Đó là một chiếc cà vạt của hãng sản xuất
Nhật Daimura, hiệu được thêu sau cà vạt là Mitsukoshi, làm bằng loại tơ đặc
biệt mềm mại nhưng không bị nhàu. Điểm đáng chú ý khi cầm chiếc cà vạt không
phải chỉ ở cái hiệu Mitsukoshi, chất liệu làm nên, mà chính vì màu sắc: Chiếc
cà vạt có một màu sắc được pha trộn mềm nhuyễn, hòa hợp mát dịu, phản ánh một
tính chất nhu hòa, đứng đắn, nhưng vừa có chút gì hào hoa. Lời khen dành cho
chiếc cà vạt của người bạn tôi đầu tiên cũng là ở màu sắc. Ông ta kêu lên: “Ồ, tuyệt quá!”. Tuyệt quá. Ông ta ngắm
chiếc cà vạt mà không thể nói gì thêm ngoài câu “Ồ, tuyệt quá”. Lúc rời tôi, ông ước sẽ có một chiếc tương tự vậy,
và nói: “Ông mang vào thì nhất rồi”.
Tôi trả lời: “Không cần đeo, chỉ ngắm
không thôi cũng đủ nhất rồi”.
Màu
sắc ở chiếc cà vạt không thể phân tích được, tuy nhiên tôi cũng cố gắng diễn tả
lại một cách khái quát như sau: Trông kỹ, chiếc cà vạt có bốn màu hết thảy: Màu
nâu sẩm tối vì dường như có những đường to màu đen rất mỏng trải lên, màu đen
trong những ô hình chữ M. (kiểu chữ kẽ thêu giống một huy hiệu nhạc) được viền
chỉ kim tuyến tơ sáng (màu trắng), và những ô vuông theo đường xéo được có màu
nâu sáng giống màu café sữa. Bốn màu, nhìn chung, chỉ thấy một màu hơi tối và
gắn bó với nhau dầu vẫn giữ được đặc tính riêng rẽ.
Chiếc
cà vạt có thể dùng với nhiều màu áo sáng nhã, nhưng nếu mắc vào cổ chiếc áo
chemise trắng thì tươi đẹp nhất. Vì vậy, ngay chiều nhận được chiếc cà vạt, dầu
đã có đủ áo mặc, tôi vội may ngay một chiếc áo trắng mới, để đeo cà vạt. Đó là một chuyện làm lạ lùng với tôi, và
nhất là đối với những người gần gũi, nhưng tôi đã làm. Như thường. Tôi còn nói
với một người bạn: “Đừng ngạc nhiên nhé,
từ nay tôi sẽ có nhiều dịp đeo cà vạt”.
Ngày
đầu tiên tôi đeo chiếc cà vạt đi dạy, mấy người bạn ngạc nhiên thực sự. Trong
đôi mắt họ, tôi nhìn thấy một sự lạ lùng, rồi tiếp theo là một nỗi nghi ngờ, có
chút thích thú. Từ trước, dầu là trong các buổi lễ quan trọng, tôi không hề
mang cà vạt. Tôi có vẻ ghét sợi dây lòng thòng, kiểu cách, và giả dối đó nữa.
Trong trường, vị giám học đã từng nói với đám học trò rằng nếu ai thấy ông
không mang cà vạt, thì có quyền nguyền rủa. Ông muốn nói nhiều tới cái cà vạt
luôn luôn buộc nơi cổ ông như một biểu tượng của sự đứng đắn và đạo đức. Ông
làm như thể chiếc cà vạt là huy hiệu của tư cách con người. Tới giờ dạy của ông
(nhất là ở trường tư thục) ông thường dành thì giờ nói tới cà vạt nơi cổ hơn là
dạy học. Nghe vậy, tôi càng thêm không muốn đeo cà vạt, cho dầu trong những lễ
cưới của bè bạn, tất cả đều veston cravate, tôi cũng chỉ xài chemise ngắn tay
thường ngày. Chính vì thế khi trông thấy tôi bước vào cửa văn phòng với cravate
mới, áo mới, một người bạn đã thốt lên: “Ái chà, bữa nay trông amateur quá đi”.
Có vài ba người ngoảnh nhìn tôi một thoáng, đôi mắt có vẻ khó chịu, hình như
cũng có cả sự xem thường (chao ôi, biết bao là chuyện kỳ cục) nữa. Tôi cười: “Bạn đừng ngạc nhiên, từ nay tôi sẽ có nhiều
dịp đeo cà vạt hơn”.
Lũ
học trò đã hỏi về chiếc cà vạt của tôi gần hai mươi phút. Phần đông thì chúng
rất sung sướng khi trông thấy tôi amateur (như lời người bạn), mới lạ, khác hẳn
những bộ đồ cũ lùi xùi hơi bẩn lúc trước. Với chúng, những ánh mắt hân hoan thơ
dại, những tấm lòng yêu mến chân thành, tôi muốn kể cho chúng nghe về chiếc cà
vạt vừa nhận được chiều hôm kia, nhân ngày sinh nhật của tôi. Tôi lại định kể
về Tiên Thủy (hay “Cây Mùa Đông”) của
những năm trước, sự đổi thay bắt đầu từ ngày nàng có đám cưới hai năm trước,
đời sống lặng lẽ và tuyệt vọng của tôi từ dạo đó tới nay (và vân vân) nhưng kịp
nghĩ: “Tốt hơn là nên im lặng. Đó không
phải là một bài dạy hay. Hãy để chúng yên tâm với những dự đoán đẹp đẽ về chiếc
cà vạt mỗi lần vào lớp học”. Tôi cười: “Các
em đừng ngạc nhiên, từ nay thầy sẽ đeo cà vạt đi dạy luôn”.
Khác
với lũ học trò đang còn học với tôi, có vài ba đứa học trò cũ (nay đã vào lính,
hay đi dạy học, hoặc là sinh viên, vân vân) trước ngày thấy tôi đeo cà vạt
chúng vẫn cười chào tôi với đôi mắt quyến luyến chân thành xưa, nhưng từ lúc
gặp tôi luôn luôn mắc cà vạt lên cổ (đi dạy, học đi phố, vân vân) chúng tuồng
như lộ vẻ bất mãn, khinh bạc. Tôi nhìn thấy điều này rất rõ, nhưng vẫn im lặng,
coi như không hề hay biết gì, cũng không mở miệng giải thích (dầu chỉ là một
đôi câu tâm sự nhân lúc vui vẻ đi chăng nữa); để chúng tiếp tục với ý nghĩ của
chúng. Một hôm, một đứa học trò cũ gặp tôi ngoài phố (dĩ nhiên là tôi có đeo cà
vạt) nó lánh mặt, sau cái nhìn khe khắt, vừa buồn nản vừa khinh khi. Tôi quên
chuyện đó tức khắc với ý nghĩ: “Tuổi trẻ
chúng ưa có những tình cảm cực đoan nhưng rồi
cái gì cũng được giảm xuống khi tuổi đã lớn hơn”. Chắc trong đầu
chúng nghĩ: “Chà, cái ông nầy bây giờ đỏm
dáng kiểu cách quá chừng”.
Đây
là một chuyện làm tôi ngạc nhiên, bởi vì người có tình cảm cực đoan (hay hời
hợt, nóng nảy) không là một người trẻ, mà là một ông bạn luống tuổi, có thể coi
là trí thức. Tôi tới thăm ông ta lần đầu tiên (từ sau ngày tôi xa lánh gã chủ
trường tư thục con buôn mời gã làm cố vấn; ông ta hỏi tôi với một nụ cười ác ý,
và một cái nhìn lém lỉnh trêu chọc: “Sao?
Bây giờ anh định nối gót ông giám học à?”.
Tôi
nói :
-
Không.
Ông
ta cười:
-
Gần một tuần lễ nay trông anh giống ông giám học.
Tôi
hỏi:
-
Ở điểm nào vậy?
Ông
ta chỉ:
-
Chiếc cà vạt.
Tôi
cười.
Một
vài người bạn quen (chứ không thân thiết) gặp tôi không nói tới chiếc cà vạt
trên cổ áo của tôi, nhưng tôi biết họ nhìn tôi với cặp mắt giống vài đứa học
trò cũ. Tôi nghĩ tới những ý nghĩ thầm kín trong chiếc đầu đố kỵ và hẹp hòi của
họ, cảm thấy vui thú, tiếp tục đeo cà vạt thường ngày, ngay những lúc chỉ lên
quán sách để lấy báo không thôi. Thường mỗi khi từ giã một người bạn như thế,
tôi cười: “Bạn, đừng nên ngạc nhiên
nhiều, từ rày bạn sẽ còn thấy tôi tiếp tục đeo cà vạt nữa”.
Tôi
đeo cà vạt ngay chỉ ở lẩn thẩn trong phòng, lúc ban ngày, lúc ban đêm. Có thể
nói tôi ít muốn cởi chiếc cà vạt treo lên mắc, hết còn cảm thấy nó là một sợi
dây lòng thòng, phiền toái, mà trái lại đã cho là một sợi dây êm ái quyến rũ.
Nếu có ai nhìn trộm vào phòng tôi những lúc đó, chắc chắn họ sẽ kêu tôi đã trở
lại chứng bịnh đau đầu, loạn trí như dạo nào rồi. Nhưng rất may chẳng ai nhìn
thấy cả, ngoài trừ tôi nhìn thấy tôi trong gương.
Tôi cầm chiếc cà vạt lên hôn, mùi dầu
Tiên Thủy thường dùng bôi vào những cánh thư gửi tôi hai năm trước, bốc dìu
dịu. Thuở đó tôi quên hỏi nàng rằng mùi dầu dịu dàng đầm ấm đó có tên gì nên
không nói tên được, nhưng tôi chỉ biết chắc một điều, mùi dầu hẳn phải có mùi
son phấn hay da thịt nàng nữa.
Tôi
nói :
-
Chiếc cà vạt yêu dấu, em sẽ ở mãi cạnh anh, luôn luôn đeo trên cổ và nằm trước
ngực anh.
Chiếc
cà vạt sung sướng:
-
Thực là em không nghĩ là em đã được hân hạnh quá như vậy.
Tôi
cười khẽ:
-
Chưa hết, em sẽ theo anh vào huyệt ngày anh chết.
Chiếc
cà vạt thoáng hốt hoảng:
-
Đừng, anh đừng nghĩ như vậy, em không hề muốn anh chết.
Tôi:
-
Những gì chúng ta muốn đều không được, nhưng những gì chúng ta không muốn lại
tới. Anh sẽ viết di chúc dặn rõ việc này.
Chiếc
cà vạt:
-
Anh có thấy quan trọng quá chăng?
Tôi:
-
Thực sự đó là một điều quan trọng, ít nhất đối với đời sống anh. Ở đời, có
nhiều việc hệ trọng không phải là một cái gì to tát hay phải mang một ý nghĩa
chói lòa. Những cái tầm thường là những cái quan trọng nhất đối với anh.
Chiếc
cà vạt:
-
Việc nầy xin tùy anh, tùy anh quyết định, em không có quyền gì.
Tôi:
-
Đúng vậy, chiếc cà vạt yêu dấu, sợi dây thắt cổ, êm đềm của anh…
Chiếc
cà vạt:
-
Ấy chết, sao anh gọi là sợi dây thắt cổ - nghe ghê quá vậy !
Tôi:
-
Nhưng em nên nhớ đó là một sợi dây thắt cổ dịu dàng. Chính em, chiếc cà vạt yêu
dấu, em sẽ giết chết anh. Anh muốn được chết vì em.
Chiếc
cà vạt:
-
Anh làm em sợ hãi quá, vô tình em gửi tới anh sự buồn bã hay tuyệt vọng, em xin
lỗi anh…
Tôi:
-
Ồ, đáng lý anh phải cám ơn em nhiều hơn là những lời vừa nói, bởi lẽ em đã cho
anh một cái chết nồng nàn nhất, lúc nầy.
Bây giờ không có cái chết nào quyến rũ anh hơn là khi đeo em vào cổ mỗi ngày.
Chiếc
cà vạt:
-
Nghe anh nói, em cũng không hiểu rõ được lòng em nữa anh à. Anh có nghĩ là em
đã ngây ngất vì lời lẽ nồng nàn của anh không? Em ích kỷ và tham tham quá, anh
yêu.
Tôi:
-
Đàn bà ai cũng ích kỷ và tham lam hết, nhưng sự ích kỷ và tham lam trong tình
yêu nơi em là một nguồn an ủi vô biên cho anh, em hãy cứ bám vào cổ anh, nằm
mãi trên ngực anh cho dầu sẽ có nhiều người khinh bạc hay ngộ nhận, anh chỉ cần
có một mình em hiểu và yêu anh như thế, cũng quá đủ rồi.
Chiếc
cà vạt:
-
Em cũng vậy. Được ở mãi cạnh anh em không còn mơ ước gì thêm nữa. Phải, em cũng
sẽ theo anh xuống huyệt, bởi vì anh chết đi, thì em trở nên vô dụng và bị bạc
đãi, ghê tởm.
Tôi
:
-
Chúng ta thực là kẻ hạnh phúc nhất trên quả đất.
Tôi
nghe tiếng chiếc cà vạt cười rất khẽ, tiếng cười chuếnh choáng mơ hồ, nhưng là
tiếng cười đầu tiên trong đời đã gần ba mươi năm tôi mới được nghe thấy. Tôi
trôi dần vào giấc ngủ bồng bềnh sảng khoái như một cơn say. Chiếc cà vạt nhẹ
nhàng hôn lên môi má tôi. Tôi nghe tiếng tôi nói thầm: “Chiếc cà vạt yêu dấu, sợi dây thắt cổ êm đềm của anh”.
Tuy Hòa, ngày 7 tháng4 năm 1972
M.V.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét