Thờ cúng Tổ tiên ông bà và những bậc tiền hiền có công
với dòng tộc, với làng nước từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa và có sức sống
bền lâu của người Việt. Vào những ngày giỗ chạp, ngày Tết cổ truyền con cháu
dâng lên bàn thờ hoa quả, mâm cỗ và thắp ba nén nhang khấn vái người đã khuất
càng thể hiện tấm lòng thành của người còn sống đối với người quá cố. Các vị
chư tăng hay người tu tại gia và kể cả nhiều người không tu hành, nhưng đêm đêm
vẫn thắp hương lên trang Phật hoặc ngày rằm, mùng một về chùa lễ Phật, từng nén
hương họ dâng lên Phật tổ để mong được ban phước lành, được vạn sự như ý…Và,
còn rất nhiều, rất nhiều những lễ hội, cúng đình miếu, ma chay cũng đang diễn
ra hàng ngày, hàng đêm nghi ngút hương khói tỏa lên từ những nén nhang.
Ba nén nhang thơm đã trở thành cái cầu
nối để con người bằng xương bằng thịt đến với cõi tâm linh Trời- Đất, đến với
cõi vĩnh hằng, tín ngưỡng, tôn giáo. Khói nhang đã len lỏi vào tận ngõ ngách
của đời sống của người Việt và môt số nước châu Á. Những ngày cuối năm đi mua
sắm Tết, ai cũng ưu tiên chọn lựa mua mấy bì nhang, họp nhang thiệt thơm về
thắp cho Trời Phật, Tổ tiên ông bà. Hơn hẳn mọi chốn linh thiêng, một tôn giáo,
một gia đình hoặc dòng tộc, một cộng đồng dân cư khép kín, đó là mọi người, mọi
nhà của cả đất nước Việt Nam và cả cộng đồng người Việt đang sống ở nước ngoài
hướng về đêm giao thừa giữa năm cũ mới. Mỗi chúng ta, khó ai diễn tả nổi sự xúc
động trong khoảnh khắc giao thừa- Đúng vào lúc 0 giờ đêm ba mươi trong tiết
trời se lạnh, nồi bánh tét, bánh chưn vừa vớt ra chọn cây bánh to đẹp nhất đặt
lên bàn thờ, và mọi công việc đâu vào đó, mọi vật dụng trong nhà được dọn dẹp,
sắp đặt tươm tất, cả không gian trời đất tĩnh mịch, dường như mười hai con giáp
và cả những sinh vật khác cũng yên lặng trong giờ phút thiêng liêng, ai ai cũng
đang hướng về cội nguồn Tổ tiên. Trong mỗi mái ấm gia đình mọi người ăn mặc
chỉnh tề, quây quần bên nhau dâng hương hoa, mâm cỗ lên bàn thờ ông bà. Nhiều
nơi đã khôi phục y lễ, chủ gia là đàn ông hay đàn bà đứng tuổi vận áo dài, đội
khăn xếp thắp ba nén nhang nghiêm cẩn, tịnh tâm đứng trước bàn thờ ông bà Tổ
tiên khấn vái, trịnh trọng thỉnh mời người đã khuất về cùng con cháu đón mừng
năm mới, sau đó lần lượt các thành viên trong gia đình đều thắp nhang thơm dâng
lên bàn thờ để tưởng nhớ người đã khuất. Ba trăm sáu lăm ngày trong một năm,
không có thời khắc nào thiêng liêng hơn giờ phút giao thừa đêm 30 Tết.
Làn khói trắng lẫn khuất, ẩn hiện, quấn
quyện cùng mùi thơm nhè nhẹ lan tỏa trong không gian yên tĩnh ấm cúng, càng làm
cho mỗi người trong gia đình cảm thấy gần gũi, gắn kết nhau hơn trong tình yêu
thương gia đình, huyết thống. Và, từ trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta như cũng
được gần gũi với linh hồn người đã khuất, nhất là đấng sinh thành, hay người mà
mình yêu thương nhất lúc sinh thời. Trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và cả đất
nước cũng đều có cảm nhận phút giây đón giao thừa như thế. Có lẽ trong tâm thức
mỗi người Việt Nam
chúng ta dù tin hay không, nhưng hẳn ai cũng nghĩ rằng ở thế giới bên kia,
trong một nơi vô định sẽ có những hình ảnh, những con người đang hướng về chúng
ta trong đêm giao thừa. Khi thắp ba nén hương dâng lên bàn thờ người quá cố,
khói hương sẽ hòa quyện hai cõi âm dương, chúng ta đang như tâm sự, bày tỏ điều
hơn lẽ thiệt, cầu mong được phước lành trước vong linh người quá cố, nhang khói
sẽ làm ấm lên không gian, ấm lên thế giới vô hình để cuộc sống của mỗi người
được yêu thương, an lành, hạnh phúc.
Tôi chưa có điều kiện tìm hiểu nguồn gốc
cây nhang và tục lệ thắp nhang lên cõi linh thiêng có từ lúc nào và ai là người
cổ xướng, sáng lập. Nhưng có lẽ, từ khi có tục lệ thắp nhang lên bàn thờ Tổ
tiên ông bà, thì cây nhang với số lượng nhiều nhất đã từng theo chân các bậc
thiền sư truyền đạo Phật vào nước ta và ngày ngày cây nhang đã tỏa khói hương
nghi ngút nơi cửa Phật. Qua lịch sử vua Trần Nhân Tông, vị vua duy nhất nước ta
xuất gia quy y, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm- Phật Hoàng hẳn đã dùng nhiều
nhang để Lễ Phật.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều người trước
khi đi xa bằng phương tiện tàu, xe là thắp nhang khấn vái tiên linh để cầu may
mắn, an toàn, và khi về nhà cũng thắp
mấy nén nhang lên bàn thờ trước rồi mới nói chuyện hoặc làm công việc. Nhiều
người vào buổi cơm chiều là thắp nhang trên bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà rồi
mới đi ăn cơm, tức là khấn vái tiên linh trước khi mình ăn cơm. Không ít nơi
còn có tục lệ thắp nhang trên từng gốc cây cổ thụ, ụ gò mối, góc nhà với quan
niệm mọi vật đều có đời sống tâm linh...Nhưng hơn tất cả, vẫn là ngày Tết, đặc
biệt là thời khắc đón giao thừa giữa năm cũ mới, không chỉ các bậc cao niên mà
cả nam nữ thanh niên...ai cũng tay cầm nhang hướng về cõi linh thiêng khấn vái
cầu nguyện một năm mới phúc- lộc- thọ khang ninh...lúc ấy nét đẹp chân- thiện-
mỹ đang đến với mọi người và ai cũng cảm thấy như được thanh thản, bình yên
trong tâm hồn.
Người Việt Nam dù ở đâu, thành thị hay
miền quê, trong hay ngoài nước, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mà thiêng liêng hơn
cả là giây phút đón giao thừa ai ai cũng đều thắp nén nhang lên bàn thờ để tỏ
lòng thành kính, vọng tưởng ông bà Tổ tiên. Nén nhang được thắp lên trong không
khí ấm cúng, cầu nguyện những điều phước lành cho mọi người trong gia đình, tạo
nên không khí ấm áp cho những ngày đầu Xuân.
Nén
nhang trong đêm giao thừa, giây phút chuyển giao năm cũ mới để rồi mọi người,
mọi nhà rạo rực thức trọn đêm chờ đón bình minh ngày mới- sáng mùng Một đầu
năm, cả đất trời vào Xuân, muôn hoa khoe sắc màu rực rỡ, muôn cây đâm chồi nảy
lộc, trên gương mặt ai cũng rạng rỡ tươi cười chào đón, chúc mừng nhau một năm
mới an khang, thịnh vượng./.
Tháng Chạp năm Nhâm Thìn- 2012
T.D.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét