Từ
sáng sớm, Huân đã dậy, hầm nồi cháo cho
con, hâm nồi cám lợn, trút cho đàn lợn
ăn xong cũng vừa kịp lúc thằng con nhỏ
dậy, rửa mặt mũi cho nó rồi cho nó ăn cháo, đưa nó đến trường mẫu giáo ở đầu
thôn. Phần con nhỏ chị, đã tự ăn uống và đi bộ đến trường tiểu học ở gần nhà.
Huân dọn hàng, sắp xếp mọi thứ đâu ra đó. Hàng của Huân chỉ là cái mặt tiền của
ngôi nhà nhỏ nằm ở bìa làng, với cái tủ
kính xếp đủ thứ từ bánh kẹo, thuốc lá, mì tôm, đến dầu ăn, đường, bột ngọt … Một
số hàng cồng kềnh như phân bón, thuốc trừ sâu thì cô chất một góc nhà. Nhìn
chung, gian hàng của cô rất điển hình kiểu quán tạp hóa ở nông thôn, không
hoành tráng như các gian hàng trong chợ nhưng có thể nói là đủ thứ vật dụng cần
thiết cho các bà nội trợ trong xóm nếu không đi chợ, chỉ cần ghé lại có thể mua
một số thứ đủ dùng trong ngày. Với cái gian hàng nhỏ xíu này, cô cũng khá bận bịu, vì người mua tuy lai rai nhưng suốt ngày, bất kể giờ nào,
ai cần mua thứ gì, nếu có hàng sẵn cô cũng đều nhanh chóng phục vụ.
Cuộc
sống của Huân cứ thế trôi qua, đều đặn.
Từ ngày Phát, chồng cô qua đời, cô sống vất vả, cam chịu và không ít đau
đớn. Huân nhớ lại những ngày hạnh phúc rất ngắn ngủi, mong manh của mình. Phát
vốn là một dân chơi, là con nghiện ở Sài Gòn. Gia đình phải đem anh ta về quê, để cách li với đám bạn xấu và để cai
nghiện. Trong một lần đi xem ca nhạc của một đoàn hát “Pê đê”, Huân gặp Phát.
Tình yêu nảy nở chóng vánh, cô nhận lời lấy Phát mà không hề biết tí gì về quá
khứ “lẫy lừng” ấy của chồng mình. Gia đình Phát mừng rỡ khi có đứa con gái
ngoan hiền, chịu thương chịu khó đồng ý lấy Phát. Đám cưới của hai đứa rất to,
sau đám cưới, Huân lại còn được nhà
chồng cho tiền cất cái nhà bề thế vào loại nhất nhì trong thôn. Ngay sau khi Huân
kịp sinh cho Phát hai đứa con, một gái, một trai, kiểu năm một “trứng gà trứng
vịt”, Phát đổ bệnh. Anh ta dặt dẹo, Huân chạy chữa thuốc thang mãi cũng
không thể tiêu diệt được những con vi
rút chết người, kết quả của những tháng ngày ngụp lặn trong chơi bời, ma túy.
Cả thôn đồn ầm lên “Chồng con Huân bị si đa”. Ba mẹ con Huân cũng bị xóm làng
kì thị, xa lánh. Nhiều người xấu miệng rỉ tai nhau rằng con Huân cũng bị lây si
đa của thằng chồng. Ngay cả mẹ và mấy chị em gái của Phát cũng ghê sợ, không
dám tới thăm. Họ bỏ về Sài Gòn, chờ đến khi nghe tin Phát qua đời, mới trở về
dự đám tang. Nhưng vong linh Phát mồ chưa yên, mả chưa đẹp thì Huân đã bị mẹ chồng và mấy bà chị em chồng
xúm vào, đòi lại cái nhà. Ba mẹ con đau đớn, tay xách nách mang, đưa nhau về
lại nhà cha Huân.
Kể
từ ngày bà Thao, mẹ Huân qua đời, nay đã gần mười năm. Trong mười năm ấy, có
biết bao biến cố đã xảy ra trong cái nếp nhà của họ. Huân nhớ lại, mẹ cô đã
phải chiến đấu với căn bệnh ung thư đến bảy, tám năm mới mất. Lúc mẹ mới phát bệnh,
anh em Huân còn nhỏ lắm. Ông Bốn Giáo,
ba Huân vốn là người đàn ông đa tình, con rơi con rớt cả đống. Có điều, đối với
vợ cũng không đến nổi cạn tàu ráo máng. Suốt hai năm liền, ông đưa vợ đi Sài
Gòn chữa bệnh. Bán dần bán mòn những thứ của cải trong nhà, cốt chỉ đủ tiền
thuốc thang. Còn tiền ăn ở, một nửa của gia đình ông, gồm vợ chồng ông và thằng Huấn - con trai cả, lúc đó mới học lớp năm, nghỉ học
để theo bố đưa mẹ vào bệnh viện - đều
nhờ vào sự bố thí của các bệnh nhân và người nhà họ. Thằng Huấn cực kì hiếu
thảo, nó không những giúp cha săn sóc mẹ mà còn không ngần ngại đi đổ bô, giặt
giũ cho những bệnh nhân khác. Vì thế, họ thương tình cho vài đồng để cha con nó
có tiền ăn qua ngày, nuôi mẹ nó. Cứ vài tháng,
theo lịch hẹn của bệnh viện, cái tiểu gia đình ấy lại đùm túm đưa nhau vào bệnh
viện Chợ Rẫy để chạy chữa cho bà Thao. Còn lại Huân và Hường, con em út, thì được ba đưa về gửi ở nhà ông nội vài hôm, cũng
ở gần đó. Có một dạo, bệnh tình cũng đỡ, bà Thao về nhà lại lăn lưng ra chạy
chợ. Lúc mẹ khỏe, chị em Huân vui lắm. Huân cũng chỉ học hết lớp sáu rồi ở nhà,
theo mẹ đi mua bán. Ông Bốn Giáo thấy vợ bệnh tật đã đỡ, nhưng cái khoản làm tròn chức năng phụ nữ coi như
chấm dứt thì cái tật trăng hoa của ông
lại trỗi dậy . Ông đi tìm kiếm tình yêu ở bên ngoài. Nghe đâu đám phụ nữ
thôn trên thôn dưới, bà nào không chồng, chồng chết, chồng bỏ đều được ông quan
tâm, sợ chị em buồn, ông rong ruổi để giải sầu, trút bầu tâm sự. Bà Thao thấy
vậy cũng rất buồn, nhưng nhắm bệnh tình mình, bà đành vuốt mặt cho qua. Gian
nhà của cha mẹ Huân ngày càng hiu hắt. Một thời gian sau, bệnh bà Thao trở
nặng, bà liệt giường. Mọi sự chăm sóc mẹ đều do hai anh em Huấn và Huân đảm
nhiệm. Ông Giáo đi biệt, có lẽ cũng vì
ghê sợ, hay chán chê người vợ tàn tạ bệnh tật, mà ông vắng mặt có khi đến hàng
tuần. Khi bà Thao trút hơi thở cuối cùng, chỉ có ba đứa con nhỏ bên cạnh. Thằng Huấn đã đuổi hai đứa em gái ra ngoài,
tự tay nó lau rửa cho mẹ, thay quần áo, sửa sang diện mạo bà Thao cho thật đàng
hoàng, trang trọng, nó mới cho em đi tìm ba về. Huân chạy tất tả đến nhà của
các phụ nữ trong thôn có qua lại với ba nó, cuối cùng mới tìm thấy. Con Hường,
con bé út, còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất mát của anh em nó, nó cứ nhìn mẹ nó
mà không hiểu sao mẹ nó cứ im lặng, không rên la hay sai nó rót nước, bóp chân như mấy bữa
trước.
Sau
khi vợ mất, ông Bốn Giáo lại càng đi tợn. Việc đồng áng, heo gà coi như ông
không màng. Bọn nhỏ cứ tự chăm sóc lẫn nhau, như những cây xương rồng, cứ thế
mà lớn. Huấn theo đám thanh niên trong thôn, đi phu hồ rồi sau đó chuyển nghề,
nó đi đóng ghe. Cái nghề ấy rất vất vả,
nặng nhọc mà hầu như suốt ngày dang nắng. Vậy đó mà cũng có đứa con gái xóm
trên, làm thợ may, thương yêu nó. Đám cưới của Huấn ít lâu sau thì đến đám cưới
của Huân và Phát. Ông Giáo lo xong cho hai đứa con yên bề gia thất, ông cũng
chính thức đưa ngay người đàn bà khác về thế chỗ người vợ xấu số. Khổ nỗi, mẹ
ghẻ, con chồng rồi lại thêm mẹ chồng nàng dâu, các mối quan hệ vốn chẳng êm ả
ấy lại cứ như canh hẹ trong cái nếp nhà ông Giáo. Cực chẳng đã, nghe vợ than
phiền mãi, Huấn đành phải dọn ra ở riêng. Hai vợ chồng thuê nhà, hằng ngày
chồng đi làm ghe, vợ ở nhà may vá túc tắc, kể cũng đủ qua bữa. Nhà ông Giáo từ
đó vắng hẳn. Huân đã lấy chồng, tuy ở cùng thôn nhưng là xóm trên, xóm dưới.
Năm ba bữa, nhớ ba, nhớ em cô mới về, thoáng qua một chút rồi lại đi ngay. Con
Hường cũng đến tuổi thiếu nữ, tướng tá cục mịch, chỉ biết ra vào chăm sóc mấy
con heo, con gà, quét dọn trong nhà ngoài ngõ, rảnh rỗi thì phụ bà mẹ kế ẵm em.
Oái oăm là thằng nhỏ rất nghịch, con
Hường giữ không nổi, có khi để nó khóc
thì bị ba hoặc bà dì la mắng. Lâu lâu, Tết nhất hoặc ngày giỗ mẹ, vợ chồng
thằng Huấn mới về. Con thằng Huấn còn lớn hơn một tuổi so với con của ba nó với
bà dì. Hai đứa tuy là chú cháu mà đánh nhau, khóc lóc om sòm, vì chúng có biết
gì đâu. Mỗi lần như thế, vợ chồng thằng Huấn lại lo đi ngay, tránh ánh mắt hằn
học của ba và mẹ kế.
Vậy
mà bây giờ, Huân lại đùm túm đem con về ở nhờ nhà cha, vì có còn chỗ nào mà
nương tựa. Tất nhiên, ông Bốn Giáo thương con, không thể từ chối tình huống ấy.
Chỉ có bà vợ, ra vào tức tối hết đá thúng đụng nia lại mặt nặng mày nhẹ. Ai
cũng hiểu là bà ta lo mẹ con Huân về tranh giành cái nhà, hoặc là về đòi chia
phần gia tài mà lẽ ra là của con bà. Cuộc chiến giữa mẹ ghẻ con chồng lại nổ
ra. Bắt đầu từ những việc rất vặt vãnh. Huân đau đớn nhận thấy thái độ hờ hững
của cha. Cô về nhà không đầy nửa năm, lại phải xách gói ra đi. Làng xóm ai cũng
thương cho cô. Bây giờ đây, khi thằng
Phát đã mất mấy năm mà mẹ con Huân vẫn không hề đổ bệnh, mọi người không còn ghê
sợ như hồi trước. Ông nội Huân đã bày biểu mẹ con cô làm đơn xin chính quyền
cấp cho sổ hộ nghèo, đồng thời còn được cấp một sào đất thổ cư để sinh sống.
Miếng đất ở tận bìa làng, gần bãi tha ma, lâu nay cỏ mọc lút đầu, là nơi trú
ngụ của đám rắn rết, côn trùng, giờ đã được sửa sang, dọn quang, sạch sẽ. Một căn nhà vách đất, lợp tranh lá dừa đã
được bà con trong xóm giúp dựng lên thành nơi ăn chốn ở cho ba mẹ con côi cút.
Ban đầu, Huân đi làm thuê cho lò bún
trong xóm, nhưng công việc nặng nhọc mà phải thức khuya, dậy sớm, hai đứa nhỏ
không có ai trông coi. Vốn đã cùng mẹ chạy chợ trước kia, Huân đã nghĩ ra
phương kế mở tiệm bán tạp hóa ở tại nhà, để tiện trông con .
Cái
cửa hàng tạp hóa ngày mới mở ra chỉ có vài ba gói thuốc lá, dăm gói mì tôm,
chai xì dầu, rồi cây kẹo mút, bì ô – si bán cho con nít. Nhờ trời thương, cửa
hàng ấy ngày một thêm nở ra, cơ ngơi
trông cũng đã đàng hoàng. Hai đứa con Huân, nói trộm vía, đứa nào cũng tròn
trúc, dễ ăn, dễ ngủ, mà lại rất ngoan, không mè nheo, vòi vĩnh, không hỗn hào,
nói bậy hay chửi tục như mấy đứa trẻ ranh trong xóm. Nhiều đêm, sau khi cho con
ngủ rồi, dọn dẹp hàng hóa, kiểm đếm tiền, Huân vào giường ngả lưng thì cũng đã
gần nửa đêm. Nhớ những ngày đầu, lúc Phát mới mất, cô còn thao thức khóc thầm
cho tình cảnh mẹ con hiu hắt, nhưng giờ thì cô đã chai đá, vả lại cũng chẳng có
thời gian để mà nghĩ ngợi, thở than.
Huân
nhớ mẹ, thương mẹ quá. Cả đời bà Thao vất vả vì chồng con, lại còn những tủi
buồn vì cái thói trăng hoa của ông Giáo. Thế mà cuối đời lại đau ốm, bệnh tật
hành hạ thân xác mãi mới nhắm mắt. Thương mẹ, thương thân, cô nhớ đến con em út
và càng lo lắng. Gần đây con Hường có những biểu hiện rất lạ, như là người bị
tâm thần. Ban đầu, cả nhà tưởng là nó đến tuổi dậy thì, có những thay đổi về
tâm sinh lí. Nhưng mới đây, đang đêm, nó bỗng đập giường đập chiếu, la hét rất
dữ. Ông Bốn Giáo phải ra lay mãi nó mới ú ớ một hồi rồi mới ngủ tiếp. Bữa trước,
lúc đi đón con ở lớp mầm non về, Huân
gặp con Hường đi thơ thẩn bên bờ đập tràn, miệng lẩm bẩm gì, đụng phải chị mà nó vẫn không nhận ra. Huân phải
dừng xe, nắm tay nó, lay mãi nó mới nhìn chị bằng đôi mắt thất thần, ngơ ngẩn.
Huân đưa em về nhà, dặn dò ông Giáo phải trông chừng nó cẩn thận, rủi nó ra bờ
đập té xuống, không có ai hay thì chết đuối.
Nghe
tin con Hường có biểu hiện của bệnh tâm thần, làng xóm lại được phen kháo nhau:
“Con gái nhờ đức cha. Mà đức của lão Bốn Giáo kiểu đó thì con gái lão tha hồ mà
hưởng. Ai biểu đi trai gái cho hung, con rơi con rớt cho nhiều vô, bây giờ thì
mấy đứa con gái phải trả nợ” . Anh em Huân lại một phen khổ vì miệng thế gian.
Thằng Huấn chạy về, thúc cha đưa con Hường đi chữa bệnh. Ông Giáo ban đầu còn
ngần ngừ, mắng át:
-
Ai nói nó bị
điên? Tao mà nghe đứa nào phao tin, tao bẻ họng!
-
Ba có giỏi đi mà
bẻ họng cả xã đi. Họ đồn ầm lên kia. – Thằng Huấn cũng đỏ mặt cự lại.
- Ừ, mà giả nó có bị điên cũng không mắc mớ gì
đến đứa nào, ai mượn tụi nó rảnh mà ngồi nói chuyện nhà người khác.
- Vấn
đề không phải là mắc mớ đến ai, mà là ba phải đưa nó đi chữa bệnh, để càng ngày
càng nặng thì sao? Chừng đó rủi mà nó có bề gì, ba không yên với tụi tui đâu!
Nghe
thằng Huấn hằm hè, ông Giáo nghĩ cũng thấu. Ừ, phải đó. Nó ở trong nhà, mà đứa
con của dì nó còn nhỏ, rủi nó nổi khùng lên bẻ chân bẻ tay hay đập đầu thằng
nhỏ thì sao. Vả lại, ai cũng mắc làm, ai hơi đâu mà đi theo nó để giữ. Rủi nó
ra bờ mương, bờ đập, trợt chân té chết
thì mình ân hận sao cho hết với vong linh mẹ nó. Nhưng mà đưa nó đi chữa bệnh
bằng cách nào, ai dẫn nó đi, ai ở lại nuôi nó. Ông nghĩ đau đầu chứ chẳng chơi.
Một cuộc họp gia đình được cấp tốc triệu tập. Cuối cùng, vợ thằng Huấn nhận
nhiệm vụ đưa con Hường đi vô bệnh viện tâm thần trong Cầu Sông Ngang ở Qui
Nhơn. Sở dĩ vợ Huấn đảm đương việc này vì con nó cũng đã lớn, có thể tự đi học,
cơm nước đã có ba đi làm về nấu. Còn cô Huân thì con còn nhỏ, vả lại cảnh nhà
đơn chiếc, không thể đi được, dù Huân cũng muốn đưa em đi, nhưng xét ra không
tiện. Vợ chồng ông Giáo tuy có áy náy ít
nhiều, nhưng thấy anh em thằng Huấn bàn
như vậy thì cũng thuận. Con Hường được chị dâu thuê xe đưa vào bệnh viện.
Hằng
ngày, vợ thằng Huấn đều có điện thoại về báo tin tình hình bệnh con Hường rồi
hỏi thăm chuyện ở nhà. Theo lời bác sĩ, con Hường bị tâm thần phân liệt, đã có
những biểu hiện nặng. Tuy nhiên, người nhà kip thời phát hiện đưa đi nên cũng
còn có cơ may chữa bớt. Con Hường không bị nhốt như những bệnh nhân nặng, nhưng
phải uống thuốc và chích rất nhiều loại thuốc. Ở bệnh viện mất hai tháng, nó đỡ hơn trước rất nhiều, được
bác sĩ cho về nhà uống thuốc. Trong hai tháng đó, Huân đã sắp xếp việc nhà, vô
thăm em và chăm sóc con Hường được ba bữa để chị dâu tranh thủ về nhà. Chỉ có
vợ chồng ông Bốn Giáo thiệt tệ. Không ai
đi thăm nó, mà cũng không cho tiền để chữa bệnh. Viện phí và tiền ăn ở, chủ yếu
là do anh em Huấn – Huân chung góp. Trước tình hình ấy, hai anh em bàn nhau khi
con Hường xuất viện, đưa thẳng nó về ở với Huân, chị em gái chăm sóc nhau tốt
hơn là về với ba và dì ghẻ, lạt lẽo, không thiện cảm.
Con
Hường đã đỡ bệnh, cũng đã giúp chị trông coi cửa hàng, thi thoảng đi chợ, hoặc
đón cháu học về. Anh em Huấn cảm thấy
yên lòng, chỉ cầu mong sao bệnh tình nó đừng tái phát, vì nghe người ta nói hễ
bệnh tâm thần mà tái đi tái lại là lần sau nặng hơn lần trước nhiều. Chuyện đời trớ trêu, con Hường không bị phát bệnh trở
lại, nhưng Huân lại là người bệnh, mà bệnh rất nặng mới ác. Ban đầu, thấy người
cứ mệt mỏi, về đêm lại hay gây gấy sốt,
có lúc lại ho khúc khắc, Huân chỉ tặc lưỡi cho qua. Bữa nào đau lưng nhiều, cô
nghĩ là tại mình quần quật suốt ngày nên mệt. Cô dọn hàng sớm hơn, rồi ngủ gà
ngủ gật khi thằng nhỏ vẫn còn ngồi mím môi mím lợi tập viết bài cô giáo ra về
nhà, bên cạnh là con chị đang cắm cúi làm toán hay tập vẽ. Càng ngày thân thể
của Huân càng quắt lại, nước da thì cứ tai tái, men mét như người ngã nước. Cho
đến một ngày kia, sau khi đưa con đi học, cô về nhà chưa kịp dọn hàng thì thấy
đầu óc choáng váng, cái nhà như đang quay
trước mặt, chỉ cảm thấy cái gì rất buốt, quặn thắt trong ngực, rồi Huân
ngất đi. Cũng may, lúc đó con Hường đang quét sân, nghe tiếng gì như tiếng ngã
đổ, nó tưởng chó mèo gì nhảy làm đổ đồ, nó chạy vào thì bắt gặp cảnh chị nó
đang nằm sóng soài trên đất, mắt nhắm
nghiền, trên miệng còn có cả bọt mép lẫn máu tươi sùi ra. Hường sợ hãi la thất
thanh :
-
Bớ người ta, cứu, cứu …
Huân được bà con chòm xóm đưa đi cấp cứu ở trạm
xá xã, sau đó có người chạy đến báo tin cho ông Giáo. Tại trạm xá, Y sĩ trưởng
trạm thăm khám xong, yêu cầu người nhà đưa Huân đi bệnh viện, vì cô có những dấu
hiệu của căn bệnh chết người: ung thư
phổi.
Họa vô đơn chí. Vừa qua, có bao nhiêu tiền dành
dụm, Huân đã bỏ ra góp với anh Huấn để chữa bệnh cho con Hường. Tiền mặt không
còn, có chăng là ở số hàng hóa, mà cũng chẳng nhiều nhặng gì. Bây giờ khi ngã
bệnh, cô thật không biết lấy gì mà chữa trị. Vả lại, trước nay cô vẫn nghe
người ta bảo bệnh ung thư là trời kêu ai nấy dạ, chữa gì được. Kể cả có tiền
triệu cũng chạy đông chạy tây, rồi cuối cùng cũng đành nằm chờ chết. Thì nói đâu
xa, bà Thao mẹ Huân đó, đau đớn mất bao nhiêu năm, ra vào bệnh viện Chợ Rẫy như
đi chợ, rồi cuối cùng cũng đâu có khỏi. Trong xã này, rất nhiều người đã chết
vì ung thư. Đủ kiểu ung thư: đàn ông thì ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vòm
họng, đàn bà thì ung thư vú, ung thư cổ tử cung... Càng nghĩ, Huân càng thấy
tương lai mờ mịt. Cô thương hai đứa con còn quá nhỏ, đã mất cha, giờ nếu mất mẹ
thì chúng ở với ai. Rồi còn con Hường, bệnh tình cũng chỉ giảm phần nào, đâu đã
dứt hẳn. Nếu không có cô, ai sẽ chăm sóc khi nó trở bệnh. Vợ chồng anh Huấn dù
sao cũng khổ, với lại chị Huấn đâu phải ruột rà máu mủ mình, biết sẽ đối xử với
em chồng bệnh tật, điên khùng như thế nào.
Cô ngao ngán khi nghĩ tới cha và mẹ kế. Không thể mong mỏi điều gì từ
họ. Cứ xem cái cách cha mình không đoái hoài gì con Hường trong suốt hai tháng
trời nó nằm viện tâm thần thì biết. Huân xót xa, nghĩ cho mình thì ít, mà lo
cho những người chung quanh thì nhiều. Chính trong lúc khốn quẫn này, cô thấy
đau đớn khi nhớ lời dèm pha của những người đàn bà rỗi việc trong làng xóm “Con gái nhờ đức cha…”
T.T.H
Câu truyện hay nhưng kết thúc buồn. Cảm giác như tác giả nhắc nhở mỗi chúng ta về cái hậu để lại cho con cái. May mà mình không phải là "cha", để con gái mình không đổ tội nó khổ vì đức của cha nó...
Trả lờiXóaCảm ơn vì bạn đã đọc, nhận xét về truyện. Hy vọng truyện có thể để lại một chút gì suy ngẫm trong lòng độc giả. Chúc bạn vui.
Trả lờiXóa