Chiều chạng vạng,
con nhỏ lọt tọt xách xe ra, ngoái đầu về mẹ, nó thưa thớt, “mẹ đừng đợi cơm
con, con về ngoại xin tí gió, nóng quá”.
Nhà ngoại con nhỏ mang tiếng ở thành phố mà nhìn tiêu điều
chẳng khác chi ở quê. Con nhỏ lom khom dựng xe, nhìn vào nhà rồi ánh mắt nó bị
tạt ngược ra ngoài, nhà tối thui, điện đài đâu chẳng thấy, con nhỏ nheo nheo
mắt tìm người.
“Mèn đéc ơi, sao tối thui dậy ngoại?”, con nhỏ vỗ vỗ tay lên bộ ngựa để
trước hiên khi thấy thấp thoáng bóng ông bà ngoại nó đang ăn cơm. Bà nó vừa
nhai trệu trạo vừa cầm cái quạt giấy phe phẩy, ngồi ngoài này, hưởng lộc của
trời, mát, con. Còn nhỏ giành lấy cái quạt nan, thiu thiu buồn, đến cái quạt mà
ngoại cũng tiết kiệm, chả khác nào cái nón treo giữa giữa đồng hứng mưa hứng
gió. Ngoại con nhỏ chẳng hề biết con nhỏ đang nghĩ gì, vừa nhìn đứa cháu, cười
móm mém vừa nhai cho xong bữa cơm…
***
Nằm cạnh bà ngoại,
con nhỏ say mê với những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của bà. Thi thoảng, nghe
đến đoạn ngoại nó kể về cuộc gặp gỡ với mối tình đầu, ngoại nó bạo dạn ra sao,
anh chàng kia lại nhút nhát cỡ nào…con nhỏ khoái chí đạp chân rầm rầm lên ngựa
rồi cười ha hả, phán câu ranh rờn “đàn ông đàn ang gì mà nhát như thỏ đế,
ngoại con không ưng là phải, ngoại ha…”. Con nhỏ nói chưa kịp dứt câu,
ngoại ông từ trong bếp đi ra chen vào, “cháu của ông còn kém lắm, đàn ông
không phải là tay vừa, họ thả con tép mà bắt được con tôm to đùng đấy cháu, đến
độ con tôm ấy không chịu trở về chổ cũ mà cứ đeo người bắt tới suốt đời…”.
Con nhỏ nghe thế, chưa hiểu ngọn ngành gì, ngẩng mặt lên đôi co. Hai ông cháu
tranh luận một hồi rất chi là sôi nổi, chỉ mỗi ngoại bà là nằm im re, phe phẩy
cái quạt, lâu lâu cười lên hùng hục khi nghe con nhỏ chê bai cái anh chàng tình
đầu của bà. Một hồi, con nhỏ thua lí ông, day day tay áo bà nó hỏi ngoắt ngoéo,
chả phải ngoại cũng chê cái anh thỏ đế đó hả ngoại, rồi thỏ đế ấy đã…đi về đâu?
Ngoại bà nghe thế, không nhịn được cười, một tay cầm cái quạt rách che mặt, tay
kia chỉ ngược lên đầu, đúng ngay người ngoại ông…Con nhỏ nhìn theo cái tay chỉ,
há hốc mồm rồi ngay tức khắc giãn mặt ra, cố nặn lấy một nụ cười héo không thể
tưởng tượng được, lục tục ngồi dậy, lân lê tới chổ ngoại ông, xoa xoa nắn nắn
đôi chân đầy vết mổ (dấu vết của chiến tranh) rồi cười hì hì trông rất…nịnh.
***
Con nhỏ mười tám
tuổi, hóng tai nghe như rót từng lời từ cụ ông tám mốt tuổi, thi thoảng cứ ngúc
nga ngúc ngắc cái đầu, thi thoảng thêm vào, ừ há, ừ há, rồi cũng thi
thoảng…rươm rướm nước mắt. Câu chuyện tình yêu và những khốn khó thuở còn chiến
tranh mà nội ông kể khiến con nhỏ ngẫm nghĩ nhiều về cuộc đời, về tình yêu, về
tình người. Cái “kiểu” tình yêu là tình cuối ấy khiến con nhỏ cứ hấp háy đôi
mắt đầy nể phục, đầy mộng mơ. Những câu chuyện của năm tháng chiến tranh ấy
khiến con nhỏ nhăn cái trán dồ lại, mắt nhìn xa xăm về chân trời phía tây nhưng
chẳng thể nào hình dung được rõ những nỗi đau giữa chiến trường khi mà con nhỏ
được sinh ra giữa...thời yên ả. Và cũng thi thoảng, con nhỏ bị giật mình bởi
tiếng đập muỗi lép bép của cụ ông khi nó đang mải mê thả hồn về những năm tháng
xa lắc tít mù khơi. Tuy vậy, con nhỏ vẫn im re, không nhúc nhích, không cúi
xuống lấy tay gãi chân để tránh làm “động” cái cảm giác liêu xiêu hiếm có giữa
cuộc sống hổi hả thường ngày. Cái sự bình dị ấy vô tình khiến con nhỏ quên mất
là nhà ngoại nó đang ở phố dù chỉ hơi…ven ven, nó buột miệng, “trong phố ồn
ào và phức tạp chứ không có được yên tĩnh như ở đây, ngoại à. Nhưng con thích ở
đây hơn. Ừ, ờ, ngoại bà đáp lời qua quýt rồi nghiêng người quạt cho con
nhỏ, kể tiếp những câu chuyện bị gián đoạn của một thời khốn khó, cái sự khốn
khó đeo đuổi hai ông bà theo từng tấc đất, từng mốc thời gian dù là rất ngắn.
Chẳng hiểu con nhỏ nghĩ gì, đang nằm nó bỗng dưng ngồi phắt dậy, lúi cúi lôi
cái túi xách ra rồi nhét vào tay ngoại bà mấy tờ tiền được xếp phẳng phiu, “con
biếu ngoại, mua sữa, mua cam ăn cho khỏe tí…” Ngoại nó chưng hửng, “con
bé này, mày làm chi ra tiền mà cho ngoại?”. Con nhỏ cười thật tươi rồi làm
mặt tỉnh, ngoại cứ cầm đi, con có tiêu gì đâu. Nói rồi con nhỏ quay mặt đi,
quệt nhanh dòng nước mắt đang chảy dài trên đôi má. Hình như con nhỏ mới phát
hiện ra cả đời người, ngoại nó chưa từng biết đến sữa chua, yomost hay nước yến
là gì. Những thứ mà những đứa trẻ con quanh nhà nó vẫn thường vùng vằng hất đổ
đi mỗi khi mẹ chúng nó ép uống. Nãy, con nhỏ mới nhận ra qua tiếng ho sù sụ,
ngoại nó đã già lắm rồi, nó không thể không nghĩ đến rồi một ngày nào đó, ngoại
nó sẽ không còn vui khỏe mà kể cho nó nghe những câu chuyện đời dung dị và sâu
lắng. Con nhỏ lại quệt nước mắt, những giọt nước mắt thi nhau rớt không ngưng
nghĩ khi ngoại nó hỏi có nhớ bố nó không? Bố nó bỏ mẹ con nó đi lâu lắm rồi còn
gì.
Con nhỏ cười khì
khì, hất cái mặt lên trời, phải bố con đâu mà nhớ hở ngoại? Bố là phải khác
chứ, bố là phải như ngoại ông đây nè, làm gì thì làm, thương người phụ nữ của
mình nhất trên đời, ngoại hử! Rồi con nhỏ tự lẩm bẩm, giàu, nghèo, giàu
nghèo…hình như không phải đo bằng tiền. Ngoại nó không có tiền mà nó thấy tầm
hồn hai ông bà giàu hết cỡ. Ngoại nó tiết kiệm
điện, mà đôi mắt cứ sáng trưng, không giống mắt mẹ nó, cứ cụp xuống mà đi, lủi
thủi, cô đơn…
Con nhỏ lại lục
đục dắt xe về, chẳng biết nó có hóng được tí gió như nó đã nói với mẹ nó không
mà những vòng xe chẳng muốn lăn. Như thể, nó còn tiếc nuối những đời, những
người trong những câu chuyện kể ngày xưa…
H.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét