Tôi gặp Vũ Hạ trong những lần uống rượu tán dóc với anh em văn nghệ An Nhơn (Bình Định). Ghê thật! Anh bạn trông đen điu, lủ khủ như một lão nông, nhưng dám bỏ ra hơn chục triệu in tập thơ mong mỏng tặng bạn bè đọc chơi! Anh gửi tôi một tập thơ vừa xuất bản (Tiếng Đá – Vũ Hạ; NXB Thời Đại 6.2012) với lời nhắn xin góp ý chân thành!
Tôi lần giở tập thơ anh đọc qua và thấy giật mình! Anh bạn làm thơ khá thật. Những tứ thơ bay bổng, những câu thơ sang trọng. Thử đọc một bài tình cờ vừa mở ra:
Nỗi nhớ
Ta lật ngược thời gian
Khoảng không gian còn đó
Một quãng đường
đã mất dấu chân
Ta lật ngược không gian
Khoảng thời gian trôi mất
Chỉ còn đây
Nỗi nhớ mơ hồ
Tôi vốn kính trọng các nhà thơ và sợ nữa! Ai chứ các nhà thơ thì cả trời đất này, nếu muốn họ có thể làm cho đảo điên được, nói gì chuyện lật ngược thời gian, lật ngược không gian. Tất nhiên đó là cách nói ẩn dụ, bay bổng ai cũng có quyền dùng, miễn dùng cho hay, cho trúng. Câu thơ Vũ Hạ dùng cái táo bạo của từ ngữ để nói một điều trầm lắng:Một quãng đường đã mất dấu chân . Đó là “nỗi nhớ mơ hồ” nhưng bao chứa những gì rất lớn, mà mỗi chúng ta phải tự suy ngẫm mới nhận ra!
Tập thơ mỏng, chỉ khoảng 80 trang, gồm 70 bài, bao quát nhiều đề tài: thiên nhiên, tình yêu, gia đình….
Bắt đầu từ “Quê hương”:
Em còn nhớ những dòng sông
Bên bờ lau bông trắng
…………..
Ta nên người
Nằng nặng quê hương
Những hình ảnh rất quen thuộc: những dòng sông, những người ra ruộng, những cánh cò, tiếng vạc đêm, áo mẹ hiền sờn vai…về quê hương ai cũng có, nhưng điều quan trọng là sự cảm nhận: quê hương luôn ở trong ta. Chính cái chất quê đó trong bài thơ và bảng lảng trong toàn tập làm nên tính nhân bản sâu của thơ và con người làm thơ!
Và cứ thế, Tình quê, Đường quê, Đất quê, Quê ta, Chiều vàng…vẫn chất tình nằng nặng nhưng bay bổng ấy đeo đuổi suốt đời:
Bay cao một mối tình quê
Một vầng thơ rụng bên lề thời gian
Đến những vùng đất đi qua: Chiều Quy Nhơn, Chiều Huế, Đà Lạt, Tuy Hòa…có khi “lẩn vào thơ / mất hút”, nhưng lại hiện hình rất rõ trong nỗi nhớ của nhà thơ:
Những chiều nắng đổ Tràng Tiền ấy
Sao thấy lòng tôi nhớ nhớ người
Lại đọc kỹ một bài thơ tình cờ bắt gặp:
Tháp Bánh Ít – Chiều
Từ BàGi lên ngắm
Cổ tháp nửa chừng phong sương
Cổ tích bây giờ cây lá phủ
Vũ khúc tường rêu
Em đâu rồi
Giả sử em là Chiêm nữ
Chiều nay ngắm nắng ven đồi
Bài thơ viết khá đạt về Tháp Bánh Ít nằm ở ranh giới An Nhơn, Tuy Phước. Có người khen: Bài thơ hay, nhất là ba câu cuối, nó gợi những ám ảnh trong “Điêu tàn” của Chế Lan Viên. Tôi cũng đồng ý thế, nhưng có điều cần cân nhắc thêm. Ví dụ câu thơ thứ hai, giả sử bỏ chữ “nửa” trong “nửa chừng” thì câu thơ có sức gợi hơn!
Cảm nhận về thiên nhiên của Vũ Hạ khá tinh tế. Đối với anh, “Thiên nhiên là tri âm” nên “lời tình hóa lời thơ”, điều đó không phải ai cũng dễ dàng có được!
Trong đêm, anh cảm nhận được:
Có những bình yên chảy ngầm trong cây cỏ
Lắng hồn tôi nhè nhẹ một tình yêu
Nghe “Tiếng gió”:
Trong tiếng gió có câu thơ tôi viết
Điệu thăng trầm gởi gắm cỏ cây
Nhìn “Cây cỏ”:
Đôi lúc ta buồn
Cây cỏ là em
Cây cỏ là tình người
Mảng thơ viết về thiên nhiên của Vũ Hạ khá dày với những cảm nhận sâu sắc. Phải là người gắn bó với thiên nhiên, cây cỏ bằng tấm lòng trìu mến, thương yêu mới có những ý thơ như thế! Có những chỗ còn trùng lắp, khuôn sáo, nhưng nói chung đó là cái tình rất thật, đằm thắm, thiết tha.
Viết về tình yêu đôi lứa, hình như Vũ Hạ có sự ngại ngần, tránh né, nên thiếu tính sôi nổi, say mê vốn là bản chất của tình yêu.
Anh chỉ dám “Nhớ xưa”:
Nhớ xưa em gái vùng quê
Cầu tre lắc lẻo đi về nón nghiêng
Để rồi: Em đi bóng ngã trong bài thơ anh
Đối tượng của tình yêu đó có thể là “Em”:
Em yêu cuộc đời
Có những mùa hoa nở
Những tình yêu không vỡ
Và nụ cười từ một trái tim
“Em” hiện hình “mờ mờ nhân ảnh”, nhưng vẫn có chiều sâu của một tấm lòng. Có lẽ tạng người đàn bà này dễ thâm nhập vào con tim Vũ Hạ, vì con người anh vốn giản dị, trầm lắng, chăm chút yêu thương!
Những con đường
Mang mãi dấu chân em
Và cũng thế, “Tiếng nói em” cũng nhè nhẹ, sâu lắng, phải nghe bằng sự lắng đọng của tâm hồn. Và đó là cái riêng, một người riêng của Vũ Hạ:
Tiếng nói em từ trong sương gió
Giữa đời này điệp khúc thế nhân
………………………………..
Là bản hòa ca đẫm nụ cười
Cũng có tôi trong cuộc đời thầm lặng
Nhìn chung đọc thơ Vũ Hạ, tôi bắt gặp một hồn thơ tinh tế, trầm lắng nhưng khá sắc sảo trong thể hiện: Ta thức ngủ giữa muôn màu biến ảo/ Và đi trên đường / nhặt nhạnh thời gian. Tuy nhiên, tập thơ vẫn có nhiều hạt sạn do suy nghĩ chưa chín, hoặc thiếu cân nhắc, lựa chọn kỹ khi dùng từ, tạo câu.
Câu thơ này (Trong mưa):
Em về mưa ướt áo
Cuộc đời thường vẫn thương mưa
Nếu bỏ chữ “thường” đi, câu thơ sẽ trôi chảy và có chiều sâu hơn!
Hay đọc khổ cuối của bài “Dừng lại” (cho người bạn đã mất):
Người nằm xuống
Loài hoa cỏ trên mồ
là tinh huyết vô song
Tôi thấy khó chịu với tứ thơ Loài hoa cỏ trên mồ / là tinh huyết vô song. Những ai thường đi thăm mộ người thân đều biết, và hàng năm chúng ta phải giẫy mả, dọn sạch đi bao nhiêu cỏ dại mọc trên mồ “là tinh huyết vô song” đó. Nếu nhà thơ chịu khó nói rõ hơn “loài hoa cỏ” nào mọc trên mồ bạn, phải là thứ quý hiếm, mang tính biểu tượng, mới có thể chấp nhận được.
Tất nhiên đây là nhận xét chủ quan của một người đọc bình thường như tôi. Tôi không biết làm thơ, một câu thơ bẻ đôi cũng không viết nổi, thì làm sao hiểu hết ý đồ nghệ thuật của nhà thơ, ăn nói bỗ bã thế, xin Vũ Hạ lượng thứ. Cũng là một sự đồng cảm, chắt chiu trong cảm nhận mà thôi! Vẫn rất quý hồn thơ tinh tế của anh, còn câu chữ nghệ thuật ấy mà, nông sâu tùy thuộc vào tài năng của nhà thơ, và điều ấy - có khi phải rèn luyện suốt đời!
29.7.12
-----------------------------------------------
(*) Vũ Hạ
Tên thật: Lâm Ngọc Minh
Sinh năm 1943 tại An Nhơn, Bình Định
Hiện là Hội viên Hội Văn Nghệ An Nhơn
Đã có thơ in trên nhiều tờ báo và các tập thơ in chung
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét