Văn nghệ Trẻ - Khó khăn nhất của
những người viết trẻ hiện nay đó là tìm ra con đường đi riêng cho mình và được
công chúng đón nhận. Bởi có rất nhiều con đường đi để được khẳng định nhưng con
đường nào cũng đã có người khai phá, người đi sau cần phải làm mới mình để
tránh những rập khuôn, nhưng nếu khác quá, quá đao to búa lớn thì lại không
được đón nhận
Văn chương cần phải có sự khác
biệt
Mỗi
người đến với thơ bằng một tâm thế khác nhau. Có người tìm đến với thơ để khám
phá một con người khác trong chính mình. Hoặc cũng có thể là cách để cất lên
tiếng nói của mình về đời sống này, mà hàng ngày họ ưu tư, trăn trở. Và còn vô
vàn những “lối thơ” khác nhau. Bạn chọn lối đi nào cho mình?
Thơ vừa là bản ngã vừa là người
bạn tâm tình để khám phá ra bản thân, cái
tôi cá nhân đồng thời là tiếng nói nội tâm trước thời đại tôi đang sống.
• Nghề nghiệp – cụ thể là công việc
dạy mỹ thuật – ảnh hưởng như thế nào đến tư duy thơ của bạn?
Nền tảng Mỹ thuật có ảnh hưởng
rất nhiều đến tư duy thơ của tôi. Khi
viết về cuộc sống, con người, tôi rất hay qui về một mảng màu cụ thể, một bố
cục cụ thể, đường nét cụ thể để làm rõ điều tôi muốn nói, đôi lúc tôi thấy mình
như đang vẽ nhưng không phải bằng cọ mà bằng những con chữ. Thơ và hội họa có nhiều nét giống nhau
cho nên người xưa từng nói : Trong thơ có họa và trong họa có thơ, hai điều này
đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong việc cảm nhận và sáng tác.
• Có người nhận xét thơ Lê Vi Thủy
đầy bản năng. Bạn thấy điều ấy có đúng với mình không?
Đúng nhưng chỉ ở thời gian đầu
tiên khi tôi mới bắt đầu viết thôi. Khi đó tôi nghĩ gì viết nấy, và rất ngô
nghê trong câu từ và ngôn ngữ của mình. Còn bây giờ thì tôi đã có ý thức với
văn chương. Giống như con đường, có nhiều con đường khác nhau để cùng đến ngôi
nhà văn chương. Muốn đi được trên con đường ấy buộc bạn phải kiên trì, rèn
luyện, cũng như luôn làm chủ được ngòi bút của mình, luôn kiên định với phong
cách của mình để có những bước đi đường dài. Và tôi chưa muốn mình phải dừng
lại trên con đường ấy nếu chỉ vận dụng vào những yếu tố bản năng. Tôi đã tự
học, tự tìm hiểu về văn chương, làm chủ ngòi bút để văn chương của mình nó hình
thành một cách rõ nét hơn.
• Trong quá trình sáng tạo, yêu cầu
về sự Khác, về cái Mới có ý nghĩa như thế nào với bạn?
Văn chương cũng như cái tên
vậy. Muốn tên mình khác biệt với mọi người thì cần phải khẳng định bản thân
mình và được người khác công nhận. Và văn chương cũng cần phải có sự khác biệt
về phong cách, ngữ nghĩa, cấu tứ, cần phải năng động và nhạy bén trước những
biến đổi của xã hội nhưng không có nghĩa là mới đến nỗi lập dị, năng động đến
mức xa rời cuộc sống thực tại dẫn đến “tự kỷ” trong văn chương. Bản thân tôi
cũng đang hình thành cho mình một phong cách riêng, một sự khác biệt để không
bị lẫn lộn với ai đó, và tôi vẫn tiếp tục tìm tòi để tự khẳng định bản thân
mình với nhiều cách viết khác nhau.
Bị cảm xúc “dẫn dụ”
• Với tập thơ mới vừa ra mắt của bạn
– “Mắt vỡ không còn bóng” – có thể nhận thấy nỗ lực tạo sự khác biệt của bạn,
trong cách kiến tạo nhịp điệu, thiết lập câu chữ và những điểm nhấn bùng nổ.
Nhưng thơ Lê Vi Thủy cũng dài hơn thì phải? Đó là sự cố tình hay bạn bị dòng
cảm xúc dẫn dụ?
Tập thơ “ Mắt vỡ không còn
bóng” là những bài thơ được tôi lựa chọn từ lúc bắt đầu sáng tác năm 2008 tới
bây giờ. Tập thơ tôi chia ra làm hai phần, phần “Bóng” là phần mà tôi viết thơ
đầy bản năng và cảm xúc. Phần thứ hai là “Vỡ” trong phần này thì bản năng kết
hợp với sự cách tân trong thơ về mặt thiết lập câu chữ, từ láy, nhịp điệu ...để làm mới thơ mình nhưng dù
viết thơ bản năng hay không bản năng tôi vẫn bị cảm xúc “dẫn dụ” vì vậy mà
trong thơ tôi có nhiều câu rất dài, những câu chữ cứ nối tiếp hiện ra trong đầu
và cứ thế tôi viết như một mạch nước chảy đến khi nào cạn thì dừng lại.
· Luôn tồn tại nguy cơ về sự rườm lời trong những bài thơ
ham ôm đồm quá nhiều. Bạn có thường xuyên cảnh tỉnh mình về điều này?
Nếu bạn đọc để ý thì trong thơ
tôi sử dụng rất nhiều từ láy, đảo câu chữ trong ý hướng làm mới …thơ, chữ sinh
nghĩa mới, nghĩa là chú trọng hình thức biểu đạt để chạm đến những cái mới mà
thế giới đa chiều đang động chuyển từng giây qua nhiều cách nhìn khác nhau. Vận
dụng nhiều từ láy nhưng làm thế nào để không gượng ép, rối rắm là vấn đề cần
đắn đo của mỗi nhà thơ. Tôi xác
định được mục đích sử dụng từng từ láy và chú trọng trong việc xây dựng kết cấu
của câu, làm thế nào có nhiều biến hóa và tạo một ngữ pháp mới cho thơ mình và
có lẽ thi pháp chủ đạo của tôi nằm ở đây. Thời gian đây thì tôi đã thử thể
nghiệm một cách viết khác giảm bớt từ láy nhưng đưa yếu tố ẩn vào trong thơ,
câu thơ sẽ đơn giản hơn đối với người đọc tuy nhiên vẫn là cách người làm thơ
và người đọc thơ cùng tư duy với nhau để cảm nhận được nội dung bài thơ qua
từng góc độ khác nhau của người đọc, người cảm nhận.
• Vùng đất sống luôn ảnh hưởng rất
lớn đến các sáng tác của một người viết. Điều ấy có đúng với bạn không?
Đúng nhưng cũng không đúng. Tôi
sống từ nhỏ và lớn lên ở phố núi Pleiku, một thành phố tương đối yên bình và
hiền lành, những bài thơ phần nhiều tôi viết cũng về đề tài phố núi, về những
sơn nữ, về dã quỳ, buôn làng Tây Nguyên.... nhưng có một khoảng thời gian tôi
sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, bản thân tôi giống như có một “vết
thương thành thị” ở ngay chính giữa lòng phố núi, với những con người đua chen
nhau, những mảnh đời bất hạnh, sự đối lập giữa cuộc sống con người cứ ám ảnh
lấy tôi và những sáng tác sau này của tôi cũng ảnh hưởng ít nhiều đến điều này.
• Có thể nhận thấy trong các sáng tác
bạn, những âu lo trăn trở về sự bất định của đời sống, về những thân phận
người… hiện lên rất rõ nét. Bạn có nghĩ rằng, với “tạng tư duy” này, bạn hợp
với văn xuôi hơn. Thực tế là bạn đã có những truyện ngắn khá tốt
đăng tải trên Văn nghệ Trẻ?
Tôi có duyên với Thơ và đến với
Thơ trước, chính vì vậy văn xuôi còn khá xa lạ với tôi. Hiện nay tôi cũng đang
thử sức của mình với văn xuôi, tôi đã viết được một vài truyện ngắn nhưng thật
sự văn xuôi vẫn còn rất khó đối với tôi. Và những âu lo trăn trở về sự bất định
của đời sống, về những thân phận người, những mảng đời bất hạnh cũng đang được
tôi tiếp tục thể nghiệm qua hình thức văn xuôi. Nhưng dù là thơ hay văn xuôi
thì cả hai đều là “bạn” của tôi, có thể lắng nghe mọi tâm sự, mọi cảm xúc của
tôi qua từng con chữ để truyền tải đến người đọc một góc nhìn của tôi về cuộc
sống này.
Văn chương không xa rời với
công chúng
• Nhiều bạn đọc than phiền rằng thơ
trẻ hiện nay khó nhớ, khó cảm. Điều ấy khiến cho thơ có nguy cơ xa rồi công
chúng. Bạn nói gì về điều này?
Hiện nay với xu thế của một
thời đại mới, một tư tưởng mới và một tâm thế viết mới. Những người viết trẻ đã
có những cách tiếp cận với nhiều hình thức văn chương qua các cách khác nhau,
và họ chính là những nhân tố để thúc đẩy nền văn chương hiện nay phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều xu hướng khiến cho những cây viết trẻ như tôi
hoang mang mình sẽ viết như thế nào cho mới và cố gắng làm mới, làm lạ để cho
khác người, làm nổi, điều đó đã làm cho một số người viết trẻ không hình thành
được ý thức trong văn chương, không truyền tải tác phẩm có giá trị văn học. Họ
sử dụng những từ tối nghĩa, vấn đề giật gân, những vấn đề nóng gợi dục....để
làm mới văn chương mình khiến cho người đọc khó đọc, khó hiểu, khó cảm thụ được
văn chương, ngày càng xa rời với văn chương hiện đại và khó chấp nhận với văn
chương hiện đại. Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là văn chương không được
đổi mới mà người đọc phải tự đổi mới mình để có thể hiểu được những “hệ hình
mới” trong văn chương, và người đọc cũng cần phải tư duy cùng với người viết để
có thể cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa cần được truyền tải. Chính vì vậy sự làm
mới trong văn hóa đọc cần phải chú trọng để người đọc có thể thay đổi quan niệm
của mình đối với văn chương hiện đại và người viết cần làm chủ được ngòi bút
của mình, có định hướng sáng tạo đồng thời tự nghiên cứu và thâm nhập với cuộc
sống thực tế để làm giàu hơn vốn sống vốn hiểu biết, bám sát với cuộc sống hiện
đại đang thay đổi theo từng giờ để văn chương không xa rời với công chúng.
• Bạn có chờ đón các nhà phê bình sau
mỗi tác phẩm mới của mình?
Có chứ. Vì mội người phê bình
là một góc độ riêng nhìn vào tác phẩm, và qua đó sẽ thấy được những chỗ được và
chưa được trong tác phẩm của mình. Qua đó tác phẩm của mình sẽ được hoàn thiện
hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà phê bình hiện nay họ vẫn chưa đi sâu vào tác
phẩm chỉ nêu những vấn đề chung chung hoặc dùng tình cảm cá nhân để phê bình
hoặc là quá tâng bốc để PR cho tác phẩm, hoặc “ném đá” vào tác phẩm để gây sốc
trong làn sóng dư luận của công chúng. Điều đó vô hình chung làm cho người viết
khó có thể nhận biết được tác phẩm của mình nó ở vị trí nào nên dễ bị “hoang
tưởng”.
• Có thể thấy giai đoạn hiện nay thơ
trẻ xuất hiện nhiều gương mặt mới. Giai đoạn hiện nay cũng tạo cho người viết
nhiều cơ hội để thể hiện mình. Nhưng chắc hẳn sẽ có những khó khăn mà người
ngoài cuộc không thể hiểu được. Theo bạn, khó khăn nhất của những nhà thơ trẻ
hiện nay là gì?
Khó khăn nhất của những người
viết trẻ hiện nay đó là tìm ra con đường đi riêng cho mình và được công chúng
đón nhận. Bởi có rất nhiều con đường đi để được khẳng định nhưng con đường nào
cũng đã có người khai phá, người đi sau cần phải làm mới mình để tránh những
rập khuôn, nhưng nếu khác quá, quá đao to búa lớn thì lại không được đón nhận,
văn chương sẽ bị “chết yểu” từ trong trứng nước gây ra tư tưởng chán chường.
Chính vì vậy giữa hệ giá trị cũ và hệ giá trị mới cần được dung hòa. Văn chương
trẻ cần những người đi trước đón nhận và động viên, hoặc nếu họ sai thì cần một
sự động viên, sửa chữa để họ có động lực đi tiếp.
• Cảm ơn bạn về cuộc
trò chuyện
Nguồn: Văn nghệ Trẻ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét