Thầy A chắc chắn không bị tâm thần. Một
thầy giáo còn đứng trên bục giảng thì không thể tâm thần được. Muốn gì thì muốn!
Rất ít khi thầy cười, trừ phi trên bục
giảng. Vừa giảng vừa cười chả ảnh hưởng gì đến ai và cũng không khiến lũ học
trò dưới lớp chú ý bài giảng hơn. Chúng còn nhiều việc: nói chuyện riêng, ném
giấy, nhắn tin và chơi điện tử trên điện thoại. Tiếng thầy giảng văng vô tường,
bắn lên trần lớp học và nó nở pháo hoa xuống mặt thầy. Trong khoảnh khắc ấy
thầy A chỉ biết cười. Một thứ gì đó lờ
mờ, đục đục, vô diện hiện tại, một mớ bòng bong chằng chịt, người ngợm thợ
thầy, danh vị, đức tài, chữ nghĩa, sang hèn, tất cả đều mong manh, khập khềnh,
huyền hồ đổ xô vào khoảnh khắc ấy. Mỗi ngày. Đều đặn. Không sót ngày nào.
Thầy thầy dạy thêm! Trường trường dạy
thêm! Thế giới của bọn trẻ con nháo nhào vì đi học thêm. Chúng chẳng còn chút
thời gian nào để chơi, ngủ và những làm thứ linh tinh khác. Vì thế đến trường
thay vì để học nhưng chúng chơi, ngủ và làm những thứ linh tinh khác như triệu
triệu, tỉ tỉ trẻ con trên thế giới này.
Thầy A không dạy thêm để lấy tiền! Một
người thầy chân chính nhất quyết không buôn chữ! Lớp phụ đạo của thầy lúc nào
cũng đông học sinh, đến mức trồi cả ra ngoài cửa lớp. Dạy phụ đạo miễn phí bao
giờ cũng đông. Tựa như con nhà nghèo bao giờ cũng có số lượng áp đảo con nhà
giàu. Đồ điên! Cô X, thầy Z nhếch môi ngó qua lớp thầy A nói thầm trước khi gõ
bàn, trịnh trọng kết thúc buổi dạy thêm rằng: Các em thân mến, là con ngoan trò
giỏi chúng ta không quên nhiệm vụ quan trọng là đóng tiền trước khi ra khỏi lớp
nhé! Tôi đếm số học sinh rồi đấy…!. Ô hô, trong rất nhiều cái chuẩn, cái chuẩn
phụ huynh phải tôn trọng ưu tiên là “chuẩn của chuẩn” thầy cô vừa mới nhắc đấy nhé. Nếu không con
em chúng ta sẽ bị nốc ao.
“Đồ điên”. Giống như đồng nghiệp, vợ thầy
A luôn miệng “tặng” câu ấy cho thầy kèm theo một tràng dài kể lể những chuyện
“điên hết sức” của thầy. Có điều âm lượng được khuếch đại đến mức các vị hàng
xóm đáng kính, cũng là phụ huynh học sinh của thầy A, lúng túng không biết trả
lời ra sao khi con hỏi: thầy của con điên thiệt hả mẹ? À, con đừng tin cái điều con đang nghe, thầy
cô đang đùa nhau đấy. Cuộc sống đôi khi buồn quá nên phải đùa cho vui. Ơ, đùa
mà thầy phải bỏ ra khỏi nhà ngay lúc đang mưa gió thế này à? Con không nghe vợ
thầy nói sao? Nhà dột, dột từ nóc. Có lẽ thầy A đi tìm cái gì đó chống dột. Đứa
bé trút tiếng thở dài như người lớn. Tự dưng nó lo lỡ thầy không chống được
dột…
Gió bạo ngược. Mưa hung hăng, quất mạnh,
thầy A bị hất bạt đi. Cái lạnh thấm dần, luồn lách cái thân thể một dúm thịt
xương của thầy. Một người thầy, một thằng thầy một nó, một hắn… Nỗi ám ảnh cứ
mỗi ngày lan tỏa thấm sâu, rồi chui vào ngóc ngách xương thịt, làm cho cơ thể
thầy A bùng ra sắp vỡ tan như căn bệnh nan y nghiệt ngã đang hoành hành cơ thể
thầy. Thầy A không trách vợ. Vợ thầy nói đúng. Chỉ có điên mới đem hết công
sức, tâm huyết dốc vào cái lỗ dột của trường học. Nếu khôn thì hãy như thiên hạ
khoét cho rộng ra một tí cái lỗ dột ấy của trường đem lấp vào cái lỗ dột nhà
mình. Thiên hạ người ta đang ào ạt làm thế. Họa có điên đem muối bỏ biển, một
mình thầy thì làm gì lấp được với cái lỗ dột lớn thế?!
***
Người điên không bao giờ bàn đến nhân
cách. Thầy A không điên. Chắc chắn! Thầy nhìn rõ hai lớp của gã mang tên nhân
cách. Lớp vỏ để chưng ra cho thiên hạ ngắm. Lớp bên trong nép kín khin khít
trong mỗi người nhưng có nội lực vô cùng ghê gớm. Đôi khi quá cần ánh sáng nó
sẽ chòi đạp rách lớp vỏ kia ra.
Thầy A thấy nhân cách mình xuống cấp.
Chẳng khi nào thầy dám đứng trước tấm gương. Thầy nhắm mắt khi coi thi tốt
nghiệp. Thầy nhắm mắt trong bối cảnh nhiều người cùng nhắm. Nhân cách bên trong
bỗng dưng quẫy đạp yêu cầu thầy giữ đúng vai trò một giám thị. Lớp vỏ nhân cách
gằn giọng: đồ điên! Tỉ lệ chuẩn phải là một trăm phần trăm. Đừng khác người,
tiếp tục nhắm mắt đi. Nhân cách bên trong phản ứng yếu ớt: chúng ta phải đảm
bảo một kì thi nghiêm túc. Nhưng khi giả dối tràn lan, thậm chí người ta thấy
nó bình thường thì khẩu hiểu kia có giá trị gì – lớp vỏ nhân cách bình thản
phát biểu.
Bằng
cách nào đó, nhân cách bên trong vẫn khiến thầy A cần mẫn bắt vài học trò dùng
phao. Lập tức sau buổi thi, với một tội danh: không làm đúng nhiệm vụ vai trò
giám thị được kết luận, thầy A bị lập biên bản. Cô X vỗ vai an ủi: “Thôi, đừng
buồn anh ạ. Cũng như anh, không thầy cô nào vui khi tiếp tay cho học trò dối
trá đâu. Anh làm một việc đúng mà chúng em vì an phận không dám làm…”. “Cho
đáng đời. Chỉ đồ điên mới làm cái việc ấy! Đấu tranh tránh đâu?”- một tiếng nói
y hệt cô X vang lên ngay khi câu nói trước chưa kết thúc. Thầy A giật mình? Nó
phát ra từ đâu, từ đâu? Từ đây nè, nhân cách bên trong cô X nhe hàm răng lòi sỉ
ra lè lưỡi lêu lêu thầy A. Thầy muốn ngất!
Cuối năm học thầy A bị hiệu trưởng nhắc
nhở, phê bình và buộc phải giải trình cái việc lớp mình chủ nhiệm tại sao lên
lớp chỉ chín mươi sáu phần trăm từ lúc cuộc vận động “Hai không” được phát
động. Uy tín, uy tín nhà giáo cần phải được đảm bảo, tôn trọng! Mình không tôn
trọng mình thì ai tôn trọng mình đây. Muốn để gia đình – nhà trường – xã hội
tôn trọng thì chất lượng dạy và học cần được đảm bảo. Mà muốn chứng tỏ sự đảm
bảo ấy thì học sinh phải lên lớp một trăm phần trăm. Thầy về “uyển chuyển theo tình hình thực tế”
cho tôi. Biết chửa! Á, á thầy không đồng ý à. Tôi yêu cầu thầy… mà thôi thế này
thầy A ạ (dịu giọng) thầy hãy đặt vị trí thầy là tôi, một nhà quản lý sắp về
hưu, tôi đã phải thực hiện mọi phương án “nội công ngoại cách” để đạt tỉ lệ
vàng, chín mươi chín phần trăm học sinh lên lớp, đậu tốt nghiệp. Có như thế tôi
mới thở phào nhẹ nhõm khi đi báo cáo với phòng giáo dục. Có như thế tôi mới có
cái lí lịch sạch không tì vết… Cái nước mình nó thế, coi như thầy giúp tôi!
Thầy A lê bước. Ì èo xung quanh mình mấy
bà bán rau kể chuyện con thi tốt nghiệp. Bà bán rau cải nói: Bữa thi tốt nghiệp vui như hội, tất cả phụ huynh chen lấn đối diện
cổng trường để mua đề giải, một bộ có mười ngàn hà! Vui lắm. Bà bán rau muống
nói: Nhờ vậy mà thằng con mới làm bài được đó chớ. Bà bán dưa leo nói: hú hồn
bữa đó tui ở ngoài ruộng, thằng con tui thi về kể thầy cứu cả phòng nó. Tui đỡ
tốn mười ngàn mà con tui cũng đậu. Hên thiệt.
Thầy cười như mếu. Trường học là một không gian trang trọng, tôn nghiêm,
nhìn từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, từ tiểu tiết đến đại cục, tất cả
đều toát lên vẻ đẹp hoàn hảo của một môi trường giáo dục sư phạm. Mọi người
thầy đều tỏa ánh sáng của sự chuẩn mực, chân lý thánh thiện – Thầy luôn nghĩ
thế. Thật bi kịch! Bài học trước khi bước ra cổng trường một học sinh phải học
là sự gian dối, sự chấp nhận tiêu cực như một lẽ bình thường.
Về nhà. Vợ thầy A tru tréo về cái lỗ dột.
Trời mưa nó cứ xối thẳng vào nhà. Tẹp nhẹp. Mụ đàn bà càm ràm đáng ghét. Đây,
tiền đây! Thầy A móc túi lôi ra một sấp. Vợ thầy líu cả lưỡi hỏi tiền đâu mà
lắm thế, ăn cướp à? Tiền chống rớt lớp! Mấy năm trước thấy tôi khó ai cũng sợ
nên chạy trước cho con. Mấy đứa bị tôi ghim rớt tới giờ mới chịu đưa. Lì thiệt.
Ủa, ủa… tôi tưởng…? Ủa cái gì mà ủa? Tưởng cái gì mà tưởng. Cầm tiền, biết thế
thôi.
Không ai biết thầy A đeo mặt nạ. Vẫn nghĩ thầy
A điên một cách rất tử tế. Kể cả ông hiệu trưởng. Ngoại trừ vợ thầy A!
Họa có điên mới dám bảo thầy A điên!
N.T.V.H
Tất nhiên những điều tác giả viết không khác xa sự thực, nhưng giọng văn sao mà giễu nhại đến thế. Những thầy giáo có lương tâm (dĩ nhiên vẫn còn) thấy đau lòng quá sức.
Trả lờiXóaChị nghĩ khi viết truyện ngắn nầy em đã khóc. Bởi nó dằn xé em,làm em đau đớn. Bởi em cũng là giáo viên mà. Chị cũng buồn nữa. Tuy biết hiện tượng không quyết định bản chất. Thế nhưng làm sao tránh khỏi "con sâu làm rầu nồi canh". Chúc em luôn hạnh phúc em nhe.
Trả lờiXóaBạn Ẩn Danh mình không nói hết các thầy cô đâu... Thực ra mình cũng là giáo viên mà. Cái mình muốn nói là một góc khuất...
Trả lờiXóa