Huy Nguyên
Các vị nhà thơ, nhà văn, triết gia thường
ví von rằng con người sống kiếp ở trọ trần gian. Đúng thôi, vì đời
người là hữu hạn, phù du – sinh ký, tử quy! Nghĩ thêm một chút, tôi thấy nhiều
người trong chúng ta, chắc tội nợ nặng lắm, nên phải sống kiếp ở đợ suốt
đời!
Này nhé, nam nữ có duyên thì gặp, có nợ
mới nên vợ chồng (Một duyên, hai nợ, ba tình!). Rồi sinh con đẻ cái. Sinh được
đứa con trai, mừng húm! Sinh thêm đứa con gái, có nếp có tẻ, mừng vô cùng. Rồi
từ đó, vợ chồng lo làm ăn, chắt bóp dành dụm nuôi con từ lúc mới sinh đỏ hỏn,
từng bước lớn lên ăn học nên người. Lo cái ăn cái mặc, săn sóc lo lắng từng
chút một cho con, làm lụng vất vả còn hơn vú nuôi, người ở. Con cái trưởng
thành, lo nhà cửa, công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng cho chúng, hết đứa này
lại đứa khác, cuộc sống đầu tắt mặt tối cứ tiếp diễn như thế. Thậm chí khi đã
lớn rồi, ở nhà hay đi học, đi làm về chúng còn sai khiến cha mẹ, hầu hạ chúng
khác gì thân ở đợ.
Rồi khi chúng có con, từ khi
con gái nằm nơi, hoặc con dâu chửa đẻ, bà mẹ đã phải trực chiến từ nơi sinh
(bệnh viện) đến khi về nhà, hai ba tháng là thường. Mẹ là người nuôi đẻ, nuôi
con cả cháu từ cơm nước đến giặt giũ, có khác gì người ở đâu. Con cái lúc này
cứ chăm chắm vào con, chứ có nghĩ gĩ đến nỗi khổ nhọc của cha mẹ mình. Bao đứa
con, bao đứa cháu, nỗi khó nhọc cứ tuần tự sẽ đến, chồng chất lên nhau như vậy.
Có khi chăm con gái chưa cứng cáp, đã phải xách đồ đi nuôi con dâu đẻ. Xa xôi,
tận đẩu tận đâu cũng phải đến. Ai nhiều con thì cái phúc phải lo đó càng nhiều,
càng lớn!
Nhiều khi con chúng đã một tuổi, ba bốn
tuổi…, mặc dù sống khá giả, nhà có việc cần (mà chuyện đó thường xuyên), chúng
triệu gọi đến giúp, mặc nhiên lúc đó cha mẹ đóng vai người giúp việc mươi ngày,
nửa tháng hay lâu hơn nữa. Bận việc nhà không đến, thì chúng giận hờn bảo sao
không thương con thương cháu? Người ta ấy à, lo cho con cháu gấp vạn lần!
Các bậc cha mẹ ở vào lớp tuổi cuối đời sáu bảy mươi, thậm chí trên tám mươi,
nếu còn chút sức khỏe, chắc khó mà thoát được cảnh này. Chủ yếu là các bà mẹ.
Tính ra, suốt đời làm thân ở đợ!
Cũng có chút kỳ vọng, đến khi mình già
yếu, đau bệnh, con cháu sẽ đỡ đần. Rán chờ mà coi lúc đó chúng sẽ săn sóc cha
mẹ thế nào, hay đó chỉ là việc làm bất đắc dĩ, chăm ít mắng nhiều, những lời
nói phũ phàng, những cử chỉ vô lễ, những hành động vô đạo. Trong thực tế không
thiếu những người con bất hiếu, vô lương lừa phỉnh cha mẹ chia hết gia tài, hứa
hẹn nuôi dưỡng, rồi đẩy cha mẹ ra vệ đê, lề đường mà sống, không hề ngó ngàng
đến. Văn học, báo chí nói nhiều rồi, toàn những chuyện nhỡn tiền trước mặt,
buồn lắm nhưng biết sao bây giờ!
Cũng hy vọng rằng mình không rơi vào trường
hợp đó, chắc con mình sẽ có hiếu, biết nghĩ đến cha mẹ, vì mình cả đời hy sinh
cho chúng nó, đã cho chúng ăn học nhiều mà! Cũng có thể được thế, mong Trời
Phật rủ lòng thương!
Có thể mấy ông bà cha mẹ cỡ đại gia,
có sẵn kẻ hầu người hạ, các bậc trí giả đáng kính sẽ bảo rằng sao làm cha mẹ
lại kể công với con cháu, rằng được lo lắng chăm sóc cho con cháu là niềm vui
lớn trên đời. Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng cũng thấy lẽ đời là thế, bổn phận thì đã
làm, con cháu thì rất thương, nhưng cũng phải nói vài điều thô thiển mà các bậc
cao đạo không nên nói. Cũng xin nói rõ, cái phận “ở đợ” này là của riêng chúng
tôi, những người làm cha mẹ (cũng không phải là tất cả) ở tầng lớp nghèo khổ,
hoặc nhiều lắm cũng chỉ cỡ trung lưu. Đối với những người đi làm công giúp việc
nhà, chúng tôi rất trân trọng, và coi đó là một nghề chân chính. Tất nhiên, đối
với các ông bà “đầy tớ của nhân dân” thì càng không phải. Những người này quyền
cao chức trọng, bỗng lộc đủ đầy, ai mà chẳng muốn làm “đầy tớ” suốt đời!
Chỉ có chúng tôi, mong sao tuổi già được
sống yên, và con cái thương tình giải thoát cho thân phận “ở đợ”, để trở về vị
trí cha mẹ già, mà có thể chúng khỏi phải để ý lo gì về việc nuôi nấng, tài trợ
vật chất!
2.11.12
H.N
Công nhận những điều Tác giả viết thật chí lí, mặc dù cũng thật xót xa, mai mỉa.
Trả lờiXóaCó lẽ mỗi người trong chúng ta sẽ tìm thấy những câu chuyện của chính mình trong đó.
Cảm ơn Tác giả về những điều chia sẻ sâu sắc ấy.
Xin cảm ơn Tạ Hoa đã có sự đồng cảm sâu sắc với người viết. Mong được như bạn nói: "Có lẽ mỗi người trong chúng ta sẽ tìm thấy những câu chuyện của chính mình trong đó!"
XóaCảm ơn TG về những chia sẻ sâu sắc đối với các bậc cha mẹ, qua đó nhắc nhở những người con phải sống sao cho trọn nghĩa vẹn tình đối với cha mẹ lúc cuối đời
Trả lờiXóaTừ chuyện "ở đợ" đối với con cháu mà móc mỉa các vị"đầy tớ nhân dân" chứng tỏ TG còn là một cây bút phê phán tệ nạn XH sâu cay
Cảm ơn bạn về ý 1. Thực ra tôi viết bài này chủ yếu để biểu dương công ơn của các bà đối với con cháu và nhắc nhở thế hệ trẻ phải luôn nghĩ đến công ơn của (cha) mẹ.
XóaVề ý 2: Tôi ko dám đâu!