Tập thơ Ngõ Phong Lan vừa được in xong, đã kịp chuyển về quê đúng vào ngày cúng Thất đầu tiên của anh Huỳnh Kim Bửu.
Thế là, từ mùa xuân Xuân Quý
Tỵ- 2013, trên văn đàn không còn xuất hiện ngòi bút thuộc lớp gạo cội Huỳnh Kim
Bửu (Huỳnh Văn), tác giả của những bài tản văn, bút ký và thơ đậm chất văn hóa
dân gian, văn hóa làng và thấm đẫm tình người. Anh Huỳnh Kim Bửu- nhà văn, nhà
giáo, nhà hoạt động từ thiện, người con của làng Trung Định (Nhơn An, An Nhơn,
Bình Định) đã đi xa khi vừa bước sang tuổi 75. Mặc dù khi anh lâm bệnh hiểm
nghèo, bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng khó qua khỏi, chúng tôi những người
bạn, người em, người học trò của anh thường xuyên đến thăm, cùng chia sẻ phần
nào nỗi đau của cơn bạo bệnh, nỗi lo của gia đình, song vẫn thấy sốc và bàng
hoàng khi nghe tin anh đi vào cõi vĩnh hằng.
Với
anh Huỳnh Kim Bửu, tôi là đàn em, nhỏ hơn những nửa giáp, nhưng từ khi biết anh
còn công tác ở Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đến khi anh nghỉ hưu, ngôi nhà số
162/32/18 Nguyễn Thái Học, mái ấm gia đình anh, tôi cũng đã đến nhiều lần, được
nghe anh nói chuyện, được đọc nhiều tác phẩm của anh trên nhiều báo, tập san, tạp
chí của Trung ương và địa phương...Và, nhiều tập văn xuôi, thơ của anh xuất
bản, càng cảm nhận ở anh vốn kiến thức sâu xa được tích lũy từ cậu học sinh phổ
thông nổi tiếng học giỏi trong một gia đình gia giáo có truyền thống hiếu học
của vùng đất Nhơn An hiếu học, cho đến khi là nhà giáo, nhà văn, cán bộ cách
mạng. Vốn sống dồi dào, tích lũy nhiều kinh nghiệm, dù sống ở phố thị khá lâu,
nhưng anh vẵn nặng lòng với quê hương đến suốt cuộc đời.
Ngoài những tác phẩm văn xuôi in chung từ năm
2004 đến 2011, trong ba năm liền
(2009-2010-2011), ba đầu sách của anh được ấn hành, từ tập văn xuôi
đầu tay“Nơi con sông Côn chảy qua”
rồi “Trong như tiếng hạt bay qua” và
tập thơ “Mùa Thu biết thở ra hương”,
tập nào tôi cũng may mắn được anh gặp và trực tiếp đề tặng chu đáo. Đến khi nằm
trên giường bệnh anh vẫn trăn trở cho ra đời 30 bài thơ còn trên bản thảo và dặn dò gia đình gấp rút in trước khi
anh đi xa, kịp ra mắt bạn bè vào ngày cúng ngu thất của anh. Vốn kiến thức uyên
thâm về văn hóa dân gian, anh đã thổi hồn vào từng con chữ trên từng trang
viết, làm cho người đọc dù đang chạy theo cuộc sống xô bồ ở phố thị vẫn hồi
tưởng về cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn. Quê xưa như đang hiện về hình ảnh
cây đa, bến nước, đình làng, có lũy tre bao quanh, mái nhà tranh có hàng cau,
hàng rào dâm bụt trước sân, hình ảnh người mẹ ru hời đưa con ngủ trên chiếc
võng chỉ thơm, bà nội nhai trầu, ngày Tết ở quê, giỗ chạp, cái chõng tre, cái
phản gõ...đến chuyện bắt cua bắt cá, những bữa cơm giữa đồng với mắm cua chấm
rau lang của bà con nông dân vào ngày mùa, v.v...Với giọng văn giản dị, mộc
mạc, trong sáng, viết mà như kể một cách khúc chiết, tỉ mẩn những chuyện hết
sức gần gũi, bình thường tưởng đã phai mờ trong ký ức không ít người, như được
sống lại, được trân trọng, khơi dậy sức sống của văn hóa làng. Đọc hàng trăm
bài cả văn, thơ của anh cảm thấy như hồn quê trĩu nặng trong tâm tưởng người
cầm bút, xa quê chứ không hề bỏ quê, xa làng mà
mãi day dứt, đau đáu với những gì bị mai một từ cuộc sống chân chất nếp
làng, nếp quê. Anh viết để góp phần cho văn hóa làng dù có hiện đại, có đổi
mới, tiên tiến đến đâu cũng cần phải giữ cái đậm đà bản sắc hồn quê đã qua bao
đời sàng lọc, nâng niu. Anh muốn níu giữ lại, ghi chép lại cái nền nếp một thời
chưa xa lắm.
Những người con
xa quê, ai không nhớ quê, nhớ dòng sông khi đọc nhũng dòng viết như lời tâm sự
của anh Huỳnh Kim Bửu: “Chiều trên sông
Côn có một vẻ đẹp riêng. Người đứng trên cầu Phụ Ngọc nhìn ra xung quanh, thấy
mặt trời đang lặn ngã ba sông; những hôm có ráng chiều, màu nước sông Côn nhuộm
màu ráng đỏ, rồi cái màu ráng đó cùng sông mà trôi đi biền biệt. Chiều rồi mà
những đò dọc vẫn xuôi ngược trên sông; còn đò ngang thì đang bắt đầu thưa khách,
nhưng ông lái đò vẫn cắm sào đợi khách suốt đêm thâu. Chiều xuống cũng là lúc
người ta ra sông Côn tắm mát, bến sông nào cũng chật người...cái thú vui
đợi chiều về đi tắm mát sông Côn, hóng
gió sông Côn, rồi hát nghêu ngao mà về...”
Tôi học ở anh và
cũng có nhiều kỷ niệm khó quên về anh, anh đã từng giúp đỡ, góp ý cho tôi trên
nhiều trang viết và động viên tôi làm đơn xin vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Sau khi chữa trong thành phố Hồ Chí Minh thời gian, rồi về nhà dùng thuốc Nam,
tôi đến thăm, dù anh đã yếu vẫn nhắc tôi tiếp tục làm đơn xin vào Hội Văn học
nghệ thuật, lần nữa (lần thứ 2) tôi nghe lời anh viết đơn và anh nằm trên ghế
xếp ghi lời xác nhận, giới thiệu để tôi được sớm kết nạp vào Hội (ký ngày
11/9/2012). Ngại không được như trước đây (có thể do đơn bị thất lạc), nên cho
đến nay tôi vẫn chưa gửi lên lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, và mấy dòng
chữ kèm theo chữ ký của anh lại thêm một chút lưu niệm còn mãi với tôi trên túi
áo.
Hòa
vào dòng người đưa tiễn anh Huỳnh Kim Bửu về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà,
bên dòng sông Gò Chàm, một nhánh của sông Côn, tôi cùng nhà thơ Phạm Văn Phương
và mọi người, ai cũng bồi hồi, xúc động khi nhìn tấm hình anh vẫn tươi cười lạc
quan như anh vẫn lạc quan, yêu đời lúc còn ở trên cõi tạm. Cuộc đời và sự
nghiệp của anh trót đã gắn vào sự nghiệp trồng người, sự nghiệp văn chương và công việc làm từ thiện. Tất cả những cái
đó đã thành tài sản quý giá của anh không bao giờ mất, dù anh không còn trên
cõi đời này. Và, cả nơi yên giấc ngìn thu của anh trong lòng đất mẹ, thì vẫn
còn đó và còn mãi “Nơi con sông Côn chảy
qua”.
Mùng mười, tháng Giêng, năm Quý Tỵ 2013
T.D.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét