Ngày ấy, chị mười sáu, vô tư, mơn mởn như trái đầu mùa, suốt
ngày nói líu lo như con chim chích.
Chị dậy thật sớm, lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ để tiễn cô em gái
ra ga. Khác với mọi hôm, không còn vẻ mặt sáng rỡ, không còn nụ cười tươi, chị
lụi cụi, im im, buồn buồn…Mỗi cô em gái là vô tư lự, nói cười líu lo, loắn
nhoắn như chú chim non sắp được xổ lồng.
Hai chị em dừng xe trước sân ga nhỏ khi trời còn tờ mờ sương.
Nhìn quanh nhìn quất, chị chưng hửng, ngoài bác canh ga và cô bán hàng rong ra,
không có thêm một bóng người. Đường ray bé nhỏ, cô độc chạy một mạch dài ngút
ngàn tầm mắt. Hai hàng cây dại ven đường dường như vẫn còn ngái ngủ. Chị bán
hàng rong ở trước phòng chờ giương đôi mắt nhìn chị, “lâu quá rồi mới thấy
chị”. Chị cười hiền: “Ừ, lâu quá rồi tui không đi tiễn ai ở đây, người
ta toàn đi máy bay hoặc đi xe không hà”. Chị bán hàng rong đon đả, “thế
hôm nay chị tiễn ai, người đó sao không đi máy bay hay đi xe như những người
chị nói ”. Chị cười ngọt lịm, chỉ tay về phía nhà xe, “Cô em kết nghĩa,
em nó giống tui, thích đi tàu, chậm mà thong thả, còn có thì giờ tranh thủ nhìn
trời nhìn đất. Nó bảo, nó hãi hùng kiểu phóng nhanh chạy ẩu những chuyến xe
xuôi ngược lắm rồi”. Nói xong, chị lại cười, ngó nghiêng một vòng, xong
ngồi bệt bên mớ cỏ dại, “Ủa, mà làm cách nào nhận ra tui, lâu lắm rồi còn gì
?”. Chị bán hàng vén mấy sợi tóc lưa thưa vào bên tai, cười duyên dáng, “Ai
chứ chị sao quên được. Xưa, có bận chị tiễn người nào đó ra bắc, miệng cười nói
liếng thoắn mà mắt thì ướt rượt như con mèo mướp. Với lại, chị vẫn còn giữ mái
tóc đen dài như xưa, khác hẳn những mái tóc mô đen với đủ kiểu, đủ màu đầy rẫy
ngoài kia ”. “À, à, à, nhớ chi mà dai mấy cái kỉ niệm buồn buồn đó. Sau
này, cứ đưa đưa tiễn tiễn nhiều người, miết quen, chẳng khóc nữa chị ơi”,
chị vừa nói vừa quay mặt ngó lung tung rồi đánh trống lãng, ga mình vẫn như
ngày xưa, đẹp mà buồn, chị hén. Chị bán hàng rong lại cười ngỏn ngoẻn, em không
biết nữa, ở đây từ xưa tới giờ, có đi đâu ra khỏi đây mà biết nó đẹp xấu so với
những ga khác thế nào. Ngày nào cũng thấy người cười, người khóc, ngày nào cũng
thấy kẻ ở, người đi, thành thói quen, không có cảm xúc chi nữa hết…
Những câu chuyện trò qua lại vô tình nối một sợi dây dài một
đầu cột chị ở hiện tại rồi chạy miết về những con đường xa lắc lơ của ngày xưa
rồi cột đầu còn lại vào mớ ký ức cũ kỹ, mờ mờ, tủi tủi ngày chị còn là một cô
thiếu nữ. Ngày ấy, chị mười sáu, vô tư, mơn mởn như trái đầu mùa, suốt ngày nói
líu lo như con chim chích nhưng nghịch khỏi phải nói. Những người xung quanh
nhiều lần thấy chị trèo cây còn bảo mẹ chị sinh chị bị nhầm giới tính, là con
trai mới phải. Nhưng khác hẳn với những gì họ nghĩ, chị cũng nhẹ nhàng, dịu
dàng lắm, yếu mềm đúng nguyên xi bản chất của con gái. Mà cái sự dịu dàng, yếu
đuối của chị, không mấy ai nhận ra ngoại trừ mấy chàng sinh viên đến thuê trọ
nhà chị. Họ biết, không hề vô tình khi mà họ đang tụm năm tụm ba xách đàn ghi
ta cũ mốc ra hồ hát nghêu ngao, nhâm nhi dăm trái ổi sống hái trong vườn nhà
thì bỗng dưng chị hét toáng lên, “mẹ ơi, cứu con, mẹ ơi …”. Mọi người
nghe tiếng la của chị thì đều đứng phắt dậy. Riêng mẹ chị, đang nấu ăn ở trong
bếp gọi to ra vườn mà vẫn thản nhiên như hiểu rõ cái sự cố đang xảy ra với chị,
“mấy đứa coi giùm con bé bác với” . Một anh sinh viên mặc quần xà lỏn
chạy lui chạy tới rồi gõ cửa phòng tắm, “có chuyện gì vậy em?”. Chị
không thể trả lời vì còn đang bận sợ, bận kìm nén những giọt nước mắt để tránh
làm động đậy cái thứ đang khiến chị hãi hùng. Khi anh chàng hỏi đến lần thứ
năm, thứ sáu chị mới cất được thành lời, “con…ệnh…oạng” rồi bật khóc thành
tiếng. Mấy chàng sinh viên đứng ngoài hành lang nghe vậy cười rần rần, riêng
anh chàng kia thì mặt mày nghiêm túc, cầm sẵn cây chổi cùn vừa trấn an chị vừa
bảo chị quấn khăn tắm vô người rồi nấp kỹ sau cánh cửa để anh vào đuổi “con
quái vật” (theo như chị gọi) ấy đi.
Sau lần “thoát chết” ấy, chị thấy đỡ ghét anh hơn trước. Còn
anh thì vẫn lặng lẽ quan tâm và bảo vệ chị “sống yên ổn” qua mùa mưa khi những
“con quái vật” thuộc dòng họ ếch nhái thi thoảng lại xuất hiện và làm chị khổ
sở. Nhưng ở cái tuổi vô tư thuở ấy, chị không nhận ra tình cảm của anh cho đến
ngày anh chuẩn bị hành trang lên đường về quê sau bốn năm ăn học.
Đoàn tàu đỗ xình xịch trước sân ga, mọi người chen lấn nhau,
riêng chị và anh, cứ đứng mãi một góc trò chuyện. Chị vô tư chào chào, chúc
chúc, dặn dò anh đủ thứ. Lúc đó, mặt chị trông hớn hở như sắp tống một cục nợ
to tướng ra khỏi nhà. Chị còn cười và bảo, đây là lần đầu tiên chị tiễn một
người ra ga, thấy mình giống…diễn viên ở trong phim Hàn Quốc quá. Còn anh thì
im thin thít, nghe chị nói mà người tê dại đi. Đến lúc bác canh ga giục, anh
mới buồn bã cất bước. Chị lẽo đẽo theo anh đến đoạn cửa lên xuống. Bỗng dưng
anh quay phắt lại, ôm chặt chị, khó khăn lắm mới cất nổi lời, “Anh đi rồi,
bé ở lại ngoan và học tốt nhé. Đừng sợ mấy lũ ếch nhái ấy, nó cũng giống như
anh thôi. Rồi, sẽ có người khác làm chiến sĩ diệt “quái vật” cho em.”
Dứt câu nói, anh nhảy tọt lên tàu, để mình chị ở lại làm cô
diễn viên đóng vai buồn, đôi mắt đỏ khoe, những tràng nước mắt thi nhau rơi
xuống gò má bầu bĩnh của chị. Không biết rằng, hình ảnh ấy đã lưu vào bộ nhớ
của người bán hàng rong lâu năm cho đến
ngày hôm nay, khi mà những lần đưa tiễn đã ứ đầy trong tâm hồn chị. Và chị, dẫu
có khi rất buồn, cũng chẳng thể nào khóc trước đám đông.
H.T.T (Thừa Thiên Huế)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét