NƠI MÙA XUÂN BẮT ĐẦU - Tùy bút Vũ Thị Huyền Trang
Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013
Đối
với mọi người, mùa xuân có thể đã bắt đầu từ những vạt nắng vàng bên ô cửa nhỏ
còn run rẩy trong cái rét ngay từ khi tết dương lịch đến. Cũng có người thấy
mùa xuân đến muộn hơn bên buổi chợ phiên đã bầy bán lá dong xanh, những khóm
hoa cúc vàng hay những bao lì xì đỏ chói. Đối với riêng tôi thì mùa xuân chỉ
thực sự bắt đầu khi ông đứng trong khu vườn nhà, nhìn ra cánh đồng mênh mông
trước mặt, nơi ấy những mầm mạ xanh non
mơn mởn, và ông phóng sinh những con chim vừa kịp lành vết thương về đất
trời. Với tôi, chính lúc ấy mùa xuân mới thực sự bắt đầu..
Quê
tôi không khi nào thiếu màu xanh của cây cối, có lẽ vì vẫn còn những người luôn
yêu và gắn bó với thiên nhiên như ông. Cả một khu vườn rộng lớn với đầy đủ các
loại cây ăn quả như na, mít, xoài, vải… đến các cây lấy thuốc nam như đinh
lăng, bách bệnh, cối xay, bìm bìm… Tất cả đều do ông bà đã vun trồng từ khi còn
trẻ cho đến khi tóc đã bạc màu sương. Bà mất sớm, bốn năm sau ông đưa bà về bên
mảnh vườn thân thuộc, nơi ngày xưa mỗi trưa mùa xuân bà vẫn thường hong tóc
dưới những hạt nắng vàng vui đùa trong tán lá. Nơi sáng nào bà cũng mang lúa
gạo ra vãi cho mấy con chim sẻ ăn. Nhất là vào mùa đông, khi những tiếng kêu
run rẩy trong vòm lá phát ra, bà bảo tôi rằng chim bố mẹ cũng muốn ở nhà ủ ấm
con nhưng vì miếng ăn mà phải cất cánh bay ra bầu trời lạnh căm căm gió. Vì thế
bà thường mang ra nhiều lúa gạo hơn, và khi những chú chim sà xuống nhặt từng
hạt thóc, bà ngồi trong hiên nhìn chúng cười hiền hậu. Người ngoài vẫn bảo phí phạm
lúa gạo, nhưng cả gia đình tôi không ai phàn nàn thói quen của bà. Bởi tất cả
mọi người đều biết những tiếng chim líu lo trong buổi sáng, rúc rích buổi chiều
xuân là những tiếng hót trong trẻo nhất mà chúng trả ơn cho bà, người đã thương
yêu chúng như con cháu. Sau khi bà mất, ông thay bà cho chim ăn mỗi sáng như
những kết nối yêu thương mang trải lòng giữa đất trời, vạn vật.
Ở
quê tôi có rất nhiều người đi bẫy chim trên những cánh đồng rồi đem về bán.
Những con chim lành thì bán cho người dân làm cảnh, cho trẻ con nuôi chơi, còn
những con chim què thì bán cho những người thích nhậu. Cứ mỗi lần nghe tiếng
súng xa xa, đôi mắt mờ đục của ông lại thảng thốt, giật mình. Mùa xuân nào cũng
vậy, khi nhà nhà đi sắm tết nào bánh, nào thịt, nào quần áo mới, thì ông lại
đạp xe lên chợ huyện mua những con chim què về nuôi. Ông nuôi rất khéo, chỉ bón
cơm nóng hàng ngày trộn ít thuốc, thế mà chẳng mấy chốc vết thương đã lành,
chim lại bay nhảy và cất tiếng hót khấp khởi vui.
Chiều
ba mươi tết, khi nhà nhà đang tất bật sửa soạn cho mâm cỗ cúng giao thừa và đun
những nồi nước hương nhu thơm nồng, cùng nhau tắm tất nhiên, cũng là lúc ông
mang những con chim vừa lành bệnh, tung chúng lên bầu trời mùa xuân căng đầy
sức sống. Ban đầu, những chú chim còn mất thăng bằng và bỡ ngỡ trước hạnh phúc
lớn lao, sau dần chúng sải những cánh bay dài rộng trên bầu trời tự do. Mắt ông
ầng ậc nước, tôi đứng lặng lẽ, nghe từng hơi thở của ông và tôi biết ông đang
đứng chờ bà về bên chúng tôi để đón giao thừa và một mùa xuân ấm áp. Hòa quyện
giữa đất trời là mùi hương vòng, mùi quần áo mới, mùi của gió xuân mơn mởn, mùi
của những tiếng chim hót trong veo, đâu đó thoảng cả mùi hương bồ kết bà thường
gội. Trong giây phút ấy, tôi biết mùa xuân đã thật sự bắt đầu…
V.T.H.T
(Hà Nội)
Tags:
TÙY BÚT,
Văn,
Vũ Thị Huyền Trang
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét