Tuổi thơ của nó gắn liền với
nhiều kỷ niệm.
Đó là những buổi chiều theo
chị thả bò ra sau đồi. Chị nó lúc nào cũng dắt theo mình một cuốn sách dày cộm
hay mang theo cái rựa để chặt bổi (phơi đó mấy ngày sau ra nhặt) hoặc đi lòng
vòng thu gom mấy nhánh củi khô.
Còn nó, chẳng thích đọc sách, chẳng thích siêng
năng như chị, nó đi khắp bờ rào, tìm chùm chày, dủ dẻ hay thung bung, nho, táo
dại, trâm tùy theo mùa. Vườn nhà nó khá rộng nên mùa nào thức ấy, đủ cả, không
thiếu thứ gì. Nào me, nào khế, nào ổi sẻ, ổi 6 tháng, dưa chuột đủ cả. Chỉ mỗi
tội phải thường xuyên đi thăm, kéo gai tre chắn lại mấy cái lỗ mà bọn trẻ con
xóm khác phá ra để chui vào trộm ổi. Có lúc chúng còn phá rào chui vào chặt ngã
một cây tre to bự chỉ để.... lấy một đoạn trên ngọn làm ống thụt thôi đấy. Ghét
thật! Rồi thì phá rào chặt củi, phá rào hái trái bồ lời, cò cưa làm đạn, phá
rào chọc phá tổ ong vò vẽ cho chúng bay tùm lum, phá ổ ong mật làm chúng hút
sạch mật, bay đi mất. Trời ơi, nhắc đến đây sao nó ghét chúng đến thế chứ. Nó
nhớ tới bài vè chị nó hay đọc lúc đi thăm vườn khi ấy:
Sột sà, sột soạt
Xem thử đứa nào
Mà dám phá rào
Chặt tre nhà tao
Tao ra tao .........đánh.
Rời khỏi nhà tao........
(híc hic, chỉ nói miệng chứ
chưa bao giờ làm gì được chúng)
Không buổi trưa nào chúng để
nó yên. Có hôm, không biết từ đâu hai con trâu chui xuống vườn, ăn hết và dày
xéo tơi bời đám rau lang mẹ nó mới trồng, vừa lên mơn mởn. Thế là, không cần
biết chi hết, nó bị mẹ mắng vì tội ham coi ti vi không chịu đi thăm vườn, thế
có oan ức không cơ chứ.
Tới mùa đào chín là khổ nhất,
cứ 5 phút phải ra thăm vườn một lần, không thì sẽ chẳng nhặt được một hạt nào.
Hạt chưa già cũng bị hái trộm mất tiêu chứ huống gì trái chín trên cây. Nhưng
mà vui, xóm nó có rất ít nhà trồng đào lộn hột. Nó hay hái những trái đào màu
vàng, đỏ chín mọng, căng tròn mang lên lớp cho bạn bè, chúng thích lắm. Rồi thì
mùa hè, cả bọn kéo vào nhà nó hái thị, hái đào, hái trâm, hái quăn- những trái
quăn đỏ chót ăn đến rách lưỡi, ôi bao nhiêu là trái.
Chúng bạn bảo vườn nhà nó
giống khu vườn nhiệt đới. Nghĩ đến cảnh trèo lên cành đào hay cành me to, đứng
trên đó mà nhảy điệu lumbada, nghe tiếng đào rụng bịch bịch hay tiếng me khô
rơi lộp độp thì sướng biết bao. Chưa kể, mùa đào, thả bò ra núi, cho một cục than
hồng vào miếng vỏ dừa khô mang theo, ra đó lượm lá khô nhóm bếp, nướng chín hột
đào , lấy hòn đá to đập ra ăn, chao ôi thích, béo ngậy, thơm lừng. Giờ vào Sài
Gòn, thấy người ta bán hạt đào (điều lộn hột) cả trăm ngàn 1 hộp, đắt thế, ở
quê tới mùa, có mà ăn tha hồ. Mùa đào, tha hồ lượm, tích cóp, dồn đầy một đống
to, mẹ đi chợ Bồng Sơn bán, khi về thể nào mỗi đứa cũng có một bịch chè và mấy
ngàn tiền công lượm hột đào để dành bỏ heo.
Mùa hè, khi xã tổ chức đá
banh hay văn nghệ, nó thích lắm (Cơ hội làm ăn tốt mà). Hồi đó, nó mới học lớp
4, lớp 5 gì đấy. Chiều, mấy chị em sẽ hái ổi, hái me bó lại thành từng chùm.
Tối đến, đứa mang bịch, đứa mang rổ me, đứa mang cái ghế đẩu và cái đèn hột vịt
xuống sân vận động, tìm một chỗ thích hợp, nhiều người qua lại vừa xem văn nghệ
vừa bán hàng. Đứa rao, đứa mời, đứa bán, vừa bán me chùm vừa khuyến mãi thêm
một nắm me lẻ, nhộn nhịp, thích thú. Tối về mỗi đứa tự thưởng cho mình một que
kem chuối, còn lại bỏ heo. Lúc đó, nó là đứa hăng nhất nên mẹ chọc, bảo nó có
khiếu "đi buôn”, đến giờ vẫn không biết có đúng vậy không nữa, học kinh tế
mà chẳng thấy buôn bán gì, suốt ngày cắm đầu vào mấy con số không thôi.
Mùa hè cũng là mùa làm tổ của
ong vò vẽ và nó thích nhất là món ong xào măng với bún của ba. Xào nóng, bẻ một
miếng bánh trán, xúc một miếng, cho vào miệng, chao ôi, vị béo của nhộng và ong
tơ, vị cay của ớt, đăng đắng của măng tre, giòn giòn của bánh tráng gạo, những
tép bưởi trộn chung chua chua.....đến là ngon tuyệt!
Rồi khi mùa mưa đến, nước
chảy sói cả đất trong vườn, đọng lại thành vũng lớn như cái ao. Lúc đó mấy chị
em tha hồ mà chơi đá banh trong nước và lúc về thể nào cũng bị mẹ mắng vì ướt
như chuột lột. Rồi thì đi tìm nấm, những cái nấm trắng tinh, mọc thành từng
cụm, nấu cháo ăn thật là ngọt. Rồi thì canh măng tre, bông bí, ngọn lang luộc,
bao nhiêu là món ngon. Trời ơi, giờ này nó thèm quá...
Còn ngày mùa vất vả vì phải
gặt lúa, đội rạ nhưng mà vui, tha hồ thả bò ra cánh đồng trước nhà, cùng bọn
trẻ con trong xóm lấy giấy báo làm diều chạy khắp đồng, bắt cá, nướng lúa và
nằm chõng choài trên những đống rạ khô. Một cảm giác thật thú vị. Những buổi
tối theo ba xách lốp xe ra đồng soi cua, bị cua kẹp, khói bay bám vào đen xì
hai lỗ mũi thế mà lần nào cũng nằn nặt theo ba cho bằng được.
Giờ đây, mỗi khi mùa đến đâu
còn được phụ ba mẹ ôm lúa lên bờ, kéo rạ, hay chất rạ lên cây cùng ba. Nỗi vất
vả của ba mẹ nơi quê nhà con đâu thể sẻ chia. Khi cơn giông bất chợt ập đến, con
đâu thể chạy vội ụp tấm bạt che lúa phụ mẹ, đâu thể thay mẹ ra đồng cắt cỏ khi
mẹ ốm, đâu thể giúp mẹ ba điều gì. Khi con còn ở quê, con còn chưa đủ sức, đến
khi đủ sức con lại bận học hành, giờ chỉ còn ba với mẹ tần tảo sớm hôm để nuôi
con ăn học. Con vẫn nghĩ, đến khi nào ba mẹ mới bớt khổ vì con...
B.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét