Trịnh Bửu Hoài đã xuất
bản trên 50 tác phẩm, trong đó có 23 tập thơ, nhưng Thơ Trong Nhật Ký(*) là tập
thơ đầu tay của tác giả khi đương thì tuổi đôi mươi, đầu tay theo cái nghĩa
khởi đầu, khi chàng chưa phải là nhà thơ, chỉ toan tính trở thành thi sĩ.
Những
bản thảo dòng nhật ký tình cờ tìm thấy trong một lần dọn nhà được lôi ra từ
dưới đáy rất sâu ngăn tủ của một góc bụi bặm; bây giờ được tập hợp bày ra chính
thức trên trang in ấn như một ký ức hoài niệm quá vãng gọi về. Ngay cả chân
dung tác giả ảnh trắng đen ghi chú Long Xuyên 7.4.1971, cũng là hình ảnh của
quá khứ chủ ý quay về, bìa tập thơ trắng đen giấu sau bìa chính màu sắc
cũng là một chủ ý về độ lùi thời gian quay về. Ngày ấy những câu chữ bước chân
thơ mang yếu tính bản năng có dấu ấn của cuộc hành trình; khi bắt đầu người ta
thường khởi đi trực tiếp bằng thơ tự do, tự do phơi mở, tự do thể hiện,
một văn bản thoát khỏi khuôn mẫu (không uốn nắn như thơ Trịnh Bửu Hoài
sau này), trẻ trung tự nhiên trong trẻo như tuổi mới lớn, mộc mạc hồn nhiên như
bầy sẻ đang bay; ngay cả những từ có vẻ triết lý cũng rất trong trẻo:
Ta sinh ra
Không một nơi đến
Không có một chỗ dung thân vĩnh cửu
Cũng chẳng có một nẻo quay về…
(Vô Thường)
Ngay cả sứ mạng của nhà thơ cũng rất trong trẻo:
Thi sĩ ơi
Nỗi đau khổ tột cùng của chàng
Là sự nghiệp vĩ đại
(Nỗi Đau)
Ai bảo
Nhà thơ là kẻ tiên tri
Ừ, nhà thơ ơi
Bao nhiêu cảm nhận sâu sắc
Ngần ấy ý tưởng vĩnh cửu
Nhạt nhòa trong kiếp phù du…
(Tiên Tri)
Ngay cả lãng mạn viễn mơ cũng trong trẻo:
Người má phấn môi hồng
Về đâu trong cõi đời định mệnh
Thơ tôi
Là chỗ em đến
Hay em ra đi…
(Thơ Tôi)
Đa số những bài
thơ đều có dấu ba chấm, là sự dở dang cho tiếp tục, mở đường đi tới, bản thảo
dở dang manh nha yếu tính sáng tạo mà thơ là đỉnh cao của ngôn ngữ không chạm
với tới được.
Khi tìm lại được những ghi chép trong nhật ký, Trịnh Bửu
Hoài có ý định sửa lại những câu chữ chưa hay, ý định hoàn chỉnh câu chữ thô
mộc, nhưng khi chung thẩm thì quyết định không sửa, đây là quyết định đúng đắn;
tôi nhớ khi đọc Bếp Lửa tái bản của Thanh Tâm Tuyền, ông có ý định sửa lại,
nhưng cuối cùng không sửa, không sửa lại buổi ban đầu, không ai sửa lai khuôn
mặt khuôn ảnh mình, nhất là khuôn mặt tuổi đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời
người.
Tôi đọc một mạch
dễ dàng không suy nghĩ, không qua thấu kính cận cảnh, trong khoảng thời gian
ngắn đã đi hết chiều dài 79 bài thơ; tôi điện thoại ngay cho tác giả: Anh đã
cho tôi trở về thời thanh xuân mới biết yêu, mới tập tành lý sự đời, nung nấu
nhiều hoài bão. Tất cả đều rất trong trẻo.
V.T.Q
(*) NXB Hội Nhà văn, bìa họa sĩ Lê Thánh Thư, tháng 11-2012
Nguồn: vanchuongviet.org
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét