Tiếng trống lần một báo hiệu giờ xếp hàng vào lớp của học sinh vang lên.
Mọi hoạt động vui chơi lập
tức khựng lại, rồi tất cả chạy ùa ra trước cửa lớp, xô đẩy nhau, rồng rắn xếp
hàng. Con Huyền lớp trưởng đứng cho có vị, chứ bọn nhỏ có thèm để ý gì đến hiệu
lệnh.
Đứng trong hàng, đứa nào cũng nói cười tự nhiên, rồi huých qua huých lại,
chọc ghẹo nhau. Bọn con gái la oai oái vì bị giẫm đạp lên chân. Phải mất một
lúc cái hàng mới tạm gọi là thẳng, rồi lớp trưởng Huyền ra hiệu cho phép vào
lớp. Nếu như mọi ngày thì thằng Nghĩa sẽ là kẻ chạy vào lớp trước tiên, nó sẽ
núp sau cửa để hù vào đứa vô sau. Hoặc giả nó sẽ chờ để ngáng chân thằng Tấn,
thằng Luận, thấy tụi bạn chí cốt lảo đảo hoặc chúi nhủi sắp té, nó sẽ cười ré
lên, thích thú với những trò tiêu khiển nghich ngợm của mình. Nhưng hôm nay,
thằng Nghĩa không vui trong lòng nên nó thờ ơ với mọi sự rủ rê của đám bạn, và
nó lặng lẽ vào lớp, đến chỗ ngồi của nó ở bên hông, gần cửa phụ sau lớp, gieo
mình ngồi xuống với bộ điệu chán nản.
Số là lúc nãy, giờ ra chơi, nó đang cùng
đám bạn rượt bắt khắp phòng, thì nó va vào con Huyền vừa từ lớp 8A1 về. Con
Huyền trừng mắt nhìn nó, rồi buông một câu :
- Giỡn cho lắm vô, chút nữa rồi biết.
- Biết gì? Mày mét cô Hạnh hả? Chấp đó.
Tuần này tao bị ghi tên vô sổ liên tục, thêm mày mét nữa cũng chẳng sợ.
Nhỏ Huyền bỉu môi:
- Xì, ai thèm mét cô. Đằng nào mày cũng sẽ bị mời phụ huynh thôi. Tao nói là nói chuyện
khác kìa.
- Chuyện gì? Ngày tận thế hả? Đừng có hù
tao!
- Thôi đi, mày muốn biết không, sao cứ
nhảy vô họng tao hoài vậy?
Thằng Nghĩa gãi đầu, ấp úng:
- Ừ, thì mày nói đi, chuyện gì mà cứ
vòng vo hoài?
- Tao nghe tụi 8A1 nói cô Hòa đã chính
thức nghỉ hưu từ tuần sau. Hồi nãy tiết lớp nó, cổ chào tạm biệt lớp rồi. Nhiều
đứa bên đó buồn lắm. Chắc chút nữa tới tiết lớp mình, cổ cũng sẽ thông báo tin
đó, rồi tạm biệt lớp luôn.
- Hả ? Sao cổ nghỉ sớm vậy, tao tưởng cổ
dạy hết năm chứ?
- Mày không biết thì thôi. Đúng tuổi thì
cổ nghỉ chứ, đâu phải cổ phải theo dạy cho hết năm, nhất là ráng mà theo mày để
cổ tổn thọ sớm hả …
Con Huyền ngoe nguẩy đi qua, bỏ lại thằng
Nghĩa với tất cả sự thẫn thờ, mất mát.
Trong lớp 8A2 này, thằng Nghĩa bị xếp vào
loại nghịch ngợm, tuy chưa đến nỗi cá biệt, nhưng cũng thường xuyên được nêu
tên trong buổi sinh hoạt lớp hằng tuần với đủ trò phá phách. Hầu như mọi trò
nghịch đều do nó đầu têu hoặc tham gia tích cực. Bọn thằng Hoài, thằng Tấn, thằng Luận xem
nó như thủ lĩnh. Cũng bởi nó to con nhất, nếu tổ chức đánh trận giả hoặc rượt
bắt, thì bên nào có nó là giành chắc phần thắng. Hơn nữa, nó luôn sẵn tiền
trong cặp nên bọn bạn cũng thường được nó chiêu đãi, khi thì thỏi kẹo sing –
gum, khi thì bịch xoài, có lúc là ly si rô đá bào…Cô Hạnh chủ nhiệm lớp đã
nhiều lần đổi chỗ cho nó, có lúc đặt nó ngồi cạnh con Huyền lớp trưởng để kèm
cặp, nhưng bị phản tác dụng bởi vì nó không sợ oai lớp trưởng, và con Huyền bị
nó đánh luôn. Cô Hạnh lại đổi nó lên ngồi một mình trên bàn cá biệt, nó không
thể loay hoay hoặc đùa nghịch với ai. Được hai tuần, thấy nó có vẻ hối cải,
trong lớp không còn nói chuyện, vì có đứa nào bên cạnh đâu mà nói, nên cô cho
nó về lại chỗ ngồi từ đầu năm, tức là chỗ ngồi bên hông, gần cửa phụ. Ngồi ở vị
trí đó, thằng Nghĩa tự nhiên thành cảnh giới của lớp, tức là khi có bóng thầy
cô từ dưới văn phòng lên, nó liền thông báo, và cả lớp lập tức đóng vai học trò
ngoan, ngồi ngay ngắn, nghiêm túc khiến thầy cô hài lòng khi vào lớp.
Đã mấy năm nay, từ khi lên học cấp hai,
thằng Nghĩa chẳng mấy mặn mà với môn Văn. Kể ra, nó học Toán, Lí hay Anh văn
cũng chẳng giỏi giang gì, nhưng nhờ trời năm nào cũng đủ điểm. Chỉ có môn Văn,
nó thấy vừa ớn, vừa ghét. Ớn vì bài thì dài lê thê, các thầy cô cứ đòi bọn nó
phải thuộc từ cái lí lịch tác giả cho đến văn bản, rồi còn phải hiểu cả nội
dung, nắm cả nghệ thuật… Ghét vì chưa bao giờ nó thấy thích thú trong giờ văn,
ngồi học thì nó vặn vẹo, làm việc riêng, có nghe gì đâu nên bài kiểm tra lúc
nào cũng dưới trung bình. Mấy năm học trước, hồi lớp sáu thì cô Ánh dạy văn lớp nó, dạy buồn ngủ quá
trời, cô giảng thì nhỏ, giọng đều đều như ru, giờ học buổi chiều nên hầu như nó
gà gật suốt. Sang lớp bảy, cô Hiền dạy, giọng cô thì the thé, giờ dạy cô cứ đi
lên đi xuống, gõ guốc cồm cộp, phát hiện trò nào đang mất tập trung thì cô gọi
đứng lên, hỏi lại, nói không được thì cứ thế mà đứng hết tiết. Thằng Nghĩa luôn
luôn bị đứng trong các tiết Văn, nên nó oán môn ấy lắm. Và dĩ nhiên, hai năm ấy,
nó đều phải thi lại môn văn! Có thể vì nhiều lý do khác nữa, nhưng nhìn chung,
thằng Nghĩa rất kỵ rơ với môn học ấy. Đôi lúc nó ước ao sao cho khỏi phải học
môn ấy, hoặc nếu có ai hỏi nó sau này sẽ thi vào khối nào, nó chắc chắn sẽ trả
lời là nó thà thi thể dục, vì nó có năng khiếu với bóng đá, còn hơn phải học văn.
Thế mà năm học lớp tám này, mọi thành kiến
của thằng Nghĩa về môn văn đã bị đảo lộn, hay nói một cách Toán học là đã quay
180 độ! Mấy năm trước, mỗi lần chào cờ hay có sự kiện Sơ kết, Tổng kết của
trường, nó cũng đã nhác thấy cô Hòa, được biết cô là Tổ trưởng môn Văn – Sử -
Địa – Công dân của trường, nhưng nó không ấn tượng gì lắm. Tình cờ năm học này,
lớp nó và 8A1 được cô Hòa phụ trách môn văn. Buổi học đầu tiên, cô đã khiến
thằng Nghĩa bỏ hẳn thói quen là loay hoay hoặc nói chuyện, làm việc riêng, thay
vào đó, nó tò mò nhìn cô và nghe cô nói không sót câu nào. Cô đã lớn tuổi lắm,
chắc phải lớn hơn cả mẹ nó nữa, vì thấy cô mang cặp kính lão, mặt cô đã có
nhiều nếp nhăn, nhưng đặc biệt tóc cô không có sợi bạc, và dáng đi của cô hãy
còn nhanh nhẹn lắm. Giọng cô hơi khàn, nhưng rất ấm. Bài cô giảng đặc biệt rất
dễ hiểu. Và không chỉ thằng Nghĩa mà cả đám bạn nghịch của nó đều bị cô thu
phục từ buổi dạy đầu. Cô không la mắng khi thấy thằng Hoài gấp máy bay, thằng
Tấn chuyền giấy cho nhỏ Thủy, cô chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở bọn nó, rồi tiếp tục
bài giảng. Mà lạ thật, hồi mấy
năm trước, thằng Nghĩa có ưa gì môn văn, vậy mà năm học này nó thấy hiểu hết
những lời cô Hòa giảng. Nó đâm ra thích các giờ dạy của cô, rồi nó giơ tay phát
biểu, và nó còn chịu khó soạn bài, học
bài ở nhà, rồi xung phong lên bảng trả bài. Nhiều lần nó giơ tay mà không được
cô gọi, nó cảm thấy buồn. Giờ học của cô sinh động đến mức không một đứa nào
làm việc riêng. Cô không chỉ gọi các học trò giỏi phát biểu, mà hầu như cô để ý
đến mọi đối tượng trong lớp. Phát hiện thấy những đứa chưa bao giờ phát biểu mà
đột xuất rụt rè giơ tay là cô gọi ngay, cô lại còn khen bọn nó sau khi trả lời.
Tụi thằng Luận, thằng Lâm, cả thằng Bảo chuyên môn ngủ gật mà cũng tỉnh táo hẳn
và hăng phát biểu ra trò. Mỗi khi có dịp nói chuyện với tụi bạn chí cốt, thằng
Nghĩa đều nói về cô Hòa với sự say mê, ngưỡng mộ. Có lần thằng Tấn cắc cớ hỏi:
- Ê, Nghĩa, sao dạo này tao thấy mày
tiến bộ môn văn dữ, hôm qua hình như phát bài kiểm tra mày được 7 điểm hả, giỏi
dữ bay!
Thằng Nghĩa long lanh đôi mắt, ưỡn ngực tự
hào:
- Còn phải nói, anh mày năm nay giỏi văn
rồi nghen. Tao kết bà cô Hòa quá, bả dạy hay, mà lại hiền nữa, nên tự nhiên tao
thích học văn.
- Đúng là cô Hòa hiền ghê hả mày! Bữa
trước giờ cổ, tao viết giấy rủ con Thủy tối đi bấm điện tử, cổ bắt được tờ
giấy, chỉ nhắc thôi, chứ không phạt. Tao sợ quá , tưởng là cổ mét cô Hạnh, rồi
bị mời phụ huynh, mà may thiệt, hổng sao hết. Nhưng từ bữa đó, tao cũng không
dám viết giấy qua lại trong lớp nữa.
- Ừ, tụi mình cũng nghịch quá, may là cô
hiền, gặp thầy Đại coi, giờ ổng mà rục rịch cũng chết chứ đừng nói làm việc
riêng hay ồn ào.
Thằng Nghĩa không chỉ mến cô Hòa vì bấy
nhiêu đó, mà hơn thế nữa, cô y như người mẹ thứ hai của nó vậy. Nó nhớ, bữa trước,
vào tiết cô, cũng là sau tiết ra chơi, thằng Nghĩa mình mẩy đầm đìa mồ hôi,
quần áo lem luốc như mới đi cày về. Giờ ra chơi nào nó cũng rủ cả đám con trai
đánh trận giả. Nó ma lanh, kêu “Tao chấp hết tụi bay, tao đánh trước, tụi bay
đánh tao sau, từng đứa, cấm đánh hội đồng”. Dĩ nhiên đám con trai đồng ý, vì
tới 21 đứa, không lẽ thua nó. Nhưng sau khi để thằng Nghĩa thụi mỗi đứa một
cái, tới phiên tụi nó trả đũa thì thằng Nghĩa ăn gian la lớn: “Tao thua, tao
đầu hàng”. Cả lũ biết bị xí gạt, nên hè nhau đè thằng Nghĩa xuống, rồi thụi lại. May mà có hồi trống báo hiệu
hết giờ cứu nguy cho nó, nếu không nó còn nhừ đòn với tụi bạn. Khi cô Hòa vào
lớp, phát hiện thấy bọn con trai mặt mũi đỏ lựng, tóc bết lại, mồ hôi mồ kê đầm
đìa, cô bắt cả đám đứng yên, cho con gái ngồi xuống. Riêng thằng Nghĩa vì nó
thảm nhất, ướt đầm như mới từ dưới sông lên, cô gọi nó lên, bắt đứng ngay dưới
cái quạt trần, chờ khi nào áo khô mới được về chỗ. Khi nó yên vị rồi, bọn bạn nó
cũng được cô cho ngồi xuống, thì đứa nào cũng kịp khô tóc, khô áo. Thằng Nghĩa
hiểu cô thương bọn nó, hình phạt ấy thực ra là để cả lũ hong khô quần áo, tóc
tai rồi mới học.
Có lần cô hỏi nó:
- Nhà Nghĩa có mấy anh em, con là thứ
mấy?
Nó trả lời cô:
- Dạ, nhà con có một đứa hà cô. Má con
không đẻ nữa, con cũng thích có anh em mà không được.
Cô cười, nói đùa với thằng Nghĩa:
- À, vậy thì ba má con đã ứng dụng bài
học của chúng ta hôm nay vào một cách triệt để rồi đó, phải tự hào mới được
chứ, Nghĩa buồn cái gì?
Số là hôm nay lớp nó học bài “Bài toán dân
số”. Cô giảng cho lớp hiểu về nguy cơ của việc gia tăng dân số làm ảnh hưởng
đến tương lai phát triển của loài người. Và lúc này đây, chuyện nhà thằng Nghĩa
chỉ có một con lại được cô khen, nó ngớ ra, rồi phổng mũi tự hào.
Mẹ thằng Nghĩa cũng là giáo viên, dạy
thể dục ở trường Tiểu học. Mẹ nó năm nay cũng đã gần năm mươi. Ba nó thì già
hơn, hình như gần sáu mươi tuổi. Nhà nó khá giả, vốn có của cải từ thời ông nội
nó để lại, chứ ba nó là thương binh, suốt ngày ở nhà, nhậu nhẹt đâu làm gì.
Thằng Nghĩa như cái cây xương rồng, tự lớn lên, ít được chăm sóc dạy bảo. Ở nhà
nó, mẹ đi dạy, ba đi nhậu, còn nó đi chơi lêu lổng với đám bạn trong xóm và đám
bạn trong lớp, nên hầu như nó muốn làm gì thì làm. Cũng vì lẽ đó, nó cứ ham
chơi, biếng học và nghịch phá, rồi khi cô Hạnh chủ nhiệm lớp mời phụ huynh lên,
thì mẹ nó lại tất tả đến gặp cô, than vãn. Theo lời mẹ nó, khi sinh nó, mẹ nó
cũng đã lớn tuổi lắm, nên sinh khó. Do đó, bà không đẻ thêm đứa nào nữa. Thằng
Nghĩa là con một, lại là cháu đích tôn trong dòng họ, nên ba mẹ nó cưng chiều.
Sau mỗi lần bị mời phụ huynh, nó có vẻ tu tỉnh vài bữa, rồi đâu cũng vào đấy.
Từ ngày cô Hòa dạy văn lớp nó, thằng
Nghĩa được cô rèn giũa, từ việc nhắc nhở nó khi thiếu tập trung, thường xuyên
gọi nó phát biểu, phê bình nó viết chữ cẩu thả, tất cả sự quan tâm ấy của cô đã
khiến Nghĩa tiến bộ trông thấy. Đã có thời gian mấy tuần liền nó không bị ghi
tên trong sổ đầu bài của lớp, lại còn được cộng điểm thi đua nhờ phát biểu giờ
văn sôi nổi. Tuần này vì nó ngủ quên một bữa nên đi trễ giờ Công dân, với lại
nộp bài môn Vẽ bị trễ hạn, hai tội ấy bị ghi tên trong sổ Nam tào của lớp
trưởng Huyền, chứ nó đâu còn tội nói chuyện trong lớp như hồi đầu năm. Thế mà
hôm nay lại nghe nhỏ Huyền thông báo chuyện cô Hòa sẽ nghỉ hưu tuần sau, nó
buồn quá đi mất.
Đúng như nhỏ Huyền đã báo trước, tiết
học hôm nay là tiết học cuối của cô với lớp 8A2. Cô vẫn ung dung truyền đạt hết
bài học, văn bản “Ông đồ” được cô viết trên bảng phụ, với tấm ảnh minh họa thật
đẹp hình một thầy đồ đang gò lưng viết câu đối. Lớp say sưa nghe cô giảng, được
sống lại không khí cổ xưa của đất nước giai đoạn đầu thế kỉ XX. Những câu thơ
cuối bài sao mà day dứt, thằng Nghĩa tưởng chừng lặng người thấm từng câu chữ
vào hồn:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
Cuối tiết, khi đã củng cố, dặn dò lớp
chuẩn bị bài học sau, cô mới thông báo cho lớp biết:
- Từ tuần tới, cô sẽ chính thức nghỉ
hưu. Cô rất tiếc là không thể theo các em đến hết năm học. Nhà trường đã phân
công cô Dương thay cô dạy lớp 8A1, cô Thảo dạy lớp 8A2 các em. Cô mong các em
cố gắng học, chương trình cuối năm có nhiều phần khó, đặc biệt là văn Nghị
luận. Cô chúc lớp mình sức khỏe, học giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong kì
thi cuối năm.
Ngừng một chút, cô hướng về phía thằng
Luận, thằng Nghĩa, thằng Tấn, tức là đám con trai nghịch ngợm của lớp, cô dặn
thêm:
- Riêng các em, cô mong các em cố gắng
rèn luyện, tu dưỡng. Cô đã thấy sự tiến bộ rõ rệt của Nghĩa, của Luận, Tấn…
Mong các em phát huy thành tích ấy để học tốt hơn. Nếu các em bớt nghịch phá,
cô tin là các em sẽ vươn lên khá giỏi, vì cô thấy các em rất lanh lợi, thông
minh.
Mặc dù đã được nhỏ Huyền
thông báo, nhưng cả lớp bất ngờ trước sự chia tay với cô Hòa. Do không có sự
chuẩn bị trước, nên lớp không có món quà nào tặng cô làm kỉ niệm. Nhỏ Huyền
đứng lên, đại diện tập thể 8A2 cảm ơn cô, thay mặt cả lớp chúc cô sức khỏe, và
hứa sẽ cố gắng học để thầy cô và cha mẹ vui lòng.
Thằng Nghĩa phục nhỏ Huyền,
đúng là lớp trưởng, là học sinh giỏi có khác, nói năng lưu loát, trôi chảy
thật. Riêng Nghĩa, nó cũng muốn phát biểu lắm, nhưng hồi giờ nó có bao giờ biết
nói những trường hợp thế này đâu, nên rụt rè, ngại quá. Cuối cùng, lấy hết can
đảm, nó vặn vẹo đứng lên, xin cô được phát biểu. Nó ấp úng:
- Dạ, thưa cô, con .. con xin có ý ý kiến. Cô xin cô Hiệu
trưởng cho cô dạy hết năm học với tụi con được không cô? Tụi con thương cô lắm,
sao cô bỏ tụi con giữa chừng vậy cô ?
Thằng Nghĩa nói chưa dứt câu, tự dưng òa khóc như con nít. Bọn con
gái cũng thút thít theo. Nhìn bộ dạng thằng Nghĩa lúc này trông thật buồn cười
mà cũng hết sức cảm động. Tướng nó to cao, dềnh dàng, lộc ngộc, quần áo xộc
xệch vì đùa giỡn lúc ra chơi, thế mà trên mặt nó là nước mắt, nước mũi giàn
giụa. Nó lấy tay quệt nước mắt, tới khi cô vẫy tay bảo nó ngồi xuống, nó mới
chịu ngồi, rồi úp mặt xuống bàn, rưng rức. Cái thằng thiệt lạ, ai ngờ nghịch
như quỷ sứ mà lại mau nước mắt như con nít.
Cô Hòa cũng đưa khăn tay lên chấm nước
mắt. Cô cảm động lắm. Cô tâm sự: Suốt
ba mươi lăm năm dạy học, cô đã từng nhiều lần vui buồn với bao thế hệ học trò.
Nếu tính trung bình mỗi năm cô dạy ba lớp, trên dưới 100 em thì đến lúc này số
học trò cô đã từng dạy dỗ cũng đã đến mấy ngàn đứa. Tất nhiên, có những em học sinh ngoan
hiền, học giỏi, nhưng không thiếu những học trò lười, nghịch ngợm, thậm chí là
vô lễ, hỗn láo với thầy cô. Nhưng gắn bó với bục giảng hơn nửa đời người, đến
lúc này, khi sắp chia xa để về nghỉ ngơi, cô không khỏi chạnh lòng. Nhưng điều
mà cô tự hào và coi đó là phần thưởng quý giá của người thầy, chính là tình cảm
của học sinh dành cho cô. Bên cạnh các danh hiệu “Thầy giáo giỏi”, “Tiên tiến
xuất sắc” hằng năm, cô luôn sung sướng khi được học trò, cũ và mới, đến thăm
đông đảo trong ngày Hiến chương Nhà giáo 20 tháng 11 hằng năm. Có điều cô khác
với nhiều thầy cô khác là không bao giờ nhận quà của phụ huynh và học sinh. Cô
giải thích cô không muốn làm sai lệch ý nghĩa của ngày Nhà giáo. Với cô, món
quà giá trị nhất chính là kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Chính vì
vậy, học trò đến nhà cô, không phải khệ nệ các món quà, chỉ cần tình cảm chân
thành, là cô vui lắm .
À, bây giờ thì Nghĩa đã hiểu. Hôm 20
tháng 11 nó đã xin mẹ chuẩn bị sẵn món quà để tặng cô, đó là một bộ bình ly rất
đẹp, được gói trong giấy hoa, có nơ màu đỏ. Đến tiết cô Hòa dạy, nó trịnh trọng
bê hộp quà lên tặng cô, nào ngờ cô từ chối, và cảm ơn nó nhưng nhất quyết không
nhận quà, dù nó và các bạn đã cố công nài nỉ. Hôm đó, Nghĩa buồn lắm, nó cứ
tưởng cô giận nó hay chê món quà của nó….
Cô và trò mải mê tâm tình mà tiếng
trống hết giờ vang lên cũng chưa ai muốn về. Mọi ngày khác, Nghĩa sẽ là kẻ nhót
ra khỏi lớp đầu tiên, để lại ra chực sẵn ngoài cổng trường chờ chọc ghẹo mấy
đứa lớp khác. Nhưng hôm nay, thằng Nghĩa không muốn về. Nó cố nấn ná, chờ đến
khi tụi bạn trong lớp ra hết, trên bục, cô Hòa vẫn còn lúi húi xếp giáo án và
sổ sách vào cặp. Nó rụt rè tiến đến chỗ cô, trao cho cô một cuộn giấy A4 mà nó
cất kỹ trong cặp mấy bữa nay, chờ đến tiết cô. Cô Hòa ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, sao Nghĩa chưa về hả con?
Thằng Nghĩa gãi đầu, quẹt ngang mắt, rồi
ấp úng:
- Dạ.. dạ, con tặng cô bức tranh con vẽ,
xin cô đừng chê. Tuần vừa rồi, con nộp bài môn vẽ cho cô Xuyến bị trễ, vì con
dành thời gian để vẽ tặng cô bức tranh này…
- Chà chà, sao Nghĩa lại khách sáo vậy,
mà con vẽ gì vậy?
Thằng Nghĩa chạy vội ra khỏi lớp, như mắc
cỡ, nói vọng vào:
- Cô ơi, con thương cô lắm, như mẹ con
vậy…
Bước chân nó đã xa dần, nhưng âm thanh vẫn
còn ngân mãi trong lòng cô Hòa. Cô cẩn thận gỡ sợi thun buộc ngoài tấm tranh,
rồi trải rộng ra trên bàn. Cô nhòe nước mắt trước hình ảnh trong tranh: Một lớp
học với cảnh cô giáo đứng trên bục, bên dưới là đám học trò đang ngước nhìn, số
học trò gái thì ngồi ngay ngắn, một số cậu trai đang bị đứng, giữa lớp là một
cậu con trai, cao lộc ngộc, đầu tóc ướt nhẹp, quần áo đầy vết bẩn, đang đứng
dưới cái quạt trần của lớp, chờ cho áo khô. Trên bảng đen dòng chữ tên bài học
viết cẩn thận: Trong lòng
mẹ.
T.T.H (Quy Nhơn)
truyện hay, rất nhân văn.Tác giả thường có kết truyện rất đặc biệt để lại sự suy ngẫm trong lòng người đọc. Từ đó khiến người đọc phải xem lại lần nữa, nếu lần đầu mới chỉ đọc lướt qua.Theo tôi nên bỏ đoạn:"Có lần cô hỏi nó: Nhà Nghĩa có mấy anh em... đến...rồi cũng đâu vào đấy"; vì nó sẽ làm đứt mạch và mất đi sự liền lạc của truyện.Dù là ý kiến chủ quan nhưng rất chân thành, mong tác giả lượng thứ.
Trả lờiXóaCảm ơn sự góp ý chân tình của anh (chị). Thực ra, đoạn ấy, dù không gắn kết mật thiết với toàn truyện, nhưng nó lại thêm chi tiết về sự quan tâm, nhân hậu của người thầy kể cả hoàn cảnh riêng của học sinh đã tác động ít nhiều đến tình yêu đối với môn học của em học trò nọ.
Trả lờiXóaDù sao thì cũng rất vui khi được anh (chị) bỏ thời gian đọc, bình luận .Chúc anh (chị) vui.
Truyện này sao lại có nhân vật trùng tên với mình? Làm mình ...mừng hụt, hết cả hồn!
Trả lờiXóaAi nói sao kệ nẫu, miễn mình viết bằng tấm lòng là đặng rồi! Dzậy nghen!
Cũng có thể đó là cô giáo ĐTHòa hay bất cứ cô giáo nào có cái tâm với học sinh, nên bạn cứ cho đó là mình đi, cũng tốt thôi mà. Hì!
Trả lờiXóaCô Hoa ơi, con là Trần Thị Như Ngọc, học sinh cũ của cô. Vô tình đọc được bài viết này của cô, con vui quá.
Trả lờiXóaCon không biết cô còn nhớ con không nữa. Ra trường nhiều năm mà con vẫn chưa về thăm cô được, con thấy có lỗi quá. Con đang học ở TPHCM.
Con không biết cách nào để liên lạc với cô, con hỏi các em khóa dưới thì tụi nó bảo cô không xài FB rồi cũng không biết email của cô.
Trong lòng con, cô luôn là người thầy mà con yêu quý nhất. Đột nhiên nghe lại tên cô, đọc những bài văn cô viết, con nhớ cô quá.
Thương cô.
Ngọc thương, cô không chắc nhớ chính xác về con. Nhưng điều mà con tâm sự chính là món quà hạnh phúc nhất khi cô hoặc bất kì người thầy giáo nào rời bục giảng cũng mong được nhận. Cảm ơn tình cảm của Ngọc. Nếu có về thăm quê, tranh thủ được thì ghé cô, để cô trò ta thỏa sức tâm tình. Chúc Ngọc thành công trong học tập và công việc.
Trả lờiXóaDạ, hồi đó con học 9A4 lớp cô Hòa chủ nhiệm đó cô.
Trả lờiXóaCon nhớ mỗi lần làm kiểm tra Văn của cô, con viết nhiều mà láu thành ra chữ to ơi là to. Mấy bạn hay chọc con là "chữ gà mái", mỗi lần bài con được điểm cao cô đọc bài con trước lớp cô bảo: "Không sao, chữ Ngọc to cỡ vầy thì lỡ tối nhà cô cúp điện cô chấm bài đọc hổng sợ bị nhức mắt.". Nhờ vậy mà con hổng thấy bị quê khi bị mấy bạn chọc hihi.
Cô ơi, nhớ đến cô con luôn nhớ câu này: "The influence of a good teacher can never be erased.".
Em con tên Lam Nguyên nó cũng là học sinh của cô, con có giở tập Văn của nó xem, thấy nó chăm chút thích thú vẽ mind map những bài cô dạy, con thấy vui vui, đúng là những gì cô dạy tụi con luôn được cập nhật mới mẻ cô ha ^^.
Cô cũng giữ sức khỏe nha cô, ngày không xa con qua thăm cô rồi thử trí nhớ cô còn tốt hông nè. Hihi.
Con chào cô ạ.
P.S: Bài viết giản dị, mà thấy thương quá cô ơi.
cô làm bài này tuyệt quá, con và mấy đứa a1 iu cô nhìu lắm!!!!!!!!!
Trả lờiXóaCô ơi! con la Hà nè, Hồng Hà học 9a1 năm ngoái á cô! hihi Đọc qua truyện của cô tự nhiên con thấy nhớ cô quá, nhớ những tiết học với cô trước đây, nhớ cả sự quan tâm và tình thương của cô đối với con, nhớ lắm cô ơi.....nước mắt con cứ rơi hoài thôi!
Trả lờiXóaCô biết không, đối với con cô vẫn luôn là người Thầy mà con kính trọng và yêu quý nhất. Con nhớ và thương cô nhiều lắm!
Chu choa, bữa nay ngày lễ mà đọc các dòng tâm sự của các con, cô thấy sướng còn hơn nhận được quà, hi hi (nếu có cũng tốt).
Trả lờiXóaCô cảm ơn sự chia sẻ của tất cả các con. Chúc tất cả học giỏi, thành đạt trong mọi mặt.Thương tất cả nhiều nhiều....
Tri ân những người giáo vên như thế, dù chưa đến ngày 20/11. Nếu tôi khen truyện hay và rất nhân văn hóa ra thừa, vì người khác đã nói rồi. Tôi chỉ có thể nói rằng :"Tiết học cuối cùng" mới chỉ là sự khởi đầu. Tác giả đã khỏe hẳn chưa? Mong được đọc thêm tác phẩm mới.
Trả lờiXóaCảm ơn lời thăm hỏi của nhà văn. Chị cũng đã khỏe. Mong chị em mình lại có dịp được tâm tình, trò chuyện, để chị còn được học hỏi nhiều ở nhà văn. Chào chú.
Trả lờiXóa