Không ồn ào, chẳng khoa
trương, chỉ như một dòng suối nhỏ lặng thầm đem từng mạch nước li ti thấm dần
vào lòng đất. Và chỉ như những lời thủ thỉ ân tình cùng người thân, bè bạn.
Lòng ta chợt rưng rưng khi bắt gặp trong Miền
Lặng - thơ Trương Viết Hùng-
những hình ảnh thân thuộc về người mẹ
quần nâu áo gụ ngồi giặt cầu ao, bận rộn với nong nia dần sàng, với cơm
tấm ổ rơm, trọn nghĩa vẹn tình với xóm làng; “ Phải đâu Mẹ của riêng anh/ Mẹ là
mẹ của chúng mình đấy thôi -
Thơ Xuân Quỳnh”. Trương Viết Hùng đã dành nhiều bài thơ viết về Mẹ, người mẹ “Nửa
đời chạy giặc, nửa đời mong con -
Thơ Phạm Như Hà”- và đó là những bài gây được cảm xúc khá đậm. Anh viết về kỉ
niệm ngày Mẹ còn đương sức tảo tần khuya sớm, vất vả với những công việc nhà
nông mà những bà mẹ quê vẫn phải gánh vác, chắt chiu lo cho chồng con. Hình
tượng thơ không cầu kì, vẫn chỉ là hình ảnh ta thường gặp chốn quê với bèo rau
cám lợn, hết cấy cày lại dệt chiếu, xay lúa, những đêm trăng hiếm hoi rảnh việc
mẹ nằm đọc thơ, ngâm Kiều… Anh làm thơ mừng thọ mẹ, thay mặt cháu con trong nhà
nói lên tình hiếu thảo đối với bậc sinh thành. Anh làm thơ cả khi mẹ mất, khóc
mẹ bằng thơ, lời thơ thật giản dị , giản dị như một lời khấn nôm và chính điều
đó đã đêm lại hiệu ứng cảm thông, gần gũi cho người đọc nhất là với những người
đã qua cảnh mồ côi. Anh còn dành thơ cho người anh đã hi sinh ở chiến trường,
cho người chị tảo tần thay mẹ
nuôi em, cho người vợ đã vì anh mà hi sinh cả một thời xuân sắc, chịu xa
quê để gánh vác giang sơn nhà chồng, trở thành động lực chính giúp anh vượt
chông gai đường đời làm nên thành đạt. Những dòng thơ viết tặng sinh nhật vợ
thật dịu dàng: “Cưới thời bao cấp đói nghèo/ Tặng phẩm hiện vật, tranh treo
trên tường/ Đơn sơ một tủ một giường/ Một căn phòng nhỏ vui buồn có nhau”.
Thời gian qua đi hạnh phúc vẫn viên mãn tròn đầy “ Nay bà ngũ thất tuổi rồi/ Chúc bà
trẻ mãi như hồi mới yêu/ Bên nhau sớm sớm chiều chiều/ Hai ta ghi tạc một điều
thủy chung”.
Và nổi trội nhất là về quê, cái miền quê nghèo nơi đất Bắc, nơi
thưở ấu thơ chân đất đầu trần ta vẫn thường theo bè bạn tới lớp, vẫn
thường thả trâu cởi truồng tắm sông, và rồi từ nơi ấy ta khôn lớn thành người.
Kỉ niệm dập dồn, đầy ắp, thật riêng mà ngỡ như của ta, của bạn. Và thật chí lý
khi Trương Viết Hùng viết: “Phải qua bao nỗi nhục vinh” nơi đất khách
quê người, trên những nẻo đường công tác, giờ khi mái tóc đã pha sương ta mới
nhận ra hết giá trị của những kỉ niệm đó, của hai chữ “Quê hương”:
Tôi mang nỗi nhớ đi xa
Có buồn vui dưới gốc đa
thủa nào
Dòng sông gửi những khát
khao
Trong phù sa ấy biết bao
ân tình…
Bằng những hình
ảnh thật sống động, bằng lời thơ như một lời tự sự nhưng đau đáu chứa chất nỗi
niềm, khi nhắc đến những gương mặt bạn bè, đồng đội đã hy sinh cho đất nước,
với những người lính đảo xa… Trương Viết Hùng có những câu thơ khá gợi:
Không nấm mồ, lòng chúng
tôi đau
Xương cốt các anh thành
san hô xây Tổ quốc
…
Sóng ơi xin khúc ru êm
Gió ơi, xin những lát
mềm nhớ thương
Những con người trong
thơ anh, những tên đất tên miền, những con đường anh qua hiện diện trong thơ
anh trở nên thân thuộc như ta đã gặp và đã thân thiết, am hiểu từ lâu qua
đó đem lại cho người đọc sự ấm áp gần gụi, tìm được sự cảm thông, chia sẻ.
Ngoài những vần thơ dành
cho quê hương, cho người thân, những bài thơ mang tính tự sự như một “Giác Ngộ”
về kiếp nhân sinh, về nhân tình thế thái với bao nỗi đục trong, đem những trải
nghiệm của con người đã gần tới ngưỡng “Tri thiên mệnh” để bộc lộ lòng yêu thơ,
yêu đời, qua đó hướng tâm về cái thiện, Trương Viết Hùng còn dành nhiều trang
viết về Đảng, về Bác Hồ. Hình tượng thơ khi Trương Viết Hùng viết về Đảng, về
Bác không mới, nhưng đó là tấm lòng anh, sự tri ân của anh với những gì tốt đẹp
nhất mà Đảng và Bác đã đem lại không chỉ cho anh mà cho muôn triệu người dân
cần lao trên mảnh đất này.
Một góc nhỏ trong Miền Lặng, Trương Viết Hùng dành cho mối tình
xưa nơi quê hương với những dòng thơ đầy cảm xúc được chắt từ trái tim của người
đàn ông đã sang tuổi xế chiều: “Một
ngày bỗng nhớ nôn nao/ bao nhiêu kỷ niệm thủa nào mình yêu/ Hẹn thề chung thủy
bao điều/ Tóc xanh cho đến xế chiều bạc phơ” và “Xa quê lâu rồi anh vẫn chẳng thể
quên/ Em - cô thôn nữ đã làm anh vương vấn/ Mỗi khi đời quanh khúc quanh lận
đận/ Người anh ước mong gặp lại vẫn là em” .
Với thêm tập thơ Miền Lặng, Trương Viết Hùng đã
có trong tay hai tập thơ trình làng. Hai tập thơ - một tấm lòng thủy chung, son
sắt, gần gụi - hy vọng đó sẽ là một sẻ chia ấm áp của Trương Viết Hùng với đời
và với bạn đọc hôm nay.
Sài Gòn, tháng 12 năm 2012
Mai Nhật
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét