Trong mục BTVN tuần này, Hương Quê Nhà xin chuyển đến các bạn hai bài của
Nguyễn Thế Kiên và Phiêu Vân, viết về tập thơ Chỉ Còn Nỗi Nhớ và bài thơ Trái
Mùa của Ngô Văn Cư
Ngô Văn Cư
NỖI
NHỚ ĐẦY VƠI ĐỌNG CHÍN MIỀN LỤC BÁT – Bài của Nguyễn Thế Kiên(*)
QĐND
- Sau những năm dài tháng rộng tung tẩy cùng nhiều thể loại thơ, mùa thu năm
Nhâm Thìn này, người thơ Ngô Văn Cư hóa thân vào miền lục bát qua tập thơ Chỉ còn nỗi nhớ. Lục bát Ngô Văn Cư vẫn là những thanh
chữ đều đặn mang khuôn thước tự ngàn xưa mà trở trăn bao nỗi niềm từ thẳm sâu
mấy cõi: Tiếng chuông lấm láp
bụi đường/ Sân chùa xước những vết thương cõi người/ Gió mây lệch một cuộc
chơi/ Lưng trời chiếc lá tự rơi lạnh lùng (Ngộ
2). Giữa ồn ã chợ đời, thơ của thánh thần và ma quỷ lẫn lộn, thơ Ngô Văn Cư
lặng lẽ tỏa hương bằng chính cái “chất Người” qua những dòng lục bát. Không
gian của lục bát thì vô cùng vô tận, vấn đề là người thơ được trời cho cái
duyên, cái ngộ với lục bát bao nhiêu để có những câu thơ thực sự làm lay động
lòng người.
Lục
bát Ngô Văn Cư vừa quen vừa lạ. Cái quen là ở mạch thơ, nhịp thơ và vần điệu.
Cái lạ là sự cô đọng của ngôn ngữ thơ, là sự hàm ngôn của câu chữ nơi anh, là
cách xử lý tình huống gọn ghẽ, hợp lý để khi bài thơ khép lại mà bóng chữ còn
tạo ra nhiều chiều liên tưởng cho người đọc: Bây
giờ nửa nắng nửa mưa/ Nửa phố thị nửa quê mùa cũng tôi/ Người xưa thắt bím xưa
rồi/ Tôi còn tìm nhặt hương đời đoan trang/ Chắp tay cầu nguyện muộn màng/ Rằng
thưa tôi đã đa đoan làm người! (Vì
em tôi sống đời hơn).
Có
được làm người mới được đa đoan, có đa đoan thế mới có những lúc sống hết mình
cho phần người trong cả hai chiều thực, ảo: Giữa
trăm ngàn nỗi ngổn ngang/ Hồn còn vương vấn hai bàn tay êm/ Tình nồng ở phía có
em/ Chiếu chăn ở phía êm đềm trống huơ/ Chiều nay mây trắng vật vờ/ Nhớ ngày
yêu đến dại khờ mà đau! (Mây
trắng vật vờ).
Kìa,
sau mấy câu thơ hiện lên mái đầu người thơ vừa chạm mùa sương tuyết, những buồn
vui nhung nhớ của ngày xưa dâng trắng trên từng sợi bạc giữa ngàn nỗi tảo tần.
Lục
bát Ngô Văn Cư có những bài gợi nhiều sự liên tưởng thú vị cho người đọc bởi sự
trải nghiệm của anh: Khi yêu
ghét, khi vui buồn/ Lênh đênh trong cõi vô thường một tôi/ Dấu chân in khắp nẻo
người/ Mới hay mình vẫn còn ngồi với đêm (Đối
diện với đêm). Câu kết của bài thơ:“Mới hay mình vẫn còn ngồi với đêm” thật độc đáo, nó thuộc miền “ngộ
năng” của thơ. Những câu thơ trước nó là sản phẩm của lý trí, của tư duy, còn
câu kết là của trời cho.
Người
thơ ơi, còn có thể trích dẫn ra nhiều hơn nữa những bông lục bát đã chín từ
cánh đồng thơ của anh, nhưng với thơ mọi sự đủ đầy đều trở nên thừa thãi. Dẫu
biết đến với thơ là để tìm cái hay cái đẹp, nhưng còn đôi chút “lăn tăn” về
những hạt non, hạt lép trong cánh đồng lục bát mùa này của anh thiết nghĩ cũng
nên tỏ bày cùng tác giả và bạn đọc để nuôi cái hy vọng cho những mùa sau. Trong
tập thơ thi thoảng vẫn gặp những câu thơ nhàn nhạt, nặng tính hình thức và khẩu
hiệu: “Cầu trời ta nhận ra ta/
Sợ mình chưa đủ thật thà với ai” (Lời
sám hối cho ta). Lại có những câu to tát, mạnh mẽ quá mà cái tình chả gợi được
bao nhiêu: “Vấp vào vũng mắt
em hồng/ Tình anh ngã giữa môi hồng tháng Giêng” (Vấp ngã). Rồi nữa: “Mừng em tình thắm duyên ưa/ Trăm
năm viết một bài thơ tuyệt vời” (Mừng
duyên). Thơ ơi, Nghiệt ngã lắm cái miền huyền ảo nhưng chất chứa cái tình chân
thật đằng sau bóng chữ, bởi vậy những thật thà, dễ dãi của câu chữ hiển lộ dù
có dịu dàng vần điệu chắc đâu đã là của miền thơ đích thực phải không anh?
Vài
điều nho nhỏ chia sẻ cùng người thơ Ngô Văn Cư và bạn đọc xa gần khi chạm miền
lục bát của anh. Cái hay, cái đẹp, cái tình xin người giữ lại. Những câu thơ
mang hồn cốt dân tộc Việt vẫn luôn đập cùng trái tim của bạn đọc xa gần.
N.T.K
(*) Bài của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên đăng
trên báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 08/11/2012, viết về tập thơ: Chỉ Còn Nỗi Nhớ của Ngô Văn Cư – NXB Hội
Nhà văn, 2012.
CẢM NHẬN CÙNG BÀI
THƠ “TRÁI MÙA” CỦA TÁC GIẢ NGÔ VĂN CƯ –
Bài của Phiêu Vân
Lời bạt
Trước hết xin nói rằng Phiêu Vân chưa từng
quen biết tác giả Ngô Văn Cư, nhưng đọc bài thơ Trái Mùa của Ngô Văn Cư, lại
cảm nhận ý tình sâu sắc mà tác giả ký gửi vào “Trái Mùa”.
Ở đây, Phiêu Vân chỉ muốn góp cùng “Trái Mùa” ở góc độ Cảm Nhận chứ không
phải Bình Thơ, bởi Bình Thơ đòi hỏi người bình phải có vốn kiến thức khá phong
phú về thơ lẫn từ ngữ; bên cạnh đó đòi hỏi người bình thơ phải có một tâm hồn
mẫn cảm để cảm nhận được những xao động nhỏ nhất của tâm tình gửi qua con chữ,
đồng thời cũng đòi hỏi người bình thơ phải có một trình độ am hiểu tâm lý tình
cảm, xã hội... Đó là những điều tất nhiên cho một trình độ Thẩm Thơ nào đó.
Với những gì nêu trên, Phiêu Vân chỉ muốn chia sẻ cùng người đọc MỘT GÓC
CẢM NHẬN RẤT RIÊNG CỦA MÌNH với bài thơ “Trái Mùa” của tác giả Ngô Văn Cư.
Trân trọng!
TRÁI MÙA – Thơ Ngô Văn Cư
Trời thu khoác áo mùa đông
Rừng cây đứng ngóng cơn dông trắng chiều
Tường vôi giữ chút xanh rêu
Chênh chao giọt nắng quạnh hiu đọng buồn
Tiếng chim vườn cũ trong ngần
Lòng ta tím biếc nụ xuân trái mùa.
Để
mở dòng tâm tư ký gửi vào "Trái Mùa", tác giả Ngô Văn Cư đã mượn cảnh
mùa thu héo buồn trong cái lạnh chớm đông:
"Trời thu khoác áo mùa đông
Rừng cây đứng ngóng cơn dông trắng chiều"
"Trời thu khoác áo mùa đông".
Phải chăng tác giả muốn dụ ý rằng: Thu vốn đã buồn, nhưng cái buồn của sự đơn
côi, tuyệt vọng thì lại càng thêm lạnh lẽo. Cái lạnh lẽo không chỉ bởi khung
cảnh, bởi thời tiết thu chớm ngày đông mà còn chính là nỗi niềm đơn lạnh lẽo
ngào ngào nơi cõi hồn tác giả.
"Rừng cây đứng ngóng cơn dông trắng chiều".
Tác giả đã vẽ nên một không gian thật trầm lặng nhưng lại chứa đựng bao muộn
phiền, sóng nổi tâm tư. Không gian kia chỉ là một liên tưởng được bắt nguồn tự
nội tâm tác giả, mà "Rừng Cây" chỉ là một phép nhân cách hóa nội tâm
nọ. Thực vậy, dông về cỏ cây hẳn sẽ xác xơ thì lẽ nào "rừng cây" lại
ngóng đợi cơn dông về để mà phải xác xơ kia chứ? Ấy thế nhưng với cảm nhận tự
nội tâm, trong niềm mong mỏi sâu kín tác giả đã dự cảm một dông tố sẽ về khuấy
đảo tâm tư, và "rừng cây" nọ đang nửa mong ngóng, nửa xót xa... Nhưng
cho dù là gì đi nữa, từ trong thẳm sâu "rừng cây" vẫn "mong
ngóng cơn dông" kia về cho dù biết rằng xác xơ là điều không tránh khỏi.
Quả là một mối ngóng trông đầy tâm
trạng lẫn bất trắc! Không có một tâm tình sâu nặng thì chẳng bao giờ ngóng
trông như vậy.
Đọc đến đây người đọc càng thấm hơn với lời thơ của nhà thơ
Nguyễn Tất Nhiên đã được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc: "Thà như giọt mưa / vỡ trên
tượng đá / thà như giọt mưa / khô trên tượng đá / thà như mưa gió / đến ôm
tượng đá / có còn hơn không... có còn hơn không..."
"Trái Mùa" có cách biểu đạt tâm trạng thật nghịch
lý nhưng lại đầy tinh tế; sự tinh tế làm xao động tâm tư của những tâm hồn tinh
tế! Mà đúng vậy! Tình cảm nói chung, tình yêu nói riêng chỉ có thể thấu cảm,
đồng điệu chứ khó thể dùng lý luận thông thường để lý giải những chuyển biến,
những xao động thật mong manh, thật tinh tế đến kỳ ảo kia theo logic thông
thường. Một điều đơn giản rằng nếu mọi tâm tư tình cảm đều có thể mang ra để lý
luận theo logic thông thường được thì khái niệm "Con Tim" chỉ còn dành cho nền y khoa hiện đại
làm việc, và chắc rằng ngày nay computer đã biết viết nên những áng văn-thơ đầy
xúc cảm thay cho con người. Rất may điều đó đã không xảy ra!
Trái tim con người thường có một logic rất riêng, và bởi
chính vì rất riêng nên dù biết rằng đau, biết rằng buồn, biết rằng sẽ xơ xác
đến"trắng chiều" nhưng
cái "Rừng cây tâm
tình" kia vẫn cứ "ngóng cơn
dông" về... Có như
thế cái tâm tình kia nó mới vừa "Nửa
chừng quyến luyến - nửa chừng tái tê" (Phieuvan_Thlangdu) mà vẫn cứ ấp ủ, nặng mang là vậy!
Chỉ
hai câu mở đầu bài thơ với đúng mười bốn chữ của một cặp lục bát mà tác giả đã
khéo léo mượn cảnh trang trải biết bao tâm tình. Bằng bước mở thật nhuần nhị để
rồi tác giả lại nhấn nhá một cặp lục bát tiếp theo như muốn khắc họa rõ nét tâm
tư của "Rừng cây
đứng ngóng cơn dông trắng chiều" bằng hai câu thơ mà chỉ đọc phớt qua
sẽ khó lòng nhận ra rằng tác giả đã chắt chiu từng con chữ để gửi gắm nỗi lòng
của bao ngày thắt the da diết.
"Tường vôi giữ chút xanh rêu
Chênh chao giọt nắng quạnh hiu đọng buồn"
"Tường vôi giữ chút xanh rêu".
Hay, hay thật!
"Rêu" trong thi ca thông thường nhằm chỉ chốn/điều
hoang phế, vắng người lui tới; ở đây tác giữ dùng "giữ chút xanh rêu" thì tinh tế đến bất ngờ! Nếu tường vôi
"PHỦ" hoặc "BÁM" rêu thì đơn giản chỉ là năm tháng trải
qua, hoang phế thông thường của sự tất nhiên. Nhưng, "GIỮ" lại là dụ
ý ghi khắc, nắm níu, ấp ủ ngày tháng xưa cho dù thời gian phai nhạt, năm tháng rêu
phong...
Thật là ân tình, thật là tha thiết!
"Chênh chao giọt nắng quạnh hiu đọng buồn".
Nỗi niềm đến vậy mà sao không "Chênh
chao giọt nắng, quạnh hiu đọng buồn"cho được. Nhưng nếu chỉ có thế
thì câu thơ cũng bình thường quá, chỉ là một cách lộng tình vào cảnh thông
thường chứ chẳng có gì đáng chú ý. Nhưng ở đây, tác giả đã rất chọn lọc để dùng
chữ "đọng buồn" mà
theo lẽ "xuôi câu thuận chữ" thì "Chênh
chao giọt nắng quạnh hiu GIỌT buồn" nghe mới phải lẽ. Thế nhưng "đọng buồn"quả
thật đã làm cho người đọc phải suy tư nhiều hơn về cách dùng chữ của tác giả.
Và khi đã thú vị với "đọng
buồn" thì lại càng
thấm thía với cái buồn lẩn khuất, lắng đọng lại nơi nỗi niềm với bao tháng ngày "chênh chao giọt nắng"!
Chỉ một chữ mà biến khổ thơ tưởng chỉ nhằm tả cảnh thông
thường thành một khổ thơ chứa chan ý tình sâu lắng, đầy nâng niu thì quả thật
ít thấy trong thơ ca ngày nay vậy!
Và
như để xác tín những cảm nhận trên, tác giả Ngô Văn Cư đã hạ cặp lục bát kết
bài thơ khiến bản thân Phiêu Vân tin tưởng cảm nhận đã không đánh lừa mình
"Tiếng chim vườn cũ trong
ngần
Lòng ta tím biếc nụ xuân trái mùa."
Màu tím thường được hiểu là màu biểu trưng cho
sự nhớ thương, tan vỡ... Nói chung màu tím chẳng đại diện cho niềm vui. Ấy thế
mà sao lại "Tiếng
chim vườn cũ trong ngần" như
mang đầy tin yêu, tươi đẹp thì liệu có lạ không nhỉ?
Qua bốn câu lục bát trước cũng đã cho người đọc nhận thấy sự
trung trinh, chờ đợi của "Trái Mùa" thì cái lạ của câu hỏi trên trở
nên thừa bởi trong tâm tư, trong niềm chung thủy của "Trái Mùa" thì: Niềm yêu vẫn trinh nguyên;
trong ta vườn xưa vẫn trong ngần tiếng chim là thế. Nhưng than ôi,"Lòng ta
tím biếc nụ xuân trái mùa". "Nụ xuân trái mùa" vào thời điểm "Trời thu khoác áo mùa
đông" thì nụ xuân
kia liệu có rực rỡ dưới nắng, hay chỉ đón nhận những tàn phai trong tuyết
nhuộm, sương phơi; trong bấc lạnh dập vùi?
Thay lời kết: Chỉ bằng sáu câu thơ lục bát mà
"Trái Mùa" đã trang trải cả những nỗi niềm thật tinh tế, sâu kín một
cách thật trọn vẹn để cho người đọc đủ cảm được tâm tình sâu lắng gửi vào bài
thơ.
Để làm được điều đó đòi hỏi người viết phải thật khéo léo
chọn và đặt từng con chữ thật "đắc địa" sao cho tạo nên sự súc tích
của câu thơ, tứ thơ; sao cho hòa quyện liền lạc cùng tâm tình, ý nghĩa, âm
vận... Nếu không thế, bài thơ chắc sẽ phải dài hơn rất nhiều với ngần ấy tâm
tư, hình ảnh...
Trong bài thơ "Trái Mùa", câu bốn - câu năm, tác
giả Ngô Văn Cư đã dùng phép thông vận khiến âm vận bài thơ không được suông chỗ
này. Tuy vậy, tôi cho rằng điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến sức biểu cảm
súc tích cả về tâm tình lẫn hình ảnh của bài thơ.
Mong sẽ được đọc nhiều bài thơ thật thơ như bài thơ
"Trái Mùa" của tác giả Ngô Văn Cư.
19.02.2010
Phiêu Vân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét