Hóa mừng đến run rẩy khi thấy hàng chè tàu vào nhà Hạnh không thay đổi. Từ
bến xe đi bộ dọc theo con đường Chi Lăng cũ, hai bên đổi khác như mình đã đi lộn đường, nhầm con phố nào xa lạ!
Hóa nhớ lại cái ngày anh đứng
trân nhìn thầy Giám học trường thông báo: “Em không đủ tuổi hoãn dịch đễ hoàn
thành năm học, Hóa à!”
Hóa không hề lo lắng hay sợ hãi chuyện phải nhập ngũ, nhưng hình ảnh
Hạnh với đôi mắt buồn u uất mỗi lần hai
đứa tình cờ nói đến chuyện phải chia tay một ngày nào đó, khi anh phải lên
đường nhập ngũ .
Hồi ở quê lên tỉnh, anh không ngờ mất hai năm học vì hoàn cảnh nông thôn
lại đưa đến hậu quả tai hại này, cha anh cũng không ngờ. Cứ cắm cúi học cho
giỏi vào vì so với các bạn cùng lớp, anh hơn hẳn họ cái đầu về chiều cao và hơn
hai tuổi tính theo năm sinh!
Thế là chia tay. Ngày hôm ấy Hạnh
thẫn thờ như kẻ mất hồn, u sầu như một thiếu phụ đã thực sự mất chồng tuy rằng
cả hai chưa hề thề thốt với nhau đều gì và trên người anh vẫn còn bộ đồ thư
sinh, áo sơ mi màu nâu và chiếc quần xanh đen, đồng phục của trường Nông Lâm
Súc .
Hóa rụt rè tằng hắng khi vào sâu trong ngõ, có tiếng ai đó hỏi vọng ra:
- Ai rứa hè, anh tìm ai?
- Phải đây là nhà Hạnh không cô?
- Anh ở mô? chắc lâu rồi không về Huế hay răng mà chừ hỏi Hạnh?
Một cảm giác lo lắng dâng lên trong lòng ngực làm anh ngộp thở:
- Dạ lâu rồi bác à, 18 năm, anh nhẩm
thầm, Hạnh còn ở đây không ạ?
- Quen biết ra răng, đi vô nhà rồi nói chuyện.
Hóa theo người đàn bà vào nhà,
ngập ngừng từng bước chân, căn nhà vẫn như những ngày anh còn trọ học, nhưng
lạnh lẽo hơn, trống vắng hơn, làm anh linh cảm một sự mất mát nào đó đã xảy đến
cho căn nhà! Vóc dáng và gương mặt người đàn bà gợi cho anh nhớ đến một ai đó
quen nhưng không tài nào xác định được, mẹ của
Hạnh thì chắc chắn không phải, nhưng vẫn có nét hao hao.
- Ngồi đây đi, anh là ai, ở mô?
- Dì Thuận! Hóa như hét lên khi nghe lại giọng nói - Phải dì Thuận không
dì?
- Ôi chao, mệ nội mi, thằng Hóa!
- Con đây dì, Hóa bật dậy, dì
Cảnh mô rồi dì?
Người đàn bà nghẹn ngào, nước mắt tuôn
ra từ hai hốc mắt sâu, đỏ hoe:
- Chết hết rồi mi ơi!
Quá hoảng hốt, Hóa bật dậy:
- Cả nhà à dì, Hạnh, Chanh, Chương
…cũng rứa à?
- Ừ, nhà đi Kinh tế mới lên Buôn Ma Thuột, thằng Chương
chết vì cuốc trúng lựu đạn, dì Cảnh chết
vì sốt rét, con Hạnh lấy chồng, chết khi sinh đứa con đầu! Còn chắc con Chanh mà chừ không ai biết hắn ở mô!
Dì Thuận ngừng khóc, kéo
chiếc khăn vắt trên vai lau mặt:
- Tau không cho hắn đi lên côi nớ, hắn nói là:
“Thằng Chương ghiền xì ke, bắt lên bắt xuống, lên côi nớ họa may hắn cai được!
Với lại cả nhà ngồi không lấy chi mà ăn, không vốn không liếng, chiêu yếu cả !”
Hóa chới với như rơi vào một cõi xa xăm nào, bềnh bồng, dập dềnh với những tiếng la
loạn hỗn độn! Hồi lâu, anh mới hỏi được một câu:
- Rứa chừ dì ở với ai ?
- Thằng
Danh mất năm 72, dượng buồn, sinh bệnh rồi mất
năm 78, con Vân lấy chồng vô Nam, chừ dì ở với con Tý, hắn đi bán rau
muống tối mới về!
Ôi bao mất mát! Hóa gục
đầu khóc rưng rức. Bao năm mong đợi một
ngày về, nơi không là quê hương nhưng lại là chốn đã cho anh nhiều tháng ngày
đẹp nhất với những kỷ niệm êm đềm thủa thành niên, anh đâu ngờ lần ra đi ấy là
lần cuối cùng, để không bao giờ còn gặp lại Hạnh, gặp lại người con gái đã ban cho anh nụ hôn đầu đời và những
giây phút ngọt ngào đằm thắm, thơ ngây!
*
Ngày ấy, ở Quảng Trị mà tính
chuyện vào trọ học ở Huế chỉ những nhà
giàu mới dám nghĩ đến. Nhà Hóa không giàu, nhưng không còn cách nào khác, anh
vào Huế thi vô trường Nông Lâm Súc, hy vọng đủ tuổi để học xong lớp đệ nhất, vì
trường này hoãn thêm cho học sinh một năm.
Dì Thuận ngày đó ở cùng xóm
với gia đình Hóa, có đứa con trai là bạn của anh. Danh, học hơn Hóa một lớp,
cũng trường Nông Lâm Súc Huế. Chính Danh đã bày cho Hóa vào trường này. Hè năm
đó anh thi vào lớp 10, cùng trọ nhà dì của Danh ở Gia Hội, dì Cảnh.
Những ngày đầu rụt rè của
cậu học trò ở trọ qua nhanh nhờ sự cởi mở, dạn dĩ của hai cô con gái nhà dì Cảnh.
Hạnh và Chanh xem Hóa như người thân. Những tối xem phim ở rạp Châu Tinh, Hưng
Đạo, về khuya, co ro vì cái rét, Hạnh ôm lấy tay anh đi sát vào nhau và cố ý
chậm hơn mọi người, Hóa cảm thấy mình chơi
vơi trong hạnh phúc, cậu học trò xa nhà quên đi những lo âu…
Một năm trôi qua, ba tháng
hè đằng đẳng là ba tháng nhớ nhung, quay
quắt, của cả hai. Ngày trở lại Huế tựu trường chao ôi là hạnh phúc, không phải
vì anh lên lớp 11 mà chính là sự trưởng thành trong con người cậu trai học trò
và sự chín muồi của tuổi xuân nơi Hạnh. Ngôi mộ cổ bằng đá ong sần sùi lại là
nơi cho anh phút giây đắm say hạnh phúc một đêm hè!
- Làm chi ngoài nớ mà đen rứa?
- Gió Nam và gió Lào thổi
khô hết có chừa ai mô! đen lắm à?
- Ừ, nhớ Hạnh không?
Hóa bóp bàn tay nhỏ nhắn của Hạnh như để bù
vào nỗi nhớ từng phút, từng ngày… Hóa không tìm ra được ngôn từ nào để diễn đạt
hết nỗi nhớ nhung của anh, trong ba tháng qua, Hóa không nói bởi tim anh như
muốn chảy tan vì một cảm giác ngọt ngào trong giọng nói trong trẻo vui tươi của
Hạnh.
- Nhớ
không?
- Nhớ, nhớ lắm!
Tình cảm lên ngôi, Hóa choàng tay ôm lấy vai Hạnh, run rẩy đặt lên đôi
môi Hanh nụ hôn đầu đời, vụng về nhưng ngọt ngào, say đắm!
Đêm hôm đó, trong cùng một nhà, có hai tâm hồn thơ trẻ nằm thao thức nhớ
nhung và thèm khát được gần nhau !
Giữa niên khóa ấy có lệnh đôn quân và sự xuất hiện của thầy Giám học. Anh
quay về nhà chuẩn bị nhập ngũ… rồi biến cố 72, chưa kịp tìm về thì 75 đến! Lao đao mưu sinh cùng gia
đình lúc này đã vào Nam, Hóa vẫn không hiểu sao số phận đẩy đưa anh trôi nổi mãi
cho đến hôm nay, 18 năm, bao nhớ nhung
nghi hoặc, bao hy vọng mong chờ một ngày
có điều kiện về tìm lại Hạnh. Tuổi xuân trôi đi trong các nông trường, công
trường, những cánh rừng âm u ngùn ngụt khói của rẫy nương và những hầm than …
Thời gian qua mau đem theo
những đổi thay không ngờ!
Hóa gần như tuyệt vọng.
*
Đêm sập xuống như bức màn đen phủ trong lòng Hóa, anh lững thững bước chầm chậm ra ngôi mộ đá ong, ngồi chỗ bờ thành ngày nào
hai đứa cùng ngồi, anh vẫn còn hình dung rõ ràng hình ảnh Hạnh, nụ hôn ngọt
ngào khi môi chạm môi…
Hạnh ơi, sao không chờ nhau
hả Hạnh?
Nước mắt Hóa cứ tuôn ra như
một chú bé thơ, đôi vai rung lên theo
từng tiếng nấc nghẹn ngào! Sự hối hận dày vò làm tim anh nhói lên, sao không tìm cách quay
về sớm hơn nhĩ!
Có tiếng bước chân thật khẽ đến
bên Hóa, anh nhìn lên, Tý đứng bên anh. Gương mặt ngày nào bé dại đã đổi thay
thành một thiếu phụ đẹp dịu dàng. Tý nhìn anh không nói. Trong đầu Hóa lóe lên
một câu hỏi bất ngờ “Sao chị em bạn dì lại giống nhau vậy nhĩ ?” Anh buột miệng
gọi tên như ngày xưa thường gọi khi Tý còn bé.
- Tý !?
- Mạ nói anh vô ăn cơm. Răng anh không đi luôn đi mà về mần chi?!
Hóa nắm tay Tý:
- Tý
cũng trách anh à? Anh khổ quá mà Tý!
- Thôi vô ăn kẻo mạ chờ!
Buông bàn tay hơi thô cứng,
Hóa đứng dậy cùng Tý vào nhà. Ngọn đèn
diện vàng võ soi bóng dì Thuận nghiêng nghiêng cô độc làm Hóa như ở trong một
cõi mơ hồ! Mâm cơm dọn sẵn cũng đơn sơ
như khung cảnh buồn bã của mất mát, đau thương…
- Mi có nhớ mặt hắn không
Hóa?
- Tý à, con nhớ chớ.
- Bựa ni đừng kêu hắn bằng
Tý nữa, giấy khai sinh hắn tên Trâm, mi kêu Tý hắn ghét lắm!
- Dạ, con thì ưng gọi Tý như
ngày xưa cho thân mật, mà vui nữa dì ạ.
Anh nhìn qua Tý, Tý cười,
gương mặt giờ đẹp và càng giống Hạnh hơn làm Hóa bối rối,
- Ưng rứa thì cứ kêu rứa,
chết ai mô mà sợ! Tý nói, giọng nói vui hơn lên với nụ cười vô tư.
*
Ngày ấy, khi còn ở Quảng Trị,
nhà không xa nhau là mấy nên Hóa và Danh
thường đến nhà nhau nằm nghe nhạc, chuyện trò hàng buổi. Hóa qua nhà Danh
thường hơn, sau lưng nhà Danh có một ngôi mộ hoang, lâu lâu ngày rằm, dì Thuận,
mạ Danh thắp nhang với một dĩa trái cây đơn sơ…Nơi đây cũng là nơi hai đứa
thường ôm đàn hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên và Tiền
chiến…
Tý là thứ tư trong nhà, hồi
ấy, nhà có bán một cái quán nho nhỏ, Tý đi học về là trông quán giúp mạ. Cô bé
còn nhỏ và mau miệng nên lắm lúc nói năng ngây ngô…Hóa nhớ có lần ngồi cả nhà,
dì Thuận hỏi vui:
- Hóa, mi với thằng Danh lớn
cả rồi, răng không thấy bồ bịch chi cả, cứ đeo nhau hoài rứa?
- Dạ, có ai ưng mô dì!
- Bây kén quá chớ con gái
chán chi!?
- Không biết ưng ai dì ạ!
Tý ngồi nghe, còn nhỏ lắm,
vọt miệng nói làm ai cũng phì cười:
- Ưng em đây cũng được nì!
Ngày mô cũng xin: “Cho anh hai điếu Ruby Tý; cho anh ca nước đá Tý… khi mô cũng
cho, rứa mà không ưng người ta!!!
Năm tháng qua đi với những
xáo trộn khôn lường!
Anh nhớ lại lúc chiều tối,
khi anh nắm bàn tay Tý hơi thô sần vì ngâm nước và cắt rau muống. Giọng nói
trong trẻo ngây thơ ngày xưa và trách hờn
hôm nay: “Ưng em đây cũng được nì…”. “Răng anh không đi luôn mà về mần chi ?!”
- Mi không dẫn thằng Hóa đi
chơi à Trâm, lâu rồi bữa ni hắn mới về
có biết chi Huế mô, để đó mạ dọn cho. Dì
thuận nói sau bữa ăn, không khí không còn u ám như khi mới ngồi vào bàn!
Tý nhìn Hóa, anh hơi bối rối vì ánh mắt dịu dàng:
- Hai quán cà phê Sương Lan và Dạ Thảo còn không Tý?
- Còn, mà không đẹp như trước mô, bỏ nhạc chi không à!
- Kệ, mình ra đó ngồi đi Tý,
ngày xưa anh và Danh ngồi triền miên ở đó, chừ thấy nhớ…
*
Hoa sứ rụng trắng ngôi mộ cổ
và ven đường, quán ngày xưa không còn thú vị vì ồn ào những chuyện làm ăn, đèn
sáng trưng, có cả những bàn mang rượu từ ngoài vào, khách khứa huyên thuyên.
Hóa và Tý lang thang một quãng
ngắn đọc đường Chi Lăng cũ rồi quay về, anh nhớ Hạnh, nhớ đôi tay Hạnh quấn lấy
cánh tay anh ngày xưa, bất giác, anh nắm bàn tay Tý…
- Răng không lấy chồng ?
- Không ai ưa mà cũng không ưa ai!
- Có nhớ hồi nhỏ nói gì không?
- Nhớ chớ, nhưng chừ lớn hết rồi !
Hóa vòng tay ghì Tý vào lòng, Tý đặt
hai bàn tay vào ngực anh, ngước mắt nhìn Hóa đợi chờ… Hóa đặt lên môi Tý nụ hôn
dài, ngọt ngào, nồng nàn và ấm áp. Tiếng ve râm ran trong tĩnh lặng êm đềm và
mùi hoa sứ dịu dàng…Những nụ hôn nối tiếp trong hạnh phúc chơi vơi…
- Tý có vô Nam
cùng anh không?
- Mạ đi thì …đi.
- Mình đưa mạ vô luôn.
- Anh có muốn lên Buôn Ma Thuột tìm thăm mộ Hạnh không?
- Vô trong đó ổn định rồi mình cùng đi nghe Tý.
- Dạ, anh tính khi mô đi?
- Mai đi thăm mộ anh Danh và dượng,
rồi chuẩn bị…Nhưng mình không tổ chức đám cưới à?
- Khỏi, bà con có ai mô mà bày vẽ!
- Em có buồn không?
-Không, lâu ni em chờ anh!!!
Hóa nghèn nghẹn trong cổ, anh muốn nói gì đó với Tý, nhưng đôi tay anh lại
ghì Tý mạnh hơn, một nụ hôn tưởng chừng bất tận, bù đắp cho những tháng năm dài
cô độc, thay cho những ngôn từ vô nghĩa!
Đêm ngọt ngào với những nụ hôn và mùi hoa sứ!
Tháng 09. 2012
T.H.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét