Từ trái sang: Phạm Văn Phương, Nguyễn Như Tuấn, Mang Viên Long
“Tạ Ơn Lá Cỏ” là tập thơ thứ hai của Nguyễn Như Tuấn, sau 34 năm giới thiệu cùng bằng hữu tập thơ thứ nhất (Cỏ Nội – 1974). Trong quãng thời gian dài gần nửa đời người ấy – Nguyễn Như Tuấn vẫn âm thầm sống với Thơ, cho Thơ, ở quê nhà Nhơn Khánh (Bình Định). Có ai đó đã nói “đời sống là Thơ rồi” – thì đúng là Nguyễn Như Tuấn đã sống hồn nhiên với đất trời, thong dong bên ruộng đồng hoa lá, và trải lòng tha thiết với bạn bè… trong suốt 34 năm của đời người ngắn ngủi! Quả thật đó là một đời sống đẹp. Một bài Thơ bất hủ rồi !
Với lòng yêu quý tâm hồn và đời sống anh – tôi đọc “Tạ Ơn Lá Cỏ” (Nhà xuất bản Văn học – quý 2-2008) như được chia sẻ chút tâm tình đã bao năm dài lắng đọng – để hôm nay, bật thốt lên lời tri âm nồng thắm: “Tạ Ơn Lá Cỏ” của anh. Tình yêu thiên nhiên, cỏ hoa đồng nội nơi quê nhà, là suối nguồn xúc cảm vô biên cho dòng thơ anh từ đó sống dậy – tròn đầy và thắm thiết!
Ở quê nhà Nhơn Khánh – từng ngày Nguyễn Như Tuấn đã gắn bó, chắt chiu, hòa nhập cùng ruộng đồng, cỏ cây, hoa lá như với một người bạn tri âm:
“Sớm chiều ra bãi
Ngắt vội vài bông
Hương trinh cỏ mật
Tạ ơn ruộng đồng
(...) Phút giây cảm động
Thơ ca không lời
Nhịp đi, tâm rộn
Trông ngùi xa xanh”
(Tạ Ơn – tr.56)
Lòng “tri ân” ấy đậm đà và thiêng liêng đến nỗi nhà thơ đã từng “Tụng Ca Thiên Nhiên” (tr.60) với lời ca bi thiết nồng nàn, giữa đời sống xô bồ đang đua chen chạy theo kỹ thuật, để ngày càng xa rời và tàn phá thiên nhiên – Khúc ca dài đến 10 trang thơ :
Đoạn mở đầu : “Mấy bông hồ đượm áo vàng
Ồ bông ngọ trổ hồng hoang đậm đà
Trông vào héo hắt ô ta
Ngẩn ra tiếp cõi màu hoa tuyệt vời.
(…)”
Và đoạn kết : “…Rủ em ra nội sớm chiều
Tưới dăm lá cỏ tiêu điều dưới mương
Mai sau trong cõi vô thường
Còn xanh hạt mộng vấn vương bốn mùa”
Nghe trong bản “tụng ca thiên nhiên” ấy còn ẩn vọng bao điều lâm ly bi lụy của đời người, của kiếp nhân sinh nơi cõi tạm và lòng trắc ẩn khôn nguôi:
“(…) Mắt người chở mộng xa xưa
Mà trong mắt ấy sầu vừa chín lên
… Người về lòng có cô liêu
Bỏ ta lại với chín chiều thương tâm
… Máu ơi nhỏ xuống bông chiều
Cành hương trắng mộng nở nhiều sương thu”
(Vọng Âm – tr.34)
Giữa bao tang thương và khổ đau của kiếp nhân sinh – nhà thơ đã tìm về với đất trời hoa lá như bến bờ cho niềm an lạc của đời mình. Ở nơi ấy – thiên nhiên cao cả và an lành luôn mở rộng vòng tay đón đợi. Thiên nhiên mãi dón chào Người - thân thiết và che chở:
“ Lên rừng nhặt viên sỏi xanh
Nhìn xem lá rụng vàng quanh đất trời
Bước vào hòa với cuộc chơi
Đầu xanh rụng mấy tơ trời đỏ hoe
… Đời còn mộng bước suối khe
Vàng hoa nhị độ nằm khoe núi rừng
Ta nằm giữa lá bao dung
Hồn thiên nhiên mở mở cùng thiên nhiên”.
(Bao Dung- tr.54)
Trong một bài thơ “Kính tặng nhà thơ Yến Lan” đồng hương – Nguyễn Như Tuấn đã mang “hồn lá cỏ” thổi vào “hồn người”, để tình thơ thao thiết bay cao, tạo được ấn tượng sâu đậm cho người đọc:
“ Góc thành đông cây bàng không còn nữa
Tiếng gọi đò lan thấm cả ngàn lau
Người lái đò xưa chở trăng, chở khách
Người lái đò nay chở nhớ qua sông
(…) Câu thơ cổ dài theo chiều đất nước
Đi một mình lẩn khuất giữa quê hương
Ngậm chút đắng để đời thêm vị ngọt
Thổi tàn tro còn lại chút long lanh.
(…)”
(Một Góc Thành Đông – tr.40)
Và trong bao la cỏ cây hoa lá ấy – nhà thơ cũng đã “nhận ra” một đóa hoa đời son sắc thủy chung tháng năm lặng thầm tỏa hương bên đời mình – Nguyễn Như Tuấn đã tâm tình, chia sẻ bằng một giọng thơ chí tình, thắm thiết:
(…) “Bên người ta thấy bao dung
Cõi lòng xưa đã cạn cùng nước non
Về đây thở chút hơi mòn
Lắng nghe trời đất đổ dồn từng thu
…Từ vui chim cá đã nhiều
Thương em sáng nắng mưa chiều đắn đo
Nỗi lòng nở đóa thơm tho
Mênh mông trao lại mối lo cùng đời.
(…)”
(Ca Nguyện – tr.6)
Đắm mình giữa bao cỏ hoa đồng nội – nhà thơ cũng đã “ngộ ra” một đóa hoa có “hương sắc vĩnh cửu” – đó là “Hoa Bằng Hữu”. Trong thơ Nguyễn Như Tuấn, tình bạn cũng đã được anh dành tặng những trang thơ trân quý, chân thành:
(…) “Trên trần thế gọi hồn đau dưới huyệt
Nghe khô khan hạt cát rớt bao chiều
Chờ ta dạo ngát linh hồn cỏ lá
Nghìn thu phai tâm nhuộm kín trùng đài.
(…)”
(Bối Rối – tặng Hàn Dã Thảo – tr.72)
Hay như trong bài “Mầu Biệt Ly – (tặng Lý Kiềm Kiệm) – tr 36):
“Đọc trên bia mộ mùa xuân
Rưng rưng trang giấy thắm từng câu hoa
Lệ trời gửi lại sầu ca
Nghìn năm mưa nắng phôi pha tấc lòng.
(…)”
“Tạ Ơn Lá Cỏ” đang trên cuộc hành trình khẳng định một bản sắc riêng trong bước du hành hoa lá, nhưng tôi tin rằng – nhà thơ ắt cũng sẽ tìm ra cho mình một mạch nguồn thi cảm đầy hứa hẹn.
Xin cám ơn một “tấm lòng Thơ” cỏ hoa đồng nội phiêu bồng đã mang đến cho người đọc một không gian Thơ tươi mát, khoáng đãng, trong lành !
Tháng.7.2008
MANG VIÊN LONG
Qua tạp bút của anh MVL “TÌNH THƠ HÒA QUYỆN ĐẤT TRỜI” như cô đọng cái hồn trong thơ đậm chất “an nhiên”sâu lắng… thả đầy cái mênh mông trong Tập thơ thứ 2 “TẠ ƠN LÁ CỎ” (2008) của anh Nguyễn Như Tuấn …
Trả lờiXóaMột tập thơ HAYmang nhiều sắc thái về tình người, tình bè bạn,tình yêu thiên nhiên “tan chảy” trong lòng quê hương thành một khối duy nhất ,rất gần gũi và làm người đọc xúc động…
Xin cảm ơn hai anh MVL_NNT !
Cảm ơn Nguyen Ngoc Tho đã đọc và ghi cảm nhận tạp bút "Tình thơ hòa quyện đất trời" của anh MVL và tập thơ "Tạ ơn lá cỏ" của NNT. Xin chúc Nguyen Ngoc Tho khỏe và vui!
XóaĐọc tạp bút của chú Mang Viên Long , rêu ước có được tập thơ Tạ Ơn Lá Cỏ của tác giả Nguyễn Như Tuấn.
Trả lờiXóaCảm ơn Rêu nhiều nhé! Chú Tuấn sẽ gửi tặng tập thơ Tạ Ơn Lá Cỏ cho Rêu đó.
Xóa