Mưa trắng trời. Vườn cây, ruộng đồng, nhà cửa chìm trong làn nước. mới đầu hạ, không gian đã ướt lướt thướt. Đất nhão mềm, người buồn se sắt.
Mẹ tôi chụp cái nón cũ, móp méo lên đầu, trùm tấm ny-lông lên vai, cột ghịt hai đầu. Bà với lấy cái giỏ cá rồi bươn bả ra đồng. Mưa tuôn hối hả, phủ đầy vai mẹ, trơn tuột, chảy thành dòng. Mẹ vẫn lầm lũi bước. Mưa vội vàng xóa dần dáng mẹ, mất hút.
Giờ nầy, có lẽ ba tôi đang trú mưa ở một chòi hoang nào đó. Những túp lều be bé giữa ruộng của người giữ vịt bỏ lại. Ba ngồi co ro một góc, rút bao thuốc giồng trong túi ra, vấn một điếu bằng ngón tay và bật lửa. Những lúc buồn hay lo lắng, bao giờ ông cũng thế. Lặng im nhả khói. Ông lơ đễnh
nhìn theo những cái vòng mỏng mảnh vừa thổi ra. Hoặc là ba vẫn còn đứng bất động bên một cây to, tàn lớn, cạnh dòng sông đục lờ phập phồng bong bóng nước. Ba chờ đợi dây câu run sẽ, cái phao chìm xuống. Chiếc cần trúc chợt nặng, kéo ghì bàn tay lạnh cóng, Ba biết mọi người trong gia đình chờ đợi nơi ba , no đói nhờ ông, nên ba phải gắng.
Mỗi lần ba về, chúng tôi xúm quanh giỏ cá. Mẹ trút ngược miệng giỏ, cá giãy đành đạch trong thau. Mẹ phân làm hai loại: Cá lớn đem bán, cá nhỏ để ăn. Chúng tôi nhìn những cái đầu cá lóc to cộ, cái đuôi bóng lưỡng mà tưởng tượng món canh chua rau nhúc và cá kho tộ mặn mòi, cay cay thơm phức. Nước miếng tràn ra hai bên khóe nhưng chẳng bao giờ chúng tôi dám hé môi. Mấy chú cá béo bở ấy bán được rất nhiều tiền và tiền lại đem đến nào là gạo, nào là sách vở và biết bao thứ linh tinh khác.
Mẹ tôi cũng vất vả lắm. Ngoài việc bếp núc, heo gà, mẹ còn bán hàng rong. Buổi trưa, mẹ bưng một rỗ khoai lang, chuối nấu vừa đi vừa rao dọc theo các ngõ. Tiếng rao hàng rơi lạc lõng trong im ắng làng quê, như một cung đàn lỗi nhịp, nó đánh thức những đứa bé đang lơ mơ ngủ, nhưng ít gợi được sự thèm thuồng của chúng vì quá quen với mặt hàng của mẹ. Tiền lời của mẹ không nhiều nhưng được chắt mót, cất giữ kĩ lưỡng, nhiều dần. Mẹ dành cho đứa con đầu lòng, chị Quỳnh, chị hai của tôi.
Chị Quỳnh là một cô gái vừa đẹp lại vừa thông minh. Giữa chốn hẻo lánh, nhà cửa lưa thưa, đồng không mông quạnh nầy, chị như một loài hoa hiếm quí, kiêu sa. Từ lúc mới lọt lòng, mọi người đã phải ngạc nhiên khi ngắm chị. Một hài nhi trắng trẻo, môi son, mắt biêng biếc và tóc đen dày mướt rượt. Mẹ thường bảo nếu hôm ấy có người cùng sanh một lúc thì bà tưởng mình đã bồng nhầm con người khác. Càng lớn, chị Quỳnh càng xinh và học giỏi. Năm nào chị cũng đứng nhất. Ba mẹ hãnh diện vô cùng. Duy chỉ có bà nội cảm thấy không an tâm. Bà thường rên rỉ: “Con xấu, con xí là con mình. Con đẹp con giỏi là con tiên con phật”. Bà sợ một ngày nào đó bề trên sẽ bắt mất cháu yêu của bà. Mỗi lần chị Quỳnh ôm phần thưởng về, bà ôm lấy chị, hôn lên tóc rồi bảo: “Con gái học ít thôi, lo kiếm ruộng rẫy mà làm để có cái ăn. Người ta lấy thúng đong gạo, chớ ai lấy thúng đong chữ đâu”. Ba gạt phắt: “Mẹ thì chỉ biết có vậy! Đó, mẹ bám ruộng, bám vườn một đời, có bao giờ đủ gạo để đong bằng thúng không?” Quay sang chúng tôi ba nói: “Các con phải ráng học để sau này đỡ vất vả tấm thân”. Bà quay đi, len lén lau nước mắt.
Vốn thông minh, chị Quỳnh học đâu nhớ đó. Học hết trường làng chuyển sang trường tỉnh. Hết trường tỉnh lại lên tận thành phố. Mới đầu, cuối tuần, chị về một lần. Hôm sau chị đi, khóc sưng cả mắt. Dần dà, chị quen nước, quen cái rồi bận học, ít khi về thăm quê. Hôm đỗ vào đại học, chị mới về thăm nhà, có dắt theo một người bạn trai sang trọng. Khi ngang qua cầu khỉ để rẽ vào nhà, chẳng biết lớ ngớ thế nào, anh ta rơi tòm xuống xẽo. Nhờ biết bơi, anh lội lên không mấy khó. Nhưng chiếc áo trắng tinh lấm đầy bùn đất. Mẹ vội xách nước cho anh tắm, chị Quỳnh lăng xăng mang áo ra ao giặt. Nước đục, áo sạch nhưng sắc trắng ban đầu đã mất. Chị Quỳnh cứ xuýt xoa như có lỗi. Anh ấy không than phiền nhưng ngồi yên đảo mắt nhìn quanh rồi hút thuốc điếu thuốc xinh xắn, đều đặn trong cái hộp đẹp đẽ. Anh cũng nhả ra những cái vòng mỏng manh bằng khói, lơ đễnh nhìn chúng bay lên, tan mất, anh buồn?
Ba về, thoáng nhìn đốm lửa lập lòe, ba ngỡ ngàng mấy phút. Chị Quỳnh chạy ra, ba mừng, quên hết mọi việc. Ông đưa giỏ cá cho tôi, bảo chọn những con lớn nhất để mẹ nấu canh chua, kho tộ. Hai đứa em của tôi mừng rỡ, tíu tít cười nói. Chúng chạy ùa ra sau, giành cắt bạc hà và rau thơm như chim giành mồi trong vườn rau nhỏ.
Bữa cơm thịnh soạn hiếm thấy được dọn lên trên chiếc bàn đặt giữa nhà, có phủ khăn như ngày tết. Mùi thức ăn thơm lừng. Nước bọt tràn ra hai bên khóe miệng nhưng chẳng đứa nào dám hối vì có khách. Đến lúc lên mâm, chúng tôi lại e dè vì những cái liếc mắt sắc như dao cau của chị Quỳnh ném cho từng đứa mỗi khi kề đũa. Thằng Út lấm lét và miếng cơm không, con Quyên húp vội miếng nước mắm. Còn tôi, tôi chẳng sợ ai hết nhưng cảm thấy khó nuốt vì câu nói của người ta: “Loại cá này mẹ tôi thường chiên xù, ăn ngon lắm hoặc hấp rồi gói bánh tráng, rau sống chấm mắm nêm, nếu có cả bia thì nhất đời”. Không ai bàn bạc gì thêm, cả nhà ăn qua quít cho xong. Bữa ăn tẻ nhạt vô cùng!
Thấy hai người quấn quít nhau, bà tôi sợ, không nén được, bà bảo: “Cháu ơi! Là gái phải biết giữ gìn, kẻo khổ. Lên trên đó đừng tự do quá trớn, người ta coi rẻ.” Chị Quỳnh sừng sộ: “Bà cổ lỗ quá! Không ai khiến bà phải lo!” Chị quay đi, bà len lén lau nước mắt.
Sau lần đó, chị Quỳnh càng ít về thăm quê. Ngày tốt nghiệp đại học, chị có trở lại báo tin đã nhận công tác tại thành phố. Vừa nghe, bà òa khóc, giọng nấc nghẹn: “Cháu ơi, sao cháu dại thế! Không ai yêu thương mình bằng ông bà, cha mẹ, láng giềng. Không nơi nào rộng mở, nhân từ bằng mảnh đất ông cha. Sao cháu lại bỏ xứ mà đi!” Ba không nói gì, bỏ ra sân hút thuốc, nhả khói. Mẹ đi nhanh xuống bếp, ngồi bệt ở góc nhà. Ánh lửa bập bùng, soi rõ dáng mẹ co ro, chịu đựng. Chị Quỳnh đứng lặng, mắt long lanh ngấn nước. Tôi mừng thầm, có lẽ chị đã nghĩ lại. Nhưng sáng hôm sau, khi tôi thức giấc chị đã đi rồi.
Từ đó, tôi thành con gái lớn trong nhà. Nhưng trái ngược với chị Quỳnh, tôi xấu xí và ngờ nghệch. So với chị, tôi khác nào một đóa hoa súng dật dờ trên mặt ao ngầu đục. Chẳng hương còn kém sắc. Khuôn mặt tôi là một tác phẩm vụng về của tạo hóa. Có lẽ trong một lúc làm việc thiếu cẩn trọng, thượng đế đã tạo ra tôi. Một hình thể chẳng hài hòa mà tâm hồn cũng thô thiển. Theo cách nói của bà thì tôi là đứa con xấu xí, ngờ nghệch nên mới là con của mẹ cha. Tôi bám lấy mảnh đất bạc màu như như bị buộc chặt, không thoát được. Tôi lớn lên một cách chật vật, khẳng khiu nhưng cứng cỏi, quả quyết. Tôi tự biết mùi bưng phèn bám đầy người, không cạo rửa được, nó đã thấm đẫm vào máu và trở thành mạch sống. Những ánh đèn màu nơi đô thành hoa lệ không quyến rũ tôi bằng những đốm sáng chập chờn của đàn đom đóm. Tiếng ngắt ngang ngoài lùm cây, bờ bụi vọng vào, não nuột lòng một cách quen thuộc, thân thương. Tôi cảm thấy an tâm hơn bao giờ hết nếu được ngủ trong mái ấm gia đình, giữa những người ruột thịt. Và chẳng biết tôi có ngu ngốc không khi bảo rằng những ơ cá lòng tong kho khô, canh bình bát và cháo cua đồng là những món tôi thích nhất.
Từ ngày chị Quỳnh lấy chồng rồi ở luôn trên thành phố, nhà tôi bỗng dưng lặng ngắt. Bà nội đau yếu luôn, lưng còng, tay chân run rẩy như bị rét. Bà ít đi lại mà ngồi trên chiếc chõng tre gần bếp hoặc nằm vắt tay lên trán, nước mắt sống giàn giụa. Ban đầu, tôi tưởng bà giận ai, bà khóc. Sau này mới biết, thỉnh thoảng bà vẫn bị như thế. Hình như không cần đau buồn, nước mắt từ lâu đời tích tụ trong bà cứ tuôn ra ngập mắt.
Tóc ba đã bạc nhiều, dáng gầy, héo hắt. Mưa nắng dạn dày đã làm màu da đen đúa càng sắt lại như củi khô chờ nhóm bếp. Mẹ thì già gần bằng bà. Khuôn mặt đầy nếp nhăn, đôi mắt thẩn thờ, u ẩn. Mẹ thường tỉ mẫn trước cái rương cũ chị Quỳnh để lại. Trong đó, những khúc vải đắt tiền, một xấp giấy bạc mới toanh, không nhỏ của chị Quỳnh gởi về giúp gia đình. Mẹ không dùng đến, bà cất kỹ, lâu lâu lấy ra nhìn, khóc rồi lại cất vào rương. Mỗi lần như vậy, ba quát: “Ai chết mà bà khóc?” Còn tôi, những đêm đó sẽ khó ngủ hoặc giả có thiếp đi cũng chới với vì những cơn ác mộng. Tôi mơ thấy chiếc rương biến thành cái hòm đỏ loét có xác chị Quỳnh và mẹ lăn lộn, vật vã một bên.
Tôi lớn dần cùng năm tháng và những dằn vật khó tránh vì những lẽ rất lạ. Tôi học không giỏi bằng chị Quỳnh nhưng cũng không đến nỗi tồi. Mỗi năm tôi lên một lớp và tốt nghiệp Đại học Sư phạm với thứ hạng bình thường. Có lẽ nhờ tôi xấu xí nên chẳng có ai để ý. Vì vậy không có chuyện dắt về nhà một gã con trai để họ ném vào lòng ba mẹ và bà những nỗi đau kỳ quặc.
Mưa ngớt hạt, trời lóe sáng yếu ớt. Mẹ về. Trên tay mẹ giỏ cua đồng lưng quá nửa. mẹ tươi cười bảo tôi: “Tối nay, mẹ đãi con một bữa cháo cua”. Tôi đã đoán không sai. Mẹ dầm mưa đi bắt cua. Mẹ bao giờ cũng thế. Yêu con và vì con. Mẹ hiểu mỗi đứa thích gì, cần gì hơn ai hết. Tôi giúp mẹ rửa sạch cua, tách vỏ rồi giã nát. Mẹ ngồi bên bếp lửa, tay cời than, mắt nhìn tôi rồi buồn bã liếc ra khoảng sân ngập ngụa bùn sau nhà. Mẹ chợt hỏi: “Con về rồi chừng nào đi?” Chợt hiểu, tôi vội nói: “Con tốt nghiệp rồi, còn đi đâu nữa. Con đã xin quyết định về đây”. Bà tôi là cà lập cập ngồi dậy, vẫy tôi đến gần: “Ờ, phải à cháu!” Nước mắt sống lại tuôn ướt đầm má nội. Bà bỗng nghẹn ngào nói: “Nhưng ở đây đồng chua nước mặn phí một đời cháu ạ.” Tôi hỏi: “Thế sao bà sống ở đây được?” Bà khóc: “Ơ….vì bà dốt, chỉ biết ruộng vườn, còn cháu…” Tôi cướp lời bà : “Bà ơi, người có học càng phải biết yêu quí, trân trọng quê hương, nơi đã nuôi mình lớn lên, cho mình đôi cánh để bay cao”.
Ba đã về tự lúc nào, ông đùa: “Đủ lông, đủ cánh rồi, con không bay xa à?” Tôi nhìn sâu vào mắt ba, cởi mở nỗi lòng: “Con đã bay xa rồi và đang vòng lại. Không phải ai có cánh rồi cũng tìm chân trời mới đâu ba. Con thích đậu lại nơi nào cần cặp cánh của con. Làm một người tầm thường mà hữu ích cho mọi người dù chỉ đối với gia đình ta, con cũng mãn nguyện.”
Nồi cháo cua đã chín, bốc khói thơm lừng. Cả nhà quây quần bên nhau. Tôi vừa húp cháo, thưởng thức hương vị quê nhà vừa lắng nghe hai đứa em chuyện trò vui vẻ vừa ngắm nhìn những khuôn mặt thân yêu. Gian bếp ấm nồng lửa hạnh phúc. Mẹ bỗng thở dài: “Phải chi có con Quỳnh nữa thì vui biết mấy?” Ba trừng mắt: “Bà không quên được nó hay sao?” Ba bỏ ra sân hút thuốc, nhả khói. Bà ôm vai tôi thì thầm: “Tội nghiệp cháu tôi.”
Hạnh phúc như gần, như xa. Tôi khóc.
N.T.M
Mây cám ơn anh Hữu Duyên đã chọn đăng. Chúc anh luôn vui. Mến!
Trả lờiXóaMây ơi! Sao đọc bài của Mây viết mình buồn quá đỗi! Với lối sống thực dụng của tuổi trẻ hiện nay, mình nghĩ chắc có rất... rất hiếm ai suy nghĩ về nơi chốn mình sinh ra lớn lên như nhân vật trong truyện của Mây. Cảm ơn Mây,truyện giàu cảm xúc chân thực, mình rất thích.
Trả lờiXóaBạn Đào Thanh Hòa thân mến!
Trả lờiXóaMây cảm ơn bạn đã đọc và nhận xét rất chân tình. Mây cũng nghĩ như bạn vậy đó, hiện nay lối sống thực dụng ở đa phần bạn trẻ đã khiến cuộc sông trở nên "khô dần đi với những toan tính" nhưng Mây nghĩ số người yêu quê hương cũng không phải là ít. Mình hy vọng như thế. Chúc bạn vui và hạnh phúc nhe.
Tôi đọc "Ruộng đồng thầm lặng" mà nhớ lại cái thời thi đổ vào trung học đệ nhất cấp, trung học đệ nhị cấp quá! học sinh thi đổ vào trường huyện trường tỉnh trong một xã chỉ có vài người, ấy thế cái giá trị nhân văn của sự học nó hun đúc con người đi về với cái đạo, cái tâm để thở thành những đứa con ngoan của gia đình, của xã hội.
Trả lờiXóaCảm ơn cô Mây đã gợi lại một phần cuộc sống của lớp người chúng tôi, "sự kiện nào đi qua cuộc đời cũng biến thành màu xanh" có phải không cô Mây. Cảm ơn truyện ngắn, cảm ơn cô Mây, cảm ơn anh Duyên đã post "Ruộng đồng thầm lặng" để đại gia đình HƯƠNG QUÊ NHÀ thưởng thức./.
Trường Thắng
Mây cám ơn anh Trường Thắng rất nhiều. Lời bình của anh đẫ động viên Mây nhiều lắm. Trân Trọng!
Trả lờiXóaLâu lắm mới ghé trang nhà, tình cờ được đọc mấy câu chuyện rất cảm động của Mây, của Huyền Trang . Chúc bạn bút lực ngày thêm dồi dào để cống hiến nhiều nhiều cho thân hữu trang nhà những câu chuyện đầy nhân văn như thế.
Trả lờiXóaCám ơn Tạ Hoa nhé. Chúc Tạ Hoa luôn vui, khỏe và hạnh phúc. Trân trọng!
Xóa