Những cơn mưa dầm
dề dai dẳng, cứ kéo dài triền miên từ ngày này qua ngày khác, suốt cả tuần lễ
liền như vậy. Nước từ trên nguồn thi nhau cuồn cuộn đổ về các con sông. Cây
rừng khô rơi rụng cũng thi nhau trôi ào ạt về xuôi. Lớn có, nhỏ có, củi quả là
của quí cho dân vùng ven sông do ông trời ban cho họ. Nó trôi lềnh phềnh, rải
rác trên khắp mặt nước, ai cũng có thể dễ dàng vớt được.
Ông
Sự đã chuẩn bị xong cái sõng, một ít dây buộc để chiều nay ông đi vớt củi. Chắc
chắn ông sẽ kiếm được một mớ khá, tiện dành cho bà vợ ông nấu nướng trong suốt
thời gian dài.
Bà
Tú, vợ ông Sự là người đàn bà lầm lỡ. Bà từng có hai mặt con mà không có chồng
trước khi gặp ông. Bà cũng từng là gái giang hồ trong suốt quãng ngày xuân sắc.
Một lần xuống Qui Nhơn có chút công chuyện, ông đã gặp bà trong quán ăn bình
dân. Không hiểu sao, ông già về hưu chưa từng một lần kết hôn này chỉ trong một
lần duy nhất quen biết bà ông đã có thể chết ngay vì bà được! Đôi ba lần gặp
gỡ. Rồi bà cũng bằng lòng theo ông về quê. Muộn màng thế mà bà cũng có với ông
một thằng cu con kháu khỉnh đáng yêu. Ông Sự quí thằng bé còn hơn cục vàng.Nó
nói, nó cười, nó làm đủ trò dễ thương khiến người đàn ông có con mọn phải mê
mẩn. Đi đâu ông cũng dẫn thằng bé đi cùng. Nó đòi gì ông cũng sẵn sàng chìu nó
hết! Những thứ ông làm cho thằng nhỏ vui thích cũng là tạo ra niềm vui sướng vô
hạn cho chính ông.
Con
Trang, đứa con riêng của bà Tú, nó thương thằng nhỏ em cùng mẹ khác cha khỏi
nói. Có món gì ngon nó đều dành cho em, vài ba đồ chơi màu sắc xanh đỏ nó cũng
chỉ riêng cho em Trí của nó. Ông bà thấy thế càng lấy làm sung sướng. Hạnh phúc
bình dị ấy đã bao trùm lấy căn nhà nhỏ mà ông Sự mới xây xong. Những buổi tối,
cả nhà ngồi quây quần trên chiếc chiếu trải sẵn. Mâm cơm với mấy con cá rô phi
chiên béo ngậy, món canh rau bồ ngót nấu với tôm bốc khói nóng hổi, húp một
miếng ngọt thơm tận cổ, thêm chén nước mắm giã ớt tỏi không thể thiếu trong các
bữa ăn. Chỉ có vậy cũng làm cả nhà ai cũng thấy ngon miệng. Dưới ánh sáng của
ngọn đèn tuýp sáu tấc, ông Sự ngồi xếp bằng, rung đùi hớp ngụm rượu thuốc mà bà
Tú mới mua cho ông lúc đi chợ sáng, ông tu đánh "trót" một cái khoái
trá. Càng nhìn ngắm thằng con trai cưng, ông càng hả dạ. Cuộc đời ông lúc về
già như vậy là quá đủ, ông không đòi hỏi gì hơn.
Ông
Sự băn khoăn nhìn trời mưa mấy hôm nay, tự hỏi nước ở đâu mà ông trời trút
xuống ghê quá! Nước lênh láng mọi chốn mọi nơi. Nhánh sông trước nhà ông, mùa
hè thường khi có thể lội đi được mà nay mực nước tuy có rút đi ít nhiều vẫn còn
cao ngang bờ, thiếu điều muốn liếm tới nền nhà. Giờ muốn đi qua bên kia sông
phải dùng sõng. Cái sõng bằng tre này do ông Sự tự đan lấy. Những lớp cứt trâu
được ông Sự trét cẩn thận lên mặt tre trước khi cho một lớp dầu rái lên chà
láng. Năm ngoái, ông Sự đã dùng nó trong lần đi vớt củi đầu tiên. Cái sõng con
đã hồ hởi theo ông Sự phăng phăng trên mặt nước. Sau mùa lũ đó, ông Sự kiếm
được khá bộn củi. Bà Tú đã dùng nó thoải mái suốt cả mùa đông. Cho đến lúc
những ngọn cỏ non tơ bắt đầu hé mở phủ một màu xanh ấm áp lên mặt đất, thì việc
kiếm củi bằng sõng không cần thiết nữa, cái sõng được gác lên trần nhà nghỉ
ngơi thật gọn ghẽ.
Mưa
ngừng đã lâu, những đám mây trắng mỏng chậm chạp trôi về cuối sông. Trời trong
pha chút màu xanh nhạt... Ông Sự đã chuẩn bị đâu vào đấy. Vừa đẩy sõng xuống
nước, ông vừa nhảy lên sõng gọn hơ! Tiếng con Trang làm ông giật mình quay lại:
- Ba! Cho con đi phụ với ba!
Ông chưa kịp trả lời, thằng cu Trí từ trong nhà
chạy ra, nó níu chặt áo con Trang ghì lại.
- Con cũng đi nữa!
Gương
mặt bầu bĩnh phúng phính của thằng bé trong tiết trời hơi se lạnh đỏ hồng lên,
một vết bùn khô quệt lên mặt thằng nhỏ, cu cậu lại nghịch đất đây! Cái miệng
chút xíu chu nhọn hoắt thấy ghét quá! Một giây ngần ngừ thoáng qua, nhưng nhìn
thấy cặp mắt đen láy của thằng bé như chực khóc, ông Sự xiêu lòng gật đầu,
thằng nhóc chỉ chờ có vậy, nó nhoẻn miệng cười toe toét . Con Trang xắn quần
bồng thằng Trí lội xuống mé nước giao thằng bé cho ông Sự. Ông đặt nó ngồi trên
đầu sõng, nơi có thanh ngang bằng gỗ ông đã đóng rất chắc. Con Trang nhanh nhẹn
kéo cái sõng về phía mình và cũng như ông Sự, nó phóc một cái, chiếc sõng
có hơi chao đảo rồi đứng yên trở lại. Ông Sự khua nhẹ cây dầm, chiếc sõng lướt
êm ru trên dòng nước đang chảy ngược. Hai bên bờ sông cây cỏ xì xụp trong nước.
Dưới nắng chiều, mặt trời lười biếng phả một màu vàng yếu ớt lên hàng cây mọc
lộn xộn xanh rậm rì trong cơn gió phảng phất. Con Trang ngồi ôm vai thằng em,
lệ thường hai đứa hay nói chuyện huyên thuyên, hôm nay giữa sông nước im ắng,
cả hai ngồi lặng thinh, nhìn ngó quanh quất. Con Trang mường tượng đến những
bụi sim dại no trái, ăn vào thè ra lưỡi tím rịm, nhát ma là thằng Trí chạy quắn
đít. Nó chẳng biết mùa này còn chim chim, dú dẻ nữa không? Chim chim chín có
màu đỏ thẩm, mọc thành tua dài nhai ngòn ngọt. Dú dẻ ngược lại trái vàng khè
giống như màu bột nghệ mà má nó thường kho cá bống ăn cơm, dú dẻ to tròn thấy
ngon con mắt lắm! Mấy loại cây dại ăn được này thường hay mọc ở những mô đá
trên triền dốc. Muốn tới đó phải leo lên cao và vượt qua mấy bụi cây chành
rành, rồi um sùm cây chà là, còn mấy bụi mây gai không cẩn thận nó đâm vô ống
quyển là nhức cả đêm ngủ hết được! Chút nữa, mót được nhiều củi rồi nó định sẽ
xin ông Sự cho hai chị em đi hái trái dại về ăn, thắng Trí nó thích dữ lắm!
Nhưng sợ về trời tối ông Sự không cho… Còn đang suy nghĩ miên man, con Trang đã
nhìn thấy thỉnh thoảng đây đó xuất hiện những cành cây thân nhám rô trôi lập lờ
xuôi theo hai bên sườn sõng. Con Trang nghĩ thầm trong bụng: Chắc đợi đến lúc
xuôi về ba sẽ vớt mấy cây củi này, lên đầu nguồn kia thiếu gì cây lớn. Thậm chí
có cây gặp mưa to bị tróc gốc, ngã đỗ đã theo nước nguồn đâm đầu chạy cuống
cuồng xuống dòng lũ xiết. Chỉ cần gặp được một cây rừng to như thế nằm vướng
đâu đấy trên đường ven sông là có thể tìm cách cho nó lên sõng và yên tâm quay
về, vài bữa nữa mới lại phải đi tiếp. Hơn nữa bây giờ đang đi ngược nước, lấy
củi lặt vặt chi cho nặng .
Không gian im ắng, chỉ có tiếng mái chèo của ông
Sự khua khoắng nhẹ nhàng trong làn nước đục. Cứ thế chiếc sõng và ba con người
cứ thản nhiên lướt đi trong sự yên bình phẳng lặng...Từ xa, có cái gì đang dập
dềnh, dập dềnh trôi đối đầu về phía ông Sự. Con Trang reo lên mừng rỡ:
- Ba ơi! có cái cây to, to lắm ba!.
Ông Sự bất giác dừng chèo, nheo mắt trông cho rõ
nguyên cả một cái cây còn cả nhánh lá, nó dài thẳng đuột trông thiệt đã. Vòng
thân cây to bằng cái gối ôm của thằng Trí, và đang tiến càng lúc càng gần hơn
về phía cha con ông. Ông Sự nhanh chóng đặt hẳn cái dầm xuống đáy sõng. Ông lòm
khòm định chuẩn bị tư thế lấy dây tìm cách kéo cái cây về phía mình. Ông Sự tặc
lưỡi! Thôi để lên trên kia, tấp vào mé bờ nào đó rồi đi mót ít củi nhỏ cũng
được. Hôm nay có thằng Trí đi theo khó vớt cây ngang vầy lắm. Cho hai chị em nó
đi chơi là chính.
Dòng
nước vẫn xuôi chảy, mặc cho cái cây to bự kia đang chậm chạp trôi qua trong
tiếc nuối của ông Sự và con Trang...Đột nhiên, một luồng nước- mà tận nãy giờ
do mãi miết nhìn theo cây ông Sự không để ý- đúng hơn là một vòng xoáy thình
lình xuất hiện giữa mũi sõng và cái cây vô hồn kia. Một cái xoay tròn như vặn
cuốn tới đáy. Ông Sự phát hiện ra mối nguy hiểm cận kề. Ông quạt mạnh mái chèo
cố vượt lên tránh cái quay cuồng hung dữ, nhưng đã muộn. Cái cây bất ngờ quay
ngang lao thẳng đâm vào hông sõng.Chiếc sõng vọt dựng lên rồi nhanh chóng lật
úp. Ba cha con lập tức bị hất tung xuống nước. Trong một giây chới với giữa
dòng, ông Sự trồi lên ngay mặt nước. Lóp ngóp, ông hớt hãi nhìn quanh và gào
lên:
- Trang ơi! Trí ơi!
Những
cánh tay nhỏ bé yếu ớt vùng vẩy tuyệt vọng đưa lên trên mặt nước rồi mất hút.
Lập tức ông lao về phía đó. Chỉ có nước và nước. Rồi ông hụp xuống, quờ quạng
điên cuồng dưới làn nước đục. Ông lại ngóc lên tay chân vơ vẫy ,ông lại gục đầu
lặn xuống. Ông vừa gào khóc vừa cố sức lặn hụp. Tiếng kêu khóc, gào thét đau
đớn xé trời của ông Sự vang dội cả khúc sông. Từ trên nguồn xuống từ dưới mé
sông lên, tiếng chân chạy, tiếng người kêu nhau...Ai đó lấy được cái áo phao cũ
kỹ ném đại ra giữa sông. Những người đàn ông nổi tiếng bơi giỏi, họ đều hùa
nhau nhảy ùm xuống nước. Họ hụp, họ lặn, họ tìm, họ bơi xuống tận xa. Có người
còn lấy cả lưới cá rà khắp đáy sông... nhưng hy vọng về sự sống của chị em
Trang và Trí càng lúc càng trở nên mờ mịt.
Bà Tú
đang làm món tôm kho với thịt ba chỉ. Món này ông Sự và thằng Trí mà ăn là kể
như vét hết nồi. Tiếng ồn ào làm bà tò mò bước ra ngoài sân. Người ta chạy
ngang qua nhà. Họ vừa chạy vừa nhìn vô nhà ông Sự. Bà cũng bất giác cắm đầu
chạy theo. Tới chỗ đông người, bà cố chen tới trước. Nhìn thấy ông Sự mình mẩy
lấm lem ướt nhèm nhẹp, gương mặt thất thần. Hai đứa con và cái sõng không thấy
đâu, đất trời như đỗ ụp trên đầu, bà quị xuống...
Chiều
trôi qua nặng nề, hoàng hôn u ám đè nghiến lên cái xóm ven sông thường ngày vốn
yên lành hiền hòa. Trời sụp tối thật nhanh. Hai bên bờ sông, đây đó người ta
kéo dây ra câu điện, những ngọn đèn mới yếu ớt nhợt nhạt làm sao. Ở xã người ta
cũng huy động lực lượng cứu hộ đến trợ giúp tìm hai đứa trẻ. Nhưng tất cả đều
vô vọng. Trời về khuya vẫn còn kẻ đứng người ngồi trên bờ sông, những gương mặt
tiều tụy nặng trĩu suy tư. Không biết họ đang nghĩ gì. Xung quanh, tiếng bìm
bịp đã bắt đầu rộn lên khuấy động. Trên tận phía xa, đâu đó tiếng chim cuốc lạc
bầy kêu lên bi thương thảm thiết...
Đã
một năm qua rồi. Mùa lũ cũng đã đến và đã ra đi. Con sông trước nhà ông Sự nước
lũ vẫn dâng lên tràn bờ, đẩy những cây rừng cứ vô tình trôi, trôi mãi về xuôi.
Dân ven sông vẫn miệt mài chống sõng lên nguồn kiếm củi.Trong buổi chiều nắng
nhạt, ngôi nhà ông Sự thiếu đi tiếng cười nói của trẻ nhỏ, trở nên quạnh vắng
buồn thiu. Hôm nay là ngày đầy năm của hai đứa. Trên bàn thờ, mâm cơm cúng với
dĩa tôm kho thịt ba chỉ, cá rô phi chiên và tô canh rau bồ ngót đã nguội lạnh
từ lúc nào chẳng ai buồn dọn xuống. Trong di ảnh, con Trang thằng Trí, hai chị
em đang ôm nhau mặt cười ngượng ngùng. Hai đứa như đang ngó chằm chằm vào ba mẹ
chúng. Vợ chồng ông Sự mặt mày hốc hác hai mái đầu bạc trắng. Họ không còn nước
mắt để khóc, hố mắt ráo khô đầy những vết chân chim.
Họ
ngồi bó gối trên chiếc chiếu cũ. Ngọn đèn tuýp chẳng ai buồn bật lên. Trời càng
lúc càng tối đen. Họ vẫn ngồi, ngồi mãi... Bóng tối lan rộng và dần phủ trùm
lên hai bóng người già mệt mỏi, cô đơn.
Đào Thanh Hòa
18/12/09
Không thể có một cái kết nào dễ chịu hơn chăng,dù biết rằng đôi lúc phải chấp nhận , thật là nghiệt ngã như chính cuộc sống thực của đời.
Trả lờiXóa