Ừ thì lâu lâu, sau những cuộc tụ họp bạn bè tán gẫu,
những công việc bù đầu nơi công sở, những cuộc hẹn hò chớp nhoáng không nhớ hết
mặt người. Gió lại thổi qua lòng chị chênh chao, như buổi sáng hôm nay cơn gió
đã đi qua mà lòng người vẫn chưa chịu lặng. Chị ngồi bệt, tay vịn vào thành cầu
thang, lòng tái tê nhìn anh dắt xe ra khỏi cổng không một cái ngoái nhìn. Chị
cứ hoài thắc thỏm, chắc giờ này anh đã hòa lẫn vào dòng người đông đúc ngoài
kia, giờ này anh đang tắc ở ngã tư Khâm Thiên- Lê Duẩn, giờ này có khi anh đang
hẹn ăn sáng với một người đàn bà nào đó. Rồi thì chị cũng sẽ lẫn vào dòng người
tấp nập, bận bịu suốt một ngày dài để quên đi cơn gió sáng nay đã thổi qua lòng
chị.
Chị yêu anh nhiều đến mức, sau bao nhiêu rạn vỡ trong
lòng, sau bao nhiêu lần cố vùi mình vào ngực những người đàn ông xa lạ, bao
cuộc tình vụng trộm. Chị vẫn không thể quên được những tháng ngày hạnh phúc bên
anh, dù nó chỉ còn lại trong kí ức mà có thể anh chẳng còn nhớ đến. Sáng nay,
lúc chị đang vội vàng chạy lên tầng thượng lấy quần áo cho bé Bống đi học thì gặp
anh đang đi xuống. Trong phút chốc, hai người đi lướt qua nhau vội vã, anh khẽ
nghiêng người nhường đường cho chị vẫn không quên làm mấy động tác thể dục buổi
sáng xoay vai, ngoáy cổ. Trong phút chốc chị giật mình khi nhận ra hai người
chẳng khác gì hai kẻ lạ xa đang đi ngược
chiều trên cầu thang nơi công sở. Dửng dưng chưa hề quen biết, như thể cái kẻ
vừa đi lướt qua mình kia không phải là vợ, là chồng từng đầu ấp môi kề, từng có
một thời thề sống chết vì nhau. Đấy chính là lúc đợt gió mùa lùa qua lòng chị,
lạnh đến tái tê. Chị cứ đứng chơ vơ giữa cầu thang cho đến khi bé Bống gọi mẹ,
giục loạn lên vì trễ học.
Lúc đưa Bống đến trường, con hỏi một câu khiến chị điếng
lòng:
- Sao bố mẹ không ngủ chung phòng với nhau ạ?
Chị loạng choạng tay lái, im lặng một lúc rồi cũng
cười bảo con:
- Thì mẹ ngủ với con để lỡ chẳng may đêm con có ốm mẹ
còn biết đường. Như năm ngoái, con sốt hầm hập mà bố mẹ không biết, đến sáng
hôm sau lúc sờ trán con mẹ hoảng sợ gần rụng tim luôn. Mà tại sao tự nhiên con
lại hỏi vậy?
- Tại vì con thấy mấy đứa bạn con, đứa nào cũng kêu phải ngủ một mình một phòng, còn bố mẹ các bạn ấy
ngủ riêng một phòng. Không có bạn nào ngủ chung với mẹ như con cả. Mà sao dạo
này bố không hay về nhà ăn cơm hả mẹ? Hay là bố không thương hai mẹ con mình
nữa?
Sợ con buồn, theo phản xạ tự nhiên chị vỗ về con bằng
những lời nói dối:
- Không phải vậy đâu. Bố thương hai mẹ con mình lắm,
lúc nào cũng thương hết. Chẳng qua dạo này bố bận nhiều công việc nên ít về ăn
cơm. Muốn bố thương, bố yêu con phải học thật giỏi và ngoan ngoãn biết không
nào?
Chị nhìn qua gương chiếu hậu, thấy con ngoan ngoãn gật
đầu, mắt ánh lên niềm vui. Khi hai tay con siết chặt vòng ôm, dụi đầu vào lưng
chị, cũng là lúc chị thấy thật ân hận vì lỡ nói dối con. Lâu lắm rồi chị quen
vỗ về nỗi sợ hãi trong tâm hồn bé bỏng của con bằng những câu dối lừa đầu môi
hời hợt. Lỡ mai sau khi đủ lớn để nhìn thấy những vết nứt trong gia đình chắc
hẳn con sẽ bị tổn thương nhiều lắm. Khi ấy chị còn biết làm gì để vỗ về, hàn
gắn lại cho con? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh chị suốt chặng đường dài, cho đến khi lẫn
vào những khuôn mặt người mờ nhạt nơi công sở.
*
* *
Anh chị yêu
nhau từ thời chị còn là sinh viên năm nhất. Lúc ấy anh đã là một công nhân viên
chức bảnh bao, đi làm theo giờ hành chính và quen hẹn hò vào những ngày cuối
tuần. Nhà anh cách trường chị cả mấy chục cây số, công việc cũng bận bịu suốt
ngày nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc cho nhau. Nhưng mỗi lần có cơ hội
gặp mặt là hai người quấn lấy nhau như đôi cu gáy. Những năm tháng ấy còn vất
vả, thiếu thốn nhưng ấm nồng hạnh phúc, tình yêu của anh chị từng khiến bao
người phải ghen tị. Duy chỉ có điều, tình yêu ấy không khi nào nhận được sự
đồng ý từ bố mẹ anh, đến bây giờ vẫn vậy.
Hôm anh dẫn chị về nhà ra mắt. Mẹ anh nhìn chị xét nét
từ đầu đến chân, suốt cả buổi bà chỉ nói bâng quơ duy nhất một câu vào bữa cơm “Con
gái tỉnh lẻ bây giờ thấy trai Hà Nội là bám lấy để có nhà cửa chứ yêu đương cái
nỗi gì”. Câu nói ấy chẳng khác gì một cái tát trời giáng vào lòng tự trọng của
chị. Ngay giây phút ấy chị đã muốn đứng thẳng dậy, lập tức rời khỏi căn nhà và
không bao giờ bước vào dù chỉ nửa bước chân. Sự ghẻ lạnh và khinh khỉnh của
người đời là thứ đáng sợ nhất mà chị thấy. Nhưng vì anh, vì tình yêu của hai
người mà chị phải ngậm đắng nuốt cay về làm dâu trong một gia đình lúc nào cũng
chỉ nghĩ đến đồng tiền.
Anh chị đã từng có thời vì nhau mà dắt díu rời khỏi
ngôi nhà vốn thuộc quyền thừa kế của anh để đi ở trọ. Sống chui rúc trong những
xóm trọ chật chội và hôi hám. Khi ấy chị mới ra trường, lao như điên trong vòng
xoáy cơm áo, gạo tiền chỉ với mong muốn mua được một căn nhà nhỏ. Bé Bống ra
đời trong, nhìn vòm trời qua ô cửa sổ bé xíu trong phòng trọ. Mùa nóng, tiếng
trẻ con khóc hờn, tiếng công trình xây dựng xung quanh ồn ã cùng với mùi mồ
hôi, mùi tã lót đủ biết ngột ngạt đến nhường nào. Thế nhưng cuộc sống thật hạnh
phúc, sau giờ làm anh vội vã trở về nhà với vợ con. Đêm đến, chị dỗ dành con
ngủ, anh ngồi làm hết việc cơ quan lại đến việc làm thêm. Đến giờ nhiều khi chị
nhớ lại những chuỗi tiếng cười trong căn phòng trọ mời mấy mét vuông, thấy thèm
đến nôn nao hạnh phúc…
Từ khi gom góp mua được căn nhà nhỏ này, cứ tưởng vợ
chồng con cái sẽ càng hạnh phúc hơn. Nhưng nào ngờ cái tổ ấm bé nhỏ lại ngày
càng nguội lạnh. Sau này, nhiều lần nghe gió thổi qua lòng, chị cứ hoài thắc
thỏm rằng không biết vì cơn cớ gì mà gia đình giờ chỉ còn là cái vỏ bọc rỗng
rễnh của hạnh phúc? Phải chăng sau quá nhiều gắng gượng đến mệt nhoài về tiền
bạc, gia đình đã trở thành gánh nặng trong nhau? Phải chăng cuộc sống ở ngoài
kia có quá nhiều ma lực hút anh đi? Phải chăng chị không còn đủ hấp dẫn nên anh
không yêu? Phải chăng… Phải chăng…
*
* *
Chị nhớ như in hôm đó đúng ngày kỉ niệm tám năm ngày
anh chị cưới nhau. Thông thường thì đó là một ngày hết sức có ý nghĩa trong
năm. Anh sẽ hoàn thành gấp gáp mọi công việc ở cơ quan, chiều về sớm đón con
rồi rẽ qua chợ hoa, lùng mua cho bằng được bó hoa hồng phấn. Màu hoa mà chị
thích, giống màu chiếc áo chị mặc trong lần đầu tiên anh gặp. Còn chị, bao giờ
cũng xin nghỉ việc buổi chiều, đi chợ chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn cho cả
gia đình. Hôm ấy cũng vậy, sau khi làm xong những món mà anh thích, chị mặc một
bộ váy khá gợi cảm, trang điểm nhẹ với màu son môi mà anh thích. Chị và con ngồi
đợi anh trong phòng khách, không quên rửa sạch chiếc bình hoa pha lê để đợi
những nụ hoa hồng phấn của anh. Hôm ấy chị thấy mình rất đẹp, cả cơ thể toát
lên mùi hương hoa hồng đầy quyến rũ. Phòng ngủ của hai người cũng được ướp
hương thơm, chị sẽ dành cho anh một buổi tối thật đặc biệt. Vì chị nhận ra đã
khá lâu chuyện ân ái vợ chồng dường như hơi nhạt…
Tối đó, anh đã về rất khuya. Chị nhìn con ngồi ngủ gục
bên mâm cơm nguội ngắt mà lòng đắng lại. Bình hoa trống trơn, mùi thơm trên da
thịt chị cũng nhạt phai dần như tình yêu của anh dành cho cái gia đình bé nhỏ
này. Chị mang quẳng những ngọn nến đã chuẩn bị sẵn cho phòng ngủ vào sọt rác.
Chị lau sạch màu son môi anh thích, vò đến nhầu nhĩ bộ váy quyến rũ mà chị phải
mất mấy ngày mới chọn mua được màu hồng phấn. Bình hoa pha lê, chị lỡ tay làm
rơi xuống sàn nhà, nó không vỡ chỉ có vài vết rạn nho nhỏ mà nhìn kĩ lắm mới có
thể thấy được. Chị nằm ôm con, lặng lẽ giấu những giọt nước mắt cay đắng vào
trong. Chị nhớ đến mùi nước hoa lạ trên áo anh, nhớ đến những tin nhắn gửi đến
cho anh từ số máy lạ vào lúc nửa đêm, nhớ những lần anh trở về nhà rất khuya
rồi lúng túng như một đứa trẻ con mắc lỗi. Chị đã im lặng và chờ đợi. Rồi bây
giờ lòng cứ tự hỏi mình đã chờ đợi điều gì…
Anh về nhà. Nhìn lướt qua mâm cơm trên bàn thở dài.
Người anh nồng nặc hơi men. Chị vẫn nằm ôm con, quay mặt vào tường. Tự nhiên
cái cảm giác hụt hẫng khi anh trở về không mang theo những bông hồng phấn cứ
nhân lên nỗi ngờ vực xót xa trong chị. Anh quăng áo quần lung tung rồi hỏi:
- Sao không dọn mâm còn để phần anh làm gì?
- Anh có nhớ hôm nay là ngày gì không?
Anh cười gằn:
- Nhớ! Nhớ chứ! Kỉ niệm tám năm ngày cưới chứ gì.
Nhưng mà anh chẳng thấy vui vẻ gì. Anh cảm thấy vô cùng mệt mỏi và ân hận vì
cuộc hôn nhân này. Cuộc sống gia đình đang mỗi ngày dần giết chết anh, em biết
không? Biết không? Ôi chao là ngột ngạt! Ôi chao là cơm áo, gạo tiền!
Câu nói của anh như khứa sâu vào lòng chị. Có phải
mình anh mới biết mệt mỏi đâu. Có phải mình anh mới oằn người lao vào dòng xoáy
mưu sinh đâu? Tuổi xuân chị cũng đã dần qua, những tháng ngày đẹp đẽ nhất của
đời người chị đã dành trọn bên anh mà chị có bao giờ nghĩ đến hai từ “hối
tiếc”. Anh ân hận vì cuộc hôn nhân này ư? Nghĩa là anh đã không còn yêu chị
nữa. Là tình nghĩa bấy lâu nay đã trôi theo mây khói. Chị bỗng chốc thấy mình
trắng tay, nghèo và đơn độc đến khủng khiếp. Cơn gió mùa dai dẳng đã thổi qua
đời chị như thế, khiến chị rệu rã, mòn mỏi, ê chề sống qua những tháng ngày
nhàn nhạt…
* * *
Dạo này chị hay tụ tập cùng “hội trốn chồng”. Toàn mấy
ả đàn bà bằng tuổi chị, nhìn nhau đã thấy chán ngấy chuyện chồng con. Thi
thoảng một ả lại dẫn đến gã đàn ông nào đó, hất hàm, nháy mắt nhau hỏi nhau xem
có duyệt được không. Rồi thì lại có khối chuyện để bàn. Đàn ông, chẳng biết từ
bao giờ trở thành trò mua vui, thú tiêu khiển của mấy ả sầu đời. Chị cũng chẳng
kém cạnh gì, thi thoảng lại thay bồ như thay váy với các màu sắc khác nhau. Chị
sợ nếu cứ trung thành mãi với một màu thì rồi cái màu sắc ấy nó cũng phản lại màu
da, nhan sắc của mình lúc nào không biết.
Nhỏ bạn thân ở trong Nam lại điện ra tỉ tê. Lúc nghe
xong mấy chuyện trai gái, bồ bịch của chị, nó thở dài bảo:
- Sao có thể như thế được chứ? Đàn ông ngoại tình đã
đành nhưng phụ nữ mình thì nên biết nín nhịn để vun vén gia đình. Ít nhất để
cho con nó đỡ khổ.
Chị cười chua chát:
- Ai cũng vậy thôi, chỉ khó trong lần trượt chân đầu
tiên, rồi sau đó sẽ là những cú trượt dài. Trống trải quá sợ sẽ không tồn tại
được nên đi kiếm người này người kia lấy niềm vui tạm bợ để bấu víu những nỗi
đau qua ngày tháng.
Như hôm nay, cơn gió thổi đúng lúc anh chị đi lướt qua
nhau trên cầu thang khiến lòng chị tái tê vẫn chưa chịu lặng. Gió lâu lâu lại
thổi một cơn điêu đứng, đủ để biết chị còn yêu anh nhiều đến nhường nào!
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét