Bình Định - quê tôi đất miền Trung khô cằn sỏi
đá. Nhà tôi ở một xóm nhỏ nơi mà nhịp sống hiện đại vẫn còn chưa cuốn mọi người
vào những hối hả đua tranh. Vì thế cho đến lúc rời khỏi trường phổ thông, tôi
vẫn chưa kịp biết đến chiếc máy vi tính là như thế nào, không biết e-mail, chat
chit là gì. Mùa hè của trẻ con quê tôi không bida, điện tử, không du lịch, cũng
không phải bò lăn ra mà học hè, học múa, học hát. Trẻ con quê tôi tận hưởng mùa
hè đúng như ý nghĩa của nó, mùa được nghỉ ngơi, làm những điều mình thích và
giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng.
Sang tháng sáu, nắng đã làm cho cỏ cây tàn úa. Ruộng rau lang mẹ trồng cho heo
ăn cũng không thể nào tươi tốt nổi dù hầu như hôm nào mẹ cũng tưới tắm nâng
niu. Thế là chị em tôi cùng nhau chiều chiều xách giỏ đi khắp các bờ ruộng lúa,
chui vào trong những đám khoai mì xanh ngắt tìm kiếm và hái rau cho mẹ. Đủ loại
rau tôi biết tên lẫn không biết tên. Này là rau đầu rìu, rau dền cơm, rau dịu,
rau trai….Những loại rau này từ thưở bé theo mẹ ra đồng mẹ đã dạy chúng tôi
nhìn là biết heo có ăn được không. Chúng tôi háo hức với công việc này lắm, như
thể mẹ tin rằng chúng tôi đã lớn vậy. Cứ khoảng một giờ chiều là chúng tôi xách
giỏ đi một hàng gồm ba chị em tôi và hai đứa nhỏ hàng xóm. Chúng tôi lang thang
khắp đồng nguyên một buổi chiều, tha hồ vui chơi, tha hồ khám phá. Thường cả
năm đứa đi chung chứ không chia ra đứa này bờ ruộng này, đứa kia bờ khoai mì
nọ. Cho nên cứ đến chiều thì hai chiếc giỏ cũng đầy như nhau. Bao giờ một buổi
đi hái rau tôi cũng “thu hoạch” được một cái gì đó. Chẳng hạn có hôm tôi nhặt
được một tổ chim trong ruộng lúa, khi thì hái được một chùm dú dẻ vàng ươm…
Thường thì trong lúc hái rau chúng tôi chạy giỡn, đuổi nhau trên các bờ ruộng
hay chơi trò trốn tìm trong các đám khoai mì dày đặc. Dấu chân bé nhỏ của chúng
tôi đã đi qua bao nhiêu bờ bãi, tay chúng tôi đã thọc vào bao nhiêu hang cua,
gấu quần quấn bao nhiêu chú ốc nhặt được dọc bờ mương. Hôm nào chúng tôi cũng
mình mẩy đầy “thương tích”, có khi do chạy nhảy, có khi bị cua kẹp, lắm lúc bị
lá mía cắt chảy máu… Nhưng đối với chúng tôi chẳng đau lâu lắm đâu. Chỉ cần một
ít lá nho nhai nhỏ đắp lên vết thương là lại tiếp tục công việc được rồi. Hôm
nào đi hái rau tôi cũng rất vui, chiếc giỏ có nặng thì chị em tôi chia nhau
khiêng. Ba đứa tung tăng khắp nơi, tha hồ nhìn ngắm trời xanh, nhìn dòng nước
mương xanh trong, nhìn những mầm cây ngày ngày lớn lên…Lúc nào mệt thì có sẵn
chai nước mang theo, ngã lưng tựa vào một gốc dừa nào đó mà ngủ. Đôi khi chị em
tôi đi mãi đến tối chưa về ba phải đi tìm chở về. Ba chị em bé tí ôm nhau trên
chiếc xe đạp của ba và kể cho ba nghe đã đi đâu, đã thấy được những gì.
Có một lần bọn tôi đang hái rau thì bỗng chiếc liềm đụng phải một cái củ kì dị,
nó sần sùi và sau lớp da nâu là một màu tím hồng tuyệt đẹp. Lần đầu tiên trong
đời tôi trông thấy một loại củ kì lạ đến thế. Ngó lên trên tôi thấy mấy cái dây
đã khô héo rũ xuống. Tôi kêu to:
- Chúng mày lại đây mà
xem cái gì này!
Nghe tiếng tôi gọi bốn đứa nhỏ đang nghịch nước vội chạy đến. Chúng bắt đầu bàn
cãi đây là củ gì. “Củ từ?” không phải củ từ không có màu đẹp thế này. “Củ khoai
môn tím?” không phải đây đâu phải là lá khoai môn. Củ huyết, củ khoai riềng củ
đậu… tất cả những loại củ tôi đã từng ăn đã từng nghe nói đến hay đã học trong
sách đều được kể ra thế nhưng tất cả đều không có vẻ gì là đúng cả. Sau cùng
con bé hàng xóm bảo “Hay là mình đào về hỏi ba mẹ đi”, sau một hồi suy nghĩ cuối
cùng tôi cũng quyết định đào củ về nhà. Chúng tôi xúm quanh tay móc, tay bới
một lúc sau cũng lôi được cái củ ra. Ngay khi bé Hường hàng xóm kéo được cái củ
ra khỏi dây thì có tiếng quát lớn khiến cả bọn trẻ chúng tôi đều giật mình:
- Tại sao tụi bay lại đào
củ của tao? Ai trồng cho tụi bay đào hả? Tụi bay có biết tao mà báo công an thì
cả đám tụi bay phải vào tù không?
Cả năm đứa sửng sốt. Quả thật từ lúc nhìn thấy cái củ tụi tôi chỉ có một thắc
mắc nó tên gì chứ không hề nghĩ nó do ai trồng? Vì vậy lời dọa nạt của thằng bé
kia, khiến chúng tôi lo lắng vô cùng. Lỡ như phải vào tù thật thì sao? Hay nó
lên trường báo cho các thầy cô giáo biết thì biết phải làm thế nào? Bàn tay cầm
củ của bé Hường bắt đầu run lên. Nó thật sự sắp khóc rồi. Tôi là đưa lớn nhất
trong cả bọn. Lúc đó tôi nghĩ, mình có trách nhiệm phải bảo vệ cho đám trẻ này.
Thế là tôi lấy hết sức bình tĩnh nói:
- Không phải tụi tao đào
trộm đâu, mà tại nó lòi ra khỏi bờ tụi tao hái rau đụng phải thấy lạ quá nên
mới đào thử củ gì thôi mà.
- Cái gì, đào thử á? Mày
nói ngon quá hả. Tụi bay giả đò hái rau rồi đào trộm thì có!
Không,-tụi nhỏ xua
tay lia lịa nói thật sự là tụi em không biết củ gì mà. Với lại anh coi đi,
nó lòi ra tận ngoài bờ ruộng này.
Thằng bé nhìn theo cánh tay chỉ của bé út nó suy nghĩ một hồi rồi hỏi
- Thế tụi bay ở xóm nào?
Tôi nói: “Tụi tao ở xóm núi”.
Nó gật gật đầu “Xa quá mà cũng lên đây hái rau hả?”
Rồi chúng tôi tiếp tục trò chuyện, nó bảo cho chúng tôi biết đây là củ huyết,
cách trồng như thế nào, nấu ăn ra sao. Rồi nó nói:
- Đây tao cho tụi bay
thêm vài củ nữa về nấu ăn thử rồi mai mốt tao lên xóm núi bẫy chim tụi mày dẫn
tao đi nhen!
Cả năm đứa tụi tôi tròn xoe mắt mừng rỡ ừ rối rít. Thật không ngờ thằng bé này
lại hào phóng đến thế. Tôi bắt đầu cảm thấy hết ghét nó rồi!
Tối đó mẹ rửa củ nấu một nồi tôi sang gọi chị em nhà hàng xóm sang ăn cùng. Đó
là một buổi tối thật vui vẻ. Và ngày hôm đó cũng khởi đầu cho tình bạn của tôi
và thằng nhóc nhà trồng củ tên là Thắng.
Vài hôm sau nó xách lồng chim tìm đến nhà tôi. Cả bọn xóm núi nghỉ hái rau một
ngày dẫn nó lên núi bẫy chim. Chui vào các bụi rậm tìm các chạc ổi tốt chặt về
làm ná bắn chim. Rồi chúng tôi tìm những thứ quả trên núi tặng cho nó. Nào nho
bụi, cò cưa, chùm chày, dúi…Đến chiều về nhà, môi, lưỡi đứa nào cũng tím ngắt
vì ăn nhiều nho bụi.
Nhiều năm đã trôi qua tôi và Thắng trở thành đôi bạn thân thiết, nhất là từ khi
lên cấp hai cả hai đứa được học chung một lớp. Tôi và nó vẫn còn cãi nhau hoài
hoài và đôi khi nó còn nhắc lại chuyện cái củ huyết ngày nào với nụ cười đáng
ghét: “Ở nhà quê mà không biết củ huyết, lêu lêu”. Tôi đỏ mặt chống chế: “Bây
giờ thử trồng xem ai trồng được củ to hơn, ít nhất củ tui trồng cũng gấp hai
lần của ông!”
Tôi lớn lên không còn cùng nó đi bẫy chim nữa, mẹ nói con gái không nên tham
gia mấy trò đó. Với lại chính tôi cũng thấy ngại. Mùa hè tôi giúp mẹ chặt củi,
gặt lúa phơi rạ để dành cho hai con bò vàng ăn vào mỗi mùa đông dài.
Mùa hè này thì khác rồi, giấy báo đại học gửi đến nhà cho tôi một cảm giác khó
tả. Mẹ nhắc tôi nghỉ ngơi nhiều, đừng phát rào, chặt củi nữa, sắp vào thành phố
rồi còn gì. Tôi cười: “Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, mẹ à! Con gái mẹ khỏe
lắm, mẹ xem này”. Tôi đứng thẳng lưng nhổ bụi khoai mì lên gọn lỏn. Sau những
giây phút vui mừng, trái tim tôi chùng xuống. Thế là hết những mùa hè ấu thơ.
Hết những buổi hái rau cắt cỏ, hết cả những chiều bẫy chim. Rồi mai tôi sẽ đi
bỏ lại khu vườn đầy bụi rậm bỏ lại mảnh đất khô cằn và dáng mẹ mong manh mỗi
chiều đội bao cỏ liu xiu trên cánh đồng đầy bùn. Tôi tận dụng mấy ngày cuối
cùng còn lại ở quê để giúp ba trồng keo lai, gặt lúa, phơi lúa. Mùa hè đối với
tôi sẽ vui nhất khi tôi được ở bên gia đình, được giúp mẹ những việc nặng để có
thể thấy mẹ cười và đêm đêm ít ho. Ngày mai sẽ khác, biết đâu hè tới tôi phải ở
lại thành phố làm thêm kiếm tiền phụ mẹ, và mùa hè ấu thơ tôi sẽ bỏ lại quê
nhà.
Bóng nắng quê nhà như đổ lửa trên chiếc nón trắng của mẹ. Và mùa hè của tôi
cũng qua khi nắng thu vừa tới. Nhưng làm sao tôi có thể quên những chiều chị em
tôi ríu rít kéo giỏ rau heo chạy ùa vào khoe với mẹ hôm nay hái được nhiều rau
làm sao. Làm sao tôi quên mùa của niềm vui thơ ngây ngày nào nơi quê nhà yêu
dấu!
(Hè
2008 – trong những ngày chờ nhập học ĐH Kinh Tế TP.HCM)
B.L
Hay quá em Bích Lê ơi!
Trả lờiXóaAnh thích đọc bài viết của em, chúc em có nhiều bài hay nhé!
Trả lờiXóaEm cam on anh Chi Thanh. (Em xin loi vi ko hien o nha nen ko go co dau duoc)
Xóa