Nếu bảo rằng ngày tết để lại trong lòng tôi những dư
vị vừa ấm áp vừa thiêng liêng thì có lẽ không chỉ bởi những tối tất niên ngồi
chờ bố đặt mâm cỗ cúng giao thừa lên ban thờ, thắp hương thơm để rồi tôi ngồi
đếm ngược những giây cuối cùng của năm cũ đón chào một năm mới về với đất trời.
Cũng không phải chỉ bởi cái hạnh phúc được ngồi canh nồi bánh chưng chiều 27
tết hay theo bố đi ăn đụng thịt lợn trong làng để tranh nhau với lũ trẻ con cái
đuôi “quẫy quẫy” như lúc nhỏ. Mà có lẽ tôi không khi nào quên được cảm giác
thiêng liêng khi được cùng bố ra ngoài nghĩa trang tảo mộ cho tổ tiên và những
người thân đã khuất.
Nhớ ngày nhỏ cứ vào 25, 26 tết là mẹ lại
ra chợ sớm mua thật nhiều hoa cúc, mà phải là loại cúc có cả rễ để có thể trồng
sống được. Thường thì mẹ mua hoa cúc vàng, bông nhỏ nhìn rất đẹp. Ngoài hoa thì
còn có hương thơm và rượu. Mẹ để vào trong một cái làn nhựa cho tôi ngồi đằng
sau xe đạp sách. Còn bố thì phải đi mua vôi treo lủng lẳng đằng trước xe. Trên
đường đi ra nghĩa trang tôi cũng thấy rất nhiều đứa trẻ cũng ngồi đằng sau ôm
hoa như tôi, miệng cười tươi, vừa đi vừa hát. Ở quê tôi, người ta thường vào
nghĩa trang liệt sĩ tảo mộ cho các anh hùng, liệt sĩ trước rồi mới ra nghĩa
trang chung để bày tỏ lòng biết ơn đời đời đối với những người đã ngã xuống cho
cuộc sống hôm nay. Nhìn ngôi mộ nào cũng được nhặt cỏ, quét vôi mới trăng tinh,
trồng hoa cúc vàng tươi, mùi hương thơm quện vào mùi gió xuân, chắc hẳn lòng ai
cũng thấy vui.
Tôi nhớ cô giáo cấp III từng nói tục tảo
mộ cuối năm là một phong tục đẹp phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất
nước. Ở nhiều nơi nó còn là một hoạt
động mang tính dòng tộc rõ nét. Bởi vì ở các vùng nông thôn, nơi có những dòng
tộc lớn thì họ thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi
trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau
tiếp tục thực hiện. Cứ vào những ngày ấy thì con cháu dù có bận bịu việc gì đi
nữa cũng gác lại tụ họp ở nghĩa địa để sửa sang, quét dọn phần của tổ tiên và
những thân quyến quá cố. Tục lệ này không chỉ là dịp người sống bày tỏ tấm lòng
đối với người đã khuất mà cũng còn để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng
thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đấy là sau này khi tôi đã lớn lên rồi mới
được cô giáo dạy những điều đó chứ lúc còn bé bố chỉ nói thật đơn giản với mấy
anh em tôi rằng: “Ngày tết người sống lo quét dọn, sửa sang nhà cửa, mua sắm
nhiều thứ để đón một cái tết ấm cúng thì cũng không thể bỏ quên người đã khuất
được. Ở dưới đó cũng có tết, nếu mình không lo cho tổ tiên, những người thân đã
mất của mình thì dưới đó họ bị thiếu thốn hơn người khác. Người sống thiếu thốn
tủi thân tủi phận thì người đã khuất cũng thế”. Tôi không bao giờ quên được
những gì cha tôi từng nói và vì thế được theo cha ra nghĩa trang tảo mộ mỗi dịp
năm hết tết đến là một niềm vui khôn tả đối với tôi.
Sau này lớn lên được đi đây đi đó, thấy
vui mừng vì hầu như ở nơi nào tôi đến vào dịp tết cũng thấy người dân không
quên việc đi tảo mộ mỗi dịp xuân về. Nó đã trở thành một truyền thống tốt đẹp
của dân tộc ta, thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội, tổ tiên. Tôi lại
nhớ đến một câu nói “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể
rộng sông sâu” là vậy đấy. Bố luôn
dặn chúng tôi rằng sau này khi bố không thể tiếp tục công việc đi tảo mộ vào
ngày xuân nữa thì mấy anh em phải thay bố làm việc đó. Bố bảo:
- Đi tảo mộ không phải là một việc bắt
buộc mà đã làm nó là phải tự nguyện và thấy vui vì mình đã làm được một điều gì
đó cho người dưới suối vàng.
Những người đi tảo mộ gặp nhau tay bắt mặt
mừng vì có khi cả năm mới được gặp nhau sau những buôn ba vất vả. Dù tất bật
thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa,
nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng
là một dịp giải bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với
cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về
ăn Tết với gia đình. Trong niềm vui gặp lại ở một nơi như thế họ cùng ôn lại
những kỉ niệm đã qua về một thời đói nghèo, khốn khó, đồng kham cộng khổ như
thể họ không chỉ nói với nhau mà nói cả với người nằm dưới nấm mồ vừa được quét
lại tinh tươm kia. Để rồi lúc ra về thấy trong sâu thẳm kia là những ánh mắt
buồn vui lẫn lộn. Họ lại hẹn nhau năm sau lại đi tảo mộ…
Tôi lại ngồi sau xe, chiếc làn nhựa chỉ
còn sót lại vài cục đất rơi ra từ gốc hoa cúc mẹ mua. Chiếc làn nhẹ tênh nhưng
nặng ân tình, tôi nghe như có lời gió hát bên tai, gió xuân tràn đầy niềm vui,
hạnh phúc. Mãi mãi sau này tôi không khi nào quên được cái niềm vui thiêng
liêng ấy...
HN
12-2009
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét