.
Qui
Nhơn 9-6-2012
N.T.M
(*) Từ ngày 01/01/2012, thị trấn Bình Định
được đổi thành phường Bình Định
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét