Vừa qua, vào tối thứ 5 (14/03/2013), tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định, Câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu đã tổ chức giới thiệu tập thơ "Em Vẽ Trái Tim Mình"- tập thơ thứ 2 của Nguyễn Thị Phụng, quê Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định).
Tập thơ dày 72 trang, gồm 65 bài thơ do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, tháng 2 năm 2013.
Sau đây là bài giới thiệu của Hồ Kim Chi về tập thơ "Em vẽ trái tim mình" của Nguyễn Thị Phụng
Họa sĩ đã vẽ trái tim mình bằng
thơ
Chợt nhớ nữ sĩ
Xuân Quỳnh với tứ thơ “Em trở về đúng
nghĩa trái tim em” khi vừa đọc tập “Em
vẽ trái tim mình”. Hai người phụ nữ, hai trái tim cứ cồn dâng niềm yêu đời,
yêu người da diết.
Nguyễn Thị
Phụng không tỉ mẩn “vẽ trái tim mình”
mà chính trái tim cô đã vẽ nên chân dung và tâm hồn cô. Chân dung của một người
phụ nữ biết cuộc sống trần tục, biết tình yêu thiêng liêng với tâm hồn luôn
rộng mở và thường bất chợt rung cảm cùng rất nhiều những nốt bổng trầm của cuộc
sống, để thiết tha hơn với cuộc đời đang bộn bề nhiều nỗi.
Mới hôm qua,
hôm kia, cô ấy trở về sau … một cái bắt tay:
Em về
thơm lại bàn tay
Nghe trong hơi ấm
đong đầy yêu thương
Chỉ là một cái
bắt tay, với cô đã là một thông điệp tình cảm, thoảng qua thôi nhưng “đong đầy “vấn vương”, “nhung nhớ” rồi
ấp iu cả một “khoảng trời dấu yêu”.
Cho nên, nếu được vẽ, tôi sẽ vẽ trái tim của cô trong hình hài của một sợi tơ.
Sợi tơ ấy cứ chực rung lên vô vàn những rung cảm khi bâng khuâng, trong trẻo (Thương quá bắt tay ơi!, Màu nền, Nhuộm, Em
vẽ trái tim mình); lúc thao thức, chông chênh (Đêm nghiêng nỗi nhớ, Nửa vầng trăng); hay khắc khoải, ưu tư (Bao giờ cho em, Tôi chỉ có mùa thu, Em sợ
nhất) hoặc tha thiết, mê say (Say người mấy độ mùa trăng, Tặng người ở lại)…
Vì có lúc
người đọc như nhìn thấy một thiếu nữ mộng mơ đang vu vơ tìm “Màu nền”
cho một tình yêu đẹp. Thiếu nữ tần ngần giữa hai màu đen trắng, cô cầm
lên rồi đặt xuống, đặt xuống rồi lại cầm lên: “Nếu vẽ được tình yêu/ Sẽ chọn nền màu trắng/ Nếu vẽ đêm thanh vắng /Sẽ
chọn nền màu đen/…/ Màu nền đen hợp
nhất/ Lấp lánh ánh sao khuya/ Đếm được nhiều vô kể/ Cho cùng ai sẽ chia”.
Nhưng cuối cùng, kết cục cho sự lựa chọn màu yêu vẫn là một sự phân vân đáng
yêu, trong trẻo: “ Hai màu nền đen trắng/
Ngỡ như đối chọi nhau/ Đến bây giờ chưa biết/ Chọn màu nào để yêu”. Rồi
trái tim yêu ấy cũng có khi “lạc lối”
trong chút bồng bột, nông nổi dù đó chỉ là một giấc mơ: “Trong mơ em lạc lối/ Biết bến đậu nơi nào/ Con đường xa tít tắp / Vội
vàng bước thấp cao/ Rẽ lối vượt sóng trào/ Bập bềnh trên bể nước / Biết điều gì
sau trước/ Lạc lối giữ xôn xao/ (Giữa xôn xao).
Giấc mơ yêu ấy
chưa biết hư hay thực thì cuộc sống, con người vẫn luôn là mạch nguồn cho cảm
xúc thăng hoa, cho thơ ca lên tiếng. Đó là tiếng hát ngất ngưởng của một người
say – “say cảnh, say đời”: “Ta say,
say cảnh say đời/ Cảnh say là một say mười người yêu/ … / Say gì cháy bỏng câu
thơ/ Ngôn từ rạo rực đê mê ráp vần/… / Say cho nghiêng ngả mấy tầng mây xanh”/
(Say người mấy độ mùa trăng)
Nhưng cũng có
khi “Trái tim hồng” mà Nguyễn Thị
Phụng tự vẽ tặng mình đó lặng thinh tiếng hát vì chợt nhận ra rằng “Tôi còn chỉ có mùa thu”. “Mùa thu” ấy có nỗi suy tư trong đôi mắt
chủ quan của một trái tim vì quá thiết tha nên luôn luôn “thấp thỏm” trước bước đi của thời gian. Thời gian mà Nguyễn Thị
Phụng đã nhìn thấy chúng “nhuốm màu”
trong sắc cúc “Bao nhiêu sắc cúc nhuốm
màu thời gian”.
Không chỉ trầm
lắng, ưu tư trong một chút “ngổn ngang
cuối chiều” về thân phận con người, Nguyễn Thị Phụng đã tỏ bày rất thật nỗi
“sợ” của mình: “ Em sợ nhất cơn đau vật vã/
Giành lại từ sống chết tấc gang/… /Em sợ nhất giữa đêm khuya bấc/ Xé
ruột gan tim phổi làm đôi/… /Em sợ nhất một mình bổi hổi/ Giữa đường đời ngã
bảy ngã ba”/ (Em sợ nhất).
Cô gọi tên rất
rõ những nỗi sợ, nhưng chung lại là nỗi niềm lo lắng khi nhận thấy rằng sự sống
mong manh. Thế mới biết tình yêu cuộc sống và nỗi sợ xa lìa nó luôn đồng hành
với nhau. Và như thế cũng có nghĩa là càng ưu tư bao nhiêu, càng lo sợ bao
nhiêu thì “trái tim hồng ” ấy lại
càng không thể giấu được khao khát yêu bao giờ cả. Có thể vì thế mà Nguyễn Thị
Phụng biết nhẹ nhàng nói lời gửi gắm, “nhường
lại người sau” “ánh trăng vàng”
của cuộc sống có bình yên, có tất bật áo cơm, trầm luân ngụp lặn cho những
người ở lại khi nguồn thơ cô vẫn còn dạt dào cảm xúc: “Xin giữ hộ tôi/ và gửi tặng anh, chị, em, các con cháu, … /Ngôi nhà tôi
trọ/ Sáng lích rích tiếng chim rộn rã! / Ngọn nồm chiều san sẻ/ ung dung/ … /
Còn tôi từ trong tình yêu mà có/ Ánh trăng vàng xin nhường lại người sau”/
(Tặng người ở lại).
Đi qua muôn
triệu cung bậc của tiếng lòng “trái tim
mình” sáng lên một vẻ của sự an nhiên tĩnh tại trước những buồn vui cuộc
đời. Khi biết “quả sầu riêng” không
thể san sẻ cho ai thì thể nào cũng vỡ òa đớn đau nhưng Nguyễn Thị Phụng vẫn: “Đùa rằng/ Chờ hứng lấy chơi/ Bán mua mặc cả/
lẽ đời tự nhiên/ Khi vui/ sao có sầu
riêng/ Khi buồn cuối vụ/ cả thiên chất đầy”/ (Được mùa mua bán)
Đọc rải rác
một số bài những bản thảo của cô viết tay, đọc lần lượt từng bài trên bản thảo
của tập thơ, đọc lúc giải lao, đọc khi rỗi rãi. Tôi lại băn khoăn tự hỏi: Hay đúng
thật Nguyễn Thị Phụng đang vẽ trái tim mình bằng thơ. Vì tôi đã hình dung ra
cái cách cô ấy hí hoáy ghi lại, viết lại bất kỳ nỗi niềm nào, xúc cảm nào của
cái sợi tơ mà tôi nhìn thấy đang mắc giăng trong tim cô ấy. Người đọc đã đọc
thấy những câu chuyện thường nhật như cháu thanh niên lái taxi chở hộ cô một
đoạn đường (Trên một đoạn đường);
nhìn thấy các cháu bé ngây ngô ở lớp mầm non (Giờ nghỉ trưa); hay niềm mến phục những con người hiến máu nhân đạo
(Từ nhịp đập trái tim); hoặc lắng
nghe câu chuyện về mẹ của một đứa cháu chưa quen với nỗi trống trải khi vừa mới
mồ côi (Mẹ ơi!) … Tất cả là những câu
chuyện cụ thể của những người cụ thể nhưng Nguyễn Thị Phụng đã làm cho chúng
trở nên chung cho tất cả mọi người. Ghi lại những rung động lòng mình bằng một
giọng thơ không cầu kỳ, không khuôn sáo, ấy là thơ. Tôi đã nhìn thấy, đã nghe
nhiều chia sẻ, thơ cô khiến những người xa lạ với thơ bảo rằng: hay! và tuyệt
nhiên không có một lý lẽ cho sự “hay” này. Với tôi đó là một minh chứng cho nét
mộc mạc ở cách thể hiện, chân thật trong cảm xúc và gẫn gũi ở nội dung. Có thể
người đọc có nhận thấy sự lặp lại trong một mô típ thể hiện như Vịn, Nhuộm, Gieo, Vẫn nghe,…hay cách
ngắt dòng lục bát ít đổi thay. Thì âu cũng là nét cọ chưa có nhiều biến hóa
trong bức tranh tự họa trái tim đậm sắc hồng của cô.
Vì tất cả
những điều đó, khi khép tập thơ lại, tôi xin được gọi cô là họa sĩ đã vẽ nên
trái tim mình bằng thơ.
Hồ Kim Chi
– Trường THCS Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét