Cơm nước đã dọn xong nhưng Maria vẫn chưa thấy
đến.
Tôi sốt ruột nhìn đồng hồ, đã hơn tám giờ tối,
rồi nhớ là theo hẹn chúng tôi sẽ gặp nhau
sớm để có thể nói chuyện nhiều.
Thấy tôi bắt đầu mất kiên nhẫn nên vợ tôi vội
gọi điện cho Maria, nhưng hình như là ở nhà không có ai trả lời, còn gọi qua di
động thì đường dây tắt ngấm, không bắt được liên lạc. "Lạ thật! Hay lại xảy
ra chuyện gì?". Tôi không nói gì, lòng đinh ninh là Maria đang trên đường đến đây và đang bị kẹt xe ở một
nơi nào đó. Đường phố vào mùa nầy rất đông người.
Tôi đi đi lại lại trong phòng khách rồi bước đến
bàn ăn, thổi tắt ngọn nến mà vợ tôi vừa đốt lên khi nãy. Ngọn lửa bùng lên, chao qua chao lại rồi tắt phụt. Tôi
cầm đĩa đậu phộng đặt ở góc bàn rồi đến đặt mình xuống ghế sa lông, bật ti vi, vừa
nhâm nhi vừa xem tin tức. Tôi bấm máy liên tục, không nhất thiết nhìn vào một đài
nhất định nào. Nhưng sau một lát, trên màn ảnh có thiên phóng sự về thời tiết và
cảnh mua sắm bỗng làm tôi chú ý. Tôi đặt cái máy điều khiển xuống chiếc bàn con
và thôi không đổi đài nữa.
Năm nay
trời trở lạnh bất thường. Những mảng tuyết chưa tan, phủ trắng khắp thành phố La
Mã là một hiện tượng lạ lùng. Có lẽ từ nhiều năm qua, vào mùa đông nhiệt độ ở thành
phố nầy chưa bao giờ xuống thấp như vậy. Nhưng điều làm tôi chăm chú là hình ảnh
những kẻ vô gia cư đang khốn khó và chết cóng vì cái lạnh bất ngờ. Sự bần cùng của
họ là một tương phản đậm nét với cảnh tiêu pha xa xỉ của những ngày trước lễ Giáng
sinh.
Trên màn ảnh lúc nầy là chiếc băng gỗ, cạnh đó
còn mấy chai rượu, các vật lỉnh kỉnh đựng
trong túi nylon và một chiếc mền bẩn thỉu, rách nát nằm vương vãi trên nền đất,
nơi mà Peppino Fumagalli, gã đàn ông năm mươi tuổi đã nằm chết đêm qua. Đó là gã
lang thang, vô gia cư thứ mười lăm chết cóng từ khi trời bất ngờ trở lạnh. Hồi tám
giờ sáng người ta thấy gã nằm bất động ở trong vườn Bravetta, gần khu Trastevere,
ở ngoại thành La Mã .
Thiên phóng sự còn cho biết là những ngày trước người ta đã tìm thấy xác một bà người Đức mập
tròn ngủ qua đêm bên cạnh đống vỏ bia đã
cạn không còn một giọt trên một băng gỗ
ở đường Giulio Cesare; ở một khu phố khác, một gã người Tunisia nhập cư bất
hợp pháp, trong túi hãy còn mảnh giấy trục xuất của sở cảnh sát Roma. Có lẽ gã đang
chờ đến giờ mở cửa, có phát thức ăn vào sáng chúa nhật trước chủng viện của các
nữ tu, hoặc định xin vào trong tránh rét. Ở gần nhà ga Fiumicino, người ta cũng
đã tìm thấy năm thi thể khác nằm co quắp. Cơ quan truyền thông còn cho hay là sẽ
có rất nhiều người nữa bỏ mạng trong những ngày sắp tới. Cái lạnh bất ngờ đã không
buông tha cho cuộc đời khốn khổ và bần cùng của họ.
Tôi sực
nhớ là những ngày trước đó, các mẫu tin về cái chết thê thảm của những kẻ sống lang
thang được báo chí loan tin dồn dập làm dư luận bắt đầu lo ngại. Ngay Đức Giáo Hoàng
cũng phải lên tiếng và kêu gọi các cơ quan thiện nguyện khẩn cấp cứu trợ. Ông thị
trưởng thành phố Roma lên ti vi tuyên bố
là trong vài ngày sẽ cố gắng thu xếp chỗ ăn ngủ cho ít nhất hai trăm người. Nhưng
trong trường hợp khẩn trương nầy, "vài ngày" là một thời gian dài vô tận
cho những kẻ chỉ biết tránh rét trong những thùng giấy rách bươm trên vỉa hè thành
phố.
Thật tình, từ trước đến nay tôi hoàn toàn không
hiểu gì về những kẻ lang thang, dù đôi khi tình cờ thấy họ trên đường phố. Chưa
bao giờ tôi để tâm về họ nên những câu chuyện trên màn ảnh đã làm tôi ngạc nhiên,
nhất là khi biết rằng không phải kẻ vô gia cư nào cũng muốn được cứu giúp. Phần
đông họ không chịu xin vào các chỗ tập trung. Và hình như chỉ có cái lạnh quá đáng
mới có thể buộc họ chấp nhận những lề luật để vào các trại tiếp cư. Nhưng chỉ tạm thời. Vì khi thời tiết thay đổi, trước sau
gì họ cũng trốn ra. Những câu trả lời trên màn ảnh làm tôi ngớ ngẩn: "Bị nhốt trong những căn nhà tế bần ấy chúng tao
chỉ là những tên nô lệ. Trên đường phố, ít ra là chúng tao còn có tự do".
"Tao đâu có muốn bị giam để bị đối xử như những kẻ ăn mày. Đúng giờ, lũ nhân viên thí cho một bữa
ăn, nấu nhão nhoẹt như keo dán bích chương. Đêm Giáng sinh bọn nó quẳng cho một chai rượu, vài cái bánh ngọt, và
chúng tưởng làm thế là lương tâm chúng được ổn". Có lúc câu trả lời mang
đầy phẫn nộ: "Cần phải có can đảm lắm
để sống cuộc đời nầy, để giữ cho trí óc thảnh thơi, dù đường phố có làm cho chúng
tao hung dữ. Mà chúng tao có hung dữ thì cũng bởi vì thực tế đã tàn nhẫn với chúng
tao. Hà hà ...Chúng mầy là một bộ phận của thực tế ấy"
Tôi chăm chú theo dõi những hình ảnh đa dạng về
những mảnh đời khác biệt hiện trên màn hình.
Rồi những ý nghĩ lan man trong đầu làm tôi không còn sốt ruột vì chờ đợi. Tôi quên cả đói.
Khoảng hơn chín giờ thì Maria mới đến. Mệt mỏi, mặt mày hốc hác. Lúc bước vào
cô ríu rít xin lỗi, nhưng vợ tôi vội bảo cô đi
sấy tóc và mang cho cô đôi dép để
thay đôi giày đã ướt đẫm vì lội tuyết.
Maria cho
hay là lúc sáu giờ rưỡi đã định rời cơ quan
nhưng không về sớm được vì tình hình đêm nay khá căng thẳng. Lúc cô định báo cho
chúng tôi hay là sẽ đến trễ nhưng trong khi phân phối mùng mền, thuốc cảm, thuốc
giảm đau cho những kẻ vô gia cư, loay hoay thế nào, cái điện thoại cầm tay bỏ trong
túi áo đã rớt mất lúc nào không biết.
Bữa ăn tối diễn ra không còn trịnh trọng như dự
tính ban đầu. Nhưng bù lại, có một không khí chân tình, cởi mở. Câu chuyện của chúng
tôi lúc nầy dĩ nhiên là xoay quanh về công việc của Maria ở một cơ quan thiện nguyện
và đề tài chính là cuộc đời của những kẻ không nhà. Họ là ai? và câu hỏi nầy đã được Maria giải thích bằng kinh
nghiệm của mình.
- Những kẻ lang thang là một hiện tượng khá phổ
biến trong xã hội Tây phương. Người Ý gọi họ là vagabondo, gã lang thang hay barbone là một gã râu tóc bờm xờm; người Mỹ thì
gọi là homeless và người Pháp kêu họ là clochard. Dĩ nhiên đó là một người nghèo,
nhưng nghèo không đủ để định nghĩa rằng đó là một kẻ lang thang. Điều chắc chắn
là họ không có việc làm hay sở hữu một phương tiện nào đó để mưu sinh. Nhưng điều
này cũng chẳng phải là một mẫu số chung. Phần đông họ là những kẻ sống bên lề xã
hội, bị xã hội ruồng bỏ. Hay có khi chính họ từ bỏ xã hội, sau những chấn động hay
mất quân bình tâm lý. Có kẻ vì những lý do phức tạp bị gia đình hất hủi và chối
bỏ; có người được đưa ra chữa trị, rồi trốn khỏi bệnh viện tâm thần, sau chọn lấy
cuộc sống không nhà, không cửa, cắt đứt mọi liên hệ với những người thân. Có người
còn nhớ rõ quá khứ nhưng cũng có kẻ đã hoàn toàn đánh mất trí nhớ sau những chịu
đựng nhục nhã ê chề.
Những năm gần đây còn có những hoàn cảnh đặc biệt,
như sự nhập cư sự bất hợp pháp của các người ngoại quốc. Có mấy người lang thang
chết lạnh trong mùa nầy là những kẻ đến từ những nước nghèo, liều lĩnh nhập cư không
hợp lệ vào Âu Châu để cầu may, lúc đầu phải sống ngoài lề pháp luật nhưng sau không tìm được việc làm hay nơi cư ngụ, rồi những thất vọng và tuyệt vọng đã đưa đẩy họ
vào vỉa hè thành phố.
Thông thường khi nói đến barbone, người ta hay
nghĩ họ là những người già, nhưng thực tế không hoàn toàn như thế. Có nhiều người
còn rất trẻ. Cuộc sống của họ khốn khổ, nhưng điều đáng ngạc nhiên là chẳng có ai
muốn trở lại "cuộc sống bình thường"
như của chúng ta. Dĩ nhiên mỗi người đều có một lý do riêng.
- Nhưng mùa đông lạnh như thế nầy thì họ phải làm sao?
- Ngoài những phương tiện thông thường như thùng
giấy, các thứ mùng mền xin được, họ còn có những cách rất đặc biệt. Chẳng hạn như
có kẻ chống lạnh bằng cách nhảy lên xe bus nằm suốt đêm, hy vọng là người soát vé
sẽ không đuổi xuống. Có kẻ nốc từng ngụm rượu, loại rẻ tiền, để sau đó lăn lộn vì
khó chịu. Chính tối nay có gã đã nói với tôi: "Buổi sáng thức giấc, nếu còn thức được, cô sẽ thấy bao tử như đang
bốc cháy và các khớp xương rã rời như không còn liên kết với nhau". Những
kẻ khác trốn vào hầm xe điện ngầm, nhóm khác tập trung trên các vỉa hè gần toà thánh
Vatican. Phần đông họ sống từng đoàn, như
chỗ ngủ của nhóm Vincent Rappa mà gần đây tôi thường tiếp xúc và giúp đỡ, được tổ chức khá tốt. Trên những tấm carton trải
ra làm đệm có đánh số cẩn thận để khẳng định vị trí. Từ số một đến mười: Zanichelli, Levi, Del sordo, Giorgio-quên-họ,
Tôi-không-còn-biết-tôi-là-ai-nữa .... Họ giải thích là cần đánh số chỗ ngủ để tránh cãi cọ và sự đoàn kết rất cần thiết để chống lại những băng
đảng khác, thường vũ trang bằng dao lam, mảnh
chai vỡ...đến ăn cắp giày, tiền xin được hay những thức ăn thừa. Họ nằm có
vẻ chật chội, người nọ tiếp xúc với người kia, nhưng như thế cũng là một phương
thức chống lạnh; họ cho những kẻ kém may mắn và "nghèo" hơn mình mượn
những tấm mền để đắp qua đêm. Tối nay bên cạnh họ còn một nhóm khác, dẫn đầu là
Peppina Leonoris, một gái làng chơi lỡ vận. Bà đang lên cơn sốt vì mầm liệt kháng
HIV và đang được Barbara Tedeschi chăm sóc. Đây còn là nhóm hút xách, những kẻ đàn
em khác đang ngất ngây vì đợt chích choác cuối cùng.
Nói đến đây, khuôn mặt Maria bỗng như buồn hẳn
lại. Cô như chợt nhớ ra một điều gì, trên vầng trán hai hàng chân mày nhíu lại như
muốn giao nhau:
- Nói
chung, phần đông họ là những kẻ đã đoạn tuyệt với gia đình. Dĩ vãng và thời gian
đã làm mờ trí nhớ nhưng nhiều người không chịu nổi cô đơn. Mấy năm trước tôi có
quen một trường hợp rất cá biệt: Một lão
barbone sống riêng lẻ, hoàn toàn biệt lập với các người cùng giới. Và tâm
sự bi thảm của lão ta đã ám ảnh tôi một khoảng thời gian dài dằng dặc.
Thấy chúng tôi đưa mắt khuyến khích, Maria uống một ngụm nước rồi bắt đầu
câu chuyện. Căn phòng lúc ấy im phăng phắc.
&
Mùa
Đông năm ấy trời đột nhiên trở rét. Nhiệt độ bỗng nhiên xuống thấp. Nha khí tượng
tiên đoán là suốt mười ngày liên tiếp nhiệt
kế có thể sẽ hạ xuống thêm đến năm, sáu độ;
đêm có khi đạt tới âm ba, bốn độ, và độ ẩm
có thể sẽ tăng đến một trăm phần trăm. Nhưng điều nầy thì Renato Cantone không thể
nào biết được. Mà dù có biết thì chắc lão cũng chẳng thể làm gì hơn. Đêm ấy, cũng
như những đêm trước lão cũng chỉ còn nước thu dọn các chai lọ cho vào túi nylon,
ôm đống thùng giấy và xấp mền để đến núp
trên vỉa hè của một cửa hàng ngoài phố Tritone. Chỗ ngủ qua đêm của lão nằm gần
cổng ra vào, dưới hàng chữ "hoan nghênh quý khách". Nơi đây ban ngày tấp
nập người qua lại, nhưng đêm đến đó là chỗ trú ẩn của kẻ không nhà.
Từ mấy năm nay lão đã chọn vỉa hè nầy, trước hết vì nơi đây ít lạnh và kín đáo hơn là nằm trên những
băng gỗ lộ thiên. Nơi đây, dù đơn độc, lão vẫn cảm thấy an toàn và ít khi bị bọn
trẻ khạc nhổ lên người, chửi bới, tạt nước lạnh hay bị vất rác... mà những năm gần
đây đã thành một trò giải trí của những băng đảng du côn. Bọn trẻ được kích thích
và huấn luyện bởi những phim tàn bạo chiếu hằng ngày trên màn ảnh ti vi, thường
thình lình xuất hiện trong đêm và những kẻ không nhà lâu nay đã trở thành mục tiêu cho những trò bạo hành
của chúng .
Trò chơi của các băng đảng
có khi còn vượt ra ngoài mọi giới hạn về dã man và tàn nhẫn nữa. Đã có nhiều trường
hợp bọn trẻ chế xăng lên những gã barbone đang say ngủ, châm lửa, rú lên cười khoái
trá rồi phóng xe tẩu thoát khi ngọn đuốc
người bùng lên trong đêm tối với tiếng gào thảm khốc.
Vỉa hè
đó là giang sơn riêng biệt của Renato, một lão già thuộc lứa sáu mươi - sáu lăm chứ chưa già lắm. Tối đến,
sáng đi, lão không làm phiền hay quấy nhiễu gì nên chẳng ai nỡ lòng xua đuổi lão.
Từ lâu tiếp xúc và giúp đỡ lão, tôi đã âm thầm quan sát là lúc nào lão cũng cô độc
một mình. Cuộc sống của lão hoàn toàn biệt lập. Lão chẳng mấy thích kết đoàn hay
sống thành nhóm như những kẻ đồng cảnh khác.
Tối đó, cũng là một đêm trong tuần lễ trước Giáng
sinh, nhìn đường phố băng giá mà lão vẫn khăng khăng từ chối chuyển vào nơi tiếp
nhận, rồi sự cô độc của lão đã làm lòng tôi ái ngại. Bỗng dưng tôi nghĩ đến sự cô
lẻ của mình. Bạn trai của tôi vì công việc nên còn ở Luân Đôn cho đến cuối tuần, và đêm nay tôi sẽ
ăn tối một mình bên ánh đèn màu chớp sáng của cây Noel đặt ngoài phòng khách.
Tự dưng tôi nghĩ là tại sao không mời lão Renato
một bữa ăn tối. Biết đâu không khí gia đình có thể giúp cho lòng lão bớt khô cằn, và buổi nói chuyện
với lão sẽ chẳng giúp cho tôi hiểu thêm về đời sống của những barbone khác. Điều
ấy cũng sẽ có lợi cho công việc của tôi.
- Nầy Renato, những ngày nầy trời lạnh lắm. Nếu
ông muốn tôi xin được phép mời ông về nhà
ăn tối.
Khi tôi hỏi lần đầu cặp
mắt của lão vẫn không rời những ánh đèn màu
nhấp nháy trước mặt, có vẻ như không hề nghe tôi nói, nhưng sau khi tôi lập lại
lần nữa thì lão quay lại nhìn tôi. Trong đôi mắt đờ đẫn đó tôi chợt thấy một tia sáng xuất hiện. Môi lão mấp máy như muốn
nói gì. Nhưng lão vẫn yên lặng. Tôi vô cùng thất vọng vì chỉ vài giây sau đó, lão
đã thẫn thờ bỏ rơi tôi để quay về phía những ánh đèn màu. Tôi ngạc nhiên và bàng
hoàng, và lần đầu tiên, tôi nhìn lão một cách chăm chú.
Tuy áo quần xốc xếch, tóc tai bơ phờ nhưng khuôn
mặt lão già vẫn còn những nét đều đặn của một người đàn ông đẹp trai. Đôi mắt lớn,
chiếc mũi thẳng, vầng trán rộng và cao, cặp môi dày với chiếc miệng rộng. Nhưng
điều đặc biệt khiến tôi chú ý là cái nhìn sáng quắc, mái tóc và hàm râu quai nón
bạc phơ. Màu bạc trắng tự nhiên chứ không phải vì năm tháng.
Tưởng mình
chưa chinh phục được niềm tin của lão nên tôi thất vọng bỏ đi, nhưng đột nhiên lão
gọi giật lại:
- Khoan. Nếu cô muốn thì chúng ta có thể ăn chung
tối nay.
Tôi vui
mừng quay lại, hối hả thu dọn giúp lão đặt những thứ đồ vật lỉnh kỉnh lên xe. Ánh
mắt của lão nhìn tôi lúc đó có vẻ nửa như
bẽn lẽn, nửa như ngượng ngùng. Lão theo tôi ra xe với những bước nhẹ nhàng, chậm
rãi. Chỉ lúc ấy tôi mới để ý là cánh tay phải của lão hơi bị liệt.
Bữa cơm tối đơn giản nhưng diễn ra thân
mật. Chúng tôi nói chuyện với nhau vui vẻ. Giọng lão trầm và ấm, nói hơi nhanh,
nhưng ngôn ngữ lão dùng rất chuẩn và chính xác. Đêm đó tôi đi từ ngạc nhiên nầy
đến ngạc nhiên khác. Lão lang thang tóc trắng trước đây là một luật sư khá nổi tiếng
và thành đạt ở Como, một thành phố thuộc
miền Bắc Ý. Đời sống sung túc, vợ đẹp, con ngoan. Rồi không hiểu vì sao, sau này
tôi mới hiểu là vì không khí Giáng sinh,
lão bỗng dưng kể lại những biến chuyển của đời mình.
&
Câu chuyện bắt đầu từ hơn mười năm trước.
Sau một vụ kiện lớn, Renato tưởng mình là một
luật sư bậc nhất. Sự thành công chói lọi đó càng hun đúc thêm lòng kiêu hãnh về
khả năng nghề nghiệp của mình. Gã thấy cuộc đời mình vô cùng tươi đẹp và dù chưa
già lắm nhưng gã đã bắt đầu nghĩ đến việc thu xếp một cuộc sống an nhàn vì không còn bận tâm về kinh tế nữa. Nhưng
định mệnh trớ trêu đã quật gã ngã xuống như
một sự trừng phạt của công lý vô hình.
Cú áp phe ấy là một vụ kiện chống lại một công
ty lớn, đã mang lại cho Renato một lợi tức bất ngờ. Một số tiền kếch sù mà trước
đó gã chưa hề nghĩ tới. Thực ra nó thuộc quyền sở hữu của thân chủ, kỹ sư Italo,
chứ không phải của gã, nhưng giờ chót, nhờ nhanh trí và nhạy bén do thói quen nghề
nghiệp, gã đã thay đổi tình huống kịp thời.
Kết quả đến dễ dàng hơn gã đã tưởng.
Mà không dễ dàng sao được! Từ nhiều tháng trước
gã đã đứng sau lưng Italo để hướng dẫn từng đường đi nước bước, và mọi việc đều
xảy ra như tiên liệu. Giám đốc phòng nhân viên của công ty đối nghịch là một kẻ
kiêu căng và hời hợt, không bao giờ ngờ là
đằng sau kỹ sư Italo có luật sư hướng dẫn nên càng ngày càng tăng áp
lực với anh, đã vô tình phạm phải sai lầm nầy đến sai lầm khác. Hắn đã chủ quan
vì, hơn mười năm công tác trong công ty, kỹ sư Italo luôn luôn chấp nhận mọi điều
kiện áp đặt mà không hề phản kháng; gã giám
đốc phòng nhân viên quá biết tánh tình hoà nhã và không thích "có vấn đề
" với công ty của anh ta nên thẳng tay
làm tới mà không hề suy nghĩ đến những hậu
quả nghiêm trọng theo luật Ý, vốn rất bênh vực người lao động. Chính nhờ vậy mà
Renato đã “cài” công ty vào một thế vô cùng nguy hiểm về phương diện pháp lý.
Kết quả là một sự sa thải nhân viên thật lạ đời
và vô lý.
Khi tổ chức công đoàn phản kháng, ban giám đốc
công ty nói là chỉ "giả vờ " sa thải để buộc kỹ sư Italo chấp thuận sự
áp đặt của công ty, và nếu anh ta đến văn phòng
để chấp nhận "đề nghị" của công ty thì sự sa thải sẽ được vô hiệu
hoá.
Dĩ nhiên là Italo không đến. Anh ta nhờ luật sư Renato thương lượng
để tìm một phương cách nhằm bảo đảm quyền lợi của mình. Nhưng buổi gặp ban
giám đốc, Renato đã đơn phương và đột ngột
huỷ bỏ mọi thương thuyết để sau nầy "có thể đưa sự việc ra toà" “ bồi
thường sẽ cao hơn"... những ý định hoàn toàn khác với những điều mà kỹ sư Italo
mong muốn nhưng không hề tham khảo ý kiến của anh. Chiều đó, bị Italo chất vấn,
gã đã giải thích là phần thắng đã nắm chắc trong tay nên không cần phải thương lượng
để làm mất thì giờ. Renato còn giải thích là nếu Italo tìm được việc làm khác thì
vụ kiện sẽ được kéo dài và điều nầy càng thêm có lợi cho anh ta.
Suốt một
năm, Italo không tìm được việc làm. Tình hình kinh tế ở Milano vào những năm cuối
thập niên bảy mươi bắt đầu bất ổn định, và Italo cũng đã lớn tuổi, từng có một vị
trí cao trong hãng xưởng, nên không dễ tìm ra một chỗ làm tương xứng. Tính cho đến
ngày toà xử thì anh chỉ có một tiếp xúc khả quan cho một công việc mới, nhưng trên
thực tế thì chưa có ký kết gì. Renato biết tất cả những chi tiết đó nhưng gã không
hề bận tâm. Giả sử là việc ra toà thất bại,
dĩ nhiên là độ rủi ro cho thân chủ sẽ khá cao, nhưng phiá luật sư thì đâu có mất
mát gì! Được thì hưởng tất, còn thua, khả năng rất khó nhưng nếu xảy ra, thì kẻ
khác sẽ lãnh đủ chứ gã sẽ không bao giờ bị tổn hại, dù chỉ một nắm lông! Và những
toan tính ngấm ngầm nhưng chuẩn xác của gã đã được rắp ranh chờ ngày đem ra thực
hiện.
Buổi sáng họp toà tất cả đều tiến hành một cách
bình thường. Italo tin chắc là luật sư Renato sẽ bảo vệ mình nên rất yên tâm. Anh
đâu có ngờ là Renato chỉ tiếp xúc vài phút
với luật sư của phe đối nghịch trước khi vào họp, mọi việc đã âm thầm chuyển hướng.
Bất ngờ. Thiếu chuẩn bị để đối phó với tình huống mới, anh đã ký vào thoả thuận mà trước đây anh chưa bao giờ
nghĩ tới, thậm chí trong đó có cả việc sát nhập một vụ kiện khác về sự khác biệt
lương bổng và nhiệm vụ mà lâu nay anh đã bỏ nhiều công sức thu góp hồ sơ, mà theo
sự đánh giá của nhiều người biết luật, riêng vụ nầy thôi anh có thể sẽ nhận được bồi thường hơn nửa tỷ
lire. Số tiền thời ấy có thể mua được hai căn nhà lớn trong thành phố. Nhưng
trước sự thúc giục và giải thích của Renato là "không còn cách nào khác",
anh đâm ra lúng túng nên chỉ phản kháng nhẹ
nhàng và đã nhắm mắt ký vào biên bản. Trong thâm tâm, anh vẫn còn tin tưởng vào
sự chân thật của luật sư thân tín, nên đã hoàn toàn phó thác mọi quyết định vào
tay gã như một đứa trẻ con ngoan ngoãn. Lúc ấy anh chỉ nghĩ là một luật sư tin cậy
và tài năng đã làm như thế, chắc có một lý do bí ẩn nào đó. Lúc nầy chưa tiện, nhưng
thế nào Renato cũng sẽ giải thích cho anh hiểu lý do.
Nhưng những ngày sau đó Renato biến mất. Italo
ngạc nhiên vì trước đó cứ hai, ba ngày là họ thông tin cho nhau, nhưng anh kiên
nhẫn đợi chờ và mãi hai tuần sau Renato mới
gọi điện thoại, thực ra để thăm dò phản ứng của anh. Trong buổi điện đàm ấy, trước
những lời giải thích ấp úng, đầy mâu thuẫn
cùng với ngôn từ tráo trở, lật lọng
anh mới hiểu ra sự thật đau lòng mà trước đây anh không bao giờ dám nghĩ hay nghi ngờ gì. Anh đã bị lừa gạt, được dẫn dắt
cho đến khi mất việc để gài ban giám đốc công ty vào những khó khăn về pháp lý và
cuối cùng đã bị bỏ rơi. Renato đã không hề bảo vệ anh. Gã đã thoả thuận với phe
đối nghịch để gỡ rối cho họ, không đưa vụ kiện ra toà và phỗng mất số tiền mà lẽ
ra phải thuộc về anh. Kết quả thoả thuận mà anh đã được "khuyên" và ngây
ngô ký kết, chỉ là những mảng vụn rơi rớt trên bàn, còn chiếc bánh ngọt thì Renato đã ngang nhiên
cướp mất.
Với hàng ngàn lý do trong tay để thủ thắng, cuối
cùng Italo chấm dứt vụ kiện như một người có lỗi. Uất ức, anh cố tìm một bằng chứng
về sự phản bội nầy, nhưng anh quên rằng phần lớn luật sư là những tay lừa đảo chuyên nghiệp, không
khi nào bỏ lại bằng chứng. Sự tìm tòi của anh dĩ nhiên không kết quả.
Maria ngừng kể, nhìn ra ngoài trời, cô uống một
ngụm nước rồi hạ thấp giọng:
- Câu chuyện trên đây thực ra chỉ là một trong những vô vàn chuyện
lừa đảo trong đời. Có khi tàn nhẫn. Nhưng điều làm tôi ám ảnh và kinh hoàng bởi
vì viên kỹ sư kia chính là chồng của Teresa, cô em gái duy nhất của Renato.
- Khốn nạn!
Vợ tôi không kìm được yên lặng. Maria quay lại
nhìn cô và gật đầu đồng ý:
- Nhưng ngoài quan hệ gia đình, giữa Italo và
Renato còn có tình bạn. Chính lão Renato đã thú nhận là hơn hai mươi năm quen biết,
Italo luôn thương yêu và kính trọng lão ta như anh ruột của mình! Italo mồ côi cha
mẹ, quê ở miền Nam Ý. Sống ở thành phố Como, anh chỉ có gia đình vợ là thân thiết.
- Còn cô em gái?
- Hình như Teresa làm việc bán thời trong một văn phòng bảo hiểm. Đời sống của hai vợ chồng
trước đây chỉ dựa vào đồng lương của Italo nên tình hình lúc sau dĩ nhiên rất là
căng thẳng. Nhưng sau "áp phe "
thì Renato lẩn luôn. Gã tránh mặt để khỏi gặp em gái dù trước đó họ liên
lạc hằng tuần và thường gặp nhau .
- Gã giải thích ra sao với gia đình về sự xa cách
đột ngột nầy?
- Đơn giản thôi. Một hôm gã làm mặt giận rồi vắn
tắt giải thích cho hai con rằng Italo và Teresa là hai kẻ vô ơn. Gã đã giúp không
công, thế mà sau khi đã bằng lòng ký kết, bọn họ vẫn còn nuôi ảo tưởng là có thể
nhận được nhiều tiền hơn nên chẳng những không cảm ơn mà còn giận dữ và nghi ngờ
luật sư nữa. Một lối giải thích kiểu làm
ơn mắc oán.
- Vậy mà hai đứa con tin à?
- Chắc không hoàn toàn tin hẳn, vì bọn chúng thừa
biết tính tình rộng lượng của Teresa và Italo. Nhưng bọn chúng còn trẻ, không hiểu nhiều về pháp lý
và cũng chẳng buồn để ý đến chuyện người lớn. Chắc Renato cũng biết là các con bán
tín bán nghi, nhưng điều quan trọng là tụi nó không liên lạc được với họ, và để
đạt được mục đích này, một hôm gã làm như bị xúc phạm rồi cấm tất cả mọi người trong gia đình quan hệ với "lũ
bội bạc". Tất cả đều trôi chảy. Gã đóng kịch hay đến nỗi là ít người nhận
thấy tại sao những tật xấu, khuyết điểm của cô em gái hiền hậu sau biến cố mới xuất hiện mà trước
đây chưa hề có. Gã đã đánh lừa được nhiều
người tuy không đánh lừa được lương tâm mình.
- Tội nghiệp cô em quá !
- Phải. Chắc cô ta đau khổ vô cùng. Tôi nghĩ chẳng
phải chỉ vì tiền bạc, mà còn vì cách cư xử tàn bạo, tán tận lương tâm của Renato
đối với chồng mình. Đó là chưa kể đến nỗi đau vì tình cảm gia đình mất mát và sự
nhục nhã khi có một người anh như thế.
- Câu chuyện về sau thế nào?
- Hình như sau kinh nghiệm đau xót ấy, Italo không
còn gặp Renato nữa. Anh có gửi cho Renato một bức thư kèm với một món quà, để vĩnh
viễn khép lại món nợ, vì trước đây anh có hỏi thù lao nhưng Renato khẳng định là
sẽ bảo vệ hai vụ kiện miễn phí, coi như "chuyện trong gia đình".
Sau đó Italo đã quyết định bán tất cả những gì có được, dẫn vợ con ra ngoại
quốc rồi bặt tin luôn. Mãi nhiều năm về sau, Renato mới hay là vợ chồng anh đã qua
Á Căn Đình lập nghiệp.
- Trong bức thư ấy chắc toàn là những lời thoá
mạ và phẫn ức? Vợ tôi hỏi.
- Ngay lúc đầu tôi cũng nghĩ thế. Nhưng không.
Và đây mới chính là sự cao thượng của Italo. Trong bức thư hơn mười trang đánh máy, anh không hề than van,
phê bình hay phán xét mà chỉ nhắc lại những sự kiện và tình cảm chứ không hề có
một lời khiếm nhã. Nhưng chính vì thế mà nhiều năm sau, Renato phải thú nhận là cách cư xử của Italo đã cướp mất linh hồn của
gã.
- Thế sao? Anh ta đã viết gì vậy?
- Bức thư dài lắm, không
thể nào nhớ hết. Nhưng may là Renato hãy
còn cất giữ và tối hôm đó gã quên và bỏ lại ở nhà tôi. Những trang giấy
nhàu nhò, sau nhiều năm đã úa vàng và khó đọc nhưng tôi cũng còn nhớ một vài đoạn
chính: "Ban đầu tôi đã định đến thăm và nhìn thẳng vào mắt để cám ơn anh,
nhưng sau tôi nghĩ tốt nhất là viết cho anh
một bức thư. Lý do của sự chọn lựa nầy là ghi lại như một tài liệu, để giữ mãi những
sự kiện trong trí nhớ, mà dù đúng hay sai, đã trở thành kinh nghiệm chua xót nhất
đời tôi. Có một văn bản, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không dễ dàng quên vì những bận bịu khác trong đời. Với
ước muốn ấy, anh cho phép tôi ghi lại đây những kinh nghiệm mà tôi và anh đã cùng
trải qua suốt một năm ròng".
Sau đó anh kể lại những dữ kiện, những lời nói
và đánh giá của Renato về sự chắc thắng rồi nhắc lại mùa Giáng sinh, trước phiên toà chỉ ba
tuần lễ, hai anh em ngồi đối diện trước bàn ăn, cụng ly sâm banh thề hợp lực tranh
đấu, chống lại bất công. "Nhưng tôi không
muốn nhắc lại những chuyện nầy để giới hạn rằng quan hệ tình cảm của chúng ta chỉ
có bấy nhiêu. Chắc anh cũng thừa biết là xưa nay tôi vẫn kính trọng và quý mến anh
như một người anh cả, thành viên của một gia đình mà sống ở thành phố nầy tôi luôn
luôn thiếu thốn. Còn về phần vợ tôi, Teresa, tôi hy vọng là anh không có chút nghi
ngờ nào. Từ nhiều năm nay, cô ta không bao giờ
kể gì khác hơn là về anh trai mình, mà cô rất thương yêu và gắn bó. Cô ấy
luôn nói với tôi về anh, kể về quãng đời đã lớn lên và trưởng thành trong cảnh đói
nghèo như hai đứa bé mồ côi kể từ khi người cha bỏ rợi mẹ và gia đình; cô ấy nhắc
mãi về hoàn cảnh kinh tế khó khăn bên người mẹ khó tính vì thiếu thốn, kể về những
phấn đấu khó nhọc bên nhau trong những tháng năm dài để có thể sinh tồn. Tôi tin
rằng cô ấy sẽ mãi mãi mang trong lòng những kỷ niệm và tình cảm cao đẹp đã từng
dành cho người anh mà cô hằng kính mến". Và bởi những gắn bó ấy mà Italo
đã tin tưởng và đặt bút ký vào biên bản, chỉ vì anh- vợ- luật-sư khuyên bảo và hối
thúc. Nhưng sau vì không có lời giải thích của Renato anh đã đi tìm những giải thích
qua bạn bè hiểu chuyện, rồi tóm tắt: "Hôm
điện thoại, hai tuần sau phiên toà, anh muốn biết là tôi có bằng lòng hay không, vậy thì anh hãy đặt mình vào vị trí
của tôi để tưởng tượng thế nào là tâm trạng và hoàn cảnh thực: Để chống lại một
đề nghị có tính áp đặt, hoàn toàn trái ngược
với những điều đã thoả thuận bằng văn bản của công ty trước đó, tôi đã đến anh để tham khảo ý kiến rồi sau nhờ những
lời khuyên của anh tôi bị kéo vào giông bão, và mất việc một cách vô lý; bị xoá
khả năng trở lại nhiệm sở vì luật-sư-anh-vợ của tôi từ chối thương lượng với ban
giám đốc công ty nhưng tôi không hề được tham khảo trước; một năm mất việc, không
lương, với những lo âu, căng thẳng và tủi nhục rồi cuối cùng ký kết vào bản thoả
thuận như người có lỗi trong khi có cả nghìn lý do để thắng. Đó
là chưa kể đến chuyện đánh mất một vụ kiện khác mà tất cả những người biết luật
thường xem chắc sự bồi thường như một quỹ
tiết kiệm lâu năm. Còn hiện tại thì tôi vẫn chưa tìm được việc làm! Anh có bằng
lòng không, nếu ở vào vị trí của tôi? Còn phần tôi, xin thưa thật với anh, ngay
cả đối với những người mà tôi không ưa thích, tôi cũng chẳng nỡ cầu mong cho họ gặp phải cảnh ngộ nầy". Sau
đó Italo còn ví von: "Tôi như người đến
bác sĩ tin cậy để mổ khúc ruột thừa, và sau nhiều lần mổ xẻ, vì những lý do bí ẩn,
trở về nhà không còn thận, không còn gan và mất đi buồng phổi, nhưng khúc ruột thừa
vẫn còn chình ình ra đó". "Bạn bè trong công đoàn đã trách tôi đã không
uỷ thác cho họ về vụ kiện chắc thắng nầy,
có người trách tôi thơ ngây và quá tin "người" - cho đến lúc nầy chưa
có ai trong bạn bè biết luật sư là anh vợ của tôi, tôi không dám nói ra điều ấy chỉ vì tình
yêu, vì kính trọng và để giữ gìn danh dự cho vợ của tôi - còn những người khác còn
nổi giận, nói luật sư đã hại mầy và cần phải phản ứng. Nhưng để làm gì? Để tự mình
trả hận hay lao vào tố tụng một lần nữa khi không còn tin vào công lý? Không, vấn đề ở đây đâu có phải là luật pháp,
bỡi nó là vấn đề của lương tâm và lòng lương thiện". Nhưng chắc
chắn không phải nỗi đau vì mất mát vật chất
đã làm thương tổn tôi và em gái của anh.
Mỗi sự mất mác hay thu được vật chất
dĩ nhiên mang đến niềm vui và nỗi buồn, nhưng chỉ tạm thời, trước hoặc sau
gì cũng nhạt phai và biến mất, còn nỗi đau trong linh hồn, sự tàn phá những kỷ niệm
và giá trị gia đình...cần có thêm nhiều thời gian hay sẽ không bao giờ lành được.
Chúa ơi, tôi đau đớn nhìn thấy nỗi đau và sự tuyệt vọng của vợ tôi, và "cũng"
là em gái của anh, từ ngày ấy luôn thức trắng đêm vì thất vọng pha lẫn niềm ân hận
vì đã tin tưởng và giao phó tất cả mọi chuyện vào tay anh. Nhưng chúng tôi đâu có
thể làm gì khác hơn là tin ở anh mình"
Cuối thư còn có một đoạn khác: "Đành thôi! Tôi đã thất bại và thua kiện,
nhưng vẫn được an ủi rằng mình đã làm tất cả những gì có thể. Và dĩ nhiên tôi bước
ra khỏi câu chuyện đáng buồn nầy mà vẫn ngẩng cao đầu, không có gì phải ân hận hay hổ thẹn. Như một con người và
như một nhà chuyên môn.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy nghĩ đến chuyện khác và
để cho cuộc sống tiếp tục.
Với bức thư nầy, tôi xin gửi đến anh một món quà, để
vĩnh viễn đóng lại một chương đời có lẽ cay đắng nhất đời tôi, mà dù muốn hay không,
chúng ta đã cùng trải qua một năm dài căng thẳng. Có lẽ đây chỉ là một món quà khiêm
tốn, hoàn toàn khác với những gì tôi dự tính từ lâu, nhưng hiện tại tôi không thể
nào làm khác được, bởi lẽ đến giờ tôi vẫn chưa tìm ra một việc làm cố định. Nhưng
tôi tin là anh sẽ hiểu rằng những giá trị vật chất không thể nào thay thế được lòng
quý mến và tình cảm tốt đẹp mà xưa nay tôi dành cho anh. Một lần nữa tôi xin cảm
ơn anh về những ý định đã giúp đỡ tôi, dù
trong khi thực hiện nó đã đi qua một
khúc quanh khác, mà đến giờ vẫn chưa rõ lý do.
Nhưng xin anh đừng có bận tâm. Giờ nầy anh không cần
phải giải thích làm chi nữa. Tôi không có ý định viết bức thư nầy để than phiền,
bình phẩm hay phê phán gì anh. Tôi chỉ hy vọng là anh sẽ hài lòng và thoả mãn về những gì anh đã chọn.
Vã mong anh hãy sống yên bình và thanh thản
với linh hồn mình. Còn đối với tôi, câu chuyện buồn nầy đến đây là vĩnh viễn
chấm dứt. Tôi đã đau xót quá nhiều và không
muốn mở rộng thêm vết thương nầy nữa."
Món quà ấy ban đầu Italo
nhờ một người quen chuyển hộ, nhưng Renato đã tránh né không nhận nên sau anh phải gửi thư qua đường bưu điện. Vì
phong bì đánh máy và không ghi tên người gửi nên Renato cũng chẳng ngờ, gã mang tất cả thư từ ở sở về nhà và đặt lên bàn, chờ khi nào thuận
tiện sẽ đọc một lượt.
Một buổi tối ở nhà một mình,
Renato rảnh rỗi nên đem các thứ giấy tờ ra kiểm lại. Khi mở thấy thư của Italo, gã ngạc nhiên và chăm chú
đọc. Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, gã quẳng
bức thư xuống đất. "Thằng khỉ, đã ký rồi, bây giờ còn muốn gì nữa chứ".
Lúc đầu gã định cầm điện thoại chửi cho Italo
một trận, nhưng sau nghĩ kỹ, gã lại thôi. Nó đang còn ức, lỡ nổi nóng làm lớn chuyện
thì chẳng có lợi gì. Mặc! Muốn viết gì thì viết. Nhưng cái điều then chốt đâu có
phải là nói cho sướng miệng! Đằng nào thì mình cũng đã lấy tiền rồi, cứ làm tỉnh
chờ đợi một thời gian rồi thế nào đâu cũng sẽ vào đó. Nghĩ thế, gã mỉm cười vu vơ,
thầm phục cho óc thực tế và khả năng suy
nghĩ nhạy bén của mình. Gã cầm bức thư định
mang đi đốt, nhưng nghĩ sao, gã lại cất vào ngăn tủ.
Mấy ngày sau đời sống của Renato vẫn không có gì
thay đổi. Công việc dồn dập làm gã quên đi. Gã rất hài lòng vì vừa thay được chiếc xe hơi mới, lộng
lẫy hơn và sắp tới sẽ cũng sẽ thay toàn bộ bàn ghế mới trong villa mà không còn phải bận tâm về chi phí. Bức thư của Italo như chìm trong quên lãng của sự hài
lòng về cuộc đời xa xỉ và huy hoàng trong tương lai.
Nhưng một hôm tạm rỗi việc,
những dòng chữ của Italo bỗng nhiên gợi lại trong trí nhớ rồi thẩm thấu vào tâm
hồn gã. "Cho đến lúc nầy không có ai trong bạn bè biết luật sư là anh vợ của
tôi; tôi không dám nói ra điều ấy vì muốn
bảo vệ thanh danh cho vợ, bởi tình yêu và lòng kính trọng cô ấy". Lời lẽ mỉa mai, cay đắng mà gã yên trí là đã chìm quên,
thực ra được lưu trữ khắp nơi, chỉ chờ một phút yên bình của gã là liên tục dội
về. Bức thư khoá kỹ trong ngăn tủ cứ hiện lên, chập chờn trước mắt, như một ám ảnh
và gã hiểu là mình cần đọc lại.
Vào một chiều thứ bảy, lúc
vợ con đi mua sắm, Renato pha trà, ngồi nhâm
nhi bánh ngọt và đọc lại các thứ giấy tờ. Sau đó gã đi lấy bức thư của Italo. Nhưng
khác hẳn tâm trạng của vài hôm trước, những hàng chử lần nầy như những nhát dao
đâm vào tim gã. Những kỷ niệm của thời thơ ấu và khung cảnh gia đình êm ấm cứ lởn
vởn hiện lên trên từng trang giấy làm mồ
hôi như nỗi nhục tuôn ra trên mặt gã, làm
ướt đẫm cả hàm râu trắng.
Khi hàng chữ cuối cùng vừa
dứt, gã vụt chạy vào phòng tắm, đóng cửa. Người bồng bềnh như đang lênh đênh trên
chiếc mảng gỗ bị xua đẩy bởi muôn ngàn cơn sóng. Ruột gan gã đột nhiên co thắt, dồi lên, dập xuống...rồi ôm bụng ói ra,
rũ rượi. Gã nôn mãi cho đến khi không còn gì để ói ra ngoài được nữa. Thôi, thế
là hết. Lúc này gã mới thấm thía là tất cả
đã thực sự chấm dứt. Là không còn
gì nữa. Đó là một thứ chung cuộc của tình
huyết thống và từ nay gã sẽ không bao giờ còn gặp Teresa nữa. Nhưng đôi mắt hiền
từ, bao dung của người em gái dường như chờn vờn đâu đó, và đang âm thầm quan sát gã.
Gã chợt ngẩng đầu lên, nhìn
bóng mình trong gương và chợt thấy một thứ hình thù kì dị mà trước đây gã chưa bao
giờ trông thấy.
Và, đột nhiên, gã vụt lao
ra phòng khách. Gã lấm lét nhìn về phía cổng villa rồi vội nhét bức thư vào túi
áo. Cơn sợ hãi làm mồ hôi gã một lần nữa toát ra như tắm. Nếu vợ con tình cờ biết
được nội dung bức thư thì cuộc đời của gã sẽ hoàn toàn tiêu tán. Cái lớp sơn đáng
kính, giả nhân giả nghĩa của gã sẽ hoàn toàn đổ vỡ, những vết sơn phết bên ngoài
sẽ rớt xuống; và Chúa ơi, thần tượng mà lâu nay gã cố gắng vẽ vời sẽ hiện nguyên
hình, và sẽ chỉ còn là một khúc gỗ mốc meo.
Gã ngồi thừ như thế cho đến
lúc vợ con trở về nhà. Nhìn nét mặt bơ phờ của gã, vợ gã hốt hoảng: "Renato, anh không khoẻ phải
không?". Gã lắc đầu. "Mặt anh tái
mét thế kia! Anh thấy trong người thế nào?".
"Anh có cần gì không?". "Anh có cần em gọi bác sĩ không?". Gã làm thinh không đáp. Nhưng khi thấy vợ định cầm
điện thoại thì bất thình lình gã hét lớn: "Đã bảo không mà. Hãy để cho tôi
yên!". Vợ và con gã há hốc mồm kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên họ thấy chồng
và cha mình nổi giận đến thế. Mọi khi, nếu có chuyện gì không vừa ý, gã chỉ nhỏ nhẹ thuyết phục mọi người bằng lý lẽ. Và bằng thái
độ vô cùng trìu mến!
&
Kể
từ cái ngày định mệnh ấy, cuộc sống của Renato
hoàn toàn thay đổi. Những người thân bắt đầu nhận ra những thái độ và cách cư xử
khác thường của gã. Khi có điện thoại reo là gã chạy đến chụp ống nghe, điều mà
trước đây không ai thấy gã làm thế bao giờ. Gã trả lời điện thoại bằng một giọng
rất nhỏ, mãi lúc sau mới đổi lại giọng bình thường. Còn chìa khoá thùng thư ở nhà chỉ
còn mình gã giữ, sau khi đã "vô ý" làm gãy chìa khóa của vợ mà không có
thì giờ đi làm chìa khác. Gã kiểm soát thật kỹ các thư từ. Nỗi sợ là mọi người nhận được một bức thư khác của Italo thường làm
gã giật mình, nhất là khi có ai nhìn gã với
cái nhìn khác lạ.
Nỗi dày vò khốc hại bắt đầu theo gã như một bãi
đờm kinh niên, có khi lắng xuống nhưng cũng có lúc trào lên, ngạt thở, mà gã không
biết cách nhổ ra. Hậu quả tai hại của những
tình cảm phức tạp dần dần làm gã mất đi tính nhạy bén trong công việc. Sức khoẻ
của gã cũng bắt đầu lụi đi một cách thảm hại.
Ban đêm, hễ chợp
mắt là gã chìm vào những giấc mơ kinh dị. Gã giật mình tỉnh giấc và có khi thức
luôn đến sáng.
Nhưng không có giấc
mơ nào giống giấc mơ nào. Có đêm gã mơ thấy mình đi gặp Teresa để xin tha tội và
mang tiền trả lại cho vợ chồng cô. Nhưng Teresa đã lạnh lùng từ chối, và trước những
lời năn nỉ ỉ ôi lải nhải, cô đã hất xấp tiền vào mặt gã. Những tờ bạc bay lả tả,
vung vãi trên nền nhà.
Có đêm gã lại mơ thấy Italo, gã ôm chầm lấy anh để phân trần và yêu cầu thông
cảm, nhưng anh đã hất tay gã ra và giận dữ: "Anh không biết thế nào là danh dự và giá trị thiêng liêng của gia đình.
Tôi có thể bắn chết kẻ phản bội và tàn nhẫn như anh, hay gây thương tích để anh
thân tàn ma dại. Nhưng làm như thế chỉ bẩn tay và uổng đạn mà thôi. Mà giết anh
làm gì. Anh phải sống để suy nghĩ về hành vi đốn mạt của mình. Lương tâm sẽ dày vò và trừng phạt anh".
Những lần như thế mồ hôi
của gã toát ra dầm dề. Hơi thở dồn dập của gã lúc ấy làm gã có cảm tưởng như tiếng
ngọn roi của Italo vun vút quất vào mặt gã. Rồi gã thức cho đến sáng.
Nhưng không phải là gã chỉ mơ thấy Teresa và Italo. Có khi những
giấc mơ của gã lại hướng về phía gia đình mình. Nhiều đêm vừa chợp mắt thì gã thấy
Fausto, đứa con trai ngoan hiền của gã đang trừng trừng mắt nghiêm khắc nhìn mình:
"Ông đã làm cái gì vậy? Giờ biết những xa xỉ của ông do đâu mà có, tôi xin
chối từ. Đây, quần áo, đồng hồ, xe hơi, điện
thoại cầm tay...những đồ vật mà ông mua sắm...tôi không thèm xài nữa. Nó làm tôi
dị ứng, ngứa ngáy. Ông đã nghe chưa? Tất cả những thứ nầy là mồ hôi nước mắt của bao người, là cướp giật trên tay
của chú Italo, và của cô Teresa. Ông là đồ ăn cắp. Không, đồ ăn cướp. Kẻ cướp hèn
hạ nhất vì đã cướp nhờ lòng tin tưởng của em mình. Ông là đồ khốn nạn... "
Rồi những thứ quần áo, đồng
hồ, điện thoại... được ném vung vãi lên mặt gã. Gã đứng chết trân nhìn Fausto thu
xếp vài món hành lý để ra riêng. Gã giật mình thức giấc. Gã hú hồn khi thấy người
vợ vẫn ngủ say bên cạnh, nhưng mồ hôi của gã vẫn vã ra đầm đìa. Cổ họng cháy khô.
Gã đứng dậy đi lấy nước uống nhưng không
quên bước qua phòng các con, Fausto vẫn còn ngủ ngon lành trên giừơng, và từ phòng
bên kia tiếng ngáy của Roberto vẫn đều đều vọng lại. Hú vía! Câu chuyện bí mật kia
vẫn chưa ai trong gia đình hay biết. Nhưng
không hiểu sao gã vẫn chưa thấy yên tâm. Lúc nào gã cũng có cảm giác rằng
có một đôi mắt vô hình, không biết rõ ở đâu, vẫn thường xuyên quan sát và theo dõi
gã. Từng ngày.
Cứ thế, những giấc mơ kia,
hay đúng hơn là những cơn ác mộng, từng đêm hiện về trong giấc ngủ, như một lưỡi cưa cùn, cứa đi cứa lại trong trong
tiềm thức của gã luật sư. Nó âm thầm hành hạ gã, nhưng tự ái và lòng kiêu hãnh không cho phép gã nói ra sự thực để trút đi gánh
nặng trong lòng. Ray rứt vì thế không thể nào giải toả, ngày càng tăng thêm cường
độ, đến nỗi về sau có nhiều đêm gã không còn khả năng để hoàn thành nhiệm vụ làm
chồng. Ban đầu gã cũng còn hăm hở lắm, nhưng
chỉ nửa cuộc rồi đành bỏ dở. Buông xuôi. Sự kích thích như quả bóng xì hơi,
để trả lại cho gã một thứ bầy nhầy, mềm nhũn. Gã bẽn lẽn rời bụng vợ để quay ra
ngủ, tảng lờ như không nghe thấy tiếng thở dài khe khẽ của vợ.
Rồi chỉ sau mấy tháng mà gã đã già sọm đi. Những đêm mất ngủ làm đôi mắt
gã thụt sâu và thâm quầng. Cái dáng cao lớn và bệ vệ của gã cũng không còn và những
vết nhăn như hằn său thêm lên mặt. Từ đó gã càng để râu thật dài để che đôi má hóp.
Nếu ngày xưa gã rất chú trọng đến cách ăn mặc bao nhiêu thì bây giờ hình như gã
không còn để tâm đến nữa. Gã đến văn phòng với cách ăn mặc xuề xoà, nhiều khi không
mặc com lê hay mang cà vạt, còn nét mặt và
tia nhìn thì đờ đẫn như kẻ vô hồn, mất hẳn nét tinh anh.
Rồi cứ thế nỗi đau trong lòng gã không sao xoá nổi. Nó gắn
liền với hình hài gã như một khuyết tật phải mãi mãi mang theo. Nó lớn dần với thời
gian như một bướu ung thư, đến nỗi lấn áp cả lòng kiêu hãnh và sự kiêu căng, thường tự xem mình là một luật sư bậc nhất.
Hơn một năm sau, gã tưởng
mình phát điên lên. Dạo ấy cũng gần ngày lễ Giáng sinh, và ánh đèn màu đã ám ảnh
linh hồn Renato, nhắc gã quay về với những kỷ niệm cũ với em gái. Gã không hiểu
tại sao mình đã vào nhà thờ cầu nguyện để
xin tha tội, dù đã hơn mười năm gã không hề bước chân vào một nơi thờ phượng. Nhưng
lúc bước ra gã chợt hiểu là nếu không phải nghe Italo và Teresa nói lên lời tha
thứ thì lương tâm của gã sẽ không bao giờ yên ổn.
Sau lần ấy tinh thần của
gã hoàn toàn suy sụp. Những thay đổi trong cách hành xử trong gia đình và trong
công việc càng ngày càng thêm đậm nét. Nhiều lúc gã như người đãng trí. Đang làm
một việc gì đó, gã bỗng dưng thẫn thờ, xa vắng rồi đột nhiên đánh mất mọi khả năng
tập trung tư tưởng. Có khi gã nói lẩm bẩm như người tụng kinh, có lúc lại mơ màng
như người đang sống trong một thế giới nào xa lạ.
Công việc chuyên môn của gã vì thế xuống dốc một cách thảm hại. Thân chủ bỏ đi, bạn bè xa lánh.
Vợ con gã vô cùng lo lắng.
Họ gửi gã đến khám bác sĩ thần kinh. Nhưng những lần khám và tái khám chỉ làm tình
trạng của gã thêm trầm trọng. Còn bác sĩ tâm thần, sau một thời gian thử nghiệm
rồi cũng bó tay. Cuối cùng chỉ còn cách cho nhập viện tâm thần. Họ phải chọn giải
pháp đó sau lần gã định tự tử nhưng bị phát hiện và ngăn cản.
Sau đó luật sư Renato
trốn khỏi bệnh viện tâm thần. Đêm đó là một tối thứ bảy, nhân viên và y tá bận đi
chơi nên gã đã thoát ra một cách khá dễ dàng. Gã đón xe về nhà thì đã gần mười giờ
đêm.
Nhìn thấy ánh đèn
phòng ngủ còn chiếu sáng, lòng gã rộn rã niềm vui. Mấy tháng qua gã thấy thật tù túng và ngột ngạt trong viện tâm
thần. Giờ thì gã sắp được gặp lại vợ con, những người thân.
Vì cổng villa chỉ
khép hờ nên gã băng qua vườn, vào thẳng và
bấm chuông cửa. Gã chờ đợi khá lâu mà không
có ai trả lời. Chắc hai đứa con trai đi chơi chưa về. Gã bấm chuông tiếp. Mãi một
hồi lâu mới nghe tiếng lẹp xẹp bước trong nhà và nghe tiếng vợ gã:
- Ai đó?
- Anh đây, Renato đây!
- Hả....? Anh hả.... Chờ
em một chút!
Renato phải đợi một lúc lâu thì cửa mới
mở. Gã nhìn thấy đầu tóc vợ gã rối bù, chiếc áo ngủ như quàng lên vội vàng, và gã đã tinh ý nhận thấy
một hột nút cài không đúng chỗ. Vừa bước vào nhà, vợ gã vội vàng đóng sập cửa lại.
Gã mơ hồ nghe như có một tiếng động rất khẽ ở phía cửa sau, và dường như có tiếng
chân bước nhẹ vòng qua villa đi về phía cổng.
- Em đang làm gì vậy?
- Em đang ngủ. Chiều nay lau sàn nhà, em mệt quá! Vợ gã vừa nói vừa che tay ngáp dài rồi dụi mắt
như người còn đang ngái ngủ. Gã bíêt ngay
là cô ta nói dối. Ánh mắt cô ta chỉ hiện
lên vẻ bối rối chứ không có chút mừng rỡ nào vì được gặp lại chồng.
Tối hôm đó Renato không sao ngủ được. Gã trằn
trọc suốt đêm. Mãi đến gần sáng gã mới chợp
mắt được trong giấc ngủ đầy mộng mị. Trong mơ, gã thấy vợ mình đang hùng hục, rướn
người làm tình với thằng sửa xe, goá vợ, ở gần nhà. Gã hình dung đến những bắp thịt
của nó, nổi vồng trên những cánh tay và đôi chân chắc nịch, lòng gã buồn vời vợi
cho cái "bộ phận " khiêm tốn của mình, những lúc sau này không hoàn thành "nhiệm vụ",
trừ chuyện bài tiết thông thường. Gã thức giấc, chắc lưỡi thở dài, rồi thức luôn
cho đến sáng.
Trong những giây phút khắc khoải đợi bình minh
đó, Renato chợt nhớ lại buổi họp mặt gia đình ăn uống vào dịp Giáng sinh, ba tuần
lễ trước phiên toà định mệnh. Sau khi nghe Italo thông báo kết quả các tính toán của bạn anh
làm việc ở phòng tài vụ thì vụ kiện
sa thải trái luật, có thể anh sẽ được bồi thường khoảng ba bốn trăm triệu
lire, kể cả tiền bồi thường danh dự, và phạt công ty về cách đối xử thô bạo với
nhân viên mà công ty đã làm. Số tiền sẽ còn
cao hơn nếu Italo không muốn trở lại làm việc với công ty, vì luật pháp sẽ buộc công ty phải tái nhận anh, trả tất cả những tháng
lương kể từ ngày anh nghỉ việc đến ngày đi làm lại, vì công ty đã vi phạm luật. Đó là
chưa kể đến vụ kiện thứ hai về sự khác biệt lương bổng có liên quan đến chức vụ
giám đốc kỹ thuật mà Renato đã giữ suốt mười năm ở công ty mà luật sư Renato vừa
gửi hồ sơ ra toà án: vai trò quan trọng và
đầy trách nhiệm của anh đã không được thừa nhận như một "super manager" vì công ty áp đặt và chỉ trả lương cho anh như một nhân viên kỷ thuật thông
thường. Riêng vụ này, nếu tính cả lạm phát cùng lãi suất của mười năm, sự bồi thường
thiệt hại của công ty có thể lên đến hơn
năm trăm triệu lire. Những tính toán đó hoàn toàn phù hợp với những kết quả mà phòng
tài chính của văn phòng luật sư Renato đã nhờ cố vấn.
Renato nhớ rất rõ là chính gã đã trình bày lại
với vợ, và lúc mọi người còn ở trong nhà bếp, vợ gã đã nói bằng giọng đầy ganh tị:
"Italo, Renato nói chú sẽ trở thành tỉ phú. Chú sẽ làm gì? Chắc sẽ nghỉ làm
chứ? "Chính Renato lúc đó cũng đã phải đỏ mặt vì sự sỗ sàng của vợ. Gã còn nhớ câu trả lời của Italo: "Bạn bè
em và công đoàn đã tính toán thế. Hy vọng vậy. Em đặt tất cả niềm tin vào sự hỗ
trợ của anh Renato. Vợ chồng em sẽ đền bù xứng đáng công lao và khó nhọc của anh" "Đừng lo, anh em trong gia đình mà! Anh sẽ
giúp miễn phí cho hai vụ kiện."
Renato nhớ là mình đã trả lời như thế. Vợ gã không
nói gì lúc đó, nhưng sau bữa tiệc thân tình, tối đó cô mới cằn nhằn: "Thằng
Italo sẽ trở thành tỉ phú. Còn anh, anh giúp nó thì sẽ được cái gì? Nó được của,
mình lại tốn công. Hừ, miễn phí? Anh là đồ ngu!". Suốt đêm đó Renato cũng không
chợp mắt, thời cơ trong tay, mất đi, biết
bao giờ trở lại?
Renato thở dài. Gã hình dung cái cảnh vợ gã rướn
người ôm lấy thằng thợ sửa xe rồi nhìn cái của nợ chỉ còn nhiệm vụ bài tiết của
mình, rồi nghĩ đến những đổ vỡ của công danh sự nghiệp, lòng gã thật xót xa. Rồi
gã đùng đùng nổi giận. Chính con đàn bà đang ngủ say sau khi hành lạc với người
đàn ông khác đã gợi ý rồi xúi gã chụp lấy cơ hội để phỗng lấy món tiền mà lẽ ra
phải thuộc về người em rể. Và kết quả là gã đã vĩnh viễn đánh mất tình máu mủ, thân
tàn ma dại và sự nghiệp tan tành. Renato dợm đứng lên, muốn đấm cho vỡ mặt con đàn
bà hư thân trắc nết kia. Nhưng lúc sắp giáng xuống quả đấm chứa đầy phẫn uất thì
bỗng gã dừng tay lại.
Đúng là con đàn bà này đã xúi gã thực. Nhưng dù
sao thì trong phiên toà hôm đó, chính gã, và chỉ có gã mới là người điều khiển cuộc
chơi, và là người duy nhất có khả năng quyết định. Bây giờ gã còn biết trách ai.
Mồ hôi hổ thẹn và nhục nhã toát ra làm gã ướt cả lưng. Gã đứng lên, thay
quần áo, mở khoá lấy theo bức thư của Italo rồi bước qua phòng nhìn hai con đang
chìm trong giấc ngủ vô tư rồi lặng lẽ bước ra khỏi nhà.
Từ đó
Renato không về lại với gia đình nữa mà đi tìm sự bình yên của tâm hồn trên
đường phố. Một tâm lý phức tạp nào đó đã thúc đẩy gã cắt đứt những ràng buộc với
tất cả mọi người để sống một đời cô độc.
Rồi thời gian làm hằn thêm nếp gấp, gã đã biến
thành một kẻ lang thang. Một gã lang thang tóc trắng. Gã bắt đầu uống rượu và cuộc
đời mới đã làm gã già nhanh trước tuổi.
- Tôi còn nhớ là khi nghe Renato kể lại câu chuyện,
tôi không dám nhìn thẳng vào gương mặt của lão ta. Nó như được nắn bằng sáp và đang
bị ngọn lửa trong lòng nung đốt nên biến hình, méo mó. Cái nhìn của lão lúc đó vừa
khổ đau, vừa bẽn lẽn, nhưng hình như cũng có pha một chút thoả mãn của người vừa
quẳng được một chút gánh nặng trong lòng.
Thứ tâm trạng của người bất thình lình nhổ được một bãi đờm ngạt thở xuống tấm thảm
quý lót nền vào lúc có khách. Để tránh tia nhìn ngượng ngùng ấy, tôi giả bộ bước
ra balcon để lấy thêm chai nước suối. Lúc ngước nhìn bầu trời đêm lơ lửng những
vì sao heo hút, mờ ảo trên cao, như lẩn trốn những ánh đèn màu chăng khắp nẻo đường, tôi tự hỏi có
phải vì không khí Giáng sinh mà lão đã nhìn tôi qua lăng kính của người em gái,
nên đã thố lộ tâm sự với tôi, nhưng đích thực trong lòng lão là xin tạ tội với người
em gái kia chăng?
Sau đó lão đòi về. Nhất định không chịu
nán lại, mà tôi cũng không còn muốn giữ khách. Lúc lão bước xuống xe, tôi bắt tay
từ giã. Lão cứ đứng im, bàn tay sần sùi thô
kệch, sầu não nắm lấy bàn tay mảnh khảnh của tôi, nhưng mắt cứ đăm đăm nhìn ánh
đèn màu bên kia bờ sông Tevere. Ánh mắt lúc đầu sáng rực, sau đó, đột ngột chuyển
qua long lanh, như có dòng nước nhỏ đang từ khoé, tuôn ra.
Nghe
Maria kể xong câu chuyện, bỗng dưng tôi mơ hồ cảm thấy một mùi tanh tanh trong không
khí. Cuộc sống lăn lóc hỗn độn ngoài kia như
đang mang theo một mùi xú uế tràn vào. Lạ thay! Ngày xưa suốt những tháng
năm trọ học bên những căn nhà ven thành phố
Sài Gòn, trên những dòng kênh nước đục, nhưng tôi chưa bao giờ cảm nhận cái mùi
ngột ngạt khó thở thế này. Trời tanh. Đất tanh.
Một mùi hăng hắc cứ bám vào mũi.
- Anh đang nghĩ gì vậy?
Tôi giật mình bước ra khỏi
trạng thái nhờn nhợn đó, nhìn Maria rồi trả lời:
- Tôi đang nghĩ về những kẻ đánh mất nhân phẩm,
ăn cướp vì lòng tham chứ không phải vì đói khát!
Maria chỉ khẽ gật đầu rồi nhìn tôi chứ không nói
gì thêm.
Mãi lát sau cô mới nói:
- Đã năm năm nay tôi không gặp lại lão tóc trắng.
Nhưng không bao giờ tôi quên nổi đôi mắt ấy. Và có lẽ suốt đời tôi không bao giờ
quên được cái dáng xiêu vẹo của lão đứng nhìn tôi bước lên xe sau khi đưa lão trở
lại "nơi cư ngụ". Lúc ấy tôi bỗng
thấy đôi mắt lão có cái gì như hốt hoảng, như
cố hình dung lại một mùa Giáng sinh
năm nào trong cái gia đình đầm ấm mà lão đã lỡ lầm đánh mất. Chỉ vì lòng tham bệnh
hoạn mà những giá trị thiêng liêng kia đã mãi mãi vuột khỏi tầm tay.
Sau đó
thì lão biến mất. Tôi đã tìm khắp nơi trong thành phố Roma nhưng không tìm thấy
bóng lão đâu. Tôi đã nhờ các cơ quan liên hệ hỏi thăm cùng khắp. Có người đặt nghi
vấn là có thể lão đã chết, nhưng tôi tin là không thể nào chuyện ấy có thể xảy ra.
Tôi sẽ biết ngay qua mạng lưới thông tin của cơ quan Caritas, qua các City Angels
hay của các văn phòng trợ giúp xã hội trong thành phố. Và dù không có bằng cứ gì
chắc chắn nhưng tôi vẫn tin là lão đã chạy về một thành phố khác ở miền nam Roma,
như Napoli chẳng hạn. Có thể có những lý
do bí ẩn nào khác nhưng tôi tin là lão không muốn gặp lại tôi, người đã biết rõ
những ẩn tình. Thố lộ một tâm tư thầm kín sẽ làm chúng ta vơi đi những ray rứt và
giảm bớt giày vò. Nhưng chỉ nói được với
một người ngoại cuộc, lão sẽ không bao giờ xoá bỏ được nỗi đau. Ngược lại nó chỉ
làm lão thêm hổ thẹn nếu một mai có gặp lại tôi, vì lão mang trong lòng cái mặc
cảm của người ăn cắp và bị bắt quả tang hay cái mặc cảm của kẻ mang nợ mà vẫn chưa
trả được. Đời lão chỉ có thể có lời tha thứ của Italo và Teresa thì niềm đau kia mới hết. Nhưng hai người đáng kính
và đáng thương kia đã đoạn tuyệt với mảnh đất nầy, và đang ở bên kia nửa vòng trái
đất. Dù sẽ không có ai chết cả, nhưng họ sẽ rất khó lòng gặp nhau trong cuộc sống
nầy. Còn khả năng là lão sẽ đi tìm cái chết? Tôi không bao giờ tin là điều ấy có thể xảy ra,
mà dầu cho là có đi nữa, chưa chắc lão có thể thực hiện được ý định quyên sinh.
Sống thì rất khó mà chết cũng chẳng phải dễ đâu. Sống và chết đâu có phải tuỳ thuộc ở mình. Lão sẽ còn phải tiếp tục trả
giá cho hành động táng tận lương tâm của mình thêm nhiều năm nữa.
Milano, Febbraio 2000
T.V.D
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét