Cũng đã vài tháng trôi qua, kể từ ngày họ
quen nhau. Lần đó, Huân từ Tuy Hòa về thăm quê, và nhân tiện gặp gỡ với nhóm
bạn văn nghệ địa phương quen biết. Anh em tổ chức một cuộc họp mặt, vui chơi,
nói chuyện thơ văn. Dân văn nghệ ở đâu cũng thế, ngồi với nhau, phải có chút
bia rượu mới vui. Thanh yêu thích văn nghệ, cũng tập tành viết lách, và
lần đó được bạn nữ làm thơ kéo đi chơi. Cũng tình cờ anh được sắp xếp ngồi bên
cô. Qua bạn bè giới thiệu, biết được anh là Trần Huân, cô rất vui. Trước đây,
qua một trang web của người Bình Định, cô có đọc vài tác phẩm của anh.
Không hiểu sao, đọc văn anh, cô có sự đồng cảm, đúng hơn là một rung cảm thật
sự với những dòng văn ngắn gọn, súc tích, và như có dư ba. Thực ra, anh cũng
chỉ là một người viết địa phương, chẳng có tiếng tăm gì, nhưng đọc văn anh, cô
thấy thích, thế thôi. Lần đầu gặp, giữa không khí bạn bè uống rượu, đọc thơ,
hát hò vui vẻ, họ cũng chẳng chuyện trò riêng tư gì nhiều. Cô kín đáo săn sóc
anh, và anh đáp lại bằng nụ cười tươi, với ánh mắt trìu mến. Cuối buổi gặp, cô
có nói với anh rằng cô đã đọc mấy cái truyện ngắn của anh và thấy thích. Anh
bắt tay cô, nói lời cảm ơn và vội vàng nhảy lên xe của bạn đang nổ máy
chờ!
Một hôm, cô đang coi hàng, thì đột nhiên có một số điện thoại lạ gọi đến. Tò
mò, cô bấm máy lắng nghe. Anh xưng tên, nói mới về Quy Nhơn, hỏi tìm được số
máy của cô, gọi xin cô được gặp. Và bây giờ họ ngồi với nhau tại quán cà phê
khá sang ở bên bãi biển Quy Nhơn.
- Anh có biết đất hai vua không?
Huân hơi ngớ người khi nghe Thanh hỏi vậy! Lần đầu anh nghe một cái tên sang
trọng như thế nói về một vùng đất của Bình Định. Huân lục vấn ký ức, tra cứu
kiến thức trong đầu. Dù gì anh cũng là một giáo viên dạy Sử và trong phút chốc
trong bộ nhớ của anh lóe lên một tia sáng. Huân mỉm cười, chậm rải trả lời:
- Đồ Bàn là kinh đô của vương quốc Chăm
Pa xưa, một thời bị bỏ hoang. Khi
Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, đã cho xây dựng kinh đô tại đó, và gọi là thành Hoàng
Đế. Thành nằm trên một vùng gò đồi, xung quanh là đồng ruộng, nay thuộc thị
xã An Nhơn. Sau này Nguyễn Ánh chiếm thành, đã đổi tên là thành Bình Định. Vậy
ra em đang ở Bình Định, thị xã An Nhơn?
- Vâng, nói chính xác em là người Nhơn
Hậu, An Nhơn. Quê em nằm bên thành Hoàng Đế! Đó là vùng đất hai vua Chiêm,
Việt. Nay thì không còn gì, ở thành cũ chỉ còn đôi sư tử đá dấu tích Vijaya xưa
của vua Chiêm, mà khi xây thành vua Việt Tây Sơn làm vật trang trí, xa xa là
tháp Cánh Tiên…Cả một vùng đất kinh kỳ xưa, bây giờ chỉ là một khu bình địa,
xung quanh là đồng ruộng, dân cư an bình. Thế mới biết sự biến đổi của thế gian
ghê gớm thật!
Nói tới đó, hai người rơi vào trạng thái tĩnh lặng. Hình như họ cùng cảm khái
về sự mất còn của những triều đại vua chúa một thời huy hoàng oanh liệt, cuối
cùng cũng chỉ còn sót lại những vật thể vô tri, và những nấm cỏ trên gò phất
phơ trước sương gió, lạnh lùng qua năm tháng. Hồi lâu họ như sực tỉnh, mời nhau
uống nước, và cùng nhìn phía biển xa xa. Biển đối với hai người thì có gì xa
lạ, hai người ở cách xa nhau vài trăm cây số, nhưng nơi nào cũng có biển, và họ
là người cùng quê. Biển của tuổi thơ thời đi học, sáng sáng vẫn ngắm nhìn và
thỉnh thoảng ùa xuống tắm. Biển của thành phố Tuy Hòa, biển của những lần về
thành phố Quy Nhơn. Và bây giờ, biển đang vỗ sóng, cách chỗ ngồi của họ vài ba
trăm mét.
Lần gặp này, Thanh mạnh dạn nói lên cảm nghĩ của mình về những tác phẩm của
Huân mà cô được đọc. Cô nói rất chân thành: “Không hiểu sao với anh, em cảm
thấy như đã quen nhau từ lâu lắm. Lạ thật, chỉ với vài ba câu chuyện anh
viết mà em được đọc, đã để lại trong em ấn tượng sâu đậm đến vậy! Em cũng
không hiểu vì sao?” Huân rất vui sao lại có người đọc hiểu tâm tư mình một cách
sâu sắc. Một đời người viết lách, mà có được những người đọc tri âm như thế,
đáng quý biết bao!
Huân kể cho Thanh nghe về cuộc sống vất vả của mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học
Sư phạm, anh được bổ nhiệm về dạy tại một trường trung học ở Tuy Hòa. Nhưng vì
lý lịch gia đình không tốt, sau năm 1975 anh phải rời bục giảng. Những ngày vất
vả mưu sinh. Bây giờ thì ổn rồi, con cái đều phương trưởng, kinh tế gia đình
tương đối ổn định. Năm bảy năm gần đây, anh chỉ viết lách để làm vui.
Thanh cũng chẳng ngại ngùng bộc bạch. Cô cũng đã từng là một giáo viên dạy Văn,
nhưng rồi phải bỏ nghề vì có một gia đình phải cáng đáng, mà đồng lương giáo
viên khi đó thì không nuôi nổi cô, chứ nói chi phải lo cả một ông chồng thất
nghiệp, cùng với một đứa con gái đang chập chững biết đi. Ban đầu là chạy chợ
kiếm thêm, sau đó quẫn bách quá, cô cương quyết bỏ nghề, tập trung vào buôn
bán, nuôi sống cả gia đình. Khi cuộc sống gia đình đi vào quỹ đạo ổn định, hai
đứa con gái đã vào đại học, thì ông chồng sinh ra đổ đốn, bồ bịch linh tinh, cô
biết được nhẹ nhàng khuyên can, thì hắn trâng tráo bảo do cô không sinh nổi một
đứa con thừa tự, nên hắn phải ra ngoài mà kiếm chút trai nối dõi tông đường.
Thế là mâu thuẫn gia đình ngày càng trầm trọng, và cuối cùng họ chấp nhận ly
dị, sống xa nhau. Đi qua một quãng đời đau khổ như đến tận cùng, bây giờ cô
thanh thản vững bước trên trường đời. Hai đứa con gái mà cô phải vất vả giành
phần nuôi, đều đã tốt nghiệp đại học, có chỗ làm ổn định, và cũng đã yên bề gia
thất. Thế là tốt rồi. Một mình cô sống trong một căn nhà ở phố, trước là một
cửa hàng nội thất, thu nhập cũng khá. Giờ thì cô giao tất cho người làm, buôn
bán nhì nhằng cho vui thôi. Với số vốn hiện thời, thì cô cũng đủ sống suốt đời.
Làm lắm, giàu có, sau này cũng chỉ vợ chồng con cái nó hưởng. Cô cũng đã năm
mươi, tuổi già đến nơi, phần đời còn lại phải sống vui đủ, tội gì mà bon chen
vất vả mãi….
Nghe chuyện của Thanh, Huân chẳng biết nói gì hơn, chỉ ngậm ngùi chia sẻ. Đột
nhiên anh hỏi:
- Chúng mình cả một đời lận đận, nhưng biết tiếng lòng của nhau. Anh muốn có một
người bạn tri kỷ. Em có là người đó không?
Thanh thoáng hồng đôi má, hướng cái nhìn về những con sóng đang rập rờn ngoài
xa. Hồi lâu cô nói, giọng như thầm thì với gió:
- Anh nói chi đến chuyện tri kỉ, vì đời người đâu dễ dàng có được. Em chỉ là
một khách tri âm. Thế cũng đủ vui rồi, anh nhỉ?
22.4.2012
N.Q.Q
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét