MÙA XUÂN CHÍN
Trong làn
nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà
tranh lấm tấm vàng
Sột soạt
gió trêu tà áo biếc
Trên giàn
thiên lý. Bóng xuân sang
Sóng cỏ
xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn
nữ hát trên đồi
Ngày mai
trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo
chồng bỏ cuộc chơi
Tiếng ca
vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như
lời của nước mây
Thầm thỉ
với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý
vị và thơ ngây.
Khách xa
gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí
bâng khuâng chợt nhớ làng
Chị ấy năm
nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông
trắng nắng chang chang?
1939
H.M.T
Mùa xuân – qua nét phóng bút tài hoa của Hàn Mặc Tử, bỗng trở nên duyên dáng và
có sức cuốn hút lạ thường. Xuân như thiếu nữ mơn mởn đào tơ, tràn căng sức
sống, song xuân không hiện lên rõ nét mà cứ huyền ảo, như thực như hư. Không
thể chỉ đọc từng câu từng chữ mà cảm được bài thơ. Cần cảm thụ quyện hòa từng
luồng cảm giác.
Mở đầu bài thơ là một khung cảnh được từ từ hé mở. Không gian tươi mát, rõ
ràng. Thi sĩ rắc màu lên từng cảnh sắc. Lấm tấm vàng của mái tranh, biếc xanh
giàn thiên lý. Chợt nghe như sự sống bừng dậy, bỡn cợt, gợi tình. Câu thơ
chuyển mạch rất nhanh với cách ngắt nhịp tài tình “bóng xuân sang”. Cảnh mới
thực bỗng thoắt trở nên mơ hồ. Bóng xuân lướt nhanh ẩn hiện làm ta ngỡ ngàng.
Mùa xuân, qua con mắt thi nhân, phập phồng sức sống. Màu xanh tươi lan
tỏa ngút mắt. Vút lên cao là tiếng hát tuổi xuân xanh. Màu sắc, âm thanh trộn
đều tạo một không gian động, hồn nhiên thơ mộng. Tưởng chừng ta gặp hồn thơ
Nguyễn Du qua vẻ đẹp: “Cỏ non xanh tận chân trời”, song ta nhận ra Hàn Mặc Tử
bởi những cảm giác quẫy mạnh trong từng câu thơ, ta cảm được cái rùng mình của
mùa xuân qua làn “sóng cỏ”. Thi sĩ lặng mình trước mùa xuân, chợt bâng khuâng
nhủ lòng mình :
“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
Câu thơ lắng nỗi buồn nhẹ nhàng, man mác cái buồn cố hữu của những nhà
thơ thời đó. Cái tiếc rẻ cho duyên con gái một đi không trở lại. Không giục
giã, hối hả gấp gáp như Xuân Diệu “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ – Em, em
ơi tình non sắp già rồi!” nhưng với hai câu thơ này Hàn Mặc Tử đã mang tới cho
người đọc những đợt sóng ngầm tình cảm gấp gáp, hối hả mà duyên dáng lạ thường.
Những âm thanh trong bài thơ chuyển động, cọ xát nóng bỏng : “vắt vẻo”,
“hổn hển”, “thầm thĩ”. Các cung bậc mùa xuân lên bổng, xuống trầm tinh nghịch,
khát khao, dịu nhẹ. Những gam cảm giác Hàn Mặc Tử đưa vào thơ rất mới lạ mà lại
gần gũi, quen thuộc. Thấp thoáng đâu đây khuôn “mặt chữ điền” như thơ Đường; mà
lại có vẻ hồn nhiên, rụt rè của cô gái tơ mới lần đầu hò hẹn. Âm thanh, cảm
giác được đẩy lên cao vút, nao nức, bâng khuâng.
Tận cùng của cảm giác là một nỗi nhớ nao lòng. Xuân chín căng, mời mọc
làm nguời đi xa chạnh niềm tha hương. Hình ảnh trong nỗi nhớ sáng rực, thân
thiết:
“Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang?”
Nỗi nhớ như mùa xuân, cũng chín đỏ. Như tình người, tình quê ấm áp, đậm
đà. Câu hỏi tưởng bâng quơ, sực nhớ kia chính là nỗi niềm mến thương từ
lâu ủ kín, chợt mùa xuân làm thức dậy trìu mến, thiết tha.
Bài thơ của Hàn Mặc Tử đầy nhựa sống như tâm hồn của nhà thơ luôn khát
khao giao cảm với đời. Với mùa xuân, Hàn Mặc Tử yêu say đắm, điên cuồng : “Tôi
đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng
hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận,
hờn đến gần đứt sự sống” – lời của thi nhân đã được đem vào trong bao áng thơ
diễm tuyệt, kết tinh hương sắc làm nên một “mùa xuân chín”.
T.H.N
(Nguồn:
tranhanam.vnweblogs.com)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét