Trần Duy Đức
Mùa mưa năm Quý Mão- 1973 kéo
dài, nước lũ tràn đồng, tràn làng. Mấy cái hầm bí mật, có cái mới đào vừa xong
ở xóm Chòi, xóm Soi đều sập hết, không còn chỗ nào gọi là an toàn cho anh em bộ
đội và du kích trú tạm qua ngày. Hiệp định Paris có hiệu lực gần năm rồi mà đối
phương vẫn cứ ra sức “Tràn ngập lãnh thổ”
cắm cờ, lấn đất, giành dân. Anh em đàng mình còn phải chịu tổn thất, có nơi
còn hy sinh nhiều hơn lúc quân Mỹ và chư hầu còn ở chiến trường miền Nam.
Màn
đêm buông xuống, bầu trời sũng nước, không gian đen như mực, từng cơn gió bấc
thổi tung tấm ni lông che mưa, cái lạnh như cắt da cắt thịt. Xóm làng vắng
lặng, xa xa một vài tia sáng đèn dầu lọt qua khe cửa, phên vách nhà dân. Vậy
mà, ánh đèn làm ám tín hiệu bên bờ sông như thường lệ của một gia đình cơ sở
lại không có, gió thổi đèn tắt, hay là...có chuyện gì đã xảy ra đối với một cơ
sở trung kiên? Không nhận được tín hiệu, nhưng anh em vẫn quyết tâm triển khai
nhiệm vụ. Tổ đặc công ở khu Đông mới vừa lên chân ướt chân ráo đã lặng lẽ bám ra
hướng sân bay sân bay quân sự Gò Quánh để khảo sát, chuẩn bị; Đội công tác xã
triển khai nắm tình hình chốt bảo an đóng ở bờ đập Đại Bình, cơ sở cốt cán nắm
tình trong các khu dồn phục cho chiến dịch mở ra.
Thi
thoảng vài ba ngọn hỏa châu từ chốt lính bắn vu vơ, bay lơ lửng rọi xuống cánh
đồng trũng nước, nhờ ánh sáng ấy mà anh em bộ đội và du kích xác định mục tiêu,
hướng đi. Cả đội hình đi không có chút tiếng động mạnh, khoảng cách vừa đủ nhìn
thấy nhau. Anh Thắng- Bí thư xã, Đội trưởng đi trước bỗng sà nghiêng người bên
ụ đất gò mối và ra hiệu bốn anh em đi sau giãn ra, triển khai đội hình chiến
đấu. Mùi thơm thuốc lá Ruby quân tiếp vụ của lính phảng phất thoáng qua, vậy là
đội hình của Đội công tác đã lọt vào ổ phục kích, lập tức một vệt sáng lóe lên
kèm theo tiếng nổ rền của mìn định hướng, rồi đạn AR15 bay ra như cát vãi, đạn
M79 nổ chát chúa bọc rìa làng hòng chặn đường rút của ta.
Tiếng
súng im, những ngọn hỏa châu cứ bụp xòe bay lên xoay vòng trên ngọn tre, ngoài
đồng ruộng. Anh Thắng gọi bằng tín hiệu, ba bóng đen nữa là tôi, anh Hiệp và
thằng Chiến xuất hiện ở địa điểm tập kết giữa đồng. Đủ chưa- anh Thắng sốt ruột
hỏi cộc lốc vừa đủ nghe. Còn...còn anh Hưng nữa- thằng Chiến nói lắp bắp, lập
lại. Kinh nghiệm hoạt động vùng sâu nhiều năm, anh Thắng phân công từng người
chia nhau bám trở lại nơi bị phục kích lúc nãy để tìm đồng đội, tức là quay lại
nơi cài sẵn mìn, lựu đạn và các loại súng của đối phương chờ nhả đạn vào những
bóng đen. Song không còn cách nào khác, anh em động viên nhau, bằng mọi cách,
mọi giá phải tìm cho được anh Hưng, người đồng đội vui tính, dễ thương, luôn
lạc quan, rảnh rổi là làm thơ, nói tiếu lâm.
Gần
đến bìa xóm, men theo con mương sâu chưa quá đầu gối, lún ngập quá bàn chân,
vừa đi vừa rà mìn bằng cái cọng dừa, căng tai nghe ngóng động tĩnh. Anh Thắng
đi đầu bỗng giật lùi khi phát hiện đám ruộng bên kia có bóng người di chuyển
chậm chạp, chân đi không vững. Nhận ra ám tín hiệu, anh chạy lại ôm người ấy,
quần áo bê bết máu và đất bùn. Thì ra, anh Hưng bị viên đạn AR15 xuyên qua đầu
gối bể xương tràm và nhiều chỗ khác bị trúng mảnh đạn M79. Máu ra nhiều, anh em
thay nhau cõng về nhà cơ sở để sơ cứu cầm máu và tìm cách chuyển vào trạm xá
huyện ở căn cứ An Trường ngay trong đêm.
Vài
hôm trước, cô y tá của Đội công tác cũng bị thương do vướng mìn đang điều trị
tại trạm xá huyện. Anh em phải nhờ cô con gái gia đình cơ sơ đang học lớp cán
sự y tế ở quận, ngày chủ nhật về nhà nghỉ, chích thuốc cầm máu và băng các vết
thương cho anh Hưng. Thằng Chiến nghịch ngợm, trêu cô gái: Học thầy thuốc “quốc gia”mà phục vụ cho Cách mạng. Anh
Thắng trừng mắt và nghiêm giọng, phân công hai du kích là Chiến, Hiệp cùng hai
thanh niên cơ sở võng thương đưa anh Hưng vào trạm xá khu Nam kịp trong đêm. Thật không đơn
giản chút nào khi chuyển thương binh vượt qua hai con sông đang đầy ắp nước lũ
chảy xiết trên chiếc sõng (xuồng) câu chòng chành, rồi tiếp tục qua bốn cánh
đồng trống của ba xã và hơn chục đồn bót, ổ phục kích của địch. Khó khăn này
chưa hết lại gặp thử thách khác, vào đến vị trí chuẩn bị vượt đường quốc lộ 19,
thì cô giao liên dẫn đường cho biết có địch phục kích dày đặc cửa khẩu không
thể vào căn cứ được.
Đi
tới không được, còn quay ra thì...tiếng gà nhà ai đã cất tiếng gáy ở xóm Hòn
Lách. Tiến thoái lưỡng nan, cả bốn con người vừa đói, khát, mệt và căng thẳng.
Không thể chần chừ, do dự, chậm một phút là thêm nguy hiểm, hội ý chớp nhoáng,
hai người tải thương, một người bám đường đi trước, một người đi sau phục vụ,
cứ thế người này mệt, người khác thay liên tục, khẩn trương và an toàn, quay
trở ra kịp trước khi trời sáng.
Anh
Thắng cùng tôi và gia đình cơ sở ở xóm Soi sốt ruột chờ anh em về báo cáo tình
hình, tiếng gà đã gáy dồn dập gần sáng. Con Dện nằm đầu hè bỗng oẳng oẳng, hực
hực, má Năm cơ sở mở hé cửa, con Dện
liền chạy vào nhà quảy đuôi, thì ra cáng thương vừa về tạm nghỉ ngoài hè trước
khi vào nhà, ai cũng mệt nhoài. Thế là cả đoàn đi sao về vậy, các vết thương
anh Hưng qua đêm sưng tấy, nhất là đầu gối, tại nhà cơ sở thì không có thuốc men,
con gái má Năm học cán sự y tế sơ cứu băng bó cho anh Hưng đầu hôm lại đang đi
công việc cơ sở giao. Không chỉ đối với người chỉ huy mà ai cũng căng óc ra suy
nghĩ, hiến kế để bảo toàn lực lượng, làm sao có y tá và thuốc men điều trị
thương binh...
Bao
nhiêu người quây bên thương binh, đầu óc người nào cũng căng như dây đờn. Anh
Thắng bật đứng dậy, mang thắt lưng và nói khô khốc, quyết đoán: Viêc cấp bách
ngay bây giờ là phải tìm cho được vị trí an toàn để bảo vệ thương binh và cả
anh em; việc thứ hai là tối lại triển khai vận động cho được cơ sở nhận đậy nắp
hầm để đào một công sự đưa anh Hưng xuống hầm chăm sóc, điều trị và tiếp tục
tìm địa điểm đào một vài cái nữa để đủ dung nạp cả Đội công tác.
Từ
nhà dưới, tiếng má Năm nói vửa đủ nghe: Việc thứ nhất để già này lo- má Năm vừa
bưng ly sữa và bát cháo hành nóng lên cho anh Hưng ăn đỡ sức, vừa đi vừa nói
dứt khoát. Thấy anh em ngạc nhiên, phân vân, má giải thích ý định táo bạo của
mình là má có người em gái ở xóm trên, gần bến đò, chồng bị địch bắt đi lính
chết, nhưng là cơ sở cách mạng kiên trung, làm nghề cô mụ đỡ đẻ tại nhà. Tụi
bay cứ yên tâm, nghe theo má, đưa ngay thằng Hưng lên đó, vẫn còn kịp...má Năm
nói như ra lệnh. Nằm trên võng khiêng, anh thương binh đóng vai người đàn bà
chửa trở dạ, và tạm ẩn trong buồng đẻ của bà mụ vườn như người “nằm cữ” bất đắc dĩ, chờ đào xong hầm bí
mật sẽ chuyển đi. Vô cùng nguy hiểm nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Quả
là “...khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Đến tiết Đông Chí rồi
mà trời vẫn còn mưa, đất ướt sẵn nên càng sình, đào hầm rất khó. Được một cơ sở
ở gần sát làng An Vinh nhận bảo vệ nắp hầm, bốn anh em Đội công tác mừng hơn
được của, cùng nhau vừa hì hục đào, vừa mang đất đi giấu, không để lại dấu vết.
Oái ăm thay, hầm đào vừa ngồi ngập đầu, mở ngóc cua thì đất ào ào sạt xuống,
hai đêm vất vả thức trắng với công dã tràng. Đêm thứ ba, tìm được vị trí cao
hơn và vận động một cơ sở tự nguyện tháo hai tấm cửa gỗ và một số gốc tre ủng
hộ để chống đỡ đất khỏi sạt, anh em quyết tâm đào chưa quá hai đêm là xong, hầm
vừa đủ cho ba người ở.
Làng
An Vinh, xã Bình An, huyện Bình Khê, nơi từng diễn ra vụ lính Nam Triều Tiên
thảm sát hơn một ngàn người dân vô tội ở Gò Dài và vùng lận cận năm 1966, chỉ
cách xóm Soi, Đại Bình, Nhơn Mỹ con mương, luôn kề vai sát cánh, sống chết có
nhau. Đội công tác Bình An phân công cô Nhung y tá, sau mỗi đêm đi công tác,
ban ngày xuống xóm Soi cùng nằm hầm với anh em Đội công tác Nhơn Mỹ chăm sóc,
điều trị vết thương cho anh Hưng. Chỉ có tình đồng đội và tinh thần trách nhiệm của chiến sĩ cách mạng nên cô y
tá mới ở tuổi 19, chưa chồng vẫn chấp hành sự phân công của tổ chức, nằm chung
công sự với nam giới. Cái hầm bí mật vừa làm xong, ưu tiên cho ba người: anh
Hưng sau ba ngày “nằm cữ” được chuyển
về đây, cùng tôi và người thứ ba là Nhung.
Rút
kinh nghiệm cách làm cái hầm trước, hai đêm sau anh em đào xong cái hầm thứ
hai, cũng gần bở sông, cách nhau chừng cây số. Vậy là năm anh em Đội công tác
và cô Nhung đã tạm có chỗ ở. Nằm dưới hầm thiếu ánh sáng, không khí ngột ngạt,
người khỏe mạnh đâu phải ai cũng chịu nổi, huống chi thương binh, thuốc men
phải nhờ cơ sở mua từng viên, từng chút bông băng từ các khu dồn Gò Găng, Phú
Phong... giấu kín trong quần áo, trên đầu tóc, lon gô cơm...mới đem về được.
Tình thương yêu đồng đội đã động viên Nhung vượt qua mọi thử thách, hết lòng
chăm sóc anh Hưng, các vết thương phần mềm hơn mười ngày đã túm miệng liền da,
chỉ còn vết thương đầu gối bị nhiễm trùng
nên lâu lành.
Cứ
mỗi lần thay băng, các vết thương của Hưng rướm máu, khóe mắt của Nhung lại
long lanh ướt. Sức chịu đựng và sự hy của Nhung khiến anh em Đội công tác và bà
con cơ sở cảm phục, động viên nhau cùng vượt qua thử thách. Tối lại, Nhung phải
cùng anh em Bình An đi hoạt động suốt đêm giữa bốn bề là địch, ban ngày xuống
hầm lo thuốc men, thay băng, chăm miếng ăn, thức uống cho thương binh, ít khi
thấy Nhung chợp mắt. Có lần trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng quạt giấy
nhè nhẹ, đều đều của Nhung cho anh Hưng đỡ mệt, và nghe cả hơi thở, giọng nói
thì thầm: Các vết thương của anh còn đau lắm không- Nhung hỏi nhỏ nhẹ như chút
gió thoảng trong căn hầm chỉ có vài tia sáng nhợt nhạt. Đã đỡ nhiều, vì mình mà
anh chị...em vất vả quá- Hung cũng nói rất khẽ, mặt hơi nghiêng về phía Nhung,
mắt nhìn đăm chiêu vào cánh tay đang quạt và mấy sợi tóc xỏa trước ngực Nhung,
nơi có tia sáng từ lỗ thông hơi đang rọi xuống. Gương mặt trắng bệch vì mất
ngủ, môi mọng đỏ, hiền hòa nhưng rất kiên nghị của người con gái xứ võ, chợt
thoáng buồn hờn đỗi- Nhung nói: Có vất
vả nào hơn nỗi đau từng vết thương hành hạ trên cơ thể anh! Hai người cùng im
lặng để cùng nghe, cùng cảm nhận, cùng chia sẻ nỗi đau của vết thương trên cơ
thể và vết thương lòng.
Tết
Giáp Dần- 1974 gần kề, đúng vào ngày đưa ông Táo về trời, hai Đội công tác tổ
chức ăn Tết sớm, mừng vết thương anh Hưng đã lành, sức khỏe dần hồi phục và về
huyện nhận công tác mới, Nhung trở lại Đội công tác Bình An, tất cả cùng bước
vào chiến dịch. Gọi là liên hoan nhưng cũng chỉ ít bánh tráng với mấy trứng vịt
và nửa xị rượu của gia đình cơ sở, không có tiếng đàn, tiếng hát. Anh Hưng cố
nén xúc động, cầm tay Nhung mà lời nói cứ cắt quãng, cái anh chàng vốn vui
tính, hay hát, làm thơ mà không nói được trọn lời chia tay, không được câu thơ
tặng người con gái xứ võ hết lòng chăm sóc mình suốt gần tháng dưới hầm bí mật.
Sau
ngày 30 tháng 3 năm 1975, anh Hưng về thăm lại chiến trường xưa và đến An Vinh
tìm thăm Nhung. Nào ngờ, sau cái hôm chia tay hơn một năm, chưa được hai tháng
nữa là quê hương giải phóng, mà Nhung và cả Đội công tác Bình An không còn ai
sống sót. Nhìn tháng ngày hy sinh ghi trên Bằng Tổ quốc ghi công và lời người
nhà của Nhung kể, Hưng hoa mắt, cứ ngỡ tai mình nghe nhầm. Thắp ba nén nhang,
Hưng thì thầm khấn vái rất lâu trước tấm hình của Nhung trên bàn thờ, chỉ nghe
rõ mấy tiếng: Sao em nỡ bỏ anh đi! Khói từ bát nhang tỏa lên thành làn sương
mỏng, xoắn tròn, quấn quyện trước tấm ảnh người con gái mới ngoài hai mươi tuổi
cũng đang nhìn người đứng trước ảnh, như muốn nói điều gì. Ba nén nhang cháy
gần hết, anh Hưng mới rời tấm hình cứ dõi theo mình.
Từ
ấy, được bác Hai- cha ruột Nhung hiểu nỗi lòng của Hung và cho phép, hằng năm cứ
đến ngày giỗ Nhung, có bận gì anh cũng về thắp hương và lặng lẽ nhìn tấm hình
trên bàn thờ của người y tá yêu dấu năm xưa, mà anh chưa nói được một
lời...trọn vẹn, chưa kịp trao nhau chút kỷ niệm. Hình ảnh Nhung và những ấn
tượng đẹp một thời chinh chiến, cùng nỗi nhớ thương người con gái xứ võ đọng
mãi trong ký ức người cựu chiến binh năm xưa.
Con
đường cũ bên bờ sông Côn từ xóm Soi lên An Vinh đến cầu mới An Thái, nay đã
được xây kè, nắn tuyến thẳng tắp. Ba mươi tám năm rồi còn gì, đâu còn dấu vết
của căn hầm bí mật năm xưa, má Năm và nhiều cơ sở trung kiên cũng thành người
thiên cổ, và cũng đã gần đến ngày giỗ lần thứ 39 của Nhung./.
T.D.Đ (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét