“Thế là đã được gặp em ngay mảnh đất đã hằn in dấu vết của tình người. Nhiều
lần và cũng đã nhiều lần rất muốn gặp em, dừng lại một giây phút nào đó để nhớ
về kỷ niệm đẹp. Nhưng không thể đi qua cái giới hạn mà cuộc đời của mỗi người
đã định sẵn. Thời gian đã qua rồi và sự gì của ngày xưa đã phai mờ theo bóng
của thời gian…”
Trên chuyến xe về quê ăn Tết, khi nghỉ ở Diên Khánh ăn bánh ướt, anh Ba Khôi ở
Nhơn Mỹ có dặn: Chuyến này về quê nhớ kiếm mấy con cá chua hử. Trong dịp giải
bóng đá đồng hương Bình Định tổ chức tại Bình Dương, lần đầu tiên anh biết đến con cá chua ở nhà
hàng Eva. Thiên nhiên cũng khá ưu ái cho Đầm nước lợ Đề Gi có sản phẩm con cá
chua. Giờ đây, nó là đặc sản của vùng này. Bao quanh đầm nước lợ là 3 xã của Phù Mỹ (Mỹ Cát, Mỹ
Chánh, Mỹ Thành) và 2 xã của Phù Cát (Cát Minh, Cát Khánh). Những ngày chợ
phiên, cá chua Đề Gi được những thiếu nữ mang đi bán ở các chợ quanh vùng.
Hướng Tây đi chợ Phù Mỹ, chợ Tân Dân. Hướng Nam qua chợ Gành, chợ Trung Chánh, chợ
Gồm.
Nhớ lời anh dặn, tôi về cái
xóm nhỏ nơi tôi sinh ra bên đầm Đề Gi. Trên đường đi, cứ lo lo là không biết là
tối mồng 2 bà con có xả cổng hay không? Ngày mồng 3 phải vào Nhơn Mỹ để dự cúng
đưa của gia đình anh Khôi rồi. Tôi ghé nhà anh Sáu Sang và được anh cho biết: Chỉ có đìa của ông Hai là có cá chua lớn của
mùa trước còn lại.
“ Trên con đường nhỏ được đắp bằng đất đước ven lạch, tôi như kẻ lang thang
không hồn. Từng gốc mắm, hàng đước và màu nước xanh của con lạch đồng 3 cứ lẩn
quẩn trong tâm trí của người con xa xứ trở về. Chỗ này là chỗ ngày xưa gánh
muối ra lạch. Chỗ này là chỗ chất muối bao chờ xuồng của Công thương tới chở.
Chính nơi đây, mùa muối năm 1977, tôi đã gặp em khi theo cha đi chuyển muối. Em
chưa tròn 18 tuổi và cũng là dân xa xứ mới về lại quê hương ngày hòa bình như
tôi. Có lẽ khi ở Ba Ngòi Cam Ranh em cũng đã từng làm quen với nghề muối nên
tay em hốt muối nhanh thoăn thoắt. Từng rổ muối em đưa vô miệng bao không rơi
ra hột nào. Để trả lại công cho em tôi vác cho em từng bao muối đã đóng sẵn ra
bờ lạch. Em cũng mới về lại quê hương nên chưa có bạn bè. Tôi cũng như vậy.
Chính từ điều này, chỉ qua một đêm làm chung với nhau chuyển cho hết số muối
của hai gia đình thì đã thành đôi bạn thân. Ngày hôm sau, trên chiếc xe đạp
nước tôi đã nhìn thấy những gì trong đôi mắt em…”
Tôi dừng xe trước nhà, em đang rửa mớ rau cải cay ở nhà trồng. Dáng của em vẫn
như ngày nào không hề đổi thay.
Thấy tôi, em nhoẻn miệng cười “Anh Chín mới dìa hả? Chui cha mấy chục năm rồi
mới về quê ăn Tết?”
Tôi chỉ cười và hỏi lại “Chú có ở nhà không…? Đúng ra còn có chữ “em” nữa,
nhưng sao lại nghẹn nói không được. Một chút ngượng ngùng trong câu nói.
“Cha em xuống đìa rồi anh quơi, chút nữa dìa vì đi lâu rồi!” em trả lời và đứng
dậy rảy rảy cái rổ rau cho ráo nước.
Tôi ngồi trên tấm phản để trước nhà và nhìn cảnh vật xung quanh. Em vào nhà
bưng ra cái bình nước đựng trong cái vỏ dừa khô và mứt bánh. Em ngồi xuống đối
diện và nhìn tôi không chớp mắt. Có lẽ tôi đã là người xa lạ trong suy nghĩ của
em. Mấy chục năm qua, mỗi lần về quê, có lần tôi ghé có lần không. Thời gian
không có nhiều để ghé thăm mọi nhà. Để cho vui vẻ tôi hỏi thăm gia đình nhỏ của
em. Em trả lời nhát gừng vì có lẽ em cũng không muốn nói nhiều.
Bất chợt em nhẩm tính “Anh đã đi khỏi quê mình nay đã hơn 30 năm, vì con đầu
của em nay đã 32 tuổi!”.
Đúng như vậy, chính xác là hơn 35 năm rồi.
“Hơn ba mươi mùa lá đước đã đi xa. Trong sân nhà hãy còn vương vài chiếc lá
vàng rụng. Những cây mắm bên con lạch đang mọc tủa những chồi non mới. Mai kia
nó sẽ thẫm màu xanh và lớt phớt những hạt trắng trắng mang vị mặn của biển trên
lá. Nhìn em tôi lại nhớ đến mẹ tôi. Em là người con gái mà mẹ tôi mến thương vì
cái tính chịu khó và giỏi giang. Mồ hôi em cũng đổ khá nhiều trên ruộng muối
của nhà tôi. Trong những lá thư nhận ở chiến trường tôi luôn thấy có tên em
trong đó. Hình ảnh của em như một phần của quê hương máu thịt. Nước mắt mẹ tôi
lăn dài trên má, vì khi nhìn em lại nhớ đến đứa con của mình nơi xa xôi trước
lằn tên mũi đạn. Tuổi xuân của người con gái có hạn và thời gian trở về là vô
định.
Tôi như thấy nhẹ nhàng tâm hồn hơn, hơi thở như dễ chịu hơn. Cuối cùng tôi cũng
đã biết tường tận những gì em suy nghĩ qua bao nhiêu năm tôi xa xứ. Giữa mênh
mông của số phận, em đã có những dòng lệ tuôn đổ khi đêm về. Những bối rối dằn
xé tâm can trằn trọc nhiều đêm trắng. Em đã nói những gì mà tôi chưa bao giờ
được biết và quan trọng hơn tôi đã được nghe những điều tôi hằng khao khát muốn
nghe”
Con lạch sóng gợn nhè nhẹ khi có ai đang chống xuống lướt đi. Chú Hai nhẹ nhàng
dùng cây sào đưa nhẹ chiếc sõng vào bến. Tôi chạy ra chào ông và nhảy xuống bến
lấy sợi dây cột chiếc sõng lại.
“ Chú Hai biết con là ai không?”. Tôi hỏi khi ông bước lên sân nhà.
Nheo nheo cặp mắt ông trả lời “Mầy con anh Năm Chuyên chứ thằng nào! Anh em bay
đứa nào cũng giúng cha hết!”. Ông không thể nhớ hết vì cha mẹ tôi sinh tới 7
người con trai. Khi tôi bưng chén nước mời ông thì ông mới nhận ra và nói “Mầy
là thằng Quế!”
Ông vẫn nhớ đến tôi.
“ Mỗi lần tới mùa lụt tao vẫn nhớ đến mầy. Cái đìa này bờ của nó cứng cáp có
công của mầy lớn lắm. Sau khi tụi bay đi bộ đội, xóm mình không còn thằng thanh
niên nào nên tao khổ sở vô cùng. Nhiều đêm nước lũ tuôn dìa, tao mang cái mai
đi xắn đất đắp bờ có một mình, nhớ đến tụi bay mà tao khóc. Thôi trời cũng
thương mầy dìa còn nguyên vẹn phước nhà lắm rồi”
Khi nghe đứa con gái nói tôi về kiếm cá chua mang vô Quy Nhơn. Ông hồ hởi bảo
tôi ở lại chơi, ông đi lấy cái chài để khuya 2 giờ chài ở cái trũng sâu mới có
cá to, chứ cá xả cổng thì cá một mùa rất nhỏ ăn không ngon.
Tôi xin phép ông còn phải đi nhiều nơi nữa và hẹn ông sáng mai chài sớm.
Đi trên bờ đìa nhạt nhòa ánh nắng, những mảnh vỡ của nắng như tản mác cả một
vùng sông nước, tôi nán lại để nhìn chút vàng phai của ngày đầu xuân. Chẳng có
gì dễ phai đi trước thời gian, dễ mấy ai quên điều gì trong ký ức. Chi có điều
ký ức là điều sâu lắng và một lúc nào đó nó trỗi dậy như một loài hoa nở muộn
màng!
Hồ Hội Thuận (Đồng Nai)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét