Mười bảy tuổi tôi về miền Tây thấy
cái chi cũng lạ lẫm, ngỡ ngàng. Những thành phố đồng bằng nằm bên sông mà người
ta không phân biệt được nơi sống là đất hay là sông. Khi cả đất, cả sông đều mênh
mang thăm thẳm để nơi đó cuộc sống sinh sôi nẩy nở từ đời này sang đời khác.
Người ta theo phù sa mà lập thành xóm, thành ấp với những cái tên là lạ mang
đậm chất quê hương xứ sở mà không nơi nào có được: kênh Trời Đánh, xóm Ba Khía,
lung Vàm, lung Sình, Đầm Dơi, Đầm Cùng… Đọc đến nát nhừ “ Đất rừng Phương Nam”
của Đoàn Giỏi để cố hiểu những cái tên được đặt. Cho đến khi đã ngấm vào da
thịt hơi thở đồng bằng, màu da nhuộm màu phèn mới nhận ra một điều giản dị: cứ
hãy sống với miền Tây tự khắc hiểu tất cả mọi điều, ngay cả những cái tên lạ
lùng kia đơn giản chỉ là cuộc sống, mồ hôi, thói quen của người lập ấp thương
đất mà đặt đấy thôi. Cũng như khi chân đã quen lội đồng hay đi vững trên cây
cầu khỉ mới biết mình xa quê bén duyên với đất lạ để đất lạ thành quen mà nuôi
ta.
Miền Tây không
bình yên muôn thuở như người ta vẫn nghĩ, vẫn đọc, xem ở đâu đó nhưng người
miền Tây biết sông thanh thản trong sóng gió, gian lao. Miền Tây, nơi nắng dãi
mưa dầm; những đoàn người tha hương gánh gồng lúa gạo, con cái bỏ xứ tìm đất
lập nghiệp, đầu đội nắng rửa phèn hoá ngọt; những bà mẹ đã hy sinh đến người
con thứ chín, thứ mười cho cách mạng; người con gái đi lấy chồng xa nước mắt
lưng tròng nhớ mẹ “bỏ sầu cho ai” miệt mài một nắng hai sương, thuỷ chung làm
dâu miệt thứ; người nông dân sống chung với lũ, hiền hoà tới mức nếu lũ có làm
hư lúa cũng cười thanh thản như chấp nhận một người bạn tốt nhưng tính khí gặp
buổi bất thường…Lũ làm hư lúa nhưng mang cá, mang phù sa về cho đồng bằng.
Người miền Tây xem vất vả hy sinh kia chỉ là thử thách, chuyện qua rồi thì
thôi, không quan tâm lắm đến điều mình đã trải qua hay uỷ mị cho thân phận
mình. Mọi điều đều đơn giản như cái cách người ta gieo hạt, mùa này thất, mùa
sau sẽ đặng. Bữa nay biếu hàng xóm trái bầu hôm sau nhận lại trái bí hoặc đói
lòng xin chén cơm nguội lót dạ chủ nhà nhiệt tình quên chuyện nấu cơm không dư
chỉ còn vừa lưng chén đưa cho khách hề hà nói “Có nhiêu đây hà!” khách cười đáp:
“Nhiêu đó cũng đủ rồi”. Có chuyện kể về tên ăn trộm cá, chủ đầm bắt được thấy
nó ướt run gầy gò không những không đánh phạt mà bắt thêm mấy con cá trọng
trọng cho tên ăn trộm mang về, dặn thêm lần sau đói quá thì đến xin chứ đừng ăn
trộm nữa. Người ta sống với nhau hết lòng như con nước hết lớn lại ròng tự do
phóng khoáng. Nghèo đó, đói đó, mưa gió thất nghiệp đó nhưng vẫn lạc quan khề
khà bên ly rượu, thả hồn theo câu vọng cổ.
Miền Tây đang mùa trở chướng, cơn mưa còn sót
lại của mùa mưa mới qua đủ làm mềm ướt cánh đồng miền Tây đang mùa gặt xôn xao,
bông sậy trổ cờ trắng bờ kênh, cây mai vừa vặt lá trong vườn nẩy lên những nụ
chồi non tơ biếc đợi nắng ấm mấy ngày cận tết rộn rã khoe sắc vàng tươi nắng,
như màu áo mới cô thôn nữ.
Bông tràm tươm đầy
mật ngọt gọi ong về làm tổ.
Con nít đòi mẹ may
áo tết.
Đâu đó tiếng chày
quết bánh phồng, cốm dẹp vang lên đều đặn.
Và
tết đã cận kề.
Tết miền Tây thương lắm. Thương cây cầu
khỉ cheo leo nối đôi bờ để người bên bến sông này sang bên kia sông thăm hỏi,
chúc Tết nhau. Thương đất miền Tây hiền nên thứ cỏ cây chi cũng thân thiết với
người. Đến rau dại như ngò, cần nước, muống, rau trai, rau diệu, rau má, rau
đắng…cũng góp mặt cùng nồi lẩu làm mồi đưa cay ngày xuân. Giữa mênh mang nắng
gió của buổi xuân hồng, người thiếu nữ áo bà ba nón lá trên chiếc xuồng tam bản
lướt nhẹ như mây trên đám năng lát hay trên những cánh đồng mênh mông vào mùa
nước nổi, những cụm bông súng đang nở trắng cả một vùng. Không còn xa vắng thăm thẳm như năm 17 tuổi
tôi đến, bây giờ đến tận chóp mũi Cà Mau đã đông vui, chuyện ăn mặc không khó
như xưa. Nhà khó mấy cũng có đĩa trái cây hay mâm ngũ quả, bình hoa mai và bia,
nước ngọt đóng lon thờ phụng, tự quết bánh phồng, làm bánh tráng, bánh bông
lan, mứt bí, gói bánh tét…
Người
miền Tây thường tự làm các món bánh mứt: bánh bông
lan vàng tươi, thơm mềm; sợi mứt dừa ngào ngọt lịm; mứt chuối đậm đà. Đặc trưng
nhất có lẽ là bánh phồng, cốm dẹp, độ 23 âm lịch, bánh tét được nấu muộn nhất, thường là vào
chiều ngày ba mươi Tết, bánh được nấu đến tận khuya, những đòn bánh chín đầu
tiên sẽ được cắt ra để cúng vào lúc Giao thừa. Ngày tiễn ông Táo về trời, mỗi nhà đều làm
một mâm cỗ để tiễn Táo Quân. Nếu ở miền Bắc, người dân có tục thả cá chép, ở
miền Trung người dân cúng một con ngựa bằng giấy với đầy đủ yên cương thì ở
miền Tây, giản dị hơn, người ta cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Chừng giữa Chạp, người ta lo lặt lá mai,
vun luống vạn thọ, chuẩn bị các món dưa
giá, dưa cải, kiệu muối chua, tỏi ngâm dấm, tương ớt... để ăn lạ miệng, không
ngán. Khi con nước bắt
đầu rút bà con nông dân tát đìa, dỡ chà, thuốc cá chuẩn bị làm cá, tôm khô ăn
tết. Người ta gác lại những bận rộn lo toan của cả năm vất vả để thu xếp, dọn
dẹp nhà cửa, chùi lư hương,
đánh vecni tủ, bàn, ghế, chọn một
buổi nắng tốt để tắm ông Thần Tài, ông Thổ Địa, chăm sóc mộ phần của tổ tiên, trang hoàng bàn thờ.
Ngày 23 Tết, bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long, giàu hay nghèo cũng đều lo mua
sắm bánh trái, chè xôi cúng đưa ông Táo. Có nơi kết hợp cúng ông Táo tức Thổ
Công với việc cúng Thổ địa và Thổ kỳ là ba vị phúc thần gần gũi nhất đối với
thế nhân. Khoảng 27, 28 tết người ta chuẩn bị mâm ngũ quả tròn trịa “cầu thơm vừa đủ xài” (mãng cầu, dừa,
đu đủ, thơm, xoài). Ước muốn của người miền sông nước giản dị, thật thà là thế,
chỉ mong may mắn, hạnh phúc, sung túc vừa đủ cho cả nhà chứ chẳng dám mưu cầu
nhiều. Cũng khoảng này người miền Tây gói bánh tét, bánh ít, bánh ú thay vì gói bánh chưng và đồ bánh dày. Đặc biệt không thể thiếu món
lạp xưởng tươi, nổi tiếng nhất là lạp xưởng Gò Công. Đây
là món ăn dân dã nhưng vô cùng thân thuộc trong đời sống ẩm thực của người dân
không chỉ ở Gò Công mà còn rất nhiều nơi khác từ Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho cho
đến Sóc Trăng, Cà Mau… Thiếu lạp xưởng trong mâm tiệc ngày tết giống như
thiếu chất miền Tây vậy.
Đêm giao thừa, sông vắng tiếng xuồng, mọi người đã kịp
về nhà đón giao thừa. Trên bàn thờ
khói hương nghi ngút, ánh đèn lung linh huyền ảo. Mâm ngũ quả đủ các sản vật
của miệt vườn ít có nơi nào bì kịp. Chậu mai vàng đặt trước bàn thờ nụ xanh bật
sắc hoa vàng. Nhiều nhà còn có bàn thờ Bác Hồ đặt ngay trước cửa nhà có
ghi câu: Cơm no áo ấm ghi ơn Đảng/ Độc lập tự do nhớ Bác. Đêm trừ tịch của miền
sông nước, người chủ gia đình thành kính cúng giao thừa, bước ra vườn để đón
gió xuân xào xạc, thoảng trong không gian mùi hương trầm. Trong nhà mọi người
cũng chắp tay khấn cầu những khát khao ấp ủ trong lòng trong giờ phút thiêng
liêng ấy.
Miền
Tây nhộn nhịp hơn nhiều, Tây Đô trù phú, “Cà Mau mặc thêm áo mới” nhưng còn
nguyên chất hào sảng, phóng khoáng, chất “hai lúa” “nguyên phèn”. Đón tết, nhà nào cũng có những chầu nhậu được bày ra
ngay trước cửa nhà, khách và chủ cùng cười nói, cụng ly rôm rả. Gặp nhau là mời ăn, mời nhậu đến hết ba ngày xuân. Nếu thiệt
là dân miền Tây, đừng bày vẽ gì, ta cùng cạn chung rượu chuối hột, ăn miếng
khô, đi cầu khỉ đi chúc tết chòm xóm hay cùng ngồi trên chiếc vỏ lãi đi đến
những xóm xa hơn một chút để thấy cái hồn mình mênh mang hoà cùng trời đất trở
mình giao mùa khi xuân sang để rồi sau đó hăng say làm việc đón một mùa hứa hẹn
bội thu.
Tết này về miền Tây không còn cách sông, ngăn đò khi những
cây cầu dây văng lộng lẫy sáng rực cả góc trời nối liền đôi bờ thay thế. Dẫu
rằng châu thổ vắng phà cứ như không còn là châu thổ. Phà đâu chỉ chở người sang
bờ bên kia mà chở cả nỗi nhớ mong người xa xôi biền biệt, chở niềm tâm sự đợi
gió ngang sông mang đi giúp, chở gánh nặng mưu sinh gắn chặt với những chuyến
lại qua, chở thẹn thùng ấp ủ của đôi trai gái vừa mới yêu nhau… Cứ về miền Tây
là qua phà, điều đó tự nhiên khi đến đây người ta tìm bún mắm ăn cho biết.
Không biết bao lần nhẫn nại đợi phà trong cái nắng chang chang và tiếng lao xao
léo nhéo của quán xá và ngừơi bán rong, thấy cột khói đen ngòm và tiếng còi phà
hú dài loang loáng lan xa trên bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ, bắc Hàm Luông, Rạch
Miễu... có cảm giác như qua bờ bên kia vùng đất mới mở ra. Đôi chân tù túng
trên xe đò được tung tẩy bước trên phà đón gió hít căng lồng ngực tìm chút thư
thái để tiếp tục cuộc hành trình. Những chuyến xe lướt nhẹ đồng bằng trên cây
cầu hiện đại khiến ta về nhà sớm hơn nhưng có điều gì đó bứt rứt, thương nhớ,
bồi hồi khi trên phà qua sông rộng khiến người miền Tây ngậm ngùi luyến nhớ.
Ngày 22/12 cầu Đầm Cùng hợp long, cây cầu cuối cùng nằm trên quốc lộ 1A nối
liền huyện Năm Căn với TP Cà Mau, tôi đi trên chuyến phà cuối cùng ấy… Người
lái phà rưng rức đậu lại một góc mắt nhìn lên cây cầu đang chuẩn bị tổ chức
khánh thành, thông đường, anh mân mê tay trên vòng lái như thể không bao giờ
được chạm vào nó nữa. Từ mai, con đường hun hút những chuyến xe chẳng khi nào
dừng lại bến cũ. Tôi ngoái lại nhìn sang bên kia sông thấy hàng quán đang dọn dẹp từ từ, những gánh
hàng rong đứng bơ vơ với bụi đường…
Gần
20 năm tôi không còn là khách. Miền Tây của 20 năm sau cũng bớt vẻ hồn nhiên
nhưng người miền Tây vẫn bao dung như thưở trước. Vẫn còn những cái tết đẫm chất “hai lúa” dễ
thương, dễ mến….
N.T.V.H
(Cà Mau)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét