Người đời thường nói vui,
tuổi Hợi “nằm đợi mà ăn”, người nào
sinh năm Hợi sẽ sướng, không biết hư thực thế nào, có lẽ còn phụ thuộc vào giờ
sinh, tháng đẻ nữa chăng (!?). Còn ông nội tôi sinh vào năm Kỷ Hợi- 1899, cuối
thế kỷ 19, không rõ ngày tháng, nhưng cả đời vẫn cứ khổ. Không phải ông thuộc
tầng lớp cùng đinh mà khổ, thế mới có chuyện ở đời người khổ chưa hẳn vì do
nghèo.
Nếu
không có bà nội lúc sinh thời thường kể, thì tôi không biết nhiều về ông nội,
bởi ông vốn rất ít nói, nhất là nói về mình càng ít. Một phần do sinh ra và lớn
lên thời phong kiến, lại là dân ngụ cư, nên bị o ép đủ điều, dần rồi thành thói
quen ít nói và với bản chất thiệt thà, chơn chất. Nguồn gốc quê nội tôi ở Gò
Bồi, từ đời ông cố đã ngược dòng sông Côn lên xứ này học hành và tìm kế sinh
nhai, rồi cưới vợ ở làng An Vinh, ngụ cư tại làng Hòa Phong, thuộc tổng Mỹ Đức,
cái làng lọt thỏm giữa hai nhánh sông Côn, nơi vừa bắt đầu rẽ dòng Nam phái và
Bắc phái. Từ ấy, trong sổ bộ của làng, tổng có thêm họ tộc mới, nhưng vẫn là
dân ngụ, không được nhận phần quân cấp công điền, không được chức sắc gì. Đến
khi triều đình có chủ trương cho mua tước, ông tôi chạy vạy mua được chức Hương
ẩm. Tuy không thực chức, thực quyền nhưng nhờ ông nội có đức độ, nhân từ, sống
nghĩa tình với làng xóm, bà con rất quý trọng nên tín nhiệm ông tôi làm Chánh
bái (Đại bái) vào dịp hội làng, tế lễ Thanh minh, Kỳ yên và được nhận phần thịt
kiến, hội họp được ngồi chiếu trên. Cho đến cuối đời, mặc dù chế độ phong kiến
không còn, dân làng vẫn cứ gọi ông nội bằng cụ Hương, cụ Chánh bái.
Nhờ
hiền lành nên ông nội tôi được về làm rể trong gia đình gia giáo ở làng liền kề,
ông bà ưng nhau mới ở độ tuổi “bẻ gãy
sừng trâu”. Càng về sau tôi càng thấy ở ông nội thàng đến mức bà con trong
làng xóm ai cũng nói không còn có ai hiền hơn. Ông lại có chí làm ăn bằng cách
riêng của mình giữa xã hội phong kiến lúc bấy giờ khép kín trong lũy tre làng, với
hai tầng lớp người. Một bên là địa chủ cường hào, quan lại chưa đến một phần
trăm dân số mà bao chiếm hơn tám mươi phần trăm ruộng đất, ruộng mật bờ xôi nằm
trong tay nhà giàu, còn lại đông đảo dân làng là thành phần bần cố nông, lớp
người cùng đinh không có hoặc thiếu ruộng phải làm tá điền, lãnh canh nạp tô
hoặc ở đợ cho địa chủ từ đời cha đến đời con. Ông nội nghèo nhưng lại không nằm
trong đối tượng ấy, ông sớm chọn ra cách lập nghiệp riêng là tìm thầy học may
quần áo từ lúc chưa cưới bà nội. Thời đó, trai tráng trong làng, trong tổng đều
học võ, quê ngoại là đất võ An Vinh mà ông không mê võ, lại chăm lo học nghề, cũng là sự lựa chọn hiếm có lúc bấy
giờ.
Thế là khi lập
gia đình ông nội đã có nghề hẳn hoi, mà thời ấy nghề may của ông được coi là “độc quyền” ở xứ này, cả làng và một số
làng bên kia sông cũng chỉ có ông nội là biết may quần áo, đường kim mũi chỉ
của ông rất khéo, đặc biệt là may áo dài lương lồng, lương kép, trên nền vải có
in chữ thọ, khó nhất là khi đo và cắt vải để lúc ráp hai lớp chữ thọ chồng lên
nhau như một, giữa hai lớp vải lương có một lớp vải trắng mỏng mịn, mặc vào trông
thẳng phau như là chỉ có một lớp vải. Các cụ mặc áo dài lương kép, đầu đội khăn
nhiễu, trên có chiếc nón chớp bạc, chân đi guốc mộc, có cụ còn cưỡi ngựa càng
tôn vẻ nho nhã mà oai nghiêm.
Nghe
bà nội kể, khoảng cuối thập niên 30 của thế kỷ 20, nhờ nghề may mà ông bà nội
dành dụm cất nhà, không kỹ như nhà của địa chủ, phú hào nhưng cũng nhà kẹp, mái
chái, khá ngăn nắp, vườn rộng. Khánh thành nhà mới cũng là dịp ông nội tổ chức
hát bội, xong lớp hát lễ tạ ơn Trời đất, Tổ tiên, Thần hoàng là hát liền ba đêm
cho cả làng, xóm xem. Ông không biết cày ruộng nhưng vẫn nuôi bò cày, mua ruộng
đất cũng hơn mẫu, mình có bò, người khác có công cày, giúp qua giúp lại nên gia
đình tôi cũng có thu hoạch lúa, bắp, đậu... đủ trang trải, khỏi phải mua.
Ông
học không nhiều, chữ Hán cũng xem được sách Tàu và đọc kinh Phật, nhưng rất
sáng dạ, tay nghề của ông không thua gì nghệ nhân may ở Huế. Nhà tôi ở cùng xóm với Tuần Vũ Nguyễn Hoành
(quan đầu tỉnh Phú Yên), mỗi năm ít nhất một tháng ông tôi may quần áo cho gia
đình Cụ Tuần. Không phải may tại nhà mình, mà Cụ cho người khiêng máy khâu về
nhà Cụ để may cho từng người, cơm nước ăn uống tại chỗ cho đến khi may xong
quần áo con cháu trong nhà. Riêng áo mão Tuần Vũ mỗi khi hầu triều hoặc đi kinh
lý thì triều đình cấp, còn quần áo mặc thường ngày vẫn do ông nội tôi đo may. Cụ
Tuần Vũ (người dân gọi bằng Cụ), ruộng
đất cò bay thẳng cánh, người ăn kẻ ở
không biết bao nhiêu mà kể, song cư xử với thuộc hạ không khắc khe lắm, công
may quần áo cho nhà Cụ cũng được xử sự hậu hĩnh. Nguyễn Hoành sống đến sau Cách
mạng tháng Tám- 1945, nhưng trong 9 năm kháng chiến không bị nhân dân tố khổ-
Bà nội tôi kể như thế.
Khi
Hiệp định Genèvơ ký kết, tôi vừa lên bảy, cùng với đứa em hai tuổi thì cha tôi
có lệnh đi tập kết ra Bắc, rồi vào Nam kháng chiến biền biệt, người lớn trong
gia đình chỉ còn ông bà nội và má. Gia đình tôi là đối tượng bị chế độ Sài Gòn
đàn áp khủng bố, em tôi còn nhỏ nên gần gũi má, còn tôi bắt đầu đi học, lúc
rảnh chăn bò cho ông nội và gần gũi ông nội hơn, tối lại ngủ với ông trên tấm
phản gõ nhà trên. Ông nội lại càng ít nói, cả ngày chủ tâm may vá, thỉnh thoảng
đi thăm ruộng, thăm soi, bỏ rơm cho bò...và tiếp khách bạn già. Cái phòng liền
kề với gian nhà cầu (nhà giữa) cách chuồng bò cái vách là nơi hàng ngày ông
miệt mài cùng với chiếc máy khâu hiệu Singer cũ kỹ, tiếng kêu rè rè mỗi khi khô
dầu. Sát vách kê chồng hai chiếc thọ đường (áo quan) đóng sẵn, hậu sự cho ông
bà nội và chiếc chõng tre khi mỏi ông ngã lưng năm mười phút, rồi tiếp tục ngồi
dậy may, mỗi khi đứng lên tìm ống chỉ, hoặc nhỏ dầu máy, hay vấn điếu thuốc...
là lúc ông giải lao.
Ông nội tôi có
thói quen khó bỏ là khi ngồi vào bàn máy khâu, thì hút thuốc nhiều, nhất là may
ban đêm, hết điếu này quấn tiếp điếu khác, điếu thuốc rê cháy đến tận môi ông
mới chịu bỏ, mà bỏ cũng không vứt, cứ dán kín vào khung cửa sổ trước mặt, khi
nào trong túi hết thuốc chưa kịp xắt, ông lại gỡ vài mẫu tàn thuốc đã khô để
quấn lại hút đỡ. Thế là bà nội dọn dẹp cằn nhằn, lùng bùng, ông vẫn làm thinh...Và,
bà càng hiểu ý ông, càng chiều ông, chăm sóc ông hơn và không nặng lời với ông.
Đặc biệt ở ông nội còn có tính tiết kiệm hết cỡ, tằn tiện từ việc ăn uống, mua
sắm vật dụng trong nhà, cả khi đau ốm, hiếm khi ông dùng đến viên thuốc bổ hoặc
dùng đồ ăn ngon để bồi dưỡng, là thợ may nổi tiếng mà hạn hữu mới thấy ông mặc
đồ mới. Ông sống rất ngay thẳng, không bao giờ léo lận của ai dù một đồng bạc,
cân thóc, nhưng mỗi khi có việc đi ngoài đường gặp cái gì rơi vãi cũng đều nhặt
đem về, thậm chí một trái bắp, cái mo nang, khúc cuổi, cục than...cũng không bỏ.
Theo ông, cần kiệm để tích cóp của cải, hiền lành để tích lũy phúc đức cho con
cháu. Về già ông thành tâm lo tu hành, ông nội là một trong số ít người khởi
xướng, đóng góp xây dựng ngôi chùa quê tôi tồn tại đến ngày nay.
Thời
đó chưa ai nói chuyện sinh đẻ có kế hoạch, nhưng không hiểu sao họ tộc nhà tôi
sinh rất ít con. Ông bà cố sinh hạ chỉ có ba người, đến ông bà nội cũng sinh ba
người gồm cha tôi và hai bà cô, cha má tôi trước khi chia tay chồng Bắc vợ Nam
cũng chỉ sinh có hai anh em tôi. Do hoàn cảnh chiến tranh, anh em chúng tôi
phải sống xa cha và mãi mãi không gặp lại được cha, gia đình tôi chịu đủ cay
đắng, gian khổ, mất mát, nên ông bà nội rất yêu quý, cưng chiều con cháu.
Chiến
tranh ác liệt, có đến ba người lần lượt đi xa, ba cái tang nhưng người thân trong
gia đình không ai được quấn vành khăn tang. Năm 1966, cả má và bà nội bị địch
giết hại, năm 1970 cha tôi hy sinh, nhất là sau cái chết thê thảm của bà nội,
ông nội tôi suy sụp sức khỏe. Đến ngày nước nhà thống nhất, vui với niềm vui
chung của cả dân tộc, nhưng không thể nào lấp được khoảng trống mất mát quá lớn
của gia đình, trước hết là ông nội chịu đựng bao đau thương chất chồng, đến
cuối đời gia sản cũng khánh kiệt. Những năm mới giải phóng, tình hình kinh tế
hết sức khó khăn, quê tôi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, gia đình tôi càng
túng quẩn, trên nền nhà cũ không còn được viên gạch, đến chiếc máy khâu cũ kỹ
của nội cũng theo chiến tranh, bao nhiêu ruộng đất cả đời ông nội làm lụng gom
góp, tạo mãi đều đưa vào Hợp tác xã, ông nội tôi đã ở vào tuổi bác thập vẫn
phải ăn cơm ghé mì, lan. Thiếu thốn vật chất cùng với hẫng hụt tinh thần, cuối
năm 1979, vừa xuống giống vụ lúa đầu tiên ở quê tôi làm ăn tập thể, ông nội ngã
bệnh, gia đình không có điều kiện chạy chữa đến nơi đến chốn, nên ông đã ra đi
về cõi vĩnh hằng, đúng vào ngày 28 tháng 10 năm Kỷ Mùi, trời mưa tầm tã, hưởng thọ
81 tuổi, trong nỗi xót xa, ngậm ngùi thương tiếc và day dứt của con cháu nội,
ngoại.
Đã
qua 35 mùa lá rụng, hơn ba phần tư thế kỷ mà anh em tôi vẫn còn nhớ, nhớ như in hình
bóng ông nội ngày nào ngồi bên chiếc máy khâu cũ kỹ để có được “nhất nghệ tinh...”, đêm đêm tụng kinh
niệm Phật đến khuya. Sự nghiệt ngã của cuộc mưu sinh và lớp bụi thời gian đã
phủ lên thân phận khắc khổ của ông tôi, nhưng ông luôn tỏa sáng một nhân cách
sống: Cần kiệm, giản dị, hiền lành. Di sản ông nội để lại hoàn toàn không phải
của cải, bạc vàng mà hơn hết và vô giá là nhân
đức, phúc hậu cho các thế hệ con cháu thừa hưởng, rèn luyện nên người.
Ngày giỗ ông nội,
27.10 năm Nhâm Thìn- 2012
T.D.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét