Ý nghĩa của Văn chương – trong đó có Thơ ca – đối với cuộc sống
con người là không còn phải bàn cãi. Tôi tiện dịp xin trích lại bốn câu thơ sau
chỉ như một sự điểm xuyết: “Thơ như màu sắc nhẹ/ Như hương thơm lặng lẽ trong
đêm/ Như điệu ru dịu mềm/ Như tay ve vuốt nỗi niềm buồn vui” – nhà thơ Phạm Đức.
Điều mà tôi rất quan tâm và mong muốn tiếp cận đó là: Những thành tố nào cấu
thành văn chương? Thế nào thì được nhìn nhận là có “nghệ thuật ngôn từ”?
Điều
gì làm nên cái hay, cái đẹp, sự hấp dẫn của Thơ? .v.v. Tôi chỉ có thể tập hợp lại
một số suy nghĩ, nhận xét, đúc kết – tôi xin tạm gọi là những mảnh ghép – của
quí vị tiền bối mà tôi cóp nhặt đây đó (có thể có chỗ chưa được chuẩn xác) với
mong muốn phát họa chân dung “nàng” Thơ từ tư cách một độc giả yêu thơ mà thôi!
Trước tiên, tôi đồng ý với nhận xét đại ý rằng: Tác phẩm văn
học chỉ tồn tại khi “độc giả đọc nó” và (dĩ nhiên) trước đó “nó phải được ai đó
viết ra”. Còn tác giả Eliot đưa ra nhận xét như là một tiêu chí tối thiểu để trở
thành Thơ ca (bao gồm cả Văn chương nói chung): “Nếu không thể đem lại sự hưởng
thụ cho con người, lại cũng không thể ảnh hưởng đến đời sống, thì nó về cơ bản
không còn là Thơ ca”. Tôi muốn nêu lại một phát biểu mà tôi vô cùng tâm đắc (tiếc
là tôi không nhớ của ai?): “Thơ là một cuộc chuyển đổi giá trị. Chừng nào cuộc
chuyển đổi ấy không xảy ra, thì những sự vật vẫn nguyên như trước, và những từ
để chỉ sự vật giản đơn vẫn là từ cũ, những dấu hiệu đơn giản đang chờ vào cuộc.
Chỉ có người nào có khả năng làm được cái thao tác nhiệm màu về chuyển đổi mới
có quyền mang danh hiệu nhà thơ – chính vì vậy mà những nhà thơ đích thực không
có nhiều đến thế. Không hề có những sự vật, không hề có những từ nên thơ, cái
này nên thơ hơn cái khác. Chỉ có những sự vật này thô hơn hay thanh hơn sự vật
kia và những từ này thô hơn hay thanh hơn từ kia, chứ không hề có những sự vật
và những từ nên thơ hơn. Chẳng có sự vật nào, chẳng có từ nào tự chúng phát ra
mảy may thơ. Tất cả ở trong thao tác của trí tuệ, của trái tim nhà thơ – người
thực sự xứng đáng gọi là nhà thơ – tác động lên những sự vật bằng những từ và
qua những từ…”.
Tôi cũng nhất trí với nhận xét của tác giả Nguyễn Văn Hạnh rằng
“Văn chương là một hợp chất tư tưởng – nghệ thuật – ngôn từ. Nếu chỉ thiếu một
cũng không trở thành văn chương;… Văn chương thi ca là tinh thần, tình cảm, triết
lý, bản lĩnh, hồn cốt của một dân tộc, một đất nước. Là sự thấu thị minh mẫn của
nhân loại, của thời đại, sự chiêm nghiệm về lẽ sống, về hạnh phúc, thân phận của
con người. Để có một cuộc sống ngày càng tự do, có ý nghĩa, xứng đáng hơn…”. Bản
chất của thơ ca được soi rọi rõ hơn qua nhận định của Phó Giáo sư- Tiến Sĩ Nguyễn
Thái Hòa: “Có cái đẹp thuộc đạo đức, có cái đẹp thuộc triết lí, có cái đẹp của
trí tuệ…Còn thơ lại thuộc về cái đẹp của nghệ thuật. Xin đừng một lần nhầm lẫn;…Thơ
khám phá cái đẹp ngôn từ và tìm cách ổn định nó trong lòng người. Dĩ nhiên, muốn
có thơ hay, không chỉ có cái đẹp thuần túy của ngôn từ mà chính là cái đẹp của
cuộc sống thiên hình vạn trạng thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ…”. Vâng! Không
nghi ngờ gì nữa: “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Tức là loại hình nghệ thuật
dùng ngôn từ làm phương tiện nhận thức và biểu đạt;…Tác phẩm văn chương là một
công trình ngôn ngữ, một sáng tạo về ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ chỉ là một thành
tố, một mặt của tổng thể là công trình nghệ thuật;…Là nghệ thuật, văn chương phải
thể hiện được cái đẹp, sự hài hòa, sự sống trong cấu trúc của nó, trong nội
dung và hình thức, cũng như trong mối quan hệ của nó với cuộc sống và phải hướng
con người đến cái đẹp, sự hài hòa, sự sống.” – tác giả Nguyễn Văn Hạnh. Và theo
tác giả Nguyễn Thái Hòa thì “một bài thơ dài đẫm nước mắt, thương khóc tràn trề
hoặc vui bất tận nhưng chưa chắc đã hay vì không khêu gợi được những cảm hứng về
cái đẹp…”.
Như vậy trọng tâm đổ dồn về cái đặc trưng của “nghệ thuật
ngôn từ” là thế nào? Câu hỏi thì quá ư đơn giản, nhưng để trả lời câu hỏi thì
vô cùng công phu, phức tạp. Rõ rằng “Nghệ thuật, trước hết phải là sự
khác thường”. Bởi chí ít thì đó cũng là “sự đối sánh hàm ẩn tương quan giá trị
của lời nói hàng ngày của chúng ta, hoặc lời thơ của người khác với những lời
thơ của những thi sĩ bậc thầy như Nguyễn Du” – tác giả Nguyễn Thái Hòa (đang đề
cập đến “nghệ thuật ngôn từ”). Tác giả Nguyễn Trọng Tạo cũng đã nhận xét: “…Như
ta đều biết, thơ được xây dựng bằng một “thứ ngôn ngữ lạ hóa”… đã phát triển ở
giai đoạn cao, chứa đựng các đặc tính không thể thiếu, đó là nhạc điệu, truyền
cảm, hàm súc và giàu tính biểu tượng”. “Thứ ngôn ngữ lạ hóa” này có được sau
khi nó – ngôn từ - “được cấu trúc theo một mô hình nghệ thuật nào đó”, theo
cách nói của các nhà Ngôn ngữ học. Và điều này sẽ được khẳng định thêm trong nhận
xét của nhà thơ Lê Đạt: “Thơ dùng những từ thông dụng, nhưng chúng đã kinh qua
một tổ chức, một cấu trúc, một công nghệ đặc biệt. Nguyên liệu chữ đã được luyện
trong một lò luyện kim đan chuyên dùng và đã thay đổi hóa trị. Cũng vẫn những
chữ đó, nhưng chúng đã sống một thân phận khác”. Dĩ nhiên cái “lò luyện kim đan
chuyên dùng” của những nhà thơ đích thực thường không giống nhau, mỗi người một
vẻ. Mà theo Inrasara “Chính sự khác biệt (về phong cách, thi pháp, hệ thẩm mĩ)
làm nên giá trị của văn chương”. Còn nói về cái hay, tài nghệ của các nhà thơ,
tác giả Nguyễn Đức Mậu có sự đúc kết khá cụ thể “Người thì hay bởi cảm xúc dồi
dào phóng khoáng; người thì hay bởi những câu thăng hoa đột biến hoặc những trải
nghiệm về cuộc đời, lẽ đời… Có sự hàm súc, dồn nén trong sử dụng ngôn từ… Có
cái hay, cái độc đáo trong cách diễn đạt. Có cái nhìn giàu liên tưởng và bút
pháp thật giản dị tài tình…”. Tác giả Nguyễn Thái Hòa thì nhận xét “Có cái hay
của ý, tứ. Có cái hay của ngôn từ, nhạc điệu và cũng có cái đẹp toàn bích.
Nhưng tất cả phải dựa vào chuẩn mực của cuộc sống, trong đó có những chuẩn mực
thẩm mĩ”.
Đành rằng “ Người ta ba bảy người ta, trăm người trăm thị hiếu,
đặt vào ngàn vạn tâm trạng khác nhau,…Cũng không thể cứ lấy hiệu quả đối với cá
nhân làm thước đo nghệ thuật…” – tác giả Nguyễn Thái Hòa. Nhưng nhận xét sau
đây của tác giả (xin được không nêu tên) là có căn cứ, tuy tôi vẫn còn một chút
thắc mắc: “…Một nguy cơ nữa là thị hiếu độc giả thơ ngày càng ngã dần về nhu cầu
giải trí, ngại đọc loại thơ cao siêu bác học mà ưa thích một tinh thần ngộ
nghĩnh đùa tếu kiểu dân gian, nên các loại thơ- vè phát triển rầm rộ như nấm
sau mưa…”. Ngoài phần đồng ý, tôi thắc mắc ở chỗ liệu có phải độc giả “ngại đọc
loại thơ cao siêu bác học”? Bởi thơ “cao siêu bác học” tức vượt tới mức cao
quí, học rộng (từ điển), thế thì tuyệt quá còn gì! Chẳng phải nhà bác học Lê
Quí Đôn đã nhận xét: “Bản chất của văn chương là tự học vấn mà ra, học vấn có
uyên bác thì viết văn mới hay…” đó sao! Cùng với đặc tính của “thứ ngôn ngữ lạ hóa” đã nêu ở
trên, thì không lí do gì độc giả lại ngại đọc. Tôi loại khả năng “vì nó quá khó
hiểu”, bởi thế thì sao là cao quí được?! Dù nhịp sống của con người hiện nay,
đa phần là khá hối hả, rất “nghèo” về mặt thời gian. Nhưng tôi tin rằng với thơ
đích thực cao siêu bác học đó có đủ sức cuốn hút người đọc. Bởi tôi đồng ý với
nhận xét rằng: “Sự lựa chọn và kết hợp đích đáng vị trí các yếu tố thơ ca đạt đến
mức hoàn hảo không thể thay đổi, thêm, bớt được. Đạt đến mức độ đó, tương quan
giá trị tạo cho thơ ca một sức hấp dẫn phi thường khó có gì sánh kịp, có khả
năng lay động những trái tim khô cứng, lạnh nhạt nhất!”. ( Tuy nhiên tác giả Nguyễn Thái Hòa cũng có
nói thêm: “ Với một số người sống chỉ vì tiền, vì danh, dè bỉu thơ, thì thơ lọt
được vào tai họ cũng khó như “con lạc đà chui qua lỗ trôn kim” vậy”). Tôi cho rằng
trên văn đàn (tôi chỉ nói báo in) hiện nay không có nhiều những sáng tác mang tầm
cao siêu bác học, vì thế chưa thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thơ (thơ
đích thực) của công chúng. Bất giác tôi lại nhớ đến nhận xét của tác giả Phan Hồng
Giang: “Nghệ thuật, nếu nó quả là chân chính, sẽ sống trong lòng người dân –
bao giờ cũng biết tìm đường trở về với người dân như giọt nước dẫu đã ra tới biển
cả vẫn theo mây trở về với suối nguồn…”. Bởi tôi qua tìm hiểu ở một số người đọc,
đa phần nhận xét rằng: Thơ bây giờ phần nhiều khó đọc và khó hiểu, cái hiểu được
(phần nhiều) lại không chứa nhiều cái đắc địa, nét độc đáo như vốn đã từng có,
thiếu sự gắn kết, sự hài hòa…Tôi cũng đồng ý như thế! Nhiều
lúc bản thân tôi tự trách mình tư duy nông cạn quá, thị hiếu đóng kín quá, đầu
óc tụt hậu quá không theo kịp Thơ nữa rồi! Nhưng vì tình cảm dành cho Thơ “sâu
thẳm” tôi cố gắng tìm sự an ủi cho mình thông qua sự đúc kết của một số tác giả
sau: “Nhiều người tưởng mình viết gì, nói gì người khác cũng đều hiểu được cả.
Thật ra hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ,
nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần chúng hiểu sao được”
– Hồ Chí Minh. Ông Viên Mai xưa kia thì cho rằng thơ phải có phẩm chất: “Ý
thâm, từ thiển, tứ khổ, ngôn cam”.(Tạm hiểu: ý sâu nhưng lời dung dị. Cái suy
nghĩ dù khổ, đắng nhưng lời nói ra phải ngọt ngào). Nhà thơ Nguyễn Đình Thi thì
viết: “…Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ
dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm
hồn chúng ta đọc, không phải chỉ có trí thức…”. Không bỏ xuống được hẳn vì sự
cuốn hút, hấp dẫn chớ nào phải do sự rối rấm hay mờ nhòe... Tôi vẫn hoàn toàn đồng
ý với nhận xét của cụ Nguyễn Gia Tế rằng: “Thơ nó không phải thẳng, thơ nó
cong. Phải biết bình mới hiểu được cái hay của nó”. Chữ “cong” dùng ở đây là muốn
nói đến “cái khó cần thiết của thơ”, nói đến sự tiềm ẩn, sự ảo của thơ nữa – (trích
lời). Tuy thế, vấn đề là độ “cong”, độ “khó”, sự “ảo”, cái “tiềm ẩn” và cả sự “khác
thường” ở mức độ nào? Vâng! Chỉ là ở mức “cần thiết của thơ” thôi – không cần
phải đến mức… “hết sức quái đản”! Bởi vì, như tác giả Nguyễn Trọng Tạo đã nói:
“…Nhưng nghệ thuật lại có ký ức của nó. Ngay cả khi anh muốn làm một cuộc bạo động
chữ thì cũng không thể cắt đứt với ký ức ngôn ngữ của chính nó. Còn khi anh đã
cắt đứt hoàn toàn với ký ức nghệ thuật thì chính anh sẽ rơi vào khoảng chân
không, xa rời ký ức của con người, và như vậy thì chỉ tạo ra những tác phẩm
hoàn toàn xa lạ với cuộc sống”. Tôi cũng rất tán thành nhận xét của tác giả
Nguyễn Thái Hòa rằng “…Những vần thơ bề ngoài hấp dẫn, bí hiểm, “siêu đấy”
nhưng bên trong rỗng tuếch, tìm mãi chẳng thấy gì, hiểu gì thì đâu có thể gọi
là hay…Trước khi thơ có thể “giằng buộc, xoắn quyện hồn ta” thì từ ngữ, câu đoạn,
nhạc và ý phải “giằng buộc, xoắn quyện” một cách chặt chẽ, hoặc ở trên bề mặt của
lời, hoặc ở mạch ngầm bề sâu của ý nghĩa cảm xúc,…Tất cả tài năng lựa chọn và kết
hợp các yếu tố thơ ca phải hướng vào một cái đích ngắm, một chủ đề trong một đề
tài nhất định…”. Hai chữ “Câu đoạn” vừa
nêu trên, theo tôi chính là “cành” của “cây Thơ” được nhà thơ Bạch Cư Dị
phác họa qua câu nói, đại ý: Tình là gốc của thơ, Lời là lá của thơ, Nhạc là
hoa của thơ, Nghĩa là quả của thơ. Vâng! Để có được một tác phẩm thơ đích thực
thì các yếu tố thơ ca phải có sự tương quan, tương tác với nhau giống như các
thành tố tạo thành cái cây đang sống vậy! Thêm nữa, “Sáng tác lại là một quá
trình hướng tới độc giả… Khi chọn viết bằng tiếng Việt, chẳng hạn, tác giả đã
giả định rằng người đọc biết tiếng Việt. Chính nhờ dựa trên những giả định như
vậy mà tác giả có thể lựa chọn, mặc dù đôi khi tưởng chừng vô thức, những chất
liệu và thủ pháp sáng tác khác nhau nhằm đạt đến những hiệu ứng nhất định ở độc
giả…Mối quan hệ giữa Tác giả và Độc giả không thể tách rời khỏi thế giới và các
cấu trúc xã hội mà trong đó tương tác diễn ra…” – tác giả Ngô Tự Lập.
Với cái tinh thần quá sốt sắng “cách tân” thơ, có không ít những sáng tác hiện
nay có vẻ như là một sự đoạn tuyệt với các giai đoạn thơ đã qua. Tôi tâm đắc với
quan điểm thơ của nhà thơ Vân Long: “Chúng ta đang bước vào thời đại đối thoại,
không chỉ có đúng, sai, còn cần những ý kiến khác;…Mỗi bài thơ hay đều là thành
tựu của thời nó ra đời;…Tôi không tin cái hay của giai đoạn sau lại không kế thừa
một phần cái hay của giai đoạn trước. Có thể cách mạng, có thể vọt tiến, nhưng
vẫn là sự trườn uốn, chứ không gẫy khúc đứt đoạn”. Tôi nghĩ có rất nhiều người
luôn trân trọng và ủng hộ cái mới, nhưng phải là cái mới ươm mầm những hạt giống
mĩ cảm mới, mang lại những giá trị mới. Và theo nhận xét của nhà thơ Yến Lan: “…
Người làm thơ phải lấy truyền thống làm nền tảng. Nhưng đừng nhầm lẫn giữa cái
mới và cái lạ. Cái mới là cái phải chắt lọc từ bao nhiêu cái đã có để thay thế.
Cái lạ là cái được thấy lần đầu, nhưng thường là lạ ở chỗ này lại nhìn quen ở
chỗ khác. Hơn nữa thể hiện cái lạ chưa sành thường làm cho nó thành ra lố bịch,
lai căng và méo mó”. Bất giác tôi nhớ đến mấy câu thơ của Bằng Việt và xin mượn
dùng riêng cho cái suy nghĩ của tôi lúc này: “Thôi hãy khoan ngậm ngùi/ Những
gì chưa dễ có/ Thôi hãy khoan ruồng bỏ/ Những gì chưa dễ qua!.../ Thôi hãy
khoan xót xa/ Những gì chưa dễ mất,…/ Thôi hãy khoan vùi dập/ Những gì chưa dễ
quên!”. Tôi nhất trí với nhận xét của tác giả Nguyễn Thái Hòa rằng: “Tác phẩm
nghệ thuật có giá trị thì không có đáp số cuối cùng, mỗi thời đại sẽ tìm ra lời
giải và đáp số cho mình”. Tôi cũng đồng ý với nhận xét đại ý rằng: “Tác phẩm
hay là tác phẩm có giá trị nhân sinh và được truyền tải bằng nghệ thuật văn
chương đích thực, trong đó nội dung (tư tưởng) thông điệp của văn phẩm là đúng,
có giá trị vun trồng cuộc sống của cộng đồng,…”. Nhân nói đến cái “nội dung tư
tưởng” của văn phẩm, tôi rất lưu ý một nhận xét: “…Cái sự thật một cách trực diện
với đời sống của con người đã được khúc xạ như thế nào trong văn chương? Câu trả
lời thật đáng buồn: Có nhiều khi cuộc sống chảy một đằng, văn chương xuôi một
ngã, nhà văn lạc đường trong quá trình tìm đến người đọc của mình…” – tác giả
Nguyễn Quang Thiều. Và tôi lại liên tưởng đến câu nói của M. Gorki: “Chính nhờ sự hòa hợp nhất trí giữa
kinh nghiệm bạn đọc với kinh nghiệm nghệ sĩ mà có được chân lý nghệ thuật, có
được sức thuyết phục đặc biệt của nghệ thuật”. Sau cùng, tôi xin mượn hai câu
thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu để thay cho lời kết bài viết này: “Trang giấy trắng
như triền cát khát/ Thơ là nhành xương rồng ẩm ướt nở hoa kia!” ./.
N.V.K
(Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét