Cứ
mỗi lần hạ đến, hàng phượng cổ thụ dọc bờ sông Đăkbla lại bắt đầu nở rộ! Và những
cánh hoa học trò đỏ rực, hứng gió rụng đầy đường nâng bước chân tôi mỗi chiều
tan học về khu cư xá nằm trên đồi nhỏ sát bờ sông Đăkbla dọc đường Bok Kiểm, nơi gia đình tôi đang sống trong những năm đầu thập
niên 70 của thế kỷ trước…
Phố
Núi Kon Tum ngày ấy thật thơ mộng trong cái nắng nhẹ, mát rời rợi của tiết
tháng ba, đẹp tựa một bức tranh sinh động với những mảng màu hoa sắc nét. Mỗi
con đường phố được trồng một loài cây đặc trưng như đường Hàng Phượng, Hàng
Keo, Bằng Lăng… ăn sâu trong tiềm thức người dân Phố Núi chẳng ai để ý đến tên đường làm chi nữa. Năm ấy,
tôi vào khoảng 8,9 tuổi đang học lớp
tư chuẩn bị lên lớp ba (thời ấy), cái lứa
tuổi năng động, nghịch ngợm, thích tò mò
đủ điều…Và với tôi mùa phượng nở như báo
hiệu một mùa vui.
Hạ đã về!
Là thời điểm mong chờ suốt một năm học, tôi đang háo hức nhìn no say những
cánh phượng tươi rói nghiêng mình dưới dòng sông Đăkbla, hát cười líu lo như
chú chim non sắp được bay ra khỏi tổ, lượn giữa trời xanh đầy nắng ấm!
Bởi lẽ, mùa hè nghỉ học, anh em tôi được mẹ đưa
về quê nhà thăm ngoại ở tận Bình Định xa tít…
Nhà tôi ở quê thuộc thôn
Phú Thọ, cạnh con sông Đá Hàng nước xanh trong vắt, nay là xã Tây Phú, huyệnTây
Sơn! Quê tôi, nằm dọc quốc lộ 19 cửa
ngõ độc nhất nối liền các tỉnh đồng bằng
miền Trung lên Tây Nguyên. Phía trước nhà tôi là cánh đồng lúa bát ngát gợn
xanh đến tận chân trời. Xa xa, những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp vây quanh
như một bức tường thành kiên cố, che chở cho làng quê được bình yên. Nổi bật nhất
là hòn Xà Kính cao ngất trước nhà, lãng
đãng mây mù trên đỉnh mỗi sáng sớm như được
che chiếc dù trắng ẩn hiện trong sương. Về lại quê, suốt ngày tôi rong
chơi, chạy nhảy trên cánh đồng lúa xanh mơn mởn, bắt chuồn chuồn, hái bông cỏ dại, thỉnh thoảng ghé vào những gò nổi bên cạnh
cánh đồng tìm hái chim chim, dú dẻ, sim rừng… Những loại trái cây tự nhiên này, được tạo hoá ban tặng cho những đứa trẻ
nghèo ở quê tôi như một đặc ân giải nhiệt trong mùa hè oi bức, gay gắt nắng ...
Nhà ngoại tôi cách nhà tôi khoảng hai cây số, nằm
cạnh đường làng nhỏ hẹp dẫn vào thôn Phú Mỹ. Tôi có thói quen về ngoại không đi
đường lớn mà chỉ muốn đi tắt con đường này cho gần, dạo trên những bờ ruộng nhỏ
quanh co, tung tăng giữa không gian ngập tràn hương lúa. Những lúc ấy, lòng tôi
thấy thanh thản vô cùng!
Trước
khi đến nhà ngoại, tôi thường phải đi ngang qua cây thị mọc sát bên góc rào
chùa Phước Sơn, vừa ngồi nghỉ chân vừa ngước mắt nhìn bóng thị xanh mướt toả
mát cả một khoảng ruộng trước cổng chùa. (Những đám ruộng trước chùa ngày ấy là
của gia đình tôi)
Cây thị này cao trên 10 mét, tàn lá sum suê. Gốc
đen mốc, xù xì. Thân to hơn hai vòng tay
ôm người lớn, đứng sừng sững giữa trời trông thật gần gũi, oai nghiêm. Cây thị
giờ chắc đã hơn 200 tuổi! Cứ vào khoảng cuối hạ đầu thu, giữa tiết mưa ngâu rằm
tháng bảy, cây thị lại lấp ló những trái vàng ươm, nho nhỏ như những vì sao
sáng thả hương thơm tựa mùi sữa mẹ, đọng
đầy cả một khúc đường quê. Xa xa, trong bóng chiều tà nhả khói hoàng hôn, từng
đàn bò “í …ọ…” trên đồi đủng đỉnh về thôn
trông thật nên thơ…
Những
lần về ngoại nhằm mùa thị chín, ngoại thường chống gậy dắt tôi ra chơi dưới
bóng cây thị, ngồi kể chuyện đời xưa cho tôi nghe và chờ gió thổi mạnh, rụng những
trái thị chín lấy bỏ vào giỏ tre mang về trong tiếng chuông chùa ngân vang khắp
xóm…
Hồi đó, tôi cứ tự hỏi:
- Tại sao người ta bỏ những ông lò bể nằm dưới gốc
thị làm gì nhỉ? Lại còn đặt lư nhang ở
đó nữã! Trông tiêu điều, hoang phế quá!
Những
“ông lò bể” không hiểu sao như có ma lực cứ níu kéo chân tôi mỗi khi đi ngang
qua và cuốn hút lạ thường! Tôi phải đứng lặng nhìn nó và ngước mắt nhìn tán cây
thị rung lên trong gió mà nghe xao xuyến cả lòng. Có lần tôi hỏi ngoại về điều
này, ngoại tôi mỉm cười móm mém, nét mặt
nhăn nheo phúc hậu giải thích:
- Họ bỏ đó để “mấy ổng” chăm cho cây thị ra hoa sai quả và canh cho cổng
chùa khỏi bị ma quấy đấy cháu!
Trong trí
non nớt của tôi khi ấy, tôi tin lắm và lòng cảm
mến mấy “ông lò bể” vô cùng. Những năm sau ngoại tôi đã bước qua tuổi 90, nhưng vẫn còn minh mẫn, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏn bẻn, môi cứ đỏ thắm
như bôi son. Sau nầy ngoại tôi mất, những hình ảnh thân thương luôn đọng mãi
trong lòng cùng với những chuyện cổ tích ngoại kể, tôi không bao giờ quên… Bỗng
dưng, tôi nhớ đến câu ca dao ngoại dạy dưới bóng cây thị năm nào:
“Thị ơi! Thị rụng bị
bà
Bà để bà ngửi chứ
bà không ăn …”
Chùa Phước Sơn, nằm lọt thỏm giữa cánh
đồng lúa xanh rì. Mặt tiền chùa hướng về phía đông đón nắng mỗi sáng. Phía tây bắc cặp theo con mương nhỏ
nước trong vắt như ranh giới phân chia giữa hai bờ cuộc sống bằng một cây cầu
bê tông nhỏ bắc ngang qua mương, cách nhà ngoại tôi chừng 500 mét. Con mương
này được dẫn nước từ đập Hầm Hô (Kiềng Kiềng) về tưới cho cả cánh đồng Phú Mỹ -
Phú Thọ. Dòng nước chảy róc rách, e ấp
dưới hàng tre xanh kẽo kẹt như khúc dân ca dìu dặt giữa trưa hè oi ả. Phía nam
là gò, nối gò nhấp nhô. Nhìn toàn cảnh, chùa Phước Sơn hơi nhỏ, xinh xinh lẻ
loi một mình giữa đồng ruộng bao la và núi đồi bạt ngàn trông rất hữu tình.
Trước
sân chùa và trong hậu viên trồng rất nhiều cây kiểng. Xung quanh chùa, những
cây xoài tượng to lớn toả bóng mát đầy sân. Rễ xoài nổi trên mặt đất ngoằn
ngoèo bò ra tận mép mương uống nước. Vào tháng giêng sau Tết, những chùm hoa
xoài ngún ngẩy, đong đưa trong gió như những chiếc đuôi chồn, lắc lư sắc lông
vàng li ti rơi trên mương vắng…
Lúc
ngoại tôi còn sống, thường dẫn tôi vào chùa lễ Phật trong những ngày rằm hay lễ
Phật Đản, Vu Lan… Chùa Phước Sơn hồi đó có ba tượng Phật gỗ rất xưa (Tượng A Di
Đà - Phổ Hiền - Quan Thánh), có từ thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, do đô đốc
Võ Văn Dũng trong một lần đi sứ nhà Thanh (Trung Hoa) theo lệnh vua Quang Trung
thỉnh về hiến cúng cho chùa. Sau giải phóng khoảng thập niên 80, thay mặt Nhà
nước (Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình), xin trưng dụng hai tượng Bồ Tát Phổ Hiền
và tượng Quan Thánh đưa về đặt ở Bảo
tàng Quang Trung (Tây Sơn - Bình Định) cho khách tham quan chiêm ngưỡng. Lâu
quá tôi không về thăm Điện, không biết bây giờ còn ở đó không?
Trong ký ức
thơ dại của tôi đi chùa lễ Phật chỉ để chìu lòng cho ngoại vui, nhưng với tôi
điều thú vị nhất là được các thầy cho bánh, chuối hay dạo chơi quanh chùa. Thỉnh
thoảng những buổi trưa hè vắng lặng, các thầy ngủ say, bọn tôi lẻn vào hái trộm
xoài non đang ra trái treo lủng lẳng sà sát mặt đất đem về chấm mắm đường. Cái mùi vị chua chua, dòn
dòn của nó ngon tuyệt! Cảm giác ấy còn đọng
lại trên đầu lưỡi tôi cho đến tận bây giờ…
Trong sân hậu viên chùa, có một cây tùng dáng rất
thanh, chắc khoẻ, xanh mướt. Thầy Cả ưu ái tự tay chăm sóc nó xem như báu vật.
Thầy Cả dáng dong dỏng cao, hơi gầy nhưng rất nhanh nhẹn. Thầy có đôi mắt sâu
hóm, rất sáng như thấu hiểu cả lòng người.
Ánh mắt ấy toát lên nét thân thiện, dễ gần. Những đêm có trăng, tôi thường ghé
chùa, lẻo đẻo theo Thầy (Thầy Cả rất mến trẻ con) hỏi chuyện và cùng ngồi uống
trà ngắm hoa quỳnh nở thật êm đềm, thanh thoát. Thầy thường ngồi lặng im, không
nói nét mặt trông bình thản, đôi lúc mỉm cười vu vơ một mình. Lúc ấy, tôi nghĩ:
- Thầy Cả già rồi đâm ra lẩn thẩn!
Nhưng có biết đâu? Đó là cách Thầy lắng lòng, trầm tư như hoá thân vào cội
tùng già vô tri kia là một…
Không biết những hình bóng thân thương ngày ấy
bây giờ về đâu?
Cây thị cổ và chùa Phước Sơn ở quê, dù đã trải
qua bao thăng trầm, biến đổi nay có còn xanh mướt và Chùa nay có còn lưu lại
bao kỷ niệm êm đềm xưa không?...
Bây giờ xa quê! Hơn ba
mươi năm xa cách vời vợi…
Hiếm khi tôi có dịp về lại Tây Sơn ghé thăm Chùa
xưa, ngồi dưới bóng cây thị ngày nào thả
hồn như thời còn trẻ dại. Ngoại trừ những lúc ba mẹ già, ốm đau tôi phải về chăm sóc… Sống giữa Sài Gòn bon
chen, vật lộn từng ngày với cuộc sống xô bồ đầy khói bụi ô nhiễm, tôi cảm thấy thật ngột ngạt,
lòng cứ tê cứng, cộng với tuổi đời hằn sâu bao nếp gấp lại
càng thêm trống trải, cô đơn…Những kỷ niệm xưa cứ hiện về trong tôi xối tràn,
tuôn chảy như dòng suối mát, ngọt lịm. Và những lúc buồn… như hôm nay, giữa mùa
hạ nóng bức tôi thích tìm một quán cà phê vắng nào đó trong lòng thành phố. Ngồi
lặng một mình, ẩn trong góc khuất để được tự do thả hồn bay về nơi ấy, dõi theo tiếng nhạc Trịnh đang ru nhè nhẹ
trong quán để biết rằng mình còn có quê, nơi mình từng được sinh ra và lớn lên, để được mơ và ngậm ngùi thương…
Sài Gòn, tháng Tư năm 2012
N.N.T
(*)Cây Thị cổ và chùa Phước Sơn trong bài viết là ngôi chùa xưa cất trên mảnh
đất có từ thời Nhà Tây Sơn (Thế kỷ 18). Nay Chùa nằm ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Cây Thị cổ hiện nay vẫn còn, được đưa vào sân
Chùa và Chùa Phước Sơn thì đã được xây mới rất khang trang và uy nghiêm.
Bài viết gợi nhớ tuổi thơ trong lòng mọi người rất dễ thương & hay lắm ! & được biết thêm về lịch sử cũa cây thị nữa :
Trả lờiXóaCây thị này cao trên 10 mét, tàn lá sum suê. Gốc đen mốc, xù xì. Thân to hơn hai vòng tay ôm người lớn, đứng sừng sững giữa trời trông thật gần gũi, oai nghiêm. Cây thị giờ chắc đã hơn 200 tuổi! Cứ vào khoảng cuối hạ đầu thu, giữa tiết mưa ngâu rằm tháng bảy, cây thị lại lấp ló những trái vàng ươm, nho nhỏ như những vì sao sáng thả hương thơm tựa mùi sữa mẹ, đọng đầy cả một khúc đường quê. Xa xa, trong bóng chiều tà nhả khói hoàng hôn, từng đàn bò “í …ọ…” trên đồi đủng đỉnh về thôn trông thật nên thơ…
Chúc vui khỏe nhé NNT & còn gì "CỔ "nữa sưu tầm tiếp nha em!
Rất vui được gặp Chị TKL ghé thăm HQN! Dzẫy là chị em mình có “duyên” dzới Bình Dương rầu?(cừ)Cảm ơn Chị đã đồng cảm cùng “ký ức tuổi thơ em”, chúc Chị luôn khỏe & có nhiều nhiều …“Tình thơ” thật hay trên HQN nhé !
Xóa"Bây giờ xa quê! Hơn ba mươi năm xa cách vời vợi…
Trả lờiXóaHiếm khi tôi có dịp về lại Tây Sơn ghé thăm Chùa xưa, ngồi dưới bóng cây thị ngày nào thả hồn như thời còn trẻ dại. Ngoại trừ những lúc ba mẹ già, ốm đau tôi phải về chăm sóc… Sống giữa Sài Gòn bon chen, vật lộn từng ngày với cuộc sống xô bồ đầy khói bụi ô nhiễm, tôi cảm thấy thật ngột ngạt, lòng cứ tê cứng, cộng với tuổi đời hằn sâu bao nếp gấp lại càng thêm trống trải, cô đơn…Những kỷ niệm xưa cứ hiện về trong tôi xối tràn, tuôn chảy như dòng suối mát, ngọt lịm. Và những lúc buồn… như hôm nay, giữa mùa hạ nóng bức tôi thích tìm một quán cà phê vắng nào đó trong lòng thành phố. Ngồi lặng một mình, ẩn trong góc khuất để được tự do thả hồn bay về nơi ấy, dõi theo tiếng nhạc Trịnh đang ru nhè nhẹ trong quán để biết rằng mình còn có quê, nơi mình từng được sinh ra và lớn lên, để được mơ và ngậm ngùi thương…"NNT
Cây Thị Cổ rất thân thương đã đưa ta về lại tuổi thơ yêu dấu ngày nào.
Cảm ơn NNT đã có một bài viết chân chất,rất hay và đầy cảm xúc.
Xin gửi NNT vài dòng cảm tác:
NỖI NIỀM
Nửa vòng hoa giáp phương xa
Tuổi thơ,cây Thị trong ta dâng trào
"Ngoại ơi! Ngoại ở chốn nào
Con về nghe Thị thì thào Ngoại ơi!
Đêm con nhìn ánh sao rơi
Ngôi nào của Ngoại?"Ngoại ngời trong con!
Dẫu rằng sống ở Sài Gòn
Trong tim vẫn nhớ lối mòn Ngoại đi
Nhớ lần lễ Phật diệu kỳ
Mãi còn vị đọng những gì Thầy cho
Những "Ông Lò Bể" thập thò
Bên cây Thị cổ, bên gò cây xanh
Bên con mương nhỏ long lanh
Nước truyền hơi thở trong lành làng quê
Hôm nay con bước chân về
Ngoại Ơi! Vừa kịp ngày kề Thanh Minh
Rằm tháng ba ở quê mình
Trăng cười trẩy hội, lung linh sao trời
Vào chùa lòng thật thảnh thơi
Tình quê thắm đẵm trọn đời trong con!
Minh Nguyên
Đọc bài thơ “NỔI NIỀM” của Anh Minh Nguyên cảm tác qua bài viết “cây thị cổ…”_Ngòi bút như “xuất thần” bằng_ Lời thơ, Ý thơ_ thả đầy xúc cảm, sâu lắng..., làm em cảm động lắm! “Nổi niềm”của Anh như thấu suốt cả ruột gan em!Rất chân thành& thật đồng cảm!
Trả lờiXóaEm cảm ơn Anh nhiều nhiều nghen !
@ Gởi Anh MN:
LẮNG TRÔI
Chuông chùa đọng lại trong tôi
Âm vang lành lạnh như lời tim rơi
Mấy mươi năm ,nửa kiếp người
Phần đời còn lại… theo “thời” lắng trôi!
(NNT)