Tôi
sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu thương, sống chủ yếu nhờ vào cái chợ
quê mà mỗi buổi họp chợ chỉ đến khoảng 8 – 9 giờ sáng là tan! Người ta nói “phi
thương bất phú” nhưng với kiểu mua đầu chợ bán cuối chợ của gia đình tôi đủ ăn
bốn mùa, khỏi cảnh “tháng tám ngày ba” là quí lắm rồi.
Nhưng so với người nông
dân ở làng quê nghèo thì gia đình tôi có thể được gọi là thành phần trên và anh
em tôi được cha mẹ cho ăn học chu đáo. Thuở nhỏ, tôi thường theo mẹ ra chợ
nhưng chưa một lần được ăn quà vặt tại chợ. Mẹ tôi rất kĩ tính. Bao giờ trong
gánh hàng của mẹ cũng có một loại thức ăn nào đấy gói thật kĩ lưỡng cho anh em
chúng tôi. Mẹ bảo không được ăn quà tại chợ và không giải thích gì cả. Anh em
chúng tôi thường mong đợi những món quà từ chợ của mẹ. Nhưng tôi tôi thật sự
thích thú với món bánh cuốn của bà cụ Thiệt vào những buổi xế chiều.
Thường thì, khoảng xế chiều thì bà cụ Thiệt với
đôi thúng đi ngang qua nhà tôi gọi vọng vào “Bánh cuốn…không?”. Nếu có tiếng
“Ơi” đáp trả thì bà ghé vào. Trong mẹt gánh của bà Thiệt đã chuẩn bị sẵn: bánh
tráng gạo, rau sống, những con tôm chín đỏ, khúc chả lụa, những bánh tráng
chiên giòn đựng trong hủ nhựa… và không thể thiếu món nước chấm thật ấn tượng
với những hạt đậu phộng giã nhỏ béo bùi… Món bánh cuốn không được làm sẵn mà
được làm khi có người đặt mua.
Cứ nhìn bà cụ Thiệt làm bành cũng đủ cho sự thèm
thuồng lôi cuốn: Nhúng sơ cái bánh tráng vào nước cho mềm, dẻo, trải lên thớt
gỗ; bà cụ cho rau sống, một vài con tôm, một ít chả, bánh tráng chiên giòn… rồi
tỉ mỉ cuốn thành cái bánh dài sao cho không bị đổ các thứ ra ngoài. Xong, bà cụ
bày ngay ngắn trên cái đĩa và múc nước chấm vào cái chén nhỏ cho từng người.
Chỉ một lần ăn bánh cuốn của bà cụ Thiệt là sẽ
nhớ suốt đời. Cắn một miếng bánh, một miếng ớt với một tép tỏi nhỏ; rồi nhai
chậm rãi mới thấy hết cái ngon của việc ăn bánh cuốn. Cái dai dẻo của bánh
tráng nhúng nước kết hợp với cái giòn của bánh tráng chiên giòn… cùng với những
mùi tổng hợp của rau sống, của tôm, của tỏi, của hành phi… vị ngon của bánh
cuốn cũng rất đặc trưng, vị chua của tép chanh, cộng xoài; vị đắng của rau sống
mà tôi chẳng biết tên; vị béo bùi của đậu phộng; vị cay của ớt tỏi… khiến ta khó
quên cái mùi dân dã.
Thế rồi cuộc sống ngày càng phát triển, nhà hàng
quán xá mọc lên như nấm sau mưa. Làng quê đã thay đổi theo hướng phố xá…và bà
cụ Thiệt cũng đã già yếu không còn thường xuyên bán bánh cuốn nữa rồi dần dần
nghỉ hẳn. Nay, tôi cũng đã lớn tuổi, mẹ tôi cũng đã qua đời, tôi không còn đợi
quà vào những buổi sáng, mong ăn bánh cuốn vào mỗi buổi chiều. Nhưng mỗi lần
nhớ về ngày xưa cũ, tôi lại nhớ đến những cái bánh cuốn vừa dẻo vừa giòn…
Thỉnh thoảng, muốn tìm lại kí ức xưa, tôi đã đến
những hàng quán vỉa hè… nhưng khó tìm được cái thanh tĩnh, chẳng ồn ào như một
dấu trầm giản dị ở một vùng quê nghèo. Rất nhiều món ăn lạ, đắt tiền tôi cũng
đã nếm qua nhưng những buổi chiều bên mẹ với cái bánh cuốn của bà cụ Thiệt thì
không bao giờ tôi gặp lại được.
Có lẽ tôi đã già, lẩn thẩn rồi chăng khi chợt
nghĩ về dự vị của một món ăn thời thơ trẻ!?
N.V.C
Kính gửi anh Cư, anh Duyên.
Trả lờiXóaTản văn Ngày xưa...Bánh cuốn gơi trong tôi nhiều cảm xúc quá, bánh cuốn, bánh dầy, bánh đúc, kẹo gừng, kẹo ú...sao mà ngon, ngọt thế; cái ngon, ngọt của tình mẹ bao la không thể nào tả hết. nhân đây tôi vội vàng viết mấy câu thơ gửi anh Cư, anh Duyên để tỏ lòng cảm xúc của tôi nhân đọc tản văn NGÀY XƯA...BÁNH CUỐN.
Có một thời bánh đúc, kẹo gừng...
Mẹ đi chợ về
Chúng con sà vào lòng Mẹ
Mẹ chia kẹo đều cho đàn con trẻ
Đứa bé nhất nhà
Răng con ít rứa Mẹ ơi!
Mẹ xoa đầu con
Thơm má bé tươi cười
Con được phần nhiều
Bởi con là
Con cưng của Mẹ
Nhớ ngày xưa...bây giờ còn đâu nhỉ(!?)
Chuyện chia phần...
Mẹ nựng má con thơ!...
Xin gửi quý anh để nhớ một thời, ngày xưa...
Trường Thắng
Tự: Mạc Minh