Hồ Tịnh Thủy
Sinh năm 1988
Quê quán Thừa Thiên
Huế
Hiện đang sinh sống ở
Huế
Tham gia viết văn từ
cuối năm 2009, có thơ và văn đăng ở các báo Phụ Nữ Việt Nam, Áo Trắng, Mực Tím…
Có truyện ngắn in chung với nhiều tác giả trong hai tập truyện “Cho em nghĩ lại
một giây thôi” và “Chàng trai đến từ cơn mưa”
Cuối tuần này, Hồ
Tịnh Thủy sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế
Huế.
Sáng nay có dịp ngang qua con đường
mà hồi bé vẫn ngày ngày cuốc bộ đến lớp, thấy bồi hồi như thể sắp gặp lại người
xưa. Đoạn đường chừng hai trăm mét lê la một nhoáng là xong, vậy mà đã từng là
một quảng trời để mình cất giữ những ước mơ.
Con đường ngày ấy cứ ngỡ nó rộng, dài
mãi...mà khi lớn lên bỗng nhiên ngắn và nhỏ bé đi nhiều. Không còn bờ ao thoai
thoải gió với những mớ bông bèo nhuốm tím một góc đường, không còn hàng dâm bụt
vẫn thường nở nụ cười rực rỡ đón chào mình mỗi sáng sớm...và cũng chẳng còn màu ngói đỏ tươi - hình ảnh đặc biệt trong
trái tim mình cho đến tận bây giờ. Nhưng chẳng vì thế mà góc ấu thơ ấy trở nên
lạ lẫm, ngược lại, thời gian vẫn không thể xoá nhoà đi những bước chân, những
tiếng cười rộn rã, những con đường mòn, những chùm hoa phượng vĩ ép khô...và
những cảm xúc trong trẻo của ngày xưa ấy. Phút giây nào đó chợt đến, bỗng nhiên
thấy mình bé nhỏ lạ lùng, như thể, được trở về làm đứa con nít sáu tuổi vẫn
thường bị vấp té vì mớ sách vở lỉnh kỉnh đeo oằn cả vai.
Tháng tư về, hoa xoan trước cồng
trường nở rộ. Nơi ấy, ngày xưa...mình từng lặng lẽ ngước cái đầu bé tẹo lên
nhìn và mong một cơn gió thật mạnh rung những đốm hoa rơi sao cho giống những
bông tuyết nơi xứ người. Giờ, năm tháng qua đi, niềm mong ấy cũng đã quên tự
thuở nào mà những chùm xoan vẫn còn rung rinh, vẫn tươi tắn, vẫn ngọt ngào quá
đỗi. Mà có phải xoan của ngày xưa hay tại vì mình nhớ quá...!
Ừ, nhớ. Nhớ sân trường đầy lá bạc hà
khô, mỗi giờ ra chơi lại tha hồ tung tảy, dẫm lên chúng để thưởng thức tiếng lá
vỡ xào xạc. Nhớ lớp học nho nhỏ, nhớ bàn ghế thấp lè tè đầy vết mực dọc ngang,
nhớ cái bảng đen vừa mốc vừa thủng loang lổ, thi thoảng chạy lên, vẽ những hình
thù khó hiểu và mỉm cười như một con bé khùng. Nhớ chùm hoa xoan hái vội đặt
một góc bàn giáo viên, nhớ chỗ ngồi cạnh cửa sổ, bên ngoài có dãy đào rung rinh
đầy những quả, nụ...(có khi đang học, nhìn ra ngoài ước: "Nếu có quả đào
rớt xuống trước mặt mình thì đã biết mấy"). Nhớ lũ bạn tinh nghịch, nhớ
trò chơi "khai đao của Bao Thanh Thiên" với cậu bạn tên Hải Minh. Hai
đứa ham cười quá, vô tình, cây kéo trong tay bạn không cắt đúng mớ giấy mình
cầm mà chệch qua cắt vào đốt ngón tay trỏ, máu tuôn ra túa lua. Mà nhớ lúc ấy,
đau lắm nhưng không khóc mà còn cười, cười cậu bạn khóc vì sợ cô mắng. Đợt họp
lớp năm rồi, cậu bạn tên Thước hỏi: "Thuỷ khoẻ không? Ngón tay ngày xưa
còn thẹo không?". Mình ngớ người ngạc nhiên, "răng nhớ tài rứa, lớp
một mà?". Thước cười ngỏn ngoẻn, "hồi nớ Thước ngồi sau lưng Thuỷ, có
chuyện chi mà không nhớ" rồi kể vanh vách những chuyện tai nghe mắt thấy
về mình. Trời đất, nghe mà thấy vui ghê, muốn ôm bạn một cái thay lời cám ơn
quá. Nhờ có bạn, thấy tuổi thơ gần hơn, nhớ nhiều thứ hơn. Mà, nhiều thứ để nhớ
quá, kể sao cho vừa cả một chuỗi năm tháng tuổi thơ trong như nước ấy.
Không biết bây giờ, học sinh có nhặt
giấy vụn như ngày xưa không? Lớp bốn, ba của cô bạn thân chuyển vào làm bác cai
trường, thế là hai đứa có "việc làm". Tan học, đứa xắn ống quần, đứa
tháo khăn quàng đỏ, đứa cầm chổi, đứa cầm giẻ...dọn phòng và quét tước. Bụi là
rác còn giấy là "vàng", chưa kể có khi lượm được cả "kim cương
hột xoàn" - là những cây bút, thước, giấy thủ công... còn dùng được mà ai
đó đã vất lăn lóc hay để quên ở một xó xỉnh nào đó toàn đất cát. Mớ giấy loại
xếp lại gọn gàng, để dành thật nhiều rồi đem bán ve chai. Nghe bạn khoe,
"chừng này đủ tiền mua sách, vở, truyện.." rồi cười tít cả mắt, mình
thấy vui lây mặc dù chả được ké đồng nào (được đọc ké truyện thì phải). Nhà
mình đã khó, nhà bạn còn khó hơn. Nhiều lần về nhà bạn chơi, kiếm chưa ra chổ
ngồi, bác cai trường cứ áy náy, "con đừng chê nhà bác nghe, cực khổ mà bé
Phương nó chăm học là bác mừng". Nghe vừa buồn cười vừa buồn...khóc. Nhà
mình chắc chỉ hơn nhà bạn mỗi cái vườn có nhiều cây trái, không lẽ mình chê vì
nhà bác không có vườn, không có ổi, đào...nhăm nhi mỗi mùa ra trái.
Không biết bây giờ, những con đường
mòn ở sân trường tiểu học có còn không. Nói đường mòn cho oai thế thôi chứ thật
ra đó là những lối đi bí mật mà mình và nhóm bạn hồi ấy "khám phá" ra
dựa trên những cái hình thù nguệch ngoạc của vỏ thân cây mà tụi mình vẫn thường
tưởng tượng là dấu tích của kiến trúc, là nghệ thuật điêu khắc cổ đại. Con
đường mòn ấy đã cất giữ không biết bao nhiêu là hoài niệm - hoài niệm về những
câu chuyện cổ tích có thật. Hôm nào được nghỉ học sớm, cả nhóm tụ tập lại phân
vai diễn hoạt cảnh. Đứa làm công chúa, đứa hoàng tử, đứa kẻ đi săn, đứa làm chó
sói, còn mình hồi ấy luôn hoá thân thành một bà mẹ. Bà mẹ khổn khổ đi tìm
chồng, bà mẹ đau đớn bị lạc mất cô con gái, bà mẹ bị chó sói đe doạ...Riết
thành quen, đôi khi có cảm giác mình là một bà mẹ thật thụ, một bà mẹ mười tuổi
có cô con gái cũng mười tuổi và cao lớn hơn cả mẹ. Mà cũng nhiều năm rồi,
"mẹ" và "con gái" vẫn chưa gặp nhau. Không biết khi gặp
lại, "con gái" có nhớ "mẹ" không, có nhớ tuổi thơ nghèo khổ
mà ngọt ngào của mẹ con chúng mình không?
Lớp năm, bác cai trường mất, bạn mồ
côi, mình và bạn "mất việc", mình tiếc "vàng, kim cương",
tiếc cả "kho báu" ở cuối đoạn đường mòn mà không hiểu rằng bạn đã bị
thủng một khoảng lớn trong trái tim. Nhưng giờ, mình đã hiểu, rất hiểu, khoảng
thủng đó nó to quá trời là to.
Ve kêu rồi, nghe mà thèm chết đi
được. Tuổi học trò ngày xưa, thích nhất là mùa hè chứ còn gì. Thèm thế thôi chứ
tuyệt nhiên mình không xin ai đó một vé đi tuổi thơ, không ước được một lần trở
về tuổi thơ nữa.
Về làm chi, tuổi thơ nó tròn, nó
trong, nó sáng thế. Giờ, cuộc sống đã nguệch ngoạc chữ đen chữ đỏ, đem mớ hỗn
độn này về, tuổi thở nó úa đi thì tiếc hùi tiếc hụi.
Nước mắt cũng không thể làm nhoà đi,
nhưng mà hãy cứ để yên vậy.
Ừ, cứ để yên vậy, cho tròn trịa một
tuổi thơ.
H.T.T
Chúc mừng Hương Quê Nhà và chủ bút Nguyễn Hữu Duyên đã tạo nên một sân chơi phong phú ,ngày càng gắn kết đông đảo thân hữu yêu thơ văn trên mọi miền đất nước.Để những sáng tác của thân hữu HQN không phai nhạt theo thời gian,theo nguyện vọng của đông đảo bạn đọc đề nghị NHD chủ bút, từng bước cho in lại thành tập kỷ yếu để làm quà tặng cho thân hữu và bạn đọc .Một việc làm có ý nghĩa cho các thế hệ mai sau.Mong rằng các bạn đọc sẽ hỗ trợ nhiệt tình để HQN làm tròn ý nguyện của mình.
Trả lờiXóaChào anh Nhật Minh,
Trả lờiXóaHD rất cảm ơn vì sự quan tâm của anh đối với sự phát triển của HQN. Điều anh trao đổi là điều HD đang hướng tới. Vấn đề là thời gian thôi. Chuyện tài chính tuy quan trọng nhưng chỉ là một phần, mà độ chín sự gắn kết của thân hữu mới là điểm cốt lõi quyết định sự thành công của các tập kỷ yếu từ trang viết này. Trước mắt là HD đang cố gắng xây dựng HQN ngày càng đa dạng, đa phong cách, đa vùng miền...phục vụ bạn đọc yêu thích văn chương. Trên cái nền đó thì từ hy vọng đến hiện thực sẽ rất gần, HD nghĩ vậy. Tin rằng anh và bạn đọc sẽ đồng thuận cao. Chúc anh và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, và luôn quan tâm chăm sóc HQN. Thân mến!