Tuổi
tôi cũng đã sáu mươi bước qua, bảy mươi bước tới chứ đâu còn trẻ trung gì nữa
mà nói chuyện đón Tết với vui xuân. Nhưng tiết trời tháng Chạp “nắng mà như không nắng”, đường phố cuối
năm cùng với dòng người hối hả như vội vã hơn, những con hẻm cũng chật cứng,
vỉa hè càng nêm thêm người như đang chạy đua với thời khắc những ngày cuối năm,
khiến tôi chợt nhớ những ngày cận Tết ở quê cách đây chưa lâu lắm.
Sau ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về
trời là không khí đã rộn rã chuẩn bị Tết, họ tộc nào cũng có ngày chạp mả, tu
tảo mộ phần để hồn thiêng tổ tiên ông bà cũng đón mừng năm mới. Nhà nhà sửa
sang lại mái tranh, vách đất sau mùa mưa lụt bị hư, những nhà khá giả dặm lại
mái ngói và quét vôi tường nhà, tường rào cho trắng mới, cắt tỉa hàng rào chè
tàu thẳng tắp, chăm sóc mấy cây bông vạn thọ, bông mồng gà, một vài nhà có được
cây mai xuân. Làng trên xóm dưới cùng nhau rong dọn hàng rào, dẫy cỏ sạch sẽ
đường làng ngõ xóm.
Các chợ nông thôn ngày nào cũng đông
người chứ không đợi đến chợ phiên như ngày thường, nhưng bà nội tôi cũng như
nhiều cô bác trong làng để đến 29- 30 tháng Chạp mới đi chợ Tết. Không phải họ
không muốn đi chợ sớm để có hàng hóa nhiều hơn, tốt hơn và có thể rẻ hơn, còn
để cận Tết mới đi thì có thể mua đắt mà không còn hàng tốt. Nhưng hồi ấy bà nội
tôi nói rằng: “phiên chợ áp Tết là chợ
của người nghèo”. Bà con ở quê tính toán từng cân gạo, cân nếp, con gà, con
vịt, buồng cau xấp trầu, buồng chuối...mỗi thứ bao nhiêu để dành làm mâm cỗ
cúng ông bà tổ tiên và cho con cháu ăn trong ba ngày Tết, còn lại bao nhiêu thì
vai gánh, nách bưng đem ra chợ đổi trao, có rẻ cũng bán để mua sắm những thứ mà
trong nhà chưa có và cần như nhang đèn, vàng mã, tranh thờ, hoa quả, trà rượu,
bộ bình ly mới, cái khăn nhựa trải bàn, v.v và v.v... Hồi đó sắp nhỏ như tôi đã
hiểu gì nỗi khổ của người lớn ở quê, quanh năm mày tắt mặt tối, một nắng hai
sương để có cái ăn, cái mặc đủ trang trải đến giáp hạt, giáp Tết là phúc lắm
rồi, tiền bạc đâu có mà dành để sắm Tết. Cái vô tư của tuổi thơ, miễn sao có
quần áo mới để mặc Tết khoe với bạn bè là mừng, có vài đồng tiền mới lì xì, có bánh tét, thịt
heo, bánh khô, bánh nổ... ăn Tết, chơi Tết là trong lòng rộn rã như mở hội và
sau Tết theo ông bà đi xem hát bội, vui sao thật là vui.
Ngày Tết, thiếu gì chứ không thể thiếu
thịt heo, bánh tét, dưa kiệu, được coi
là món đầu bảng trong danh mục ẩm thực ngày Tết. Còn nhớ như in câu nói nhỏng
nhẻo của lũ trẻ như tôi hồi ấy: “Tết này
nhà mình sắm nhiều thịt heo nghen mẹ”. Cứ đến trưa 29 tháng Chạp là làng
trên, xóm dưới đều nghe văng vẳng tiếng heo bị chọc tiết kêu eng ét. Hồi đó ít
có gia đình mổ nguyên con heo để ăn Tết, cũng ít nhà mua thịt chợ, mà gần Tết
từng nhóm 5- 7 nhà rủ nhau mua một con
heo mổ chia nhau. Nhóm người ăn thịt heo hùn cùng xắn tay nhau làm, kẻ
chẻ củi đun bếp, người thành thạo mổ heo ra tay chọc tiết, ra thịt. Gì thì gì
chứ ít lòng, huyết và kèm theo ít thịt đầu thừa đuôi thẹo là có ngay nồi cháo
thơm lựng, nóng hổi dành cho nhóm hùn heo trải lá chuối ngồi ngay ngoài vườn,
bên bếp lửa thưởng thức “xổi” cái
ngon của món thịt heo Tết trong khí trời se lạnh. Và, ngay sau đó, từng phần
thịt chia sẵn được xâu vào lạt tre, phần
ai nấy mang về nhà để kịp chế biến thịt heo với đậu xanh làm nhưn bánh tét,
phần thịt còn lại luột, hấp sẵn để dành xắt dĩa hay xào nấu, làm ít nem bì,
rộng nước mắm, ướp muối, ninh nhừ (gọi là thịt kho Tàu) hoặc kho với dưa cải và
cá chép,v.v...
Dù giàu hay nghèo, làm ít hay làm nhiều,
nhà nào cũng đều tự làm một ít bánh khô như bánh in, bánh nổ, bánh thuẫn, bánh
cơm nếp đậu đen, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao... Kỹ hơn là bánh hồng, bánh hạt
sen, bánh tai yến, bánh mè (bánh 7 lửa) rất công phu, một số gia đình còn làm
bánh tro. Tất cả đều tự chế biến từ
nguyên liệu sẵn có, không hề có hóa chất, không bao bì nhãn mác nhưng rất sạch
sẽ, hầu hết được xếp vào bầu, vào quả bảo quản, khi nào cúng hoặc dọn ăn mới
lấy ra. Trong tất thảy những công việc vất vả ấy, có lẽ nồi bánh tét sôi sùng
sục giữa nhà bếp cả ngày và đến tận quá
nửa đêm mới vớt ra, tôi buồn ngủ gật gù vẫn chờ ăn cho được cái bánh ú mới chịu
đi ngủ (vài chiếc bánh ú nhỏ nấu chung trong nồi bánh tét để cho trẻ con), là
hình ảnh không bao giờ phai mờ trong ức của tôi. Tất cả những việc làm bận rộn,
hối hả của người lớn đều dồn cho ba ngày Tết sao tươm tất, đầy đủ theo điều
kiện, hoàn cảnh từng gia đình.
Mọi công việc sửa soạn chuẩn bị đâu vào
đó từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, thì đã quá xế trưa 30 Tết. Không ai bảo ai,
gia đình nào cũng thế, nhà cửa quét dọn sạch sẽ, bàn thờ gia tiên được lau
chùi, sắp đặt tươm tất từ hoa quả, cơm canh thịt cá...và hương đèn nghi ngút,
ấm cúng. Con cháu làm ăn xa cũng phải về kịp chiều 30 để cúng “rước ông bà”, đây là lễ thiêng liêng
nhất trong một năm của mỗi gia đình. Từ trong sâu lắng tấm lòng thành kính, con
cháu khấn nguyện rước ông bà, tổ tiên về đón mừng năm mới. Cúng xong là tất cả
các thành viên trong gia đình quây quần dự bữa cơm đầm ấm chiều 30, không khí Tết đã tràn vào
trong mái ấm gia đình, cả đêm 30 dường như ít ai ngủ được bởi không khí rạo rực
đón giao thừa, lắng nghe điềm lành của năm mới, đi xuất hành, hái lộc đầu xuân,
rồi nôn nao chờ sáng mùng một đầu năm mới...
Ngày
nay cuộc sống khá giả hơn, vui xuân đón Tết rực rỡ, đầy đủ hơn, hương sắc mai
vàng và các loài hoa quý lan tỏa vào nhiều gia đình và mọi thứ cần thiết mua
sắm đắt tiền đều có sẵn dịch vụ, thậm chí phục vụ tận nhà, còn lại rất ít hoặc
không còn những gì tự làm để sắm Tết. Thật sướng, nhưng như thế có còn lại
những gì mảy may trong ký ức, còn chút gì dù nhỏ nhất để đọng lại nỗi nhớ trong
mỗi người, chứ không chỉ riêng tôi da diết nhớ màu Tết quê xưa./.
Cuối năm
Nhâm Thìn- 2012
T.D.Đ (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét