Cô ngồi im lặng bên mép giường, hai mắt
cô nhắm nghiền, hơi thở cô dồn dập, đôi môi cô máy động run run, hai bàn tay
bấu chặt vào tấm ga. Cô đang cố hết sức để ghìm nỗi hồi hộp phập phồng của sự
chờ đợi. “Liệu anh có đến được không? Liệu anh có đổi ý? Liệu anh có gặp trở
ngại gì? Liệu anh có đủ can đảm? Liệu anh có…?
Những câu hỏi chen ngang những
hình ảnh cô mường tượng sắp xảy ra. Anh sẽ đến. Anh đã hứa chắc thế mà. Anh là
người luôn tôn trọng lời hứa. Huống chi đây lại là một lời hứa hết sức đặc biệt,
hết sức quan trọng, lời hứa đã được thốt ra với sự khẩn nài thống thiết của cô.
Lời hứa mà cô đã trông mong suốt bao đêm ngày từ khi cô phát hiện hình bóng anh
lừng lững trong tim mình. Cô nhói lòng khi một ý nghĩ lởn vởn. Nó đã luôn lởn
vởn trong cô bấy lâu nay. Và cô cũng đã không biết bao lần phủ lên nó những
biện hộ. Những biện hộ mà dù có cố lướt qua thế nào thì vẫn cộm lên trong cô
một cảm giác bất an. Bất an là đúng. Bất an là phải. Bởi chính xác là cô đang
xâm phạm vào một vùng cấm. Vùng cấm của một chủ quyền hiện hữu. Vùng cấm được
sự bảo vệ của thanh thiên bạch nhật. Nhưng mà cô không thể chối bỏ được niềm
khao khát của mình. Niềm khao khát mỗi khi trỗi dậy như thiêu cháy cô, nó đủ
sức đạp đổ hết những thành trì luân lý, những rào cản khuôn phép, những vành
đai sĩ diện. Nó đã luôn kêu cầu cào cấu tâm can cô, cho đến khi cô không thể
nào áp chế nổi mà phải phát ra thành lời. Cho dù khoảnh khắc ấy đã làm cô sụp
đổ, đã làm cô trở thành một con người hèn hạ khốn khổ. Nhưng tất cả mọi suy xét
cân đong, mọi lo âu rụt rè, mọi ngượng ngùng ngần ngại, đều tan biến nhường chỗ
cho một khao khát duy nhất. Một khao khát xét cho cùng thì thật chính đáng với
một kiếp người, thật tự nhiên với tạo luật, thật cần thiết với một nhu cầu.
Nhưng chỉ vì một lý do bất thuận mà nó trở thành sự lỗi lệch. Nó khiến cô trở
thành một kẻ cắp. Một kẻ cắp tồi tệ nhất trong mọi kẻ cắp. Nhưng cô không thể
vùng thoát khỏi nó, nó trở thành một thứ quyền uy bất diệt buộc cô phải tuân
phục. Thứ quyền uy ấy đã đặt để cô vào ngày giờ này, vào một nơi thế này, vào
một tâm trạng phức tạp nhường này, và cô, cuối cùng chỉ còn một thứ cảm xúc duy
nhất, sự trông mong một dáng người, một dáng người mà khi xuất hiện sẽ đem đến
cho cô những gì là ý nghĩa nhất với cuộc đời mình. Và nhịp thở cô như dập dồn
hơn…
Tiếng mở chốt cửa làm cô giật thót người, cô cắn chặt hàm răng, mắt càng
nhắm chặt, trái tim cô như ngừng đập. Cô cố nén nhịp thở, lắng nghe lắng nghe
bước chân nhè nhẹ bước vào, bước chân dến gần đến gần, và bước chân dừng lại
trước mặt cô. Cô không cần phải mở mắt, cô vòng tay ôm choàng lấy người ấy, cô
ôm siết, siết chặt thêm nữa, cô dụi mặt vào người ấy, cô dụi mãi dụi mãi, nước
mắt cô tràn ra ướt đẫm cả một vùng ngực áo người ấy. Vòng tay người ấy cũng
khép gọn bờ vai cô, và đôi chân buông thõng của cô được nhấc lên, cô tê lịm
người trong bờ môi và vòng tay ấm nóng ấy. Cả thế giới bây giờ không còn gì
hiện hữu, mọi đấu tranh vật vã tâm tưởng cũng không còn gì hiện hữu. Chỉ còn
một thứ cảm xúc duy nhât choáng ngộp. Cả cuộc đời cô duy nhất lúc này là vô
giá. Mặc kệ ngày mai. Mặc kệ hậu quả. Mặc kệ…mặc kệ…mặc kệ tất cả…Hạnh Phúc. Đó
là một cảm trạng hiện thực mà vì nó cô sẵn sàng đánh đổi mọi giá trị có thể. Mê
man trong thinh lặng. Mê man trong cuồng nhiệt. Mê man đến tuyệt cùng. Thời
gian trôi đi trôi đi…
Tiếng mở chốt cửa thật khẽ, thật nhẹ, thật âm thầm. Cánh cửa hé ra cũng
thật khẽ, thật nhẹ, thật âm thầm. Bóng người đàn bà len vào cũng thật khẽ thật
nhẹ thật âm thầm. Bóng người ấy đứng sững sờ, đứng ngây đờ, hai tròng mắt mở
to, hai hàm răng cắn chặt, hai bàn tay nắm cứng nổi cả gân xanh, toàn thân căng
lên như một khối thuốc nổ. Cái khối thuốc nổ ấy những muốn lao vào giữa hai con
người kia mà nổ tung, mà giằng xé, mà la thét lên những lời phẫn uất nhất.
Nhưng sự cố gìm mình, cố dằn lại bao hành vi hung hãn, cố ngăn lại những thanh
âm chực bật ra khỏi cổ họng làm toàn thân rung lên bần bật.
Trực giác. Chỉ có trực giác mới lay động được tâm thức đang chìm ngập
trong cơn xúc cảm. Lay động được hai thân xác đang cuộn ngập vào nhau. Không
phải là hai tròng mắt mở to nữa, mà là sáu tròng mắt. Sáu cái tròng mắt dán vào
nhau trong những giây khốc liệt. Sự bất động trong một cảnh huống bất khả
kháng. Bất chợt người đàn bà vụt quay lưng bỏ chạy. Cánh cửa mở toang trống
hoác một gian phòng. Trống hoác cả những mảnh hồn. Chỉ còn một điều duy nhất là
nỗi hơ hoảng, rã rời, tê dại của cảm giác tội đồ. Như sau một cơn dư chấn,
những mảnh vụn lả tả rơi lả tả rơi trên một đống hoang tàn đổ nát.
Cô vẫn nằm nguyên trong một tư thế, sau khi anh đã vội vàng trang phục
và lao ra cửa. Cô biết anh đi đâu. Cô biết anh đang phải chịu những gì. Đó là
những điều cô không hề muốn. Đó là cái giá phải trả cho một khẩn cầu bức bách
của cô. Cô vẫn nghĩ rằng, chỉ một lần êm xuôi cho cô được thoả nguyện, cho cô
được dịu cơn cháy khát lòng mình, cho cô có một chút gì dù bé mọn cho mai sau.
Ít ra đó cũng là một mảnh ván bè cho cô níu trên con sông đời dềnh dập. Và quan
trọng hơn, một bằng chứng hiện thực về một thứ hạnh phúc mà cô đã được một lần
trải qua, cho dù đó là sự đánh cắp. Nhưng dù có tự sỉ vả mình thế nào thì cô
cũng bằng lòng làm một kẻ cắp, một kẻ cắp mà vô hình chung con tạo đã đóng dấu
vào cô khi buộc cô ra đời trong một trớ trêu. Giờ phút này, cô không cảm thấy
sợ những gì sẽ xảy đến với mình, bởi phần nào đó cô đã lường trước và cũng phần
nào đó cô sẵn sàng chấp nhận. Cùng lắm là những lời thoá mạ, cùng lắm là một
trận đòn tơi tả, cùng lắm là những ánh mắt rẻ khinh, cô chấp nhận, chấp nhận
hết, và đó cũng như một cách nộp lệ phí vậy. Cô sẽ thanh thản hơn khi bị đối xử
như thế, và sau đó…Con đường sau đó cô cũng đã âm thầm xếp đặt. Và có lẽ nó sẽ
đến sớm hơn so với dự liệu. Nhưng còn anh….cô chưa từng nghĩ đến anh cũng bị
nhận lãnh một hậu quả không tốt đẹp gì hơn cô. Bởi cô không một mảy may nghĩ
rằng câu chuyện sẽ bị vỡ lở, tồi tệ hơn là bị vỡ lở vào đúng lúc không nên một
chút nào. Bằng cách nào mà chị ấy đã biết? Khi cô đã tính toán rất kỹ thời gian
và không gian, cô đã đoan chắc là an toàn tuyệt đối khi ánh mắt anh lo lắng
ngần ngại. Cô vẫn nghĩ mọi sự xếp đặt của cô đã thật là hoàn hảo. Vậy mà sao…
Cô nhắm nghiền mắt khi úp mặt vào nơi anh vừa nằm. Cô muốn thu cho bằng
hết hơi ấm của anh vào mình, khi từng giây từng giây nó đang tan loãng dần đi,
như từng giây từng giây anh đang xa cô mãi mãi. Cô lịm người trong sự hồi tưởng
cảm xúc mà cô vừa được trải qua. Cô cảm nhận rõ một điều hiển hiện, thật vô
cùng hạnh phúc khi được ân cần với người mình yêu. Cô đã từng nghe: nỗi cực
nhục nhất của một người đàn bà là phải trao sự quý giá nhất của mình cho kẻ
thù, nỗi đau đớn nhất của người đàn bà là phải trao sự quý giá nhất của mình
cho người mình không yêu, và niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất của một người đàn bà
là được trao trọn vẹn cho người mình yêu. Cô đã có được điều tuyệt vời nhất ấy,
cô sẽ không bao giờ hối tiếc cho dù ngày mai với cô có đau khổ dằn vặt đến thế
nào. Giây phút này, cô chỉ có một mong mỏi duy nhất, là cô kịp giữ được từ anh
một mầm sống. Đó sẽ là chiếc neo cho cô bám vào cuộc đời, đó sẽ là tất cả ước
vọng cô gửi gắm và xây đắp. Ngày mai có thể là một chặng trình đầy gian nan
khúc khuỷu, thì giờ phút này đây, hiện thực này đây, là một cụ thể cô đang nắm
bắt. Đó là vệt máu trinh nguyên. Đó là hơi ấm rộn rực. Đó là dư âm tất cả những
gì anh vừa để lại trên thân thể cô. Cô nhắm nghiền mắt đắm chìm trong hiện thực
đang trở dần vào miền ký ức.
Chị ngồi thinh lặng như một khối đông đặc bất động. Đôi mắt chị như hai
hố trũng vô hồn. Lẽ ra chị phải thét phải gào, phải cào phải cấu, phải bấu phải
xé cho hả hê cơn uất ức, cho vỡ toang cái thứ cảm giác chết tiệt đang ngồn ngộn
trong chị, như chèn cứng đến từng milimet tế bào, như bơm căng buồng tim đến
tức thở. Nhưng chị lại không thể, hoàn toàn vô phương trong việc tỏ ra mình là
nạn nhân của một sự phản bội. Cái mớ não bé tí trong đầu chị cứ ong ong ong ong
những thanh âm hỗn độn. “Chị ơi! Em thật ghen với chị quá, sao mà chị hạnh phúc
đến thế. Giá như em chỉ được một phần ngàn thứ hạnh phúc chị đang có cũng tốt
lắm rồi,” “Rồi sẽ có một chàng trai tốt bụng đẹp đẽ sẽ đem đến cho em niềm hạnh
phúc ấy thôi mà. Em phải tự tin vào chính mình chứ.” “Làm gì có hả chị. Người
như em ai thèm. Mà nếu có thì cũng là một kiểu dặt dẹo như em mà thôi, làm sao
được như chị chứ.” “Thật ra ngoại hình chỉ là thứ yếu thôi em ạ, quan trọng là
tấm lòng kia.” “Nhưng nếu chồng chị không phải là một người như thế liệu chị có
lấy không? Nói theo lý thuyết thì vậy, chứ thực tế thì hầu hết ngoại hình là
thứ người ta chú trọng đầu tiên đấy chị ạ. Em đủ thực tế để cảm nhận được điều
đó mà.”… “Chị ơi ! Nếu như em yêu một người có vợ thì sao hở chị?” “Đừng, đừng
bao giờ. Em sẽ đau khổ thôi. Nếu đó là một người đàn ông không tốt, thì lại
càng tệ hại cho em.” “Không, đó là một người tốt chị ạ. Tốt thật sự, vô cùng
tốt nữa ấy chứ.” “Nếu họ thật sự là một người tốt thì không bao giờ họ nhân cơ
hội lợi dụng em. Và họ cũng không dễ gì phản bội vợ họ. Tốt nhất là em đừng
nghĩ đến người ấy nữa. Mà là ai thế? Cho chị biết được không?” “Chị…chị không
biết người này đâu. Người này ở xa lắm.” “Ở xa làm sao em quen, em có đi đến
đâu đâu mà gặp.” “Em gặp ở trên mạng chị ạ.” “Ôi trời ơi. Khổ thân em tôi. Sao
em lại đi tin vào sự gặp gỡ linh tinh ấy. Đa phần trên mạng là người ta đùa cho
vui vậy thôi. Mà qua mạng làm sao em biết được đó là người tốt? Đừng có tin vớ
vẩn rồi khổ à nha.”… “Sao ngồi thần mặt ra thế? Em vẫn đang nghĩ đến tay nào
trên mạng đó hả? Chị đã nói rồi, em đừng có dại dột thế?” “Chị ơi! em không cần
người ấy phải yêu em, phải sống đời với em, em chỉ muốn đến với người ấy một
lần thôi, và tốt nhất là được một đứa con để em được làm mẹ.” “Trời ơi! em đừng
có điên như vậy chứ. Em có biết làm vậy là tự chuốc khổ một đời không? Làm sao
em có thể nuôi con một mình được? Mà em đã thổ lộ gì với người ấy chưa?” “Dạ chưa…vì…vì
người ấy đã có vợ chị ạ.” “Trời đất. Vậy thì em phải thôi ngay ý định điên
khùng ấy đi. Nếu vợ người ta biết thì em sẽ thế nào em biết không? Chị không
muốn em bị làm nhục, mà sao em lại có tình cảm với một người đã có vợ chứ? Bậy,
bậy hết sức. Chắc chị phải dẹp cái máy này đi mới được.” “Đừng, đừng mà chị, em
xin chị đấy. Em chỉ có niềm vui ấy thôi mà.” “Nhưng mà em đang tự chuốc khổ vào
mình, rồi lỡ xảy ra chuyện nghiêm trọng gì làm sao chị ăn nói với mẹ em đây. Em
hứa với chị là không được nghĩ bậy vậy nữa nghe. Nghe không? Em hứa đi…” Im
lặng. Im lặng. Chị có ngờ đâu…
Anh lại nghiêng cái chai, bọt trắng sủi tràn ly, anh lại đưa chiếc ly
lên môi nốc một hơi. Những chiếc vỏ chai lổng chổng chập chờn trước mắt anh,
không phải là những giọt nồng mà là những giọt đắng đang trôi vào cổ anh. Đắng.
Đắng lắm. Đắng thật là đắng. Những giợt đắng ấy cứ như chẹn ngang cổ họng anh.
Chẹn ngang mà không cho anh có thể nói được một lời nào. Anh biết phải nói gì
bây giờ. Tất cả, nếu có thể thì chỉ là một lời “xin lỗi em”. Nhưng một lời xin
lỗi thì không đủ để giải quyết, không đủ để trả lại một mái gia đình như xưa.
Mà nói gì hơn nữa thì lại càng không thể. Cho dù, chỉ bằng một cách giản đơn
nhất, là cho chị đọc tất cả những email mà anh đã nhận trong suốt một thời gian
dài đã qua. Chỉ cần đọc, đọc hết và đọc kỹ, thì mọi chuyện cho dù không dễ lành
hẳn vết thương, nhưng phần nào đó sẽ giảm bớt sự nhức nhối. Nhưng anh không
thể. Hoàn toàn không thể dùng cách đó. Anh không thể vì lý giải hành vi của
mình mà đẩy một cô gái vào một tình cảnh…những gì cô ấy phải chịu đựng với cuộc
đời này đã là khốn khổ lắm rồi. Những email đã làm anh từ bất ngờ đến lúng
túng, đến cảm thông và cuối cùng là chấp nhận. Anh làm sao biết được chỉ từ
những sự giúp đỡ nhỏ nhất, thường tình nhất, từ những nụ cười và lời nói ân cần
thuần như người anh trai đối với một cô em gái nhỏ, đã đẩy dần một trái tim rụt
rè non nớt thành một nỗi lòng khát khao bùng cháy. Là bởi anh không hề biết đến
một thứ cảm trạng đơn thuần: Là khi người ta phải chịu nhiều điều bức ách của
cuộc đời, thì chỉ cần một bàn tay nhẹ nhàng đưa cho người ta nắm, thì lập tức
người ta tìm thấy nơi bàn tay ấy sự tin cậy, từ tin cậy đến quý mến, đến yêu
thương là những lằn ranh rất mờ nhạt. Huống chi cô ấy không phải là em gái anh,
mà là cô em họ của vợ anh, với anh cô ấy không có sự phân cách nào ngoài ngôi
vị anh rể họ. Có chăng là thứ rào cản đạo lý thông thuờng mà chế pháp đã đặt
ra. Nhưng rất tệ là khi ngọn lửa tình yêu đã bốc cháy ngùn ngụt, thì nó đủ sức
thiêu rụi tất cả những vật cản. “Nếu anh không thương xót lấy chút mảnh đời em,
thì một là em không thể sống tiếp nữa, vì sống mà làm gì trong sự đau đớn chất
ngất suốt ngày này qua tháng khác, còn nếu vì không muốn để anh phải ray rứt cả
đời, thì em sẽ đến với bất kỳ một người đàn ông tồi tệ nào đó, và trong mỗi lúc
cùng họ, em sẽ chỉ gọi tên anh, gọi mãi gọi mãi thôi.” Còn nhiều nữa, nhiều
những lời mà anh đã hết sức bất an khi đọc. Tình yêu là một thứ tình cảm mà con
người ta luôn cần đến, trong những bối cảnh bất khả kháng thì nó lại càng thôi
thúc hơn, và rất nhiều khi, vì tình yêu tuyệt vọng mà con người ta gây ra những
chuyện không thể lường trước được. “Em van xin anh, em chỉ cần anh đến với em
một lần duy nhất thôi, và rồi em sẽ đi xa khỏi nơi này, và em xin hứa rằng
không hề có một sự vướng mắc nào làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của anh. Anh. Hãy
cho em được một lần…chi một lần duy nhất mà thôi... Lẽ nào anh nỡ lòng…Trời ơi
! em biết phải làm sao bây giờ ?” Anh không phải là sắt đá. Anh là một người
đàn ông biết thương yêu, không chỉ thương yêu vợ con anh, mà anh biết thương
yêu cả những mảnh đời nhiều bất hạnh qua những cuộc đi làm từ thiện, qua những
con số đóng góp mỗi khi có sự kêu gọi đâu đó. Anh vẫn thường tâm niệm, mình
thật là may mắn khi có được những điều mà rất rất nhiều người khác không thể
có. Cuộc đời đã thật ưu đãi anh từ vóc dáng đến bản chất, cả con đường sự
nghiệp và hôn nhân của anh cũng không quá chật vật khó khăn. Ý thức được sự may
mắn của mình, anh vẫn luôn san sẻ và giúp đỡ mọi người mỗi khi có dịp. Vậy thì
làm sao anh có thể bình tâm trước những lời kêu gọi riết róng ấy. Không phải
anh chưa từng nghĩ đến một tình huống, chưa từng nghĩ mình có lỗi với vợ. Anh
nghĩ chứ, nghĩ nhiều nữa, những ý nghĩ cứ chồng chéo nhau, làm sao có thể chu
toàn trọn vẹn được cả hai trong tình cảnh này. Hơn nữa, họ vẫn đối mặt ngày
ngày trước anh, sự lẫn lộn giữa cảm tính và lý trí không thể tách bạch một cách
rõ ràng. Tình cảm con người là một điều kỳ lạ, càng kỳ lạ hơn trong một người
đàn ông. Nếu chỉ thuần là những cuộc vui vơ vẩn, người ta sẵn sàng quên rất
nhanh, nhưng khi đã xuất hiện yếu tố tình cảm thì sự thể đã bắt đầu phức tạp,
càng khó khăn hơn khi tình cảm ấy lồng trong lương tâm và trách nhiệm. Anh đã
hết sức tránh né, tránh né để không làm tổn thương đến cả hai người. Anh biết,
dù với bất kỳ sự biện luận thế nào đi nữa, thì cũng là sự tổn thương không thể
bào chữa. Nhưng không thể né tránh mãi, trước mắt anh ngày ngày nhìn cô ấy xao
xác, nhìn cô ấy như một bông hoa rũ từng cánh, nhìn cô ấy cứ phải viện cớ ốm
đau mệt nhọc mà không dám ngồi cùng bàn ăn, nhin cô ấy luôn phải cố nín lại
những giọt lệ trong đôi mi đỏ mọng, làm sao anh chịu nổi, thà xa tít đâu đó. Để
rồi một ngày… “Em…đừng thế, buông tay anh ra đi, để chị nhìn thấy bây giờ thì
khổ cho em lắm” “Anh, em biết, nhưng em không thể mãi thế này, em phải đi, phải
đi một nơi thật xa, nhưng trước khi đi…anh, hãy chấp nhận em một lần thôi, em
cầu xin anh mà…”. Giọng nói sũng sịu, gương mặt nhoè nhoẹt, lòng anh như khối
băng tan chảy dưới ánh mặt trời. Có người đàn ông nào sắt đá nổi trước những
giọt nước mắt thống thiết của phụ nữ, huống đây lại là một người con gái phải
mang nỗi bất hạnh của tạo hoá. Và rồi…cũng tưởng cẩn thận thế thì nào ai biết,
nhưng vì sao?
Anh đâu biết rằng chính sự che giấu một cách vụng về, thái độ lúng túng
vì không quen dối trá đã khiến cho tính nhạy cảm của người vợ động đậy. Anh
không biết mình phải đối mặt thế nào với cả hai người phụ nữ trong hoàn cảnh
này. Anh có lỗi với cả hai. Anh không thể làm một người đàn ông tốt như anh
nghĩ, mặc dù anh không hề muốn làm người xấu. Có ai không? bảo rằng yêu thương
là có tội. Nhưng trên thực tế thì đúng là đang có tội. Một cái tội được kết nên
giữa hai cái ngoặc trái chiều: Tạo hoá và pháp lý. Vẫn biết pháp lý đề ra là để
hạn chế những hậu quả của bản năng đơn thuần. Bởi “Bản năng như những phương tiện tham gia giao thông. Lý trí là anh cảnh
sát cầm còi. Nhưng không phải lúc nào cũng kịp thổi”. Đúng là không kịp
thổi thật. Bởi không chỉ đơn giản là giải quyết một nhu cầu bản năng tức thời,
mà thứ bản năng này nó cộng hợp cả tâm tư tình cảm và kéo theo là một ước vọng
chính đáng của người phụ nữ là muốn được làm vợ và làm mẹ. Một ước vọng bình
thường và trong tầm tay của hàng triệu hàng triệu phụ nữ, nhưng lại hết sức
ngặt nghèo, trớ trêu với những người phụ nữ không may bị sinh ra trong một cơ
thể khiếm khuyết. Vì mỹ cảm tự nhiên của con người, nà họ không được chấp nhận
một cách hẳn nhiên trong cung bậc tình cảm an hoà của sự yêu thương. Biết mình
thua sút thiệt thòi trong mặt bằng tâm cảm xã hội, một số thì mặc cảm cam chịu
khép mình trong thinh lặng, trốn chạy những cơn xúc cảm căng trào, chạy trốn
những bóng hình lỡ đa mang đến tận cùng yêu dấu, một số khác bằng lòng với một
chút tâm tư từ một mênh mang nhẹ nhàng âm điệu vọng thầm, lấy một ánh mắt xa
xôi làm điểm tựa, lấy một thanh âm trầm ấm làm khúc nhạc lòng, lấy một đam mê
sáng tạo làm lẽ sống, nhưng có một số khác thì nổi loạn, không áp chế được khát
vọng của mình, và sẽ cố đạt được bằng mọi giá, dù biết hậu cảnh sẽ là tất cả đau
thương cho mình, nhưng cái lý của sự đánh đổi là không thể phủ nhận “Thà được
một lần còn hơn không có cả đời”, và rằng, may ra có một đứa con thì cũng có
nơi nương cậy tuổi già. Không sai. Chẳng có gì sai cả. Cái sai nếu có chăng là
sự chọn lựa đối tượng. Nhưng đã gọi là quyền năng tối thượng của tình cảm thì
không thể nói đến chọn lựa. Lại trong tâm tưởng chỉ một lần cho mãi mãi, thì rõ
ràng những người đàn ông có nhiều ưu điểm là những người đàn ông được mong cầu
cao nhất. Hơn nữa, mỹ cảm tự nhiên không có chuỵên thương lượng với hình hài.
Chả thế mà nhân gian không hiếm những mối tình tưởng chừng vô lý. Vấn đề là ở
chỗ, những người đàn ông tốt lẫn đẹp đều không dễ, hay nói chính xác hơn là
không bao giờ có thể thuộc về những người phụ nữ khiếm khuyết, vậy thì chỉ còn
mỗi cách : ăn cắp. Cũng như muốn triệu sự đánh cắp khác thôi, khi bị phát hiện,
đồng nghĩa với một sự trừng phạt. Mà cái sự đánh cắp này lại càng bị liệt vào
hàng thứ cấp hơn hết, vói những từ ngữ ám chỉ hết sức tệ hại. Và vì thế, sự
trừng phạt nặng nề hơn gấp nhiều lần. Người ta có thể thừa rất nhiều thứ, nhưng
thường luôn thiếu một thứ : Sự cảm thông. Nhất là người trong cuộc, người trực
tiếp hệ luỵ với sự vụ. Còn những người có thể nói lời cảm thông thì cũng vẫn
kèm theo một cái tặc lưỡi “Cũng tội, nhưng đã thế rồi sao không biết thân biết
phận, đeo mang làm chi cho khổ vậy”. Thế đấy.
Người mẹ ngồi rũ rượi trên chiếc ghế như quá rộng với bà. Nước mắt cứ
rịn ra liên hồi, bà không dám khóc to, không dám la hét, không dám bắt đền, nếu
như ở vào một hoàn cảnh khác, chắc hẳn bà không phải ngồi bó gối mà đau thắt cả
ruột gan thế này. Từ khi nghe tin, cô con gái tội nghiệp của bà đã gây ra điều
xấu hỏ, và đã lẳng lặng bỏ đi đến một nơi xa lạ nào đó, thì bà rơi vào một
trạng thái thật phức tạp. Bởi những cảm trạng hỗn độn, xấu hổ, ngượng ngùng, và
hơn hết là lo lắng, lo lắng đến cháy ruột cháy gan vì cô con gái chân không ra
chân tay không ra tay ấy đang trôi dạt về đâu đó, vẫn còn sống hay đã nghĩ quẩn
mà tự tử mất rồi. Con ơi! Sao con lại dại dột cạn nghĩ thế hở con? Con phải
biết mình là ai chứ? Mẹ cho con lên ăn nhờ ở đậu anh chị để mà học một cái
nghề, đề mà sau này mẹ không còn lo cho con được nữa thì cũng có cái mà nuôi
thân. Sao con lại hành động sai trái thế hở? Có phải người đàn ông ấy đã dụ dỗ
con? Ôi giá như đó không phải là cháu rể mẹ, thì hẳn mẹ sẽ không để câu chuyện
ra thế này, mẹ sẽ…nhưng mà bây giờ thì mẹ nói được gì chứ? Bởi mẹ hiểu con, làm
sao mẹ không hiểu con chứ, con đã lớn lên trong vòng tay của mẹ, tâm tính con
thế nào mẹ là người biết rõ hơn ai hết. Con ơi! Sinh con ra với một nông nỗi
như thế mẹ đã đau khổ lắm rồi, mẹ những muốn bù đắp cho con bằng mọi thứ có
thể, nhưng mà cái điều con mong ước nhất thì mẹ lại không thể cho con. Nhưng
sao không phải là người nào đó ngoại tộc, nếu vậy thì còn dễ liệu cách xử sự,
đằng này…Trời ơi con ơi. Con đang ở đâu? Con còn sống hay đã chết? Đừng, đừng
nghỉ quẩn thế con ơi! Dù thế nào thì con vẫn còn có mẹ đây mà. Có nhục nhã gì
thì mẹ cũng cùng chịu nhục với con, có khổ cực mấy thì mẹ cũng cùng khổ cực với
con, nếu như con có thai, thì mẹ sẽ chăm sóc con đến nơi đến chốn, chỉ cần con
cho mẹ biết, bây giờ con đang ở đâu? Con ơi! Con đang ở đâu? Cháu ơi! Dì ngàn
lần xin lỗi cháu, dì đâu có ngờ lại xảy ra một chuyện đốn mạt khốn khổ thế này.
Con dì hư hỏng, dì không biết dạy, dì chỉ biết xin lỗi cháu thôi, nhưng mà cháu
ơi, cháu hãy giúp dì tìm em nó. Dù sao thì em nó cũng là dòng họ máu mủ nhà
mình, lẽ nào…
Vâng, dù sao cùng là nhành trên nhánh dưới của cùng một cội, chị cũng
không thể đành lòng coi là kẻ xa người lạ. Và anh nữa, suốt mấy hôm rồi, anh
như cái bóng, lặng lẽ ra khỏi nhà đến cơ quan, rồi lặng lẽ từ cơ quan về nhà.
Anh như sọp hẳn đi, anh không dám nhìn thẳng chị. Chị đau, chị giận, nhưng chị
cũng thương anh xiết bao. Hẳn anh không phải là người tệ bạc, bởi nếu muốn,
biết bao người phụ nữ đang vây quanh anh kia, lẽ nào anh lại…Nhưng dẫu sao cảm
xúc đắng đót, tê tái vì bị xúc phạm, bị lừa dối thì vẫn cứ canh cánh trong
lòng. Đương nhiên rồi, làm sao có thể gạt bỏ ngay được tất cả khi sự thể còn
như trước mắt, vết thương trên da cũng cần thời gian để lành, và vết thương
trong lòng thì còn cần nhiều hơn hơn thế. Bởi một khi đã là sự ám ảnh, mất niềm
tin, giảm sút tình cảm, thì vô cùng khó cho sự khôi phục, mãi mãi về sau vẫn
luôn là một tì vết trong lòng mỗi người. Tình yêu lại là một thứ tình cảm ích
kỷ đến tuyệt đối. Giả sử có bằng mọi cách để đi qua, và tưởng chừng như đã đi
qua được, thì bỗng bất kỳ một lúc nào đó, tự nhiên nhắc lại, trong giọng nói
vẫn còn mang vẻ hờn oán. Đó là nói về khía cạnh được bao dung, còn không hiếm
trường hợp thì đổi thành thù hận. Nặng nhẹ thế nào thì cũng là một hệ luỵ kéo
dài suốt cả cuộc đời. Từ ngày yêu anh, cũng như bao người phụ nữ khác, chị cũng
có những lúc hoài nghi, đó là một cảm giác như là bản năng thường trực trong
mỗi người phụ nữ. Cho đến lúc lấy nhau, có con rồi, niềm tin cũng đã được củng
cố kha khá, nhưng nếu hỏi chị có tin tuyệt đối vào chồng không thì chị cũng khó
trả lời. Bây giờ xảy ra sự vụ, chị nghiễm nhiên phải là người tháo chốt. Chị
không nghĩ cô ấy sẽ bỏ đi sớm thế, và bằng cách nào? Chỉ biết sau hai ngày
không thấy mặt kể từ hôm đó, thì cô bỗng trở về, chị chưa thể đối mặt nên lui
vào phòng đóng cửa. Cho đến tận chiều chị mới ra, thì một phong thư đã để sẵn ở
bàn, nội dung là những lời xin lỗi, và bảo rằng tất cả là do sự chủ động của cô
ấy, không phải lỗi của anh, và rằng mọi người đừng lo cho cô ấy. Có vẻ như cô
ấy đã có sự sắp đặt trước, hỏi anh, anh cũng không thể biết cô ấy đi đâu. Đến
lúc ấy chị mới phải báo cho mẹ cô ấy cũng là dì ruột của chị. Sự đau khổ và lo
lắng của người mẹ đã làm chị mềm lòng. Chị cất công rà soát mọi mối quan hệ để
mong tìm ra manh mối nơi cô đến.
Cô mân mê tờ giấy bưu phiếu. Tờ giấy hàng thứ bao nhiêu thì cô không thể
nhớ, nhưng ở một nơi nào đó vẫn đều đặn
gửi đến cô từ khi cô đến cơ sở dạy nghề cho trẻ khuyết tật này được mấy tháng,
có lẽ đúng hơn là từ khi cô không giấu được độ phình ra dần của khoang bụng. Cô
đã hết sức vui mừng và tạ ơn trời phật khi được thông báo cô đã có thai. Điều
mong mỏi của cô đã đạt được, cô thấy thật bằng lòng với những gì cô đã quyết
định và hành động. Cô nhận nhiều email, điện thoại của anh và cả của chị, nhưng
cô không trả lời. cô im lặng để trả lại sự yên bình cho hai người, tuy rất nhiều
lúc cô dậy lên nỗi nhớ anh đến hơ hoảng, rát buốt, những lúc ấy cô lại muốn gọi
điện cho anh email cho anh, nhưng nghĩ đến chị, nghĩ đến điều mình đã gây ra
cho cái gia đình vốn rất yên ấm hạnh phúc ấy, nghĩ đến cái tội rất lớn của mình
thì cô lại cố dằn lòng, và lâu dần mọi sự cũng lắng đi. Cô chỉ gửi một lời nhắn
đến cho mẹ cô để mẹ cô yên lòng, và cô, cô cũng yên lòng với nơi đã bắt đầu là
ngôi nhà mới cho mẹ con cô. Lần đầu tiên nhận giấy báo chuyển tiền, cô hết sức
ngạc nhiên và không thể biết ai là người gửi, và vì sao lại biết nơi cư trú của
cô? Bưu điện không thể trả lời cho thắc mắc của cô vì đã được yêu cầu giấu tên
người gửi. Rồi lần thứ hai, thứ ba, thì cô cho rằng anh gửi, không những chỉ là
những đồng tiền, mà cô nghĩ rằng anh đang biết rất rõ về cuộc sống của cô, và
động thái này là biểu hiện tình cảm và sự quan tâm của anh với mẹ con cô. Cô
thật sự thấy hạnh phúc, cô biết mình đã không nhầm khi chọn anh. Và thế là đều
đặn hàng tháng, cô nhận tấm bưu phiếu. Một khoản tiền vừa phải cộng với tiền
lương cũng đủ cho cuộc sống cô tạm bình ổn. Cho đến bây giờ thì những tấm bưu
phiếu ấy đã hiện diện thành một thực thể biết đi đứng, biết bi bô. Nhiều lúc cô
nghĩ, không lẽ mãi mãi anh là một người bố giấu mặt. Nếu một ngày đứa trẻ kia
hỏi cô một câu thì cô sẽ trả lời nó như thế nào? Quyền có bố là quyền chính
đáng của một đứa trẻ, không có lý do gì cô lại có thể tước đi cái quyền đó của
nó. Đến một tuổi nào đó, nó đủ khôn lớn để hiểu về hoàn cảnh của mình. Nó đương
nhiên sẽ truy cứu nguồn gốc, có thể nó trầm tính mà lặng lẽ tìm hiểu, cũng có
thể nó xốc nổi quyết liệt khi đối diện vấn đề. Vậy cô phải làm sao? Bây giờ cô
mới nghĩ đến một điều thật can hệ. Cô đã đem câu chuyện của chính cuộc đời mình
đặt lên đôi vai bé bỏng mà con cô phải gánh. Rồi cuộc đời nó sẽ diễn tiến ra
sao khi nó phải chịu phân lệch cả tình cảm lẫn sự giáo dục. Nó tuy là con gái,
nhưng dù thế nào thì một đứa trẻ chỉ có thể phát triển bình thường cả về tâm lý
lẫn thể chất khi nó được tình thương yêu và chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Đằng
này, nó đã không có cha, lại bản thân cô không đủ điều kiện, trong những sinh
hoạt hàng ngày, cô luôn phải nhờ vào sự trợ gíup của những người chung quanh.
Tuy nhiều người khá sắn sàng, những một số người cũng tỏ ra lãnh đạm và hơi khó
chịu khi bị làm phiền nhiều. Cô đủ nhạy cảm để đọc được những ý nghĩ ấy, và
cũng không ít lần cô khóc thầm vì tủi thân. Vậy đó, với những hạn chế của bản
thân như vậy, liệu cô có đủ khả năng để nuôi dạy nó thành người. Tại sao lúc đó
cô không nghĩ đến? Mà làm gì có thời gian cho sự cân nhắc mọi điều khi sự khát
khao trong cô đã choán hết tâm cảm và lý trí. Xét về nhu cầu và khát vọng bản
thân, cô không có gì phải hối tiếc, nhưng về tất cả những người liên quan mật
thiết trong chuyện này đều bất ổn cả. Nhưng giờ thì đã muộn cho cân đo hệ quả.
Chỉ biết nhắm mắt mà đi tiếp, khắc phục được cái gì hay cái đó, còn thì…
Nó đi lang thang trên hè phố, hết phố này sang phố khác. Nó chỉ muốn đi
đi mãi, đi đến đâu cũng được miễn không phải là về nhà. Đôi lúc nó lại quệt vội
những giọt nước mắt vừa rơi ra. Nó bây giờ đã là một cô gái mười sáu tuổi. Nó
không muốn về nhà vì không muốn nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ nó. Thứ mà
nó đã phải thấy quá nhiều trong suốt nhũng năm tháng qua. Lúc còn nhỏ, nó mải
chơi, mẹ nó gọi không được, mắng không xong, khóc. Khi nó ốm, mẹ nó không ôm
vác được, phải nhờ người nọ người kia đưa nó đi bệnh viện, nhờ chưa được ai,
khóc. Khi nó đi học muộn vì không nhờ được ai chở đến trường, bị cô giáo mắng,
phê vào sổ, nó khóc, mẹ nó cũng khóc. Nó đòi mua thứ nọ thứ kia, mẹ nó không
dắt nó đi mua được, lại phải nhờ người nọ người kia, họ quên hoặc mua không
đúng thứ nó cần, nó lăn ra khóc, mẹ nó cũng khóc. Nó thấy bạn nó có ba có mẹ
đưa đến trường, bằng xe máy đẹp, bằng xe hơi đẹp, nó hỏi ba đâu, mẹ nó lại
khóc. Rồi một ngày vào năm nó mười tuổi, có hai người từ xa đến nhà nó, nói với
mẹ nó chuyện gì đó. Lâu lắm, mẹ nó chỉ khóc, và sau đó bảo nó gọi hai người ấy
là ba nuôi, mẹ nuôi. Nó không biết ba mẹ nuôi nó ở tận đâu, chỉ thỉnh thoảng
thấy mẹ nuôi đến cho nó quần áo đẹp, bánh quà, và cả tiền nữa. Những lúc ấy nó
thích lắm, nhưng mẹ nó thì…vẫn khóc. Nó không muốn bạn nó đến nhà, nó không
muốn bạn nó nhìn thấy dáng lê lết trên hai chiếc ghế đòn làm phương tiện di
chuyển trong nhà của mẹ nó, lúc trước nó còn thấy mẹ nó thi thoảng chống nạng,
sau đó hay bị té quá, nên cũng không chống được nạng nữa, chỉ đi bằng hai tay
là chính, nhiều lúc bị những người bạn ác ý, giễu nhại dáng đi lê lết của mẹ
nó, nó ức quá đánh nhau với bạn xong về nhà mách với mẹ, mẹ nó khóc. Nó chẳng
mấy khi nhìn thấy mẹ nó cười, nhiều khi chẳng có chuyện gì, nó cũng thấy mắt mẹ
nó đỏ hoe nhìn nó, rồi lén quay đi chùi vào tay áo. Nó không muốn về nhà vì chỉ
ít ngày nữa là sinh nhật của nó. Nó đã dự mấy cái sinh nhật của lũ bạn nó, rôm
rả lắm, vui vẻ lắm, ba mẹ các bạn ấy người ta nói sinh nhật thứ mười sáu với
con gái là nhiều ý nghĩa lắm, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cuộc
đời một cô thiếu nữ. Vậy mà nó… Nó biết, nếu nói với mẹ nó, thì mẹ nó lại chỉ
khóc thôi. Thời gian gần đây, nó như nhiễm cái khóc của mẹ nó thì phải, nhưng
chỉ khóc một mình thôi, nó đã biết giảm bớt những giọt nước mắt của mẹ nó bằng
những câu đùa tếu hài, đã biết không thể đòi hỏi những điều mà đám bạn nó thật
đơn giản để có, nó đã biết nấu nồi cháo và dỗ cho mẹ nó ăn khi mẹ nó ốm, mà khi
ốm, mẹ nó cũng hay đỏ mắt lắm. Ngày còn nhỏ có lúc nó thắc mắc “sao mẹ nhiều
nước mắt thế, chắc ăn bao nhiêu uống bao nhiêu thành nước mắt hết”. Giờ thì nó
hiểu được phần nào những gì làm mẹ nó khóc. Nhất là những lúc nhìn mẹ nó di
chuyển bằng tay cùng hai chiếc ghế, cứ ngồi lên cái này thì nhích cái kia lên
phía trước, và lại tiếp tục tiếp tục, có lần trượt ngã sõng xoài ra. Bây giờ nó
hiểu biết hơn một chút, nó tự hỏi. làm sao mà mẹ nó lại mang bầu và sinh ra được
nó nhỉ? Rồi làm sao mà ẵm bồng lo lắng cho nó hàng đống việc lặt vặt? Những câu
hỏi đó được giải đáp từ một vài người bạn của mẹ nó. Và người ta còn nói thêm
rằng “Con phải học hành và làm việc cho tốt để sau này lo cho mẹ con nhá. Mẹ
con chỉ trông vào con đấy thôi”. Tất nhiên là bây giờ nó đã đủ hiểu những gì đã
đặt lên đôi vai của nó. Nó lại tự hỏi: Vậy bố nó là ai? sao lại sinh ra nó rồi
không ngó ngàng gì cả? Liệu bố nó có biết đến sự có mặt của nó trên đời này
không? Cho dù nó cũng đã gọi một tiếng bố, nhưng đó là bố nuôi, tuy người bố
nuôi ấy cũng tỏ ra rất thương yêu nó, những nó không được thường xuyên gặp. Nó
cũng biết, bố nuôi làm sao bằng bố thật được. Giá như nó có người bố thật nhỉ?
Chắc bây giờ nó không phải khóc thế này.
Anh lặng người đi trong cảm xúc khi thắp những ngọn nến trên ổ bánh sinh
nhật cho con gái. Thâm tâm anh đang thốt lên một lời ân cảm đến một người. Một
người mà giờ đây anh không biết phải định nghĩa thế nào cho đúng. Người ấy đã
dẫn anh đi hết cảm xúc này đến cảm xúc khác. Những thứ cảm xúc mà một người đàn
ông có thể được cảm nhận trong đời nếu có được bên mình một người như thế. Từ
sau cái ngày ấy, tâm thế anh luôn mất tự tin trước chị, luôn có một nỗi tự vấn
và ray rứt với cả cô ấy nữa. Giá như anh đừng mềm lòng mà chìu theo mong muốn
của cô ấy một cách cảm tính, thì có lẽ anh đã không gián tiếp đẩy một người phụ
nữ bất hạnh ấy vào một tình cảnh đáng tiếc. Nhưng không thể quay ngược lại con
đường mình đã đi qua. Anh âm thầm tìm hiểu đâu là nơi cô đến. Không mấy khó
khăn, vì anh đã có thể đoán được nơi ấy qua một vài phương hướng từ những email
của cô trước đó. Và khi tìm được, anh âm thầm kết giao với một vài người nơi
ấy, để nắm thông tin về cô và những trợ giúp khi cần. Anh không ngờ có một
người cũng làm cái việc tương tự như anh. Anh đã chết lặng khi tình cờ phát
hiện xấp giấy biên nhận chuyển tiền trong tủ áo của chị, đến một địa chỉ. Anh
càng nể trọng chị hơn, và chỉ biết âm thầm tạ ơn chị bằng tất cả tình yêu
thương chăm sóc có thể. Cuộc sống gia đình anh chị đã dần trở lại sự êm ấm và
còn có phần thắm thiết hơn. Và rồi một ngày chị nói với anh một ý định. Không
còn ý định nào tuyệt với hơn thế, hợp tình hợp lý hơn thế, nó đã đóng vai trò
công khai hoá một mối quan hệ cha con, và cũng là một bước chuyển tiếp đáng kể.
Anh đã có thể chăm sóc hai mẹ con cô ấy dễ dàng hơn, nhưng dẫu sao vẫn còn một
khía cạnh khá tế nhị. Và chị lại là người đủ tinh tế để giải quyết sự tế nhị
ấy. Cô con gái nuôi được nhận một thứ tình cảm không khác mẹ ruột là mấy. Một
số khả năng hạn chế của người mẹ ruột đối với con gái đã dược mẹ nuôi bù đắp.
Phần nào đó cũng làm cho tâm lý của một cô con gái mới lớn được cân bằng và
thoải mái hơn. Và một điều cả hai mẹ con cô đều không nghĩ đến, lại đang xảy ra
trong một không gian hiện thực. Không gian ấy đủ lung linh trong những ánh nến,
đủ ấm áp trong chan hoà tình thân, đủ tươi vui với những tiếng cười bè bạn, và
cả hoa cả nhạc cả quà. Không gian ấy đã làm cho một cô bé lâng lâng trong niềm
hạnh phúc. Điều mà trước đó ít lâu những tưởng không thể xảy ra, những tưởng là
nỗi tự ti buồn tủi, ngờ đâu một cuộc điện thoại ngắn gọn “Con gái ơi! con hãy
ghi thiệp mời sinh nhật đến bạn bè với địa chỉ này nhé.” Một nhà hàng tương đối
khang trang lich sự, một bữa tiệc tương đối đầy đủ và màu sắc. Khi những tấm
thiệp mời được bay đi trên môi cười rạng rỡ của chủ nhân, thì môi cười rạng rỡ
ấy cũng tươi nở trên một gương mặt, một gương mặt đã nhiều nếp suy tư sầu muộn.
Nó hồi hộp mở món quà mà mẹ nuôi nó nói là món quà đặc biệt nhất của
ngày này. Nó hơi ngạc nhiên thắc mắc sao cái hộp được bao bằng tờ giấy hoa ấy
lại nhẹ thế. Món quà trong ấy là gì nhỉ? Hay là mấy tờ giấy có mệnh giá cao
nhất để nó có thể thoả thuê mua sắm những thứ theo ý thích. Nhưng nó khá thất
vọng khi chiếc hộp được mở ra, cũng là giấy, nhưng không phải loại giấy nó
phỏng đoán. Nó mở tờ giấy ra. Người thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc và vui
sướng không phải là nó. Cô vụt ôm lấy miệng để kìm mình lại sau tiếng kêu bật
ra. Mảnh giấy ấy là niềm khoắc khoải lo lắng của cô bao lâu nay. Khi con cô đến
tuổi đi học, người ta chiếu cố cảnh nhà đặc biệt nên không yêu cầu đầy đủ thủ
tục. Nhưng trong lòng cô vẫn luôn canh cánh, mai kia, ngày càng lớn, con gái cô
phải va đập với nhiều mặt trong xã hội, không phải ở đâu người ta cũng có thể
linh động thủ tục hồ sơ. Vậy rồi nó sẽ ra sao? Bây giờ thì nó hiển hiện trước
mắt cô. Và cô cũng không biết vì sao mà có được nó? Cô nhìn anh. Anh hất nhẹ
cái nhìn sang chị. Chị chỉ mỉm cười. Anh nhìn chị với một ánh nhìn chan chứa
không giấu giếm. Vâng, có được mảnh giấy đó cũng là nhờ chị. Không biết chị mày
mò tìm hiểu thế nào, mà một ngày chị nói với anh một phương thức. Rằng người
cha có thể làm được giấy khai sinh cho con mà không cần phải có hôn thú với
người mẹ. Bằng một đơn xin nhận con, với sự đồng thuận của người vợ chính thức,
nếu có, với sự xác nhận hộ tịch của địa phương. Hôm ấy, anh đã ôm chặt chị, nói
bên tai chị một lời cảm ơn chân thành. Bởi hành động của chị không chỉ mang đến
một ý nghĩa thiết thực cho một cuộc đời, mà thực sự xoa dịu và làm ấm lên những
trái tim còn mang nặng những nỗi niềm. Nó ngơ ngác hết nhìn người này đến người
khác. Mảnh giấy trong tay nó có ý nghĩa gì mà gọi là món quà đặc biệt? Và vì
sao vẻ mặt của những người lớn lại khó hiểu thế kia? Mẹ nuôi nó cầm tay nó
hướng nó về phía ba nuôi, giọng trầm ấm nhỏ nhẹ “Con gái. Đây không phải là ba
nuôi của con, nhưng con vẫn mãi mãi gọi là ba, vì đây chính là ba ruột của
con.” Mẹ nó bật khóc, nó hiểu ra và cũng bật khóc, nhưng những giọt nước mắt
bây giờ khác trước rất nhiều. Nó run run thốt một tiếng gọi “BA”. Anh cũng nghe
mắt mình ướt nóng khi ôm chặt con gái vào lòng.
Vậy đó. Tình yêu quả thực là ích kỷ, nhưng Hạnh phúc thì có thể sớt chia.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét